Nền tảng của vấn đề chính là ở công tác đào tạo nghề, một lĩnh vực mang tính đặc thù, vừa khó về chuyên môn, vừa đòi hỏi một nguồn kinh phí không hề nhỏ. Trong đào tạo nghệ thuật, nhất là sân khấu, điều kiện cần không chỉ là về kiến thức mà còn ở kỹ năng, trong đó thực hành giữ vai trò hết sức quan trọng.
Nhìn từ hoạt động sân khấu thế giới và ở nước ta trong những năm qua có thể thấy, sẽ rất khó có một nền sân khấu phát triển nếu không có những nghệ sĩ, diễn viên đẳng cấp được đào tạo bài bản từ những cơ sở có tính chuyên nghiệp cao.
Thực tế đang chỉ ra rằng, công tác đào tạo chuyên ngành sân khấu biểu diễn tại Việt Nam đang có rất nhiều bất cập và khó khăn.
Cả nước có hai cơ sở đào tạo chuyên nghiệp duy nhất là Trường đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội và Trường đại học Sân khấu Điện ảnh Thành phố Hồ Chí Minh. Khó khăn lớn nhất hiện nay của hai cơ sở này là thiếu giảng viên có kiến thức học thuật và kinh nghiệm thực tiễn để truyền dạy, kiến tạo nên những thế hệ nghệ sĩ mới. Có thể nhiều giảng viên đủ trình độ lý luận và kiến thức nghệ thuật để giảng dạy, nhưng lại thiếu thực tế làm nghề, ít có, thậm chí không có kinh nghiệm trong sáng tác, dàn dựng. Ngược lại, không ít người xuất phát từ sân khấu biểu diễn được mời về trường làm giảng viên lại chưa được trang bị đầy đủ về kỹ năng sư phạm cũng như khả năng lý luận và chủ yếu thực hiện công tác đào tạo theo hướng truyền nghề thông thường, còn những giảng viên có đủ cả hai yếu tố này thì không nhiều và tuổi đời đã khá cao.
Nhìn từ hoạt động sân khấu thế giới và ở nước ta trong những năm qua có thể thấy, sẽ rất khó có một nền sân khấu phát triển nếu không có những nghệ sĩ, diễn viên đẳng cấp được đào tạo bài bản từ những cơ sở có tính chuyên nghiệp cao.
Ngoài ra, những hạn chế về kinh phí đào tạo đã dẫn đến việc đội ngũ giảng viên ở các trường không có điều kiện giao lưu, học hỏi và trải nghiệm từ sân khấu quốc tế, khó nắm bắt các xu hướng thay đổi nhanh chóng của sân khấu đương đại. Những điều này khiến công tác nghiên cứu, cập nhật thông tin còn nhiều hạn chế, hệ thống giáo trình ít có điều kiện đổi mới, phần lớn vẫn theo lối mòn với cách dạy và học cũ, với những kiến thức cũ đã trở nên lạc hậu so với sự phát triển chung của sân khấu thế giới.
Thực trạng khó khăn của sân khấu Việt Nam thời gian qua cũng ảnh hưởng tiêu cực tới không ít sinh viên khi “đầu ra” ở các trường, nhất là với sinh viên các chuyên ngành nghệ thuật sân khấu dân tộc thường rất khó xin việc. Dù yêu thích, đam mê và mong muốn theo đuổi nghề đến mấy, nhưng với một tương lai ảm đạm như vậy, rất khó để họ yên tâm theo học hoặc lựa chọn vào học.
Có lẽ, đó chính là nguyên nhân khiến chỉ tiêu tuyển sinh hằng năm ở các khoa sân khấu thường khó đạt theo kế hoạch và các khoa đào tạo không thể có nhiều lựa chọn, thậm chí có những chuyên ngành như sân khấu dân tộc hay đạo diễn ở các trường không đủ sinh viên để mở lớp. Trong khi đó, một chuyên ngành đào tạo rất quan trọng, mang tính nền tảng và định hướng như lý luận, phê bình sân khấu cũng trong tình trạng tương tự thường bị hủy bỏ vì lý do không có sinh viên đăng ký tuyển sinh từ một phần nguyên nhân sau này “không có đất làm nghề”. Cũng vì thế, xuất phát điểm hiện nay của nhiều sinh viên các lớp đạo diễn ở các trường chính là các nghệ sĩ, diễn viên ở các nhà hát, đơn vị nghệ thuật đã có thời gian theo nghề, được sự hỗ trợ từ các đơn vị chủ quản và rất ít cơ hội cho các sinh viên khác theo học ngành này.
Để khắc phục phần nào những khó khăn nêu trên trong các trường đào tạo sân khấu, một nghề mang tính đặc thù, đã đến lúc, các cấp quản lý cần quan tâm đầu tư và nhất là cân nhắc việc tháo gỡ những quy định không còn phù hợp, trao quyền hạn và xác định trách nhiệm sâu rộng và toàn diện hơn cho các hội đồng trường và ban giám hiệu của các cơ sở đào tạo, giúp các trường tổ chức đội ngũ giảng viên thật sự có kiến thức và kinh nghiệm thực tiễn sâu rộng, có điều kiện giao lưu học tập, nghiên cứu từ thực tế sân khấu thế giới.
Một hướng đi của các trường là liên kết với các nhà hát, đơn vị nghệ thuật trong đào tạo thực hành hoặc chủ động đầu tư, kêu gọi đầu tư tổ chức những sân khấu kịch, đoàn kịch, nhóm kịch của riêng mình nhằm tạo dựng môi trường thực hành, nghiên cứu, thể nghiệm cho các giảng viên và sinh viên như Nhà hát Thể nghiệm của Trường đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội đang làm. Hướng đi này đã mang lại thành công cho không ít chương trình, vở diễn của nhà trường thời gian qua tại các kỳ hội diễn, liên hoan.
Trong tình hình hiện nay, điều mà các trường và cơ sở đào tạo về nghệ thuật sân khấu mong muốn là các cấp quản lý cho phép được chủ động, sáng tạo trong việc xây dựng, cập nhật hệ thống giáo trình đa dạng, phong phú phục vụ công tác giảng dạy và từng bước mở rộng công tác tuyển sinh vào các chuyên ngành. Đặc biệt, các trường nên được chủ động cân đối hoàn toàn về tài chính từ các nguồn ngân sách và xã hội hóa để huy động được nguồn lực đầu tư có hiệu quả nhất cho công tác đào tạo.
Bên cạnh đó, để tạo một môi trường đào tạo rộng mở, có chiều sâu chất lượng, các cấp quản lý nhà nước cần khuyến khích, tạo cơ hội trong việc lựa chọn hỗ trợ đầu tư và cho phép cấp chứng chỉ đào tạo chuyên ngành cho các cơ sở đào tạo sân khấu có uy tín ngoài công lập với mục tiêu đa dạng hóa hình thức và chất lượng đào tạo. Các quốc gia đang có nền sân khấu phát triển đa dạng và phong phú đều song song đầu tư và hỗ trợ tài chính cho hai hệ thống đào tạo công lập và ngoài công lập. Chính sách này cho phép các nghệ sĩ, nghệ nhân sân khấu với uy tín và bề dày kiến thức, kinh nghiệm có cơ hội được truyền nghề trực tiếp và chuyên sâu cho các thế hệ học viên và nghệ sĩ trẻ tiếp nối và lưu truyền.