Ông Ngô Sơn Hải, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết: Bão số 4 đã gây ra 5 sự cố trên các đường dây 500kV; 7 sự cố đường dây 220kV; 16 sự cố đường dây 110kV và 10 trạm biến áp (TBA) 110kV. Về lưới điện phân phối, bão số 4 và hoàn lưu bão gây mưa lớn gây sự cố làm mất điện nhiều khu vực từ Quảng Bình đến Phú Yên và Tây Nguyên. Tổng công suất bị gián đoạn cung cấp điện là 673MW, chiếm gần 23% tổng công suất tiêu thụ điện ở miền trung.
Khi bão số 4 vào Biển Đông, Tổng Công ty Điện lực miền trung (EVNCPC) tổ chức họp khẩn và kích hoạt ngay phương án phòng, chống bão tại tất cả các đơn vị, chuẩn bị vật tư dự phòng; tổ chức chằng chống nhà làm việc, nhà kho, bảo quản vật tư ngoài trời; phối hợp chính quyền các địa phương chặt tỉa cây xanh, bảo vệ hành lang tuyến, góp phần giảm thiểu sự cố do bão.
Công nhân dầm mình trong nước để khắc phục sự cố lưới điện ở Hội An, Quảng Nam. (Ảnh: Hoàng Thạch) |
Lãnh đạo EVNCPC tổ chức các đoàn kiểm tra thực địa, trực tiếp chỉ đạo công tác ứng phó mưa bão. Các đơn vị thuộc EVNCPC thành lập 28 đội xung kích với hơn 800 kỹ sư, công nhân, 101 phương tiện, 688 trang bị an toàn, dụng cụ thi công, 187 cột sắt lắp ghép… sẵn sàng khắc phục sự cố hệ thống điện.
EVNCPC cũng đề nghị ngành viễn thông cung cấp các kênh dự phòng để điều hành hệ thống thông tin liên lạc, kiểm tra và đưa vào vận hành máy phát điện dự phòng phục vụ điều hành phòng, chống bão của Ban chỉ đạo tiền phương đặt thành phố Đà Nẵng, tái lập ca trực cho TBA 110kV tự động, sẵn sàng xử lý sự cố.
Các lực lượng công an, dân quân hỗ trợ ngành điện dựng điện bị gãy đổ tại xã vùng cao Ba Trang, huyện miền núi Ba Tơ, Quảng Ngãi. (Ảnh: Hiển Cừ) |
Sáng sớm 28/9, ngay khi gió vừa giảm, EVNCPC lập 3 đoàn công tác đi kiểm tra thực tế và trực tiếp chỉ đạo xử lý sự cố lưới điện với tinh thần khẩn trương, sớm khôi phục điện phục vụ khách hàng, đồng thời đảm bảo tuyệt đối an toàn cho người và thiết bị.
Để hỗ trợ các đơn vị bị thiệt hại nặng, EVNCPC huy động các Công ty Điện lực Quảng Bình, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Công ty Dịch vụ điện lực miền Trung, mỗi đơn vị cử hai đội xung kích với phương tiện chuyên chở và phương tiện thi công hỗ trợ khắc phục sự cố tại hai địa bàn thiệt hại nặng nhất là Quảng Nam và Quảng Ngãi.
Anh Hà Văn Đoài, Đội trưởng đội xung kích phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Công ty Điện lực Quảng Bình có mặt tại Quảng Nam từ trưa 28/9 để hỗ trợ khắc phục lưới điện cho biết: “Dù địa hình xử lý sự cố sau bão tại địa bàn Hội An, Quảng Nam khá phức tạp, nhiều chỗ đường dây, cột điện hư hỏng ở nơi nước ngập sâu nhưng đội xung kích chúng tôi đã khẩn trương khảo sát địa hình, lên phương án xử lý, phân công thành các nhóm, tổ để dựng cột, nối dây, kiểm tra TBA… Anh em công nhân không quản nắng mưa, thi công liên tục cả trưa, tối…, ăn cơm hộp ngay tại hiện trường để tranh thủ thời gian, sớm khắc phục sự cố, cấp điện trở lại trong thời gian sớm nhất phục vụ sản xuất và sinh hoạt của nhân dân”.
Thu dọn cây xanh ngã đổ vào đường điện ở khu kinh tế Dung Quất, Quảng Ngãi. (Ảnh: Hiển Cừ) |
Có mặt tại Hội An để trực tiếp chỉ đạo công tác khắc phục sự cố, Phó Giám đốc Công ty Điện lực Quảng Nam Võ Anh Hùng chia sẻ: Là nơi tâm bão đổ bộ, hệ thống điện Quảng Nam thiệt hại nặng nề, mất điện trên diện rộng, gần 450.000 khách hàng ở 221 xã, phường, thị trấn (chiếm 97% tổng số khách hàng) bị mất điện kéo dài, chỉ riêng thiệt hại về cột, dây, TBA lên đến hàng chục tỷ đồng.
Với tinh thần khẩn trương, rạng sáng 28/9, ngay sau khi bão giảm, công ty đã huy động toàn bộ nhân lực với hơn 1.000 người, 28 phương tiện cẩu, tải, xe múc; chuẩn bị số lượng lớn cột điện sắt lắp ghép, cột điện bê-tông, cùng sự hỗ trợ của các đơn vị với 182 cán bộ, công nhân, 16 xe nâng-cẩu-tải của bốn Công ty Điện lực Quảng Bình, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông tập trung khắc phục sự cố lưới điện tại những địa bàn thiệt hại nặng nhất như Hội An, Tam Kỳ, Điện Bàn, Quế Sơn, Duy Xuyên, Núi Thành, Tiên Phước.
Trong ngày 28/9, đơn vị ưu tiên khôi phục cấp điện các phụ tải quan trọng như trụ sở làm việc của chính quyền, trung tâm hành chính, bệnh viện, các cơ quan báo chí, công an, quân đội, nhà máy nước, các công trình điện phục vụ phòng chống thiên tai…
Kiểm tra khảo sát việc sửa chữa lưới điện sau bão, ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu các cơ quan chức năng của tỉnh và các địa phương chủ động huy động lực lượng hỗ trợ ngành điện thu dọn cây cối ngã đổ vào đường dây, cột, TBA… để ngành điện tập trung nhân lực dựng cột, sửa chữa đường dây, TBA… sớm khôi phục, cấp điện trở lại.
Điện lực Đà Nẵng triển khai khắc phục sự cố do bão ngay khi gió vừa giảm. (Ảnh: Thanh Tùng). |
Ông Đoàn Đạt Ninh, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Trường Hải tại Khu kinh tế Chu Lai cho biết, từ 3 giờ 30 phút ngày 28/9, cả 30 nhà máy của công ty bị mất điện. Nhờ sự khẩn trương, tích cực của Công ty Điện lực Quảng Nam trong tổ chức kiểm tra, khắc phục sự cố, đến 9 giờ 30 phút sáng, ba nhà máy đầu tiên đã có điện để hoạt động trở lại, đến đầu giờ chiều 28/9, toàn bộ các nhà máy của Trường Hải đều có điện trở lại để sản xuất.
Tại Quảng Ngãi, bão số 4 gây sự cố mất điện tại nhiều địa phương, làm hơn 63% khách hàng bị ảnh hưởng. Riêng huyện đảo Lý Sơn và Trà Bồng bị mất điện hoàn toàn do hàng trăm cột điện trung thế, hạ thế bị gãy đổ, hai TBA hư hỏng, hàng trăm đoạn dây điện bị đứt, hư hỏng. Với quyết tâm bảo đảm cho 100% khách hàng trên địa bàn tỉnh sớm có điện trở lại, Công ty Điện lực Quảng Ngãi đã huy động tổng lực lượng, phương tiện, thiết bị khẩn trương khắc phục nhanh các sự cố lưới điện. Hàng trăm công nhân dầm mình trong mưa lũ, lội qua những tuyến đường sạt lở, làm việc liên tục cả trưa, tối để thu dọn cây cối bị gẫy đổ, khắc phục các sự cố trên lưới, sớm cung cấp điện trở lại cho người dân toàn tỉnh.
Điện lực Quảng Nam tập trung nguồn lực khắc phục sự cố do bão. (Ảnh: Tấn Nguyên) |
Phó Giám đốc Công ty Điện lực Thừa Thiên Huế Hoàng Ngọc Hoài Quang cho biết, đến chiều 29/9, công ty đã khôi phục cấp điện cho hơn 300 nghìn khách hàng. Để bảo đảm an toàn, Công ty đã huy động nhân viên vừa khắc phục sự cố, vừa kiểm tra các nhánh rẽ, hệ thống dây sau công tơ, khi đã bảo đảm an toàn mới đóng điện trở lại. Hiện đơn vị đang nỗ lực sửa chữa, đóng điện phục vụ hơn 1.000 khách hàng còn lại trong ngày 30/9 ở những khu vực bị sạt lở, chia cắt, địa hình hiểm trở, nước sâu…, cố gắng khắc phục để cấp điện trở lại trong thời gian sớm nhất.
Tổng Giám đốc EVNCPC Ngô Tấn Cư cho biết, nhờ chủ động làm tốt công tác chuẩn bị, có sự hỗ trợ, chỉ đạo của Tập đoàn và chính quyền, ngành chức năng các địa phương, đến chiều ngày 29/9, EVNCPC đã khôi phục cấp điện cho hơn 1,51 triệu khách hàng trong tổng số 1,78 triệu khách hàng bị mất điện, đạt tỷ lệ 85% khách hàng bị mất điện do bão.
Sửa chữa lưới điện hư hỏng do bão ở Đà Nẵng ngay khi bão vừa tan. (Ảnh: Thanh Tùng). |
Toàn Tổng công ty hiện còn 2.172 TBA đang mất điện (4,4%) với 266.669 khách hàng chưa có điện, chủ yếu tập trung ở 147 xã miền núi của tỉnh Quảng Nam. Ở những địa bàn này, EVNCPC tiếp tục huy động thêm phương tiện, nhân lực, tập trung khắc phục đường giao thông hư hỏng để đưa phương tiện, thiết bị, vật tư đến hiện trường phục vụ công tác sửa chữa đường dây, TBA… với mục tiêu hoàn thành việc cấp điện trở lại phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân, đồng thời sẵn sàng ứng phó những đợt bão, lũ sắp tới.