Tập trung nguồn lực xây dựng nông thôn mới

Thời gian qua, huyện Ba Vì (Hà Nội) tập trung chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc các xã triển khai xây dựng xã nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu. Hiện nay, huyện đã hoàn thiện các hồ sơ liên quan, chờ Trung ương thẩm định, công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới.
0:00 / 0:00
0:00
Một góc xã nông thôn mới Cổ Đô, huyện Ba Vì, Hà Nội.
Một góc xã nông thôn mới Cổ Đô, huyện Ba Vì, Hà Nội.

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Ba Vì Đỗ Quang Trung, đến hết năm 2021, toàn huyện có 30/30 xã được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới, một xã được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Năm 2022, huyện tiếp tục chỉ đạo các xã Sơn Đà, Tản Hồng, Vạn Thắng tập trung xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Ngày 25/11/2022, Hội đồng thẩm định thành phố đã thẩm tra hồ sơ, đánh giá chấm điểm các xã nêu trên đều đủ điều kiện xét đề nghị công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

Như vậy, năm 2022, trên địa bàn huyện có thêm ba xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, nâng tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao lên 4/30 xã.

Có được những thành quả này là nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị trong lãnh đạo, chỉ đạo; coi trọng công tác đào tạo, tập huấn nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thực hiện xây dựng nông thôn mới, đáp ứng nhu cầu, nhiệm vụ được giao; đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức về xây dựng nông thôn mới cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức và nhân dân bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng, tạo sức lan tỏa; làm tốt công tác thi đua khen thưởng, kịp thời biểu dương, động viên các tổ chức, cá nhân có thành tích tiêu biểu trong xây dựng nông thôn mới.

Năm 2022, trên địa bàn huyện Ba Vì có thêm ba xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, nâng tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao lên 4/30 xã.

Trong quá trình triển khai xây dựng nông thôn mới, huyện đã xác định tầm quan trọng của việc thực hiện tiêu chí môi trường nhằm không ngừng nâng cao đời sống tinh thần, tạo cảnh quan môi trường nông thôn xanh-sạch-đẹp.

Theo đó, với mô hình “Xây dựng và giữ gìn thôn, xóm, ngõ sáng, xanh, sạch, đẹp và an toàn”, các xã, thị trấn trên địa bàn huyện đã thực hiện tốt phong trào “Vì môi trường xanh-sạch-đẹp”; “Không đổ rác, phế thải ra đường và nơi công cộng”. Tại các đoạn đường tự quản trục đường chính ở khu dân cư, khu di tích lịch sử đã chú trọng trồng, chăm sóc, duy trì bảo vệ cây xanh, hoa, cảnh quan.

Ngoài ra, các xã còn tích cực xây dựng các mô hình mới như: “Con đường bích họa” với tổng diện tích 53.786m2, 40.866 hộ gia đình tham gia thực hiện phân loại rác hữu cơ tại nhà; chỉnh trang, tu sửa 116.107m2 tường bao, hàng rào bảo đảm mỹ quan.

Với mô hình “đoạn đường phụ nữ nở hoa”, đến nay, 31/31 Hội Phụ nữ xã, thị trấn đã trồng được 409 đoạn đường theo mô hình này, với chiều dài mỗi đoạn tối thiểu 200m trở lên.

Từ mô hình “đoạn đường phụ nữ nở hoa” do Hội Phụ nữ triển khai thực hiện đã tạo sức lan tỏa, nhiều đoàn thể chính trị-xã hội đã học tập và phát động làm theo, góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn mới của địa phương. Từ đó, ý thức, trách nhiệm của cán bộ, hội viên phụ nữ và nhân dân về bảo vệ môi trường ngày càng được nâng cao.

Bên cạnh đó còn có mô hình “Hàng cây nông dân” của Hội Nông dân các cấp cũng đã góp phần cải tạo cảnh quan, bảo vệ môi trường nông thôn. Thành công của các mô hình này đã góp phần thực hiện hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu trên địa bàn huyện.

Để thúc đẩy phát triển kinh tế tại các xã, thị trấn trên địa bàn, huyện Ba Vì tập trung thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Trong giai đoạn 2021-2022, huyện có 91 sản phẩm được công nhận đạt từ 3 sao trở lên. Dự kiến, hết năm 2023 có thêm hơn 20 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP (nâng tổng số sản phẩm OCOP của toàn huyện lên hơn 158 sản phẩm, tính từ năm 2019).

Nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ cho các sản phẩm OCOP, huyện phối hợp Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch Hà Nội tổ chức thành công Chương trình Festival nông sản, sản phẩm OCOP gắn kết du lịch Hà Nội năm 2022 trên địa bàn huyện Ba Vì; hướng dẫn các chủ thể tham gia hội chợ xúc tiến thương mại trong và ngoài huyện; hỗ trợ mở và duy trì hoạt động ba điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn (Siêu thị Lực Tiến, xã Chu Minh; Nhà hàng Xứ Đoài và Hợp tác xã Khánh Phát, xã Tản Lĩnh)...

Là một xã đang phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, xã Cổ Đô, huyện Ba Vì nỗ lực tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn, bảo vệ môi trường, xây dựng cơ sở văn hóa... Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Cổ Đô Nguyễn Minh Đức cho biết: Hiện xã có ba sản phẩm OCOP 3 sao, gồm: rượu Cò Trắng, rượu Cổ Sơn Tra, rượu Thủy Thiên Mộc. Trong kế hoạch phát triển sản phẩm OCOP xã Cổ Đô năm 2023, xã đã đăng ký với Văn phòng Điều phối nông thôn mới huyện Ba Vì hai sản phẩm: bún Cổ Đô và rượu Vương Hồng Tằm tham gia đánh giá phân hạng sản phẩm.

Theo Văn phòng Điều phối nông thôn mới Hà Nội, ngày 29/8/2022, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã có Quyết định 3098/QĐ-UBND về việc ban hành bộ tiêu chí xã nông thôn mới, xã nông thôn mới nâng cao và xã nông thôn mới kiểu mẫu thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2022.

Theo đó, để đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao, xã Cổ Đô đang tiến hành rà soát các tiêu chí nông thôn mới nâng cao theo bộ tiêu chí, đồng thời đánh giá hiện trạng các tiêu chí của xã để lập kế hoạch chi tiết triển khai thực hiện. Xã cũng phối hợp với Văn phòng Điều phối nông thôn mới huyện Ba Vì, các phòng, ban chức năng tiến hành rà soát, đánh giá, lập danh mục các dự án cần đầu tư đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao xã Cổ Đô giai đoạn 2023-2025, trình Ủy ban nhân dân huyện Ba Vì đề nghị đưa vào kế hoạch đầu tư trung hạn, kế hoạch xây dựng nông thôn mới để bố trí nguồn vốn.