Tạo sức bật cho du lịch châu Á

Ngành du lịch toàn cầu đang tăng trưởng trở lại với tốc độ nhanh hơn dự báo ở tất cả khu vực trên thế giới, trong đó châu Á là điểm sáng. Ðể tiếp thêm động lực phát triển cho ngành công nghiệp không khói, hàng loạt nước châu Á đã công bố chương trình miễn thị thực nhằm thu hút du khách nước ngoài.
0:00 / 0:00
0:00
Đảo Nami, Hàn Quốc. (Ảnh: Tổng cục Du lịch Hàn Quốc)
Đảo Nami, Hàn Quốc. (Ảnh: Tổng cục Du lịch Hàn Quốc)

Thời gian qua, nhiều nước châu Á đã nhanh chóng bắt nhịp trên đường đua hồi sinh ngành du lịch sau đại dịch Covid-19 với chính sách thị thực thông thoáng.

Malaysia thông báo miễn thị thực nhập cảnh 30 ngày cho du khách đến từ Trung Quốc và Ấn Ðộ, từ đầu tháng 12/2023 đến hết năm 2024. Chính phủ Hàn Quốc tuyên bố mở rộng danh sách các quốc gia được miễn phí thị thực điện tử theo đoàn đối với Việt Nam, Philippines và Indonesia trong năm 2024.

Chính sách thị thực thông thoáng đã bước đầu mang lại “trái ngọt” cho một số nền kinh tế châu Á.

Sri Lanka cũng công bố chương trình miễn thị thực có hiệu lực đến ngày 31/3/2024 với du khách đến từ 7 quốc gia gồm Trung Quốc, Ấn Ðộ, Nga, Nhật Bản, Thái Lan, Indonesia và Malaysia nhằm thúc đẩy phục hồi du lịch và đặt mục tiêu thu hút 5 triệu lượt du khách nước ngoài vào năm 2026. Nhiều nước châu Á cũng triển khai chính sách thị thực theo hướng linh hoạt, cởi mở hơn, nhằm tạo sức bật cho ngành du lịch.

Chính sách thị thực thông thoáng đã bước đầu mang lại “trái ngọt” cho một số nền kinh tế châu Á. Cơ quan quản lý sân bay Thái Lan nhấn mạnh, chương trình miễn thị thực trong mùa cao điểm đã góp phần làm tăng đáng kể lượng du khách đến Xứ sở Chùa vàng.

Bộ Du lịch và Thể thao Thái Lan khẳng định, chính sách miễn thị thực mang lại cơ hội chưa từng có cho ngành du lịch nước này. Từ đầu năm đến nay, Thái Lan đón khoảng 23,88 triệu lượt du khách quốc tế. Chính sách miễn thị thực cũng góp phần mở ra triển vọng đưa ngành công nghiệp không khói của nhiều nước châu Á cất cánh trong năm 2024.

Hàn Quốc đặt mục tiêu đón hơn 20 triệu du khách nước ngoài vào năm tới, với mức doanh thu 24,5 tỷ USD. Tổng cục Du lịch Thái Lan dự kiến đón 35 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2024.

Giới phân tích cho rằng, du lịch là một trong số những ngành mang lại nguồn thu ngoại tệ hàng đầu cho nhiều nước châu Á. Ðối với một số nước, du lịch được xem là trụ cột của nền kinh tế.

Theo Ngân hàng Trung ương Malaysia, doanh thu du lịch chiếm 14% GDP trong năm 2022 và là một trong những ngành đóng góp lớn nhất cho nền kinh tế Malaysia.

Trong khi đó, tại Thái Lan, trước khi dịch Covid-19 bùng phát, doanh thu từ du lịch chiếm gần 20% GDP. Vì vậy, ngay sau khi mở cửa trở lại sau đại dịch Covid-19, nhiều nước đã nhanh chóng khởi động lại ngành công nghiệp quan trọng này.

Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO) cho biết, trong 9 tháng từ đầu năm 2023, du lịch quốc tế đã phục hồi 87% so mức trước đại dịch Covid-19 và doanh thu dự kiến lên tới 1.400 tỷ USD trong năm nay.

Tổng Thư ký UNWTO Zurab Pololikashvili nhấn mạnh, dữ liệu mới nhất là minh chứng cho sự phục hồi đáng kể của ngành du lịch quốc tế, mở ra triển vọng tích cực cho các điểm đến và doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch. UNWTO nhận định, bất chấp những thách thức kinh tế cũng như xung đột và căng thẳng địa chính trị, năm 2024, du lịch quốc tế có thể khôi phục mức trước đại dịch. Trong bối cảnh đó, chính sách miễn thị thực được coi là chìa khóa quan trọng để các nước có được lợi thế cạnh tranh, mở ra cơ hội bứt phá cho ngành du lịch.

Giám đốc điều hành Hội đồng Du lịch và Lữ hành Thế giới Julia Simpson chia sẻ, du lịch đang tăng trưởng nhanh hơn gấp hai lần tốc độ tăng trưởng GDP toàn cầu. Ðến năm 2033, ngành công nghiệp không khói được dự báo trở thành ngành kinh tế trị giá 15.500 tỷ USD, chiếm hơn 11,6% quy mô kinh tế toàn cầu, tạo việc làm cho 430 triệu người. Việc nới lỏng hơn nữa chính sách thị thực góp phần “tiếp lửa” cho sự phục hồi của du lịch sau đại dịch Covid-19, giúp các nước không chậm chân trong cuộc đua phát triển ngành kinh tế quan trọng này.