Tàu chở dầu Hà An bị chìm, ngao chết nổi trắng bãi biển Thái Bình

NDO - Sau vụ chìm tàu Hà An 01 chở hơn 1.000 tấn dầu DO của Công ty trách nhiệm hữu hạn đầu tư Thương mại và Vận tải Hà An xảy ra sáng 8/9 vừa qua, nhiều ngư dân tại huyện Thái Thụy và Tiền Hải (tỉnh Thái Bình) "đứng ngồi" không yên bởi trong phút chốc ngao chết hàng loạt do dầu loang trên biển.
0:00 / 0:00
0:00
Các cơ quan chức năng của huyện Thái Thụy và lãnh đạo xã Thái Đô (tỉnh Thái Bình) đi kiểm tra ngao chết ngày 11/9. (Ảnh cắt từ clip)
Các cơ quan chức năng của huyện Thái Thụy và lãnh đạo xã Thái Đô (tỉnh Thái Bình) đi kiểm tra ngao chết ngày 11/9. (Ảnh cắt từ clip)

Trực tiếp trao đổi với Báo Nhân Dân, ngư dân Lưu Văn Điểm, thôn Nam Duyên, xã Thái Đô (huyện Thái Thụy) buồn rầu nói: “9 giờ sáng ngày 8/9 chúng tôi nhận được thông tin tàu chở dầu chìm thì 22 giờ đêm chúng tôi có mặt ở hiện trường. Đến thấy ngao nổi gần như 100% trên mặt bãi, mới đầu anh em chưa hiểu vì lý do gì vì từ khi nuôi đến giờ không có hiện tượng này. Nhưng khi ngửi thấy mùi dầu và dẵm xuống bãi thấy dầu nổi lên thì mới phát hiện ra con ngao nó bị sốc dầu. Anh em có mang về mấy kg nhưng nấu lên không ăn được nữa”.

Ông Điểm cho hay, gia đình có khoảng 2ha bãi nuôi ngao thương phẩm, ước tính ngao chết khoảng 30%. Hiện nay, dầu vẫn còn trong đất, khi dẵm chân xuống vũng nước dầu vẫn còn nổi lên, nên sau này ngao chết như thế nào nữa gia đình ông vẫn chưa thể biết được.

Lứa ngao thịt của gia đình ông Điểm đã nuôi thả được 2 năm nay, dự kiến sang năm 2023 sẽ xuất bán. Bây giờ ông chỉ mong các cơ quan chức năng vào cuộc để xem có hình thức nào hỗ trợ thiệt hại, đồng thời xử lý triệt để ô nhiễm môi trường.

Tàu chở dầu Hà An bị chìm, ngao chết nổi trắng bãi biển Thái Bình ảnh 1

Ngao nổi trên bãi, há miệng do sốc dầu. (Ảnh người dân cung cấp)

Cùng chung nỗi âu lo do bỗng nhiên ngao nổi trắng bãi, há miệng chết, ông Phạm Văn Thăng, trú tại thôn Minh Châu, xã Đông Minh (huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình) cho biết: “Tôi là hộ dân đang nuôi ngao tại bãi triều, thuộc xã Thái Đô, xã Thái Thượng, huyện Thái Thụy. Do tàu chở dầu Hà An 01 bị đắm và tràn dầu đã làm ô nhiễm môi trường quanh vùng bãi biển nơi chúng tôi nuôi thả ngao, dẫn đến ngao chết hàng loạt”.

Ông Thăng thông tin thêm, gia đình có tổng diện tích nuôi ngao 27ha, bao gồm: 12ha ngao giống và 15ha ngao thịt đang chuẩn bị thu hoạch. Qua tính toán, trung bình mỗi 1ha gia đình ông Thăng đã đầu tư vào khoảng 792 triệu, bây giờ ngao chết trung bình từ 30-35% thì thiệt hại là rất lớn, ước tính khoảng 6 tỷ đồng.

Ông Thăng ngậm ngùi: “Hôm qua Phòng Nông nghiệp huyện, lãnh đạo xã Thái Đô, công an xã và đồn Biên phòng ra ghi nhận thì ngao đã nằm trắng sát trên mặt bãi. Khi móc đất lên dầu dính vào tay và dùng chân dẵm nhẹ thì váng dầu cũng nổi lên. Mang con ngao về nấu không ăn được”.

Các ngư dân có kinh nghiệm trên biển cho biết, khi tàu chìm sẽ đẩy dầu lên hết mặt nước và gió đông tiếp tục đẩy dầu đi. Hiện nay, không chỉ khu vực các xã thuộc huyện Thái Thụy bị ô nhiễm, mà dầu đã bị đẩy sang huyện Tiền Hải.

Tàu chở dầu Hà An bị chìm, ngao chết nổi trắng bãi biển Thái Bình ảnh 2

Bãi nuôi ngao của các hộ dân ở xã Thái Đô (huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình), ngao bắt đầu ngoi lên nổi trắng, thiệt hại chưa thể tính toán được. (Ảnh người dân cung cấp)

Trong sáng 12/9, xã Đông Long, Đông Hoàng (huyện Tiền Hải) ghi nhận có hiện tượng dính dầu, ngao bắt đầu ngoi lên trên mặt bãi, thiệt hại chưa thống kê được.

Để khẳng định chính xác nguyên nhân ngao chết có phải do sự cố tràn dầu của tàu Hà An 01 hay không, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thái Bình cho biết: Đơn vị đã lấy mẫu xét nghiệm ngày 10/9 và đến ngày 14/9 sẽ có kết quả.

Tuy nhiên, căn cứ theo công văn hỏa tốc số 3241 ngày 8/9/2022 do ông Lại Văn Hoàn, phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình ký gửi Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, về việc hỗ trợ cứu nạn tàu Hà An 01 bị chìm thì việc tràn dầu là có thật, bởi nội dung công văn này đã khẳng định: “Tàu đã chìm và có hiện tượng tràn dầu; công tác ứng cứu sự cố vượt quá khả năng của tỉnh”.

Được biết, trong ngày mai (13/9), Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thái Bình sẽ trực tiếp về kiểm tra, khảo sát và nắm bắt thực tế tại các khu vực nuôi ngao trên địa bàn các xã ven biển để đánh giá thiệt hại, từ đó có phương án phục hồi sản xuất lâu dài cho ngư dân.