Theo nghị quyết này, ngoài chính sách chung về hỗ trợ bảo hiểm y tế theo Luật Bảo hiểm y tế và quy định của Chính phủ, ngân sách tỉnh còn hỗ trợ thêm toàn bộ hoặc một phần mức đóng bảo hiểm y tế cho một số đối tượng, như: Người từ 70-79 tuổi, người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại xã khu vực I; người lao động hết thời gian hưởng bảo hiểm thất nghiệp quá 3 tháng chưa tham gia lại bảo hiểm y tế; người mới thoát nghèo; người mắc bệnh hiểm nghèo…
Không riêng tỉnh Bình Dương, hiện nay nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước cũng đã có chính sách hỗ trợ tương tự đối với một số nhóm đối tượng có khó khăn, giúp họ được tham gia và thụ hưởng quyền lợi bảo hiểm y tế. Theo thống kê chưa đầy đủ, tính đến cuối tháng 11/2022, trong cả nước đã có 57 tỉnh, thành phố hỗ trợ thêm từ 10-30% mức đóng cho người tham gia bảo hiểm y tế thuộc hộ cận nghèo; 27 tỉnh, thành phố hỗ trợ người làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và diêm nghiệp có mức sống trung bình với nhiều mức khác nhau, cao nhất là tới 70% mức đóng; 24 tỉnh, thành phố hỗ trợ người thuộc hộ nghèo đa chiều; 28 địa phương hỗ trợ thêm cho học sinh, sinh viên; 19 địa phương hỗ trợ người tham gia bảo hiểm y tế hộ gia đình; một số địa phương hỗ trợ thêm cho người cao tuổi…
Không chỉ có sự trợ giúp về tài chính đối với những người còn khó khăn trong việc tham gia bảo hiểm y tế, thời gian qua việc thực hiện chính sách này còn nhận được sự quan tâm đặc biệt từ hệ thống chính trị các cấp. Trên cơ sở những đường lối, quan điểm của Ðảng và chính sách pháp luật của Nhà nước, công tác tổ chức, thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế tại từng địa bàn luôn có sự quan tâm, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền cũng như sự phối hợp tích cực của các sở, ban, ngành, tổ chức, đơn vị liên quan tại địa phương. Ðến nay, tất cả các tỉnh, thành phố đã kiện toàn, thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, trong đó 47/63 tỉnh, thành phố đã thành lập, kiện toàn Ban Chỉ đạo đến 100% cấp huyện, cấp xã. 55 tỉnh, thành phố đã đưa chỉ tiêu tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế theo Quyết định số 546/QÐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ vào Nghị quyết về phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương; 620 huyện, 7.112 xã cũng đã xác định cụ thể chỉ tiêu này trong kế hoạch phát triển hằng năm…
Không chỉ là những định hướng chung, việc thực hiện chính sách bảo hiểm y tế trong từng giai đoạn đều nhận được sự chỉ đạo sát sao của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền và trực tiếp là của Ban Chỉ đạo, với những yêu cầu, giải pháp cụ thể. Ðây là những căn cứ quan trọng để các cấp, các ngành, các tổ chức cùng "chung tay vào cuộc" với cơ quan bảo hiểm xã hội trong việc thực hiện các giải pháp để đưa chính sách bảo hiểm y tế vào cuộc sống, khắc phục được những khó khăn đặc thù trong từng thời điểm, từng địa bàn, để cùng hướng đến mục tiêu bảo hiểm y tế toàn dân.
Có thể nói, sự vào cuộc đầy trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, nhất là hệ thống chính trị tại địa phương đã thực sự trở thành trợ lực quan trọng để chính sách bảo hiểm xã hội đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả tích cực, thể hiện rõ vai trò trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội.