Tạo đột phá khai mở tiềm năng vi mạch bán dẫn

Nhìn vào cơ hội và triển vọng của ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam thời điểm này, thành phố Đà Nẵng nổi lên như một điểm sáng trong mắt nhà đầu tư nước ngoài. Song để tạo đột phá cũng cần sớm giải quyết những yêu cầu đặt ra.
0:00 / 0:00
0:00
Khu công nghệ cao Đà Nẵng có tổng diện tích quy hoạch hơn 1.100 ha.
Khu công nghệ cao Đà Nẵng có tổng diện tích quy hoạch hơn 1.100 ha.

Phát triển lĩnh vực vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo là một trong những định hướng được Bộ Chính trị đề ra tại Kết luận số 79-KL/TW về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XII về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Từ chủ trương đến hành động

Tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV vừa diễn ra, một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng đã được Quốc hội thông qua với nhiều ưu đãi riêng có cho vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, thông tin truyền thông, quản lý khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo.

Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Đà Nẵng Nguyễn Quang Thanh khẳng định: Đà Nẵng nhận thức rõ việc thu hút đầu tư và phát triển các lĩnh vực vi mạch, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo không phải là hoạt động mang tính chất phong trào, ngắn hạn, mà là một lĩnh vực ưu tiên nghiên cứu, đầu tư, phát triển một cách bài bản, dài hạn.

Chủ trương đúng đắn phải đi kèm hành động quyết liệt. Với lựa chọn tham gia chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu, sau khi có chủ trương, lãnh đạo thành phố đã mời gọi nhiều “đại bàng” công nghệ hợp tác, đầu tư vào thành phố. Năm 2023, trong các chuyến công tác đến Hoa Kỳ, lãnh đạo thành phố Đà Nẵng đã làm việc với các tập đoàn hàng đầu về thiết kế vi mạch bán dẫn như: Synopsys, Nvidia, Marvell, Qualcomm, Intel...; ký kết bản ghi nhớ hợp tác liên quan đến phát triển lĩnh vực bán dẫn trên địa bàn thời gian tới với Tập đoàn Synopsys ngay trong khuôn khổ sự kiện APEC 2023.

Trong nửa đầu năm nay, thành phố đã tiếp và làm việc với 17 đối tác liên quan lĩnh vực bán dẫn và trí tuệ nhân tạo; triển khai các nội dung hợp tác về vi mạch, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo tại Đà Nẵng với hơn 30 tập đoàn lớn và đối tác. Song, bức tranh sáng màu về tiềm năng ngành công nghiệp bán dẫn tại Đà Nẵng không chỉ là những con số dự án thu hút đầu tư, mà còn là xu hướng và đánh giá rất tích cực về thành phố của các “đại bàng” công nghệ trong bối cảnh chuyển dịch chuỗi cung ứng bán dẫn hiện nay.

Tại các buổi tọa đàm lấy ý kiến cho đề án vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo của thành phố, những ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà quản lý và doanh nghiệp tựu trung đều dựa trên một mẫu số chung là vai trò của cấp ủy, chính quyền thành phố. Các chuyên gia kinh tế trong nước và quốc tế đa phần đánh giá cao những phản ứng chính sách chủ động, linh hoạt của Đà Nẵng đã đi sâu sát và kịp thời.

“Khi chúng tôi tiếp Phó Tham tán Kinh tế của Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam, họ đánh giá rất cao sự vào cuộc nhanh chóng, quyết liệt giai đoạn đầu của thành phố”, Giám đốc Văn phòng Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân Phạm Thị Ngọc Thủy chia sẻ và cho rằng, việc tiếp theo là xác định rõ mục tiêu và giải pháp theo lộ trình trong Đề án phát triển vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo của thành phố.

Theo Giám đốc Trung tâm nghiên cứu, đào tạo thiết kế vi mạch và trí tuệ nhân tạo Đà Nẵng Lê Hoàng Phúc, các bên liên quan cho rằng cần tập trung ưu tiên bốn nhóm giải pháp về: cơ chế, chính sách; nguồn nhân lực; hạ tầng và thu hút đầu tư.

Theo những nhóm này, Đà Nẵng hiện có một khu công nghệ cao và ba khu công nghệ thông tin tập trung; là địa phương thu hút được nguồn lực hỗ trợ tài chính từ các quỹ quốc tế cho đào tạo nhân lực, xây dựng hạ tầng công nghiệp bán dẫn; đồng thời có những chính sách ưu đãi trong bối cảnh thuế tối thiểu toàn cầu...

Tiến sĩ Nguyễn Quân, nguyên Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ cho rằng, ngoài việc xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù cho ngành công nghiệp bán dẫn, thành phố cũng cần dành một nguồn lực đầu tư đủ lớn với một cam kết mức đầu tư để những người làm trực tiếp mạnh dạn tham gia, vì công nghiệp bán dẫn đòi hỏi vốn đầu tư rất lớn.

“Trong bối cảnh hiện nay, ngân sách dành ra một khoản cũng đã quý rồi, nhưng cũng cần một cơ chế sử dụng nguồn lực này một cách thuận lợi, thông thoáng và ít rủi ro nhất”, Tiến sĩ Nguyễn Quân chia sẻ.

Tạo đột phá khai mở tiềm năng vi mạch bán dẫn ảnh 1

Lãnh đạo thành phố Đà Nẵng trao đổi tại lễ khởi động chương trình đào tạo nhân lực vi mạch bán dẫn tại Đà Nẵng.

Nhân lực là bước “đột phá của đột phá”

Từ tháng 10/2023 đến nay, Đà Nẵng đã triển khai quyết liệt và đồng bộ nhiều bước đi quan trọng với hướng chính là tập trung phát triển nguồn nhân lực vi mạch bán dẫn gắn với trí tuệ nhân tạo. Trước “cơn khát” nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu, vốn con người vừa là thách thức, vừa là “cơ hội vàng” để lọt vào mắt xanh của nhà đầu tư; song thời điểm này vẫn chưa chín muồi.

Dự thảo Đề án phát triển vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo Đà Nẵng đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ đào tạo, bồi dưỡng ít nhất 5.000 nhân lực cho ngành vi mạch bán dẫn, trong đó có ít nhất 2.000 nhân lực thiết kế và 3.000 nhân lực kiểm thử, đóng gói.

Trong số 38 cơ sở đào tạo về lĩnh vực công nghệ thông tin, thành phố có 13 trường đào tạo các chuyên ngành gần lĩnh vực bán dẫn và trí tuệ nhân tạo như: Điện tử-viễn thông, Cơ điện tử, Tự động hóa... Hằng năm, sinh viên tốt nghiệp ngành gần vi mạch vào khoảng 1.000 chỉ tiêu; đào tạo hơn 300 chỉ tiêu lĩnh vực trí tuệ nhân tạo và hơn 2.000 chỉ tiêu ngành gần trí tuệ nhân tạo.

Đến tháng 8/2024, Đà Nẵng sẽ có ba đơn vị đầu tiên tuyển sinh với khoảng 170 chỉ tiêu về kỹ sư bán dẫn, vi mạch từ các Trường đại học Bách khoa, Trường đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt-Hàn, Trường đại học Sư phạm kỹ thuật. Phát triển số lượng có thể nâng chất lượng nguồn nhân lực, nhưng cũng có thể dẫn đến tình trạng “thừa mà thiếu”, không đạt chất lượng. Cách tiếp cận tổng thể và dài hạn sẽ bảo đảm nguồn nhân lực đạt chất lượng. Vì vậy, thành phố đang nỗ lực tạo lập hệ sinh thái nghiên cứu và phát triển.

Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Đà Nẵng Nguyễn Quang Thanh cho biết, các vấn đề tiêu chuẩn đào tạo nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn và trí tuệ nhân tạo được định hướng lấy yêu cầu của doanh nghiệp làm trung tâm để xây dựng chương trình đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng; trước mắt tập trung trong việc thiết kế, kiểm thử.

Giám đốc một doanh nghiệp nội địa thiết kế chip tại Đà Nẵng chia sẻ: “Việc thích ứng với sự thay đổi của công nghệ xuất phát từ độ mở ở chương trình đào tạo và sự tiếp nhận cái mới của các thầy, cô giáo. Đây là một câu chuyện dài hơi, vì giảng viên phải dạy nhiều giờ, nhiều môn để bảo đảm thu nhập, khó có thời gian tiếp xúc và làm thực tế cùng doanh nghiệp. Bên cạnh đó, việc đưa các môn mới, công nghệ mới vào chương trình đào tạo cũng là vấn đề. Để đào tạo chất lượng tốt phải kết hợp chặt chẽ chính sách, nhà trường, doanh nghiệp”.

Việc hỗ trợ tài chính và tín dụng cũng cần được chú trọng triển khai trong các giải pháp liên quan đến phát triển nguồn nhân lực và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo.

Tại buổi tiếp xúc cử tri sau kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng nhấn mạnh, quan điểm của thành phố là định hướng phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, không hướng đến ngành thâm dụng lao động, mà hướng đến công nghiệp công nghệ cao và công nghệ thông tin, nhằm mang lại những lợi ích lâu dài, bền vững cho thành phố...