Tạo hành lang pháp lý cho phát triển xanh và kinh tế tuần hoàn

NDO - Ngày 23/12, tại Hà Nội, Báo Đại biểu Nhân dân phối hợp Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức tọa đàm "Luật Bảo vệ môi trường-Hành lang pháp lý cho phát triển xanh và kinh tế tuần hoàn", nhằm trao đổi, thảo luận về vai trò, hiệu quả thực tiễn cũng như các giải pháp triển khai Luật Bảo vệ môi trường trong thực tiễn.
Các chuyên gia thảo luận tại tọa đàm "Luật Bảo vệ môi trường-Hành lang pháp lý cho phát triển xanh và kinh tế tuần hoàn".
Các chuyên gia thảo luận tại tọa đàm "Luật Bảo vệ môi trường-Hành lang pháp lý cho phát triển xanh và kinh tế tuần hoàn".

Hiện nay, Việt Nam đang bước vào kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên tăng trưởng xanh và bền vững. Trong bối cảnh cạnh tranh phát triển quyết liệt trên quy mô toàn cầu và biến đổi khí hậu, thách thức môi trường ngày càng gia tăng, việc áp dụng các chính sách phát triển bền vững trở thành yêu cầu cấp thiết tác động mạnh mẽ đến định hướng phát triển kinh tế của các nước. Trong bối cảnh đó, Quốc hội ban hành Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) năm 2020 đã tạo ra nền tảng pháp lý quan trọng nhằm thúc đẩy kinh tế tuần hoàn và định hướng phát triển xanh tại Việt Nam.

Phát biểu ý kiến tại tọa đàm, Phó Tổng biên tập Báo Đại biểu Nhân dân Lê Thanh Kim cho rằng, những năm gần đây, chúng ta đã chứng kiến những tác động nghiêm trọng của biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường và cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên.

Những vấn đề này không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng cuộc sống mà còn đe dọa đến sự ổn định và phát triển của nền kinh tế. Với tầm quan trọng của vấn đề này, Luật Bảo vệ môi trường được Quốc hội thông qua vào năm 2020 và hiệu lực thi hành đầu năm 2022, đánh dấu một bước tiến quan trọng trong việc xây dựng hành lang pháp lý để bảo vệ và cải thiện môi trường. Luật không chỉ để điều chỉnh các hoạt động bảo vệ môi trường mà còn là nền tảng pháp lý cho việc thúc đẩy phát triển xanh và mô hình kinh tế tuần hoàn - một xu hướng phát triển bền vững trong thế giới hiện đại.

Tại tọa đàm, các chuyên gia đã thảo luận về Luật Bảo vệ môi trường 2020 với một số điểm đáng chú ý, liên quan trực tiếp đến phát triển xanh và kinh tế tuần hoàn.

Luật Bảo vệ môi trường 2020 có một số điểm đáng chú ý, liên quan trực tiếp đến phát triển xanh và kinh tế tuần hoàn. Những điểm nổi bật này có thể ảnh hưởng mạnh mẽ chính sách môi trường của trong bối cảnh phát triển bền vững và đất nước bước vào kỷ nguyên phát triển mới. Trong đó, chú trọng tăng cường trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong bảo vệ môi trường như chuyển đổi mô hình sản xuất và tiêu dùng xanh; đồng thời, khuyến khích mô hình kinh tế tuần hoàn.

Thực tế, mặc dù Luật Bảo vệ môi trường đã đặt những viên gạch đầu tiên tạo hành lang pháp lý cho phát triển xanh, phát triển bền vững và kinh tế tuần hoàn. Nhưng con đường thực thi còn quá nhiều gian nan, thách thức như nhận thức và sự đồng thuận xã hội. Nhiều doanh nghiệp và người dân chưa hiểu rõ về kinh tế tuần hoàn cũng như lợi ích dài hạn của phát triển bền vững.

Bên cạnh đó, thói quen tiêu dùng và sản xuất truyền thống; hạn chế về nguồn lực tài chính và công nghệ; hệ thống pháp luật chưa đồng bộ; sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng chưa chặt chẽ, trong khi năng lực giám sát và xử phạt vi phạm còn hạn chế... Nhiều doanh nghiệp xem bảo vệ môi trường là trách nhiệm của Nhà nước, chưa tích cực áp dụng mô hình sản xuất bền vững. Vai trò của cộng đồng tham gia các chương trình tái chế của người dân vẫn còn thấp…

Những chia sẻ, thảo luận của các chuyên gia, đại biểu Quốc hội, các nhà quản lý tại tọa đàm sẽ mang lại những góc nhìn mới mẻ về triển khai thực thi luật cụ thể về định hướng tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn và thực tiễn quản lý triển khai luật ở các ngành, các cấp, doanh nghiệp, cộng đồng. Cùng với đó là bàn luận đưa ra các giải pháp cụ thể, tối ưu để thực hiện tốt hơn nữa các mục tiêu bảo vệ môi trường và thúc đẩy phát triển kinh tế xanh, phát triển nền kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam một cách hiệu quả và bền vững.