Tạo sinh kế cho người nghèo vươn lên

Sau 20 năm triển khai thực hiện Nghị định số 78/2002/NĐ-CP của Chính phủ và tám năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, có thể khẳng định: Chính sách tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác đã thật sự đi vào cuộc sống.
0:00 / 0:00
0:00
Ảnh minh họa: Thành Đạt
Ảnh minh họa: Thành Đạt

Chính sách tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng khác theo Nghị định số 78/2002/NĐ-CP của Chính phủ có ý nghĩa quan trọng đóng góp cho những thành tựu nổi bật của đất nước trong sự nghiệp xóa đói, giảm nghèo. Số liệu từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho thấy, 20 năm qua, nguồn vốn tín dụng chính sách đã hỗ trợ gần 6,3 triệu hộ gia đình vượt qua ngưỡng nghèo, giải quyết việc làm cho hơn 5,9 triệu lao động, hỗ trợ hơn 3,8 triệu học sinh, sinh viên được vay vốn đi học,... góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trên cả nước: giai đoạn 2001-2005 từ 17% xuống 7%; giai đoạn 2005-2010 từ 22% xuống 9,45%; giai đoạn 2011-2015 từ 14,2% xuống 4,25%; giai đoạn 2016-2021 từ 9,88% xuống 2,23%.

Động lực bứt phá

Chị Đặng Thị Hậu ở thôn Chấu, xã Bảo Đài, huyện Lục Nam (Bắc Giang) trước đây thuộc diện hộ khó khăn của xã. Nhờ số vốn 50 triệu đồng vay từ chương trình cho vay hỗ trợ việc làm của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), chị Hậu đã phát triển nhà màng trồng rau củ quả sạch với diện tích 1.500m2 và chăn nuôi cá, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Từ đó, đã giúp chị trang trải được phần nào khó khăn, có tiền cho các con ăn học và sinh hoạt gia đình.

Tuy nhiên, mô hình kinh tế của gia đình chị vẫn nhỏ lẻ và manh mún. Vì vậy, đến năm 2020, khi được vay 200 triệu đồng từ nguồn vốn thanh niên khởi nghiệp, gia đình chị đã mở rộng phát triển thêm diện tích nhà màng lên hơn 10.000m2. Đến nay, gia đình chị đã thoát khỏi khó khăn, vươn lên khá giả và hiện tạo việc làm ổn định cho các thành viên trong gia đình và một số lao động địa phương.

Còn đối với cựu chiến binh Nguyễn Văn Duy (sống tại thôn Hà Khê, xã Vân Hà, huyện Đông Anh, Hà Nội) sẵn có nghề mộc truyền thống, song vì thiếu vốn cho nên phải đến khi được vay 30 triệu đồng từ chương trình để mua nguyên vật liệu, sửa chữa lán trại làm mộc, cuộc sống gia đình ông mới dần khấm khá. Trải qua nhiều vòng quay tín dụng để mở rộng đầu tư sản xuất, xuất hàng qua Trung Quốc, khoản vay gần đây nhất của ông là năm 2019 từ nguồn vốn vay giải quyết việc làm của Hà Nội ủy thác cho vay qua NHCSXH nhằm mua thêm nguyên liệu về sản xuất hàng hóa.

Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Đông Anh Nguyễn Văn Đức cho biết, hiệu quả của nguồn vốn ưu đãi đã góp phần giúp 72% số cựu chiến binh có đời sống khá và giàu, và họ đang trở thành những hạt nhân làm giàu cho huyện thông qua việc đóng góp vào ngân sách xây dựng huyện, tạo việc làm cho hàng trăm lao động. Đây cũng là nền tảng cho huyện Đông Anh hướng tới mục tiêu đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao vào năm 2023.

Trong khi đó, tại Bắc Ninh, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn cũng đã tham mưu với UBND tỉnh triển khai Chương trình tín dụng ưu đãi hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp ủy thác giải ngân vốn qua chi nhánh NHCSXH Bắc Ninh. Tính đến nay, tổng dư nợ chương trình đạt gần 15,4 tỷ đồng, bên cạnh đó là nguồn vốn UBND từ các huyện, thành phố ủy thác 3,2 tỷ đồng; hỗ trợ hơn 140 dự án. Ngoài nguồn vốn hỗ trợ của tỉnh, Tỉnh đoàn cũng kết nối nguồn vốn từ Quỹ Quốc gia về việc làm kênh Trung ương Đoàn với số tiền hơn 2,4 tỷ đồng, giải ngân cho vay 29 dự án khởi nghiệp của thanh niên. Các nguồn vốn tập trung ưu tiên cho vay đối với các mô hình doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, kinh doanh, tổ hợp tác, trang trại thu hút nhiều lao động và tạo việc làm mới cho thanh niên; kết hợp cho vay vốn với việc xây dựng mô hình mới trong thanh niên.

Trụ đỡ giúp vượt qua khủng hoảng

20 năm qua, với việc triển khai đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp, NHCSXH đã tập trung huy động được nguồn lực lớn để cho vay, bảo đảm hoàn thành 100% chỉ tiêu, kế hoạch tăng trưởng tín dụng được Thủ tướng Chính phủ giao, tạo điều kiện giúp hơn 42,8 triệu lượt hộ nghèo và đối tượng chính sách khác được vay vốn với doanh số cho vay gần 830 nghìn tỷ đồng.

Ngoài chính sách cho vay vốn hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, tạo sinh kế, tạo việc làm, tăng thu nhập, còn có các chính sách cho vay vốn để giải quyết một phần nhu cầu thiết yếu trong cuộc sống gắn với các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Để giảm nghèo, tín dụng chính sách còn hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội với doanh số cho vay gần 18 nghìn tỷ đồng cho gần 280 nghìn lượt khách hàng.

Chính sách tín dụng hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội của Chính phủ đã được NHCSXH triển khai nhanh chóng ngay khi vừa ban hành. Như dự án khởi nghiệp sáng tạo của chị Bùi Thị Tuyết Nhung (Tam Kỳ, Quảng Nam) với Hợp tác xã (HTX) Best One.

Theo chị Nhung, thời điểm dịch Covid-19 lan rộng, khó khăn chồng chất, tiêu thụ giảm, nguồn vốn cạn kiệt, tiền hàng khách chưa kịp trả, nhiều lúc chị Nhung đã có suy nghĩ phải dừng sản xuất lại một thời gian. Nhưng với việc được NHCSXH thành phố Tam Kỳ cho vay kịp thời 100 triệu đồng cuối năm 2021 đã trở thành một nguồn lực lớn để chị Nhung duy trì được sản xuất và tạo việc làm cho tám lao động với mức lương bình quân 5,5 triệu đồng/người/tháng.

Không những vậy, nguồn vốn này đang tiếp tục tiếp sức cho chị Nhung vươn xa hơn trên con đường phát triển của mình như hỗ trợ người dân giống và phân bón mở rộng diện tích trồng cây nhàu; liên kết với các làng nghề để tạo chuỗi du lịch trải nghiệm cho khách du lịch đến tham quan vườn nhàu, thăm cơ sở sản xuất, làng nghề mắm, nghề làm chiếu cói... “Vừa qua, sản phẩm nước cốt nhàu vị dứa đã được giới thiệu đến thị trường Hàn Quốc, đó là vinh dự của cơ sở Best One, như chắp thêm đôi cánh cho các sản phẩm bay xa ra thị trường quốc tế”, chị Nhung tâm sự.

Trải qua 20 năm, nguồn vốn tín dụng chính sách đã có sự tăng trưởng vượt bậc. Theo Tổng Giám đốc NHCSXH Dương Quyết Thắng, đến nay, vốn tín dụng chính sách xã hội đã được đầu tư đến tất cả các xã, phường, thị trấn trên cả nước. Đến ngày 30/11/2022, tổng dư nợ tín dụng chính sách đạt gần 280 nghìn tỷ đồng với gần 6,5 triệu hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách đang còn dư nợ.

Trong tổng dư nợ tín dụng chính sách xã hội, dư nợ cho vay các xã thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là 99.810 tỷ đồng, chiếm 35,7%, với gần 2,2 triệu khách hàng còn dư nợ; dư nợ cho vay tại huyện nghèo là 30.494 tỷ đồng, chiếm 10,9%, với gần 590 nghìn khách hàng còn dư nợ; dư nợ đối với khách hàng là đồng bào dân tộc thiểu số là 69.175 tỷ đồng, chiếm 24,7% với hơn 1,4 triệu khách hàng còn dư nợ.

Chất lượng tín dụng chính sách xã hội luôn được duy trì, củng cố, nâng cao, bảo đảm mục tiêu bảo toàn, phát triển vốn cho Nhà nước. Tỷ lệ nợ quá hạn, nợ khoanh giảm từ 13,75%/tổng dư nợ (khi nhận bàn giao) xuống còn 0,67%/tổng dư nợ, trong đó nợ quá hạn chiếm 0,26%/tổng dư nợ (thời điểm ngày 30/11/2022).

Giai đoạn tới, để thực hiện nhiệm vụ của Đảng, Chính phủ giao, NHCSXH xác định tín dụng chính sách xã hội là giải pháp quan trọng nhằm thực hiện các chủ trương, chính sách, mục tiêu, nhiệm vụ của Đảng, Nhà nước về tăng trưởng kinh tế đi đôi với thực hiện công bằng xã hội, thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia cũng như phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

NHCSXH tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, tổ chức chính trị-xã hội và các địa phương tích cực thực hiện hiệu quả Chỉ thị 40-CT/TW, Kết luận 06-KL/TW của Ban Bí thư và Quyết định 1630/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về kế hoạch thực hiện Chỉ thị 40-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội; tập trung huy động nguồn lực để thực hiện có hiệu quả tín dụng chính sách xã hội, nhất là nguồn vốn từ ngân sách địa phương ủy thác sang NHCSXH nhằm bổ sung nguồn vốn cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác...