Từng là “rốn phèn”, là huyện khó khăn nhất của vùng Miệt Thứ và của tỉnh Kiên Giang, ngày nay, huyện Vĩnh Thuận đã vươn mình phát triển mạnh mẽ. Vùng quê giàu truyền thống cách mạng, nghèo khó, cách trở ngày nào, giờ là trung tâm tôm càng xanh của tỉnh Kiên Giang...
Giàu truyền thống cách mạng
Cách đây 92 năm, Chi bộ Ranh Hạt, cơ sở Ðảng đầu tiên và là tiền thân của Ðảng bộ tỉnh Kiên Giang (nay thuộc ấp Ranh Hạt, xã Vĩnh Thuận, huyện Vĩnh Thuận) ra đời, mở ra bước ngoặt của sự nghiệp đấu tranh giành độc lập của Ðảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Kiên Giang. Nằm trong vùng lõi của căn cứ kháng chiến, Vĩnh Thuận được xem là “căn cứ lòng dân”, bảo vệ tuyệt đối an toàn cho Khu ủy Tây Nam Bộ, Trung ương Cục miền nam, Tỉnh ủy Rạch Giá…
Vĩnh Thuận còn là “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống cách mạng, như: Khu tập kết 200 ngày đêm vàm Chắc Băng; Khu chứng tích chiến tranh rừng tràm Bang Biện Phú; Khu di tích Ranh Hạt; nơi tập kết cuối cùng của Tuyến đường vận chuyển chiến lược 1C, con đường huyền thoại.
Theo Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang Ðỗ Thanh Bình, trong thời kỳ kháng chiến, vùng U Minh Thượng, trong đó có huyện Vĩnh Thuận, đã chịu nhiều đau thương, mất mát. Trong khoảng ba năm (từ 4/1955 đến năm 1957), địch mở nhiều cuộc càn quét, bắt giam hơn 10.000 lượt cán bộ, chiến sĩ cách mạng và những người yêu nước, trong đó có hơn 1.500 người đã bị địch giết hại tại đây.
“Dù phải chịu cực hình tra tấn dã man, hy sinh tính mạng, nhưng với tinh thần đấu tranh cách mạng kiên cường, những chiến sĩ cộng sản yêu nước không đầu hàng, không khai báo, họ hiên ngang trước kẻ thù, luôn vững tin vào sự lãnh đạo của Ðảng, của Bác Hồ, tin tưởng cách mạng nhất định thắng lợi hoàn toàn, hai miền nam-bắc thống nhất và đi lên chủ nghĩa xã hội”, Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang Ðỗ Thanh Bình nhấn mạnh tại lễ khánh thành Khu chứng tích chiến tranh rừng tràm Bang Biện Phú ở Vĩnh Thuận vào ngày 6/1/2024.
Chiến tranh lùi xa, Ðảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Vĩnh Thuận bắt tay xây dựng lại quê hương. Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Vĩnh Thuận Lê Văn Ðủ chia sẻ, từ một vùng quê nghèo, “nước mặn đồng chua”, với cây lúa, cây khóm là chủ đạo, ngày nay, huyện Vĩnh Thuận nổi lên là địa phương nuôi tôm càng xanh quy mô lớn của tỉnh Kiên Giang.
Kinh tế của huyện phát triển khá, tiềm năng, lợi thế về nông nghiệp, thủy sản được phát huy. Ðời sống nhân dân không ngừng nâng lên. Ðến nay, thu nhập bình quân đầu người của huyện đạt hơn 65 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 1,81%. Huyện Vĩnh Thuận được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020.
Ðưa chúng tôi đi qua những đoạn đường bê-tông mới hoàn thành, thăm các cơ sở nuôi tôm càng xanh trên địa bàn, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Vĩnh Bình Bắc, huyện Vĩnh Thuận Trần Nhật Thuật hào hứng cho biết: “Ðường liên xã, liên ấp giờ được rải nhựa và bê-tông hóa. Toàn xã có 4.722 hộ với gần 16.000 người, giờ chỉ còn 81 hộ nghèo; không còn nhà ở dột nát. Hơn 10 năm qua, đã có nhiều ngôi nhà kiên cố, khang trang “mọc” lên nhờ con tôm càng xanh…”.
Trung tâm nuôi tôm càng xanh
Chúng tôi đến thăm anh Phạm Quốc Ðoàn (42 tuổi) ở ấp Ðồng Tranh, xã Vĩnh Thuận vào buổi chiều tà, được anh đãi món tôm càng xanh luộc nước dừa và cùng trò chuyện về chuyện đổi đời ở địa phương. Anh Ðoàn kể, cách đây chừng 15 năm, người dân ấp Ðồng Tranh nghèo “rớt mồng tơi” do bám cây khóm (dứa) và trồng lúa hai vụ kém hiệu quả. Tới kỳ thu hoạch, khóm thì rớt giá, lúa thì bị xèo (bị nhiễm mặn hạt lép), người dân phải chạy ngược chạy xuôi vay tiền nuôi con ăn học.
“Phong trào nuôi tôm ở Cà Mau, Bạc Liêu nở rộ, là địa bàn giáp ranh, đất, nguồn nước gần như tương tự đã thôi thúc nông dân Vĩnh Thuận tìm hiểu cách thoát nghèo, trên đồng đất quê hương. Tôi tìm hiểu, nuôi thử nghiệm tôm càng xanh trên những mương (ao) khóm, không ngờ tôm trúng rất đậm”, anh Ðoàn cho biết.
Ông Lê Minh Giới (52 tuổi), tiếp lời: “Lúc đó, tôi nghĩ đổi đời từ đây chứ không đâu khác. Thu hoạch tôm từ những mương khóm mang ra chợ bán giá rất cao, chỉ vài mương khóm nuôi tôm càng xanh, tôi thu về cả trăm triệu đồng. Nhà tôi khá lên nhờ con tôm càng xanh. Từ vài công đất, nay tôi mua được hơn 100 công đất...”.
Tuy nhiên, để chuyển đổi từ lúa 2 vụ, cải tạo diện tích khóm sang nuôi tôm, cua là cả một quá trình hết sức gian nan. “Các cấp chính quyền lúc đó kiên quyết không cho chuyển đổi sang nuôi tôm vì sợ phá vỡ quy hoạch, ảnh hưởng chất lượng đất đai. Nhưng rồi, từ năm 2000, hiệu quả đã chứng minh sự cần thiết phải chuyển đổi từ 2 vụ lúa kém hiệu quả sang trồng lúa kết hợp nuôi tôm là cần thiết, nhất là đối với các địa bàn có nguồn nước lợ như xã Vĩnh Bình Bắc, xã Vĩnh Bình Nam”, ông Giới kể...
Nguyên Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang Nguyễn Văn Tâm nhớ lại, để chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp phù hợp với lợi thế của địa phương, giúp nông dân thoát nghèo, ứng phó với biến đổi khí hậu, tỉnh Kiên Giang lúc ấy đã định hướng vùng nào phù hợp với nuôi tôm thì phát triển con tôm, không nhất thiết phải đeo bám cây lúa, cây khóm. Vĩnh Thuận nói riêng, nhiều địa phương ven biển có nuôi tôm khác nói chung, không chỉ hướng đến nuôi con tôm “sạch”, mà cả cây lúa cũng phải là lúa “sạch” để sản xuất bền vững…
Huyện Vĩnh Thuận hiện có khoảng 30.000 ha đất luân canh lúa-tôm; trong đó, khoảng 80% diện tích nuôi xen canh tôm càng xanh với tôm sú, tôm thẻ, cho sản lượng khoảng 23.600 tấn/năm. Phó Chủ tịch Ủy ban nhân huyện Vĩnh Thuận Lê Văn Ðủ cho biết, địa bàn huyện có sông Cái Lớn và kênh xáng Chắc Băng chạy qua với độ mặn thấp rất phù hợp nuôi tôm càng xanh xen với một vụ lúa. Vùng này xưa là vườn tạp, hoang hóa, trồng 1 vụ lúa, rồi lên 2 vụ lúa, tuy nhiên do bị nhiễm phèn mặn, chỉ một số nơi trồng lúa được, còn lại trồng lúa không đạt, trồng cây ăn trái hiệu quả cũng không cao.
Từ lúc chuyển đổi sản xuất tới nay, vùng đất phèn, nhiễm mặn này rất phù hợp nuôi tôm càng xanh. Mùa hạn, người dân dẫn nước lợ nuôi tôm hiệu quả, cùng với cua, cá mang lại giá trị cao. Khi mùa mưa xuống, nông dân trồng vụ lúa trên nền tôm rất trúng…, cho thấy chủ trương chuyển đổi cây trồng, vật nuôi rất phù hợp. Nhờ đó, từ năm 2000 đến nay, đời sống của nhân dân huyện Vĩnh Thuận được nâng lên đáng kể.
Hiện tại, huyện Vĩnh Thuận đang hướng đến xây dựng thương hiệu “tôm càng xanh Vĩnh Thuận”. Ông Lê Văn Ðủ khẳng định: “Tôm càng xanh Vĩnh Thuận phần nhiều là tôm thiên nhiên, sinh trưởng và phát triển nhờ rong, sinh vật phù du từ rơm, rạ còn sót lại trên nền đất lúa; thịt chắc, ngon. Huyện vận động nông dân cố gắng duy trì 1 vụ lúa trên nền đất tôm để tận dụng rơm rạ làm thức ăn cho tôm nhằm hướng đến nền nông nghiệp sạch, nâng cao chất lượng, giá trị, tính cạnh tranh”.
Tôm càng xanh giờ “bén duyên” với vùng đất Vĩnh Thuận, giúp hàng nghìn nông dân trong huyện thoát nghèo và giàu có. Nhờ thiên nhiên ưu đãi, cùng với ý chí vươn lên, những nông dân như ông Lê Minh Giới, anh Phạm Quốc Ðoàn hằng năm có thể xuất bán hàng chục tấn tôm trên cánh đồng mênh mông nước, thu về cả tỷ đồng. Họ đang vươn mình trên vùng đất khó khăn, xây dựng quê hương thành trung tâm nuôi tôm càng xanh của Kiên Giang…