Sân khấu Việt Nam trên đường mới

Nghệ thuật sân khấu Việt Nam hôm nay đang cần một “cú huých” tạo nguồn động lực bằng những điều chỉnh, bổ sung, cải cách và tháo gỡ các vướng mắc, bất cập trong hoạt động hiện hành để tạo sức bật vươn lên tầm vóc của một nền sân khấu đậm đà bản sắc dân tộc, hội nhập quốc tế và tiên phong “kết nối phát triển” với sân khấu thế giới.
0:00 / 0:00
0:00
Trích đoạn vở rối “Mơ rồng” của nhóm Nhà hát Múa rối Thăng Long đã biểu diễn tại nhiều nơi trong nước và ở nước ngoài.
Trích đoạn vở rối “Mơ rồng” của nhóm Nhà hát Múa rối Thăng Long đã biểu diễn tại nhiều nơi trong nước và ở nước ngoài.

“Nắm bắt thời cơ-Kết nối phát triển” đã trở thành chủ đề định hướng của Đại hội Sân khấu thế giới lần thứ 37, diễn ra vào tháng 9/2024 tại Bỉ và Hà Lan. Thật trùng hợp bởi đây cũng là mục tiêu mà sân khấu Việt Nam hướng tới, cho dù không chính thức, bằng những tuyên bố, nhưng đã thể hiện qua nhiều hoạt động mở rộng, giao lưu quốc tế.

Có thể tự tin khẳng định như vậy, bởi sân khấu Việt Nam có một nội lực tiềm tàng và mạnh mẽ, kết tinh bằng bản sắc truyền thống lịch sử lâu đời và năng lượng học hỏi, khai mở, tiếp cận các giá trị sáng tạo hiện đại từ tinh hoa thế giới. Trong tầm nhìn lâu dài, nội lực quý giá đó cần được sử dụng hiệu quả nhất theo những đòi hỏi, yêu cầu mới của thực tiễn.

Đất nước bước vào kỷ nguyên mới với những vận hội mới và sân khấu Việt Nam cũng trong sự đồng hành đó, cho dù chúng ta hiểu phía trước là vô vàn thách thức, trở ngại cần vượt qua và cả những yếu kém phải khắc phục.

Câu hỏi đặt ra là đổi mới, cách tân như thế nào để sân khấu thật sự giữ được vai trò của một loại hình nghệ thuật mang tính phản ánh, tiên phong và dự báo, hoạt động hiệu quả trong sự cạnh tranh của các loại hình nghệ thuật và giải trí khác. Ở một khía cạnh hẹp hơn của con đường đổi mới là mô hình phát triển và tạo dựng đời sống sân khấu ở nước ta hiện nay trong sự soi chiếu với các nền sân khấu phát triển của thế giới.

Trong từng thời kỳ, sân khấu cách mạng Việt Nam luôn hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ chính trị cụ thể và then chốt của đất nước với các thành tựu đáng tự hào. Sự phát triển của đất nước trong bối cảnh mới đã đặt ra một thực tế đòi hỏi cấp bách những điều chỉnh, thay đổi, loại bỏ và cả bổ sung các chính sách tổ chức, quản lý và vận hành các hoạt động sân khấu biểu diễn.

Tư duy tổ chức, quản lý và vận hành các “Phong trào sân khấu” cần được cân nhắc và điều chỉnh để tạo nên một “Đời sống sân khấu” thật sự phù hợp trước vận hội mới của đất nước. Hiểu một cách đơn giản nhất, “Phong trào sân khấu” chỉ xuất phát từ ý muốn chủ quan của con người trong khi “Đời sống sân khấu” hình thành và tuân theo những quy luật khách quan của đời sống sáng tạo và tiếp nhận.

Mối quan hệ kiềng ba chân giữa các nhà hát (nơi diễn ra hoạt động sân khấu), các nghệ sĩ sáng tạo (nghệ sĩ sân khấu) và những người thưởng thức tác phẩm sân khấu (khán giả) sẽ quyết định hiệu quả, giá trị và tiềm năng phát triển “Đời sống sân khấu” của một quốc gia.

Sẽ khó xây dựng một nền “công nghiệp văn hóa” nói chung và “công nghiệp sân khấu” nói riêng nếu mối quan hệ nêu trên không được xây dựng theo một chiến lược và phương pháp phù hợp.

Trước tiên là các nhà hát. Mô hình nhà hát hiện đại nói chung, bao gồm cả công lập và ngoài công lập tại các nền sân khấu phát triển, tùy theo quy mô và hoạt động, cơ cấu chỉ có một bộ máy điều hành với các quản lý và nhân viên làm việc toàn thời gian, phụ trách những hạng mục công việc cụ thể, bao gồm: Giám đốc quản lý chung, Quảng cáo truyền thông, Tiếp thị và phát triển khán giả, Kỹ thuật chương trình, Kế hoạch và tài chính.

Cũng theo mô hình này, rất hiếm khi có nghệ sĩ biên chế chính thức tại các nhà hát. Tất cả đều được tuyển chọn công khai và khách quan theo yêu cầu cụ thể của từng dự án cụ thể của nhà hát.

Sân khấu Việt Nam trên đường mới ảnh 1

Cảnh trong vở diễn “Đứa con của yêu tinh” hợp tác giữa Nhà hát Tuổi trẻ và một nhà hát của Hàn Quốc.

Ngay cả Giám đốc Chỉ đạo nghệ thuật của nhà hát cũng được tuyển chọn theo từng nhiệm kỳ và họ phải đưa ra được định hướng phát triển của nhà hát với hệ thống kế hoạch chi tiết các vở diễn sẽ được dàn dựng trong toàn bộ nhiệm kỳ của mình. Các bộ phận của nhà hát căn cứ trên kế hoạch đó sẽ triển khai các kế hoạch chi tiết bao gồm cả việc quảng bá và bán vé trước cho khán giả.

Mô hình trên cho phép các nhà hát hoạt động hoàn toàn tự chủ và năng động. Các nhà hát được quyền lựa chọn và tuyển dụng những đạo diễn giữ vai trò chỉ đạo nghệ thuật phù hợp nhất. Sau một nhiệm kỳ hoạt động có hiệu quả, họ sẽ được gia hạn hợp đồng, nếu không họ sẽ phải nhường chỗ cho người khác. Các nhóm nghệ sĩ sáng tạo và diễn viên cũng được tuyển chọn theo từng dự án vở diễn cụ thể.

Nếu họ có kỹ năng chuyên môn cao, làm việc có kỷ luật, chuyên nghiệp, họ sẽ tạo nên uy tín và danh tiếng để có cơ hội làm việc cho nhiều dự án với nhiều đạo diễn của nhiều nhà hát khác nhau. Một “Đời sống sân khấu” với tính cạnh tranh cao, nhưng khách quan, minh bạch và lành mạnh được hình thành, tạo cơ hội nhiều hơn cho các nghệ sĩ thật sự tài năng và tâm huyết với nghề, mở ra những cánh cửa tương lai bình đẳng cho các thế hệ nghệ sĩ trẻ tiếp nối.

Quan trọng hơn là chương trình kịch mục của các nhà hát trở nên phong phú, đa dạng, tràn đầy năng lượng sáng tạo và luôn hấp dẫn với các gương mặt nghệ sĩ, diễn viên và đạo diễn mới.

Sân khấu hiện đại không thể đổ hết nguyên nhân của thực trạng thiếu vắng khán giả vì các hình thức giải trí và công nghệ khác. Thực tế đó có thật nhưng chỉ là một bộ phận chứ không phải tất cả.

Khi được tổ chức, quản lý và vận hành theo kiểu “Phong trào sân khấu”, sân khấu lập tức bị ý chí chủ quan xác định quan hệ sáng tạo (nghệ sĩ) và thưởng thức (khán giả), làm mất đi nhu cầu tự thân và trở nên bị động. Vì là “phong trào”, nghệ sĩ sẽ dần quen với tâm thế “phục vụ” thay vì “sáng tạo” và khán giả sẽ dần quen với yêu cầu “được mời” thay vì “mua vé”.

Khát khao sáng tạo và nhu cầu thưởng thức sân khấu của một quốc gia đang phát triển nhanh, với khoảng 100 triệu dân, có lịch sử truyền thống và di sản sân khấu lâu đời như Việt Nam là rất lớn.

Rất cần thiết nghiên cứu, phân tích, điều chỉnh, bổ sung và đổi mới hệ thống chính sách tổ chức, quản lý và vận hành các hoạt động sân khấu trước vận hội mới của đất nước nói chung, vận hội mới của chính nghệ thuật sân khấu nói riêng trong tiến trình phát triển và hội nhập với sân khấu thế giới.