Bảo đảm nguồn cung thực phẩm dịp cuối năm

Theo Chi cục Chăn nuôi, Thủy sản và Thú y Hà Nội, từ đầu năm đến nay, đàn vật nuôi trên địa bàn thành phố phát triển ổn định: Ðàn lợn có 1,46 triệu con, đàn gia cầm 42,4 triệu con, đàn trâu 29,5 nghìn con, đàn bò hơn 125 nghìn con. Tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm cơ bản được kiểm soát, công tác tiêm phòng vắc-xin triển khai đúng tiến độ. Hiện các trang trại, hợp tác xã, nông hộ đang tập trung chăm sóc vật nuôi, nhằm cung ứng đủ nguồn thịt cho thị trường dịp cuối năm.
0:00 / 0:00
0:00
Người dân mua thực phẩm tại hệ thống siêu thị Winmart Hà Nội. (Ảnh THẾ ÐẠI)
Người dân mua thực phẩm tại hệ thống siêu thị Winmart Hà Nội. (Ảnh THẾ ÐẠI)

Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất và kinh doanh sản phẩm nông nghiệp Phúc Thọ (huyện Phúc Thọ) Nguyễn Hưng Thỉnh cho biết, hợp tác xã luôn thực hiện nghiêm công tác phòng chống dịch bệnh, kiểm soát chặt chẽ từ lựa chọn con giống, thức ăn chăn nuôi rõ nguồn gốc; thường xuyên theo dõi đàn lợn để có hướng xử lý kịp thời khi dịch bệnh xảy ra, nhất là phòng chống bệnh dịch tả lợn châu Phi.

Anh Hoàng Văn Chuyển (huyện Mê Linh) cho biết, đầu năm 2024, khi dịch tả lợn châu Phi có dấu hiệu quay trở lại, lúc đó gia đình anh đang nuôi hơn 20 con lợn nái và 200 lợn thịt, nếu dịch bệnh lây lan có nguy cơ sẽ “mất trắng”. Do vậy, gia đình anh đã quyết định tiêm phòng vắc-xin dịch tả lợn châu Phi cho toàn bộ số lợn nái và lợn thịt. Kết quả đàn lợn phát triển khỏe mạnh, mỗi ngày bán được nhiều lợn thịt, giá tốt, kinh tế gia đình ngày càng khấm khá.

Chi cục Chăn nuôi, Thủy sản và Thú y Hà Nội cho biết, thời gian qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội và cơ quan chức năng thường xuyên hướng dẫn, đôn đốc, giám sát, đánh giá tình hình dịch bệnh.

Các đơn vị chức năng luôn thông tin giải pháp phòng chống dịch bệnh trên phương tiện truyền thông để người chăn nuôi biết và thực hiện theo quy định; vận động các tổ chức, cá nhân kinh doanh, buôn bán, giết mổ, sơ chế, chế biến gia súc, gia cầm nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc thực hành các biện pháp bảo đảm vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm, tuân thủ quy trình giết mổ.

Cơ quan chuyên môn với các địa phương, các chủ thể tham gia chăn nuôi phối hợp tốt trong công tác tiêm phòng cho vật nuôi kịp thời, kiểm soát thuốc, vắc-xin thú y, bảo đảm yêu cầu chất lượng, an toàn, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phòng chống dịch bệnh; tập trung tuyên truyền, hướng dẫn các nông hộ thực hiện tốt công tác vệ sinh, khử trùng, tiêu độc; tăng cường chăm sóc, nuôi dưỡng để nâng cao sức đề kháng cho gia súc, gia cầm; đồng thời khuyến cáo người chăn nuôi chủ động xử lý dứt điểm khi dịch bệnh mới phát hiện, không giấu dịch; tiếp tục khuyến khích nhân rộng mô hình chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh.

Bên cạnh đó, thành phố chú trọng phát triển chăn nuôi theo vùng, xã trọng điểm tại các huyện: Thanh Oai, Mỹ Ðức, Ứng Hòa, Ba Vì…, và một số vùng chăn nuôi hữu cơ.

Tết Ất Tỵ 2025 đang đến gần, nhu cầu tiêu thụ thịt tăng cao, nhằm đáp ứng nguồn cung cho thị trường, nhiều doanh nghiệp tập trung sản xuất để có nhiều sản phẩm chăn nuôi chất lượng cao phục vụ người tiêu dùng. Giám đốc Xí nghiệp Chăn nuôi gia cầm Hadico Nguyễn Duy Vụ cho biết, Chi cục Chăn nuôi, Thủy sản và Thú y Hà Nội đã công nhận xí nghiệp là cơ sở an toàn dịch bệnh đối với bệnh cúm gia cầm H5N1 và Newcastle.

Hằng năm, cơ sở cung ứng ra thị trường khoảng 600 nghìn con gà mía. Dự báo, dịp Tết nhu cầu về loại gà này tăng cao, được giá, cho nên người nuôi sẽ lãi nhiều. Giám đốc Hợp tác xã Hoàng Long (huyện Thanh Oai) Nguyễn Trọng Long cho biết, hợp tác xã đang nuôi hơn 5.000 lợn thịt và 500 lợn nái.

Ðể kiểm soát chất lượng thịt và hạn chế dịch bệnh, hợp tác xã chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, với chuỗi liên kết khép kín từ khâu sản xuất tới khâu giết mổ, chế biến..., gồm các sản phẩm thịt lợn, giò nạc, giò mỡ, chả, xúc xích bảo đảm an toàn thực phẩm để đáp ứng nhu cầu của người dân. Dự kiến dịp cuối năm, trang trại sẽ bán ra thị trường khoảng hơn 100 tấn thịt lợn/ngày. Thường vào thời điểm giáp Tết, giá thịt lợn cao hơn ngày thường.