Tạo lập mô hình kinh doanh mới với công nghệ số

Theo báo cáo kinh tế số Đông Nam Á năm 2021, dự báo tới năm 2025, nền kinh tế số của Việt Nam sẽ chạm mốc 50 tỷ USD. Tuy nhiên, không nhiều doanh nghiệp nghĩ đến việc chuyển đổi số vì nhu cầu sử dụng chưa cao và khả năng tài chính chưa phù hợp, dù việc ứng dụng công nghệ số cho quy trình thương mại, dịch vụ sẽ hỗ trợ và có tác động rất lớn cho doanh nghiệp trong phát triển kinh doanh.
0:00 / 0:00
0:00
Ứng dụng công nghệ số vào quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh tại Tập đoàn Điện lực Việt Nam. (Ảnh THANH QUÂN)
Ứng dụng công nghệ số vào quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh tại Tập đoàn Điện lực Việt Nam. (Ảnh THANH QUÂN)

Đến nay, mặc dù các doanh nghiệp Việt Nam đã ít nhiều có những động thái trong chuyển đổi số, song quá trình này theo đánh giá là chưa thực chất. Nhiều doanh nghiệp mới số hóa được một phần nhỏ nhưng đã ngộ nhận chuyển đổi số thành công và còn nhầm lẫn giữa số hóa với chuyển đổi số. Theo khảo sát của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), hầu hết các doanh nghiệp đều quan tâm và mong muốn thực hiện chuyển đổi số không kể quy mô, nhưng việc triển khai vẫn còn nhiều khó khăn và thách thức.

Tuy nhiên, mới có 36,1% doanh nghiệp tiêu dùng và 40% doanh nghiệp cung cấp đã nghe qua về chuyển đổi số nhưng không biết bắt đầu thực hiện từ đâu; 23,8% doanh nghiệp tiêu dùng và 24% doanh nghiệp cung cấp đã biết về chuyển đổi số nhưng thiếu nguồn lực tài chính và nhân lực để thực hiện.

Khảo sát cũng chỉ ra thách thức lớn nhất của doanh nghiệp đã và đang gặp phải trong ứng dụng công nghệ số là thiếu phương pháp, thiếu nhân lực và thiếu thông tin về công nghệ số,… Thậm chí, có đến 90% doanh nghiệp được khảo sát đang cho thấy việc chuyển đổi số chưa thành công và đi sai hướng vì phần lớn chỉ tập trung ngay vào các giải pháp thông minh, trong khi việc chuyển đổi số cần trải qua ba bước gồm: số hóa, kết nối và thông minh.

Một rào cản khác khiến các doanh nghiệp "chùn" bước trong chuyển đổi số là chi phí đầu tư, ứng dụng công nghệ còn cao; chưa làm chủ được các công nghệ lõi, hệ thống nền tảng cơ bản; hạ tầng số chưa đồng bộ và cùng với đó là những thách thức từ nhận thức của doanh nghiệp. Song, điều đáng mừng khi trong một khảo sát khác của VCCI với 400 doanh nghiệp cho thấy, phần lớn các doanh nghiệp đã bắt đầu nhận thức và ứng dụng công nghệ số vào các khâu như: quản trị nội bộ, mua hàng, logistics, sản xuất, marketing, bán hàng và thanh toán. Trong đó có các hoạt động sử dụng thương mại điện tử, mạng xã hội, thanh toán điện tử, sử dụng các phần mềm quản lý nhân sự từ xa, quản lý chứng từ, kho hàng,...

Ông Lê Duy Khang, phụ trách Marketing của Công ty Zoho Vietnam (đơn vị chuyên cung cấp giải pháp chuyển đổi số) chia sẻ, chuyển đổi số đang là một xu thế tất yếu trong bối cảnh hiện nay. Do đó, doanh nghiệp cần phải chủ động và nỗ lực bên cạnh môi trường, thể chế và các chương trình hỗ trợ khác. Song sự rời rạc giữa những phần mềm khác nhau, ở những bộ phận phòng, ban khác nhau đang là vấn đề cản trở tốc độ số hóa của doanh nghiệp.

Một nền tảng hợp nhất là nơi tất cả hoạt động diễn ra nhịp nhàng, thông suốt, chính là điều doanh nghiệp cần để tiến nhanh và bền vững trên thị trường. Vì vậy, Chính phủ cũng cần có những giải pháp hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực, cho phép truy cập thông tin trên nền tảng các giải pháp kỹ thuật số hiện có; minh bạch hóa các quy tắc và quy định về quản lý dữ liệu cá nhân, doanh nghiệp.

Từ đó, tạo thêm cơ hội cho các doanh nghiệp kết nối kinh doanh với các nhà cung cấp giải pháp kỹ thuật số. Đặc biệt, phải xây dựng những quy tắc, quy định cụ thể để thúc đẩy việc kinh doanh không dùng giấy tờ; hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp ứng dụng công nghệ số trong tạo lập các mô hình kinh doanh mới.

Có thể hiểu đơn giản việc chuyển đổi số nhằm tạo lập mô hình kinh doanh mới là một trong ba định hướng chuyển đổi số chính của doanh nghiệp, nhằm thay đổi cách thức một hoặc một số hoạt động từ thủ công truyền thống sang cách thức hoàn toàn mới trên môi trường số. Trong đó, việc chuyển đổi tạo lập mô hình kinh doanh mới có thể coi là giai đoạn sau của chuyển đổi số, khi doanh nghiệp có thể phân tích và tận dụng dữ liệu phát sinh, tạo ra các mô hình kinh doanh mang tính đột phá, làm thay đổi hành vi tiêu dùng để mang lại các nguồn doanh thu mới.

Thí dụ trong các mô hình gọi xe công nghệ, mua hàng trực tuyến như Grab, Bee, Shopee, Tiki,… nếu trước đây khách hàng vẫn có thể thực hiện được thao tác đặt xe, mua hàng thông qua một tổng đài, song sẽ gặp nhiều bất cập như bị động, mất nhiều thời gian chờ đợi, giá không rõ ràng,… Đến khi mô hình kinh doanh thông qua các ứng dụng công nghệ trên bùng nổ, đã làm thay đổi hoàn toàn cách thức tương tác, mang lại trải nghiệm mới mẻ cho khách hàng khi thời gian nhanh hơn, tiện hơn, chủ động hơn với chi phí hợp lý hơn.

Phó Viện trưởng Viện Phát triển doanh nghiệp (thuộc VCCI) Lê Thị Thu Thủy cho rằng, đại dịch Covid-19 không chỉ mang lại những tác động tiêu cực đến sức khỏe của người dân và doanh nghiệp mà còn làm thay đổi thói quen của người tiêu dùng cũng như phương thức sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Đây thực sự là thời điểm để doanh nghiệp nhận ra tính ưu việt của kinh tế số và đặt ra yêu cầu cấp bách hơn nữa trong quá trình chuyển đổi số mô hình kinh doanh.

Việc này sẽ giúp các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa tìm kiếm mô hình hoạt động kinh doanh linh hoạt hơn, vừa tiết giảm chi phí, vừa tối ưu nguồn lực để vượt qua khó khăn, phục hồi và phát triển sau đại dịch. Báo cáo thường niên Doanh nghiệp Việt Nam của VCCI cũng cho thấy bức tranh rất rõ về thực trạng chuyển đổi số của các doanh nghiệp Việt Nam khi có tới 89% các doanh nghiệp nhận thức được vai trò, tác động quan trọng của cách mạng công nghiệp 4.0 đến quy trình, phương thức hoạt động của doanh nghiệp.

Vì vậy, trong bối cảnh hiện nay, chuyển đổi số chính là tiến trình tất yếu với tất cả các doanh nghiệp bất kể quy mô ngành nghề. Nhiệm vụ của doanh nghiệp là phải đổi mới mô hình kinh doanh, xác lập mô hình quản trị dựa trên công nghệ số, hướng tới các mục tiêu phát triển sáng tạo, bền vững, bao trùm.

Do đó, chuyển đổi số mô hình kinh doanh được xem là bước chuyển mình cao nhất của một doanh nghiệp, có thể giúp tạo ra các thay đổi đột phá trong hoạt động. Đây cũng là nhân tố để các doanh nghiệp tồn tại được trong kỷ nguyên công nghệ số, hạn chế nguy cơ bị đào thải khỏi thị trường.

Mặt khác, chuyển đổi số mô hình kinh doanh cũng đồng thời mang lại nhiều lợi ích cho các doanh nghiệp khi tạo ra lợi thế dẫn đầu, tăng trải nghiệm và dễ dàng tiếp cận khách hàng ở bất cứ đâu,… Các doanh nghiệp cần phải nhớ, chuyển đổi số có thể không thành công khi làm sai cách, nhưng nếu không chuyển đổi thì chắc chắn sẽ bị bỏ lại phía sau.

Chính phủ đã phê duyệt "Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030" với mục tiêu kép vừa phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có năng lực hòa nhập thị trường toàn cầu. Trong đó, mục tiêu đến năm 2025 kinh tế số chiếm 20% GDP cả nước, phấn đấu đến năm 2030 chiếm 30% GDP cả nước,…