Tạo tiền đề thúc đẩy xã hội hóa giáo dục

Năm học 2023-2024, tổng số học sinh tại Thành phố Hồ Chí Minh tăng khoảng 35 nghìn so với năm học 2022-2023. Những năm trước đó, do dân số cơ học tăng nhanh, bình quân mỗi năm tại địa phương này tăng thêm hàng chục nghìn học sinh.
0:00 / 0:00
0:00
Học sinh tham quan Bảo tàng Lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh.
Học sinh tham quan Bảo tàng Lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh.

Mặc dù thành phố luôn xem giáo dục là mục tiêu phát triển hàng đầu, ngân sách dành cho giáo dục luôn được xem xét ưu tiên tăng theo từng năm (hiện chiếm khoảng 28% ngân sách chi thường xuyên và 20% ngân sách đầu tư xây dựng cơ bản của thành phố), nhưng mỗi khi bước vào năm học mới, vấn đề trường lớp, trang thiết bị dạy và học lại tạo áp lực không nhỏ để bảo đảm mục tiêu phát triển toàn diện của ngành giáo dục thành phố.

Với mong muốn tạo thêm tiền đề thu hút đầu tư xây dựng mạng lưới trường lớp, đầu tư trang thiết bị dạy và học, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ phát triển giáo dục và đào tạo, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh vừa ban hành Quyết định số 3776/QĐ-UBND phê duyệt Đề án "Xã hội hóa phát triển lĩnh vực giáo dục và đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2023-2025, tầm nhìn đến năm 2030".

Theo đó, quan điểm và định hướng của thành phố trong việc xã hội hóa phát triển giáo dục và đào tạo là nhằm phát huy tiềm năng về trí tuệ và vật chất trong nhân dân, huy động toàn xã hội chăm lo sự nghiệp giáo dục, tạo điều kiện để toàn xã hội, các đối tượng chính sách, người nghèo được hưởng thụ thành quả giáo dục ở mức độ ngày càng cao.

Thực hiện xã hội hóa cũng hướng đến đa dạng hóa các loại hình giáo dục, phát triển mạnh các cơ sở giáo dục ngoài công lập, mở rộng liên kết, hợp tác với nước ngoài và phát triển hợp lý cơ sở giáo dục do nước ngoài đầu tư 100% vốn; khuyến khích đầu tư trong và ngoài nước bằng nhiều hình thức phù hợp với quy hoạch phát triển, yêu cầu và đặc điểm của giáo dục…

Đề án cũng đặt ra mục tiêu cụ thể là thực hiện xây dựng kế hoạch xây trường mầm non theo mô hình xã hội hóa tại các cụm, khu công nghiệp cho con em công nhân; khuyến khích các doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế, xã hội và nhân dân đóng góp kinh phí, đất đai để xây dựng trường mầm non đạt chuẩn. Chuyển các cơ sở giáo dục công lập trung học phổ thông có nguồn thu sự nghiệp và đủ điều kiện sang hoạt động theo cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế tài chính...

Tính đến nay, toàn thành phố có hơn 2.710 cơ sở giáo dục đào tạo, hơn hai triệu học sinh, sinh viên. Những năm qua, nguồn kinh phí từ xã hội hóa của các doanh nghiệp, đơn vị, cá nhân đầu tư cho phát triển giáo dục và đào tạo tăng lên đáng kể. Hệ thống các cơ sở giáo dục ngoài công lập đã được xây mới, cải tạo sửa chữa, tăng cường đầu tư trang bị cơ sở vật chất… góp phần nâng cao các hoạt động giáo dục toàn diện, đẩy mạnh sự nghiệp phát triển giáo dục của thành phố.

Theo thống kê, trong các nguồn kinh phí đầu tư cho sửa chữa, xây dựng trường lớp (khối công lập), ngân sách nhà nước chiếm khoảng 60%, vốn vay từ quỹ đầu tư và từ các nguồn khác khoảng 15% và vốn xã hội hóa chiếm 25%. Giai đoạn 2016-2022, hệ thống trường lớp ngoài công lập đã thành lập mới 30 trường với 503 lớp, tổng số tiền đầu tư khoảng 440 tỷ đồng. Cùng với đó, ngoài học phí, cha mẹ học sinh đã tự nguyện đóng góp nguồn kinh phí không nhỏ để tài trợ hoạt động dạy và học, trang bị cơ sở vật chất để mua sắm trang thiết bị, sửa chữa trường, lớp học...

Tuy nhiên, cần thẳng thắn nhìn nhận, xã hội hóa giáo dục tại thành phố chưa tương xứng với tiềm năng và chưa huy động được tổng thể các nguồn lực để phát triển giáo dục và đào tạo của thành phố. Các cơ sở ngoài công lập tuy tăng nhanh về số lượng nhưng nhìn chung quy mô còn nhỏ bé, cơ sở vật chất còn hạn chế, phát triển không đồng đều, chủ yếu tập trung ở nội thành, nơi đông dân cư...

Để thực hiện mục tiêu xã hội hóa giáo dục thành công, điều quan trọng đầu tiên phải nâng cao nhận thức về vai trò của công tác xã hội hóa giáo dục đến với các tổ chức, nhân dân. Giải thích rõ việc xã hội hóa giáo dục là hướng phát triển có tính chiến lược lâu dài của Đảng nhằm điều chỉnh được các nhận thức sai lệch, phiến diện và sai lầm về công tác xã hội hóa giáo dục.

Đồng thời, ngành giáo dục phải xây dựng các mô hình điểm về xã hội hóa giáo dục, từ đó nhân rộng ra trên địa bàn; đổi mới về phân bổ ngân sách nhà nước trong lĩnh vực giáo dục, đầu tư của Nhà nước có trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải; ưu tiên các vùng còn khó khăn của thành phố, quan tâm hơn nữa đến việc tạo điều kiện và hỗ trợ các đối tượng chính sách, người nghèo được học tập…