Tác động của du lịch quá mức
Vừa qua, Nhật Bản đã liên tục cảnh báo tình trạng chân núi Phú Sĩ ngập rác, ùn tắc giao thông, khách du lịch không có chỗ nghỉ… đang diễn ra mỗi ngày tại đây. Theo National Geographic, mùa leo núi hằng năm ở Phú Sĩ bắt đầu từ tháng 7 và kéo dài chỉ vài tháng. Trong năm nay, ngọn núi này đã thu hút khoảng 65.000 người đi bộ đường dài, tăng 17% so năm 2019. Ông Yasuyoshi Okada, Chủ tịch Hội đồng Di tích và Di chỉ quốc tế tại Nhật Bản (ICOMOS) cho biết, để bảo tồn sự linh thiêng và giá trị của núi Phú Sĩ cần phải giải quyết dứt điểm tình trạng quá tải du lịch như hiện nay.
Không chỉ ngọn núi Phú Sĩ ở Nhật Bản, ngày càng nhiều địa điểm trên thế giới đang đối mặt tình trạng quá tải khách du lịch trong những tháng cao điểm. Tháng 8 vừa qua, hơn 100 cư dân ở làng Hallstatt của Áo đã yêu cầu chính quyền địa phương phải giới hạn số lượng du khách hằng ngày cũng như đối với các chuyến xe du lịch đến. Hallstatt chỉ có 800 cư dân nhưng đã mở cửa đón khoảng 10.000 du khách mỗi ngày, khiến mật độ tăng hơn 1.000%.
Cùng tình cảnh làn sóng du khách đổ về, người dân địa phương ở Venice (Italy) đã đấu tranh trong suốt một thời gian dài để yêu cầu lệnh cấm tàu du lịch. Vào năm 2021, các tàu du lịch lớn trọng tải hơn 25.000 tấn đã bị cấm vào kênh Giudecca ở Venice, những chuyến phà chở khách và tàu chở hàng nhỏ hơn mới được phép cập cảng.
Tại Pháp, Câu lạc bộ du thuyền Marseille Provence đã giới thiệu hệ thống quản lý luồng hành khách đi tàu vào năm 2020, nhằm giảm bớt tình trạng tắc nghẽn chung quanh Nhà thờ Đức Bà nổi tiếng. Trong khi đó, ở Orkney (Scotland) vào đầu năm 2023, địa phương xác nhận đã lên kế hoạch đón 214 chuyến tàu du lịch trong năm, mang lại doanh thu khoảng 15 triệu bảng Anh cho quần đảo. Song, do phản ứng dữ dội từ người dân địa phương, giới chức đã đề xuất kế hoạch hạn chế số lượng tàu du lịch cập cảng.
Thuật ngữ “quá tải du lịch” xuất hiện trong vòng khoảng 10 năm trở lại đây, chỉ ra tình trạng số lượng du khách ngày càng tăng gây thiệt hại cho các thành phố, địa danh và cảnh quan. Khi ngành du lịch trên toàn thế giới quay trở lại mức trước đại dịch, nhiều điểm đến phụ thuộc vào thu nhập do du lịch mang lại vẫn quan tâm đến số lượng khách đến. Tuy nhiên cũng có một số thành phố và địa điểm lớn hiện áp đặt các lệnh cấm theo khung thời gian, phạt tiền, hoặc tính thuế để hạn chế số lượng khách du lịch.
Núi Phú Sĩ của Nhật Bản đang đón tiếp lượng du khách ngày càng lớn. Ảnh: KYODO NEWS |
Những giải pháp đang thực hiện
Quá tải du lịch có thể gây ra những tác động sâu rộng, chẳng hạn các rạn san hô đối mặt nguy cơ suy thoái do nhiều du khách lặn biển cũng như các tàu du lịch neo đậu trong vùng biển. Ngoài ra, lượng khí thải carbon liên quan vận tải từ du lịch vào năm 2030 dự kiến sẽ tăng 25% so mức của năm 2016. Theo Tổ chức Du lịch thế giới LHQ (UN WTO), nhiều vấn đề khác cũng đang ảnh hưởng đến người dân địa phương như giá cả tăng vọt, hàng dài xếp hàng ở các điểm công cộng, bãi biển đông đúc, tiếng ồn quá mức... Khi du khách và giá nhà cho thuê tăng cao, khách du lịch đông hơn cư dân địa phương làm mất dần những yếu tố truyền thống.
Quá đông đúc là một vấn đề đối với cả người dân địa phương và khách du lịch. Với khách du lịch, điều này phá hỏng trải nghiệm tham quan khi phải chờ đợi trong hàng dài, không được đến thăm bảo tàng, phòng trưng bày hay những địa điểm có tiếng nếu không đặt trước; phát sinh chi phí leo thang cho những dịch vụ cơ bản như đồ ăn, đồ uống, khách sạn...
Theo AFP, công ty khởi nghiệp của Pháp Murmuration, chuyên theo dõi tác động môi trường của du lịch bằng cách sử dụng dữ liệu vệ tinh cho biết, 80% du khách chỉ ghé thăm 10% các điểm đến du lịch trên thế giới, nghĩa là một số ít địa điểm phải tiếp nhận một số lượng khách đông đảo. UN WTO dự đoán rằng, đến năm 2030, số lượng khách du lịch trên toàn thế giới có thể lập đỉnh mới ước tính là 1,8 tỷ so con số 1,5 tỷ người vào năm 2019.
Đối mặt vấn đề này, một số địa phương trên thế giới đã ban hành quy định đánh thuế hoặc thu phí ở những điểm quá tải. Chẳng hạn, giới chức Barcelona (Tây Ban Nha) đã tăng thuế lưu trú vào ban đêm từ tháng 4 năm nay, trước đó quy định áp dụng lần đầu vào năm 2012 tùy theo loại chỗ ở. Tại Amsterdam (Hà Lan), hội đồng thành phố đang thảo luận việc cấm tàu du lịch. Chính quyền Rome (Italy) đã hạn chế người ngồi tại các địa điểm nổi tiếng. Ngoài ra, cũng có một số quy định nhằm mục tiêu tương tự như tăng phí đỗ xe vào mùa cao điểm, tăng giá vé, phân luồng ra vào theo giờ…
Mặc dù ngành du lịch được dự báo sẽ chiếm 11,6% giá trị nền kinh tế toàn cầu vào năm 2033, nhưng các chuyên gia cũng dự đoán ngày càng có nhiều người quan tâm đến việc đi du lịch bền vững hơn. Trong một cuộc khảo sát năm 2022 của Booking.com, 64% người được hỏi cho biết, họ sẵn sàng tránh xa các địa điểm du lịch đông đúc để tránh ùn tắc. GS Harold Goodwin tại Đại học Manchester Metropolitan (Anh) cho hay: “Quá tải du lịch không chỉ về số lượng du khách mà còn là những hành vi tụ tập đông đúc ở những nơi không phù hợp hay quấy rầy sự riêng tư”.
Ông Goodwin cũng chỉ ra nhiều cách để quản lý du lịch hiệu quả hơn, như thúc đẩy nhiều chuyến du lịch vào mùa thấp điểm, hạn chế số lượng nếu có thể và có quy định chặt chẽ hơn trong ngành. Ngoài ra, việc quảng bá các địa điểm thay thế ít được ghé thăm để chuyển hướng khách du lịch cũng là một phương án tốt. GS Goodwin cho biết thêm: “Điều quan trọng là hình thành một chiến lược rõ ràng, có tham khảo ý kiến của người dân địa phương về những mong muốn hoặc cần từ du lịch”.
Không như du lịch truyền thống, hình thức du lịch chậm hay du lịch bền vững khuyến khích du khách hòa mình vào văn hóa, ẩm thực và truyền thống, đồng thời giảm tác động tiêu cực của du lịch đối với môi trường và cộng đồng địa phương. Du lịch chậm cũng khuyến khích các hoạt động du lịch có trách nhiệm, chẳng hạn như sử dụng phương tiện giao thông công cộng, không lạm dụng động vật…
Xu hướng này ngày càng trở nên phổ biến trong những năm qua. Theo trang dữ liệu du lịch - lữ hành Hospitality Insights, do ảnh hưởng gộp của đại dịch Covid-19 và sự tăng trưởng “nóng” của du lịch sau đó, nhiều du khách đã lựa chọn khám phá những điểm đến mới và các quốc gia ít được biết đến hơn như Azerbaijan, Bhutan, Nepal… Điều đó trở thành động lực thúc đẩy du lịch, lữ hành tại nhiều địa phương có cảnh quan thiên nhiên độc đáo.