Theo Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh, để tăng tốc trên hành trình xây dựng hệ sinh thái vi mạch, bán dẫn, thành phố xác định cách tiếp cận dựa trên phát triển nguồn nhân lực làm trọng tâm.
Theo nhận định của Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia, dự báo ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu sẽ thiếu hụt nguồn lao động kỹ thuật chất lượng cao, với nhu cầu cần tăng thêm hơn 1 triệu nhân sự vào năm 2030.
Do đó, nhiều quốc gia đã có kế hoạch hỗ trợ phát triển cho ngành này, đẩy mạnh phát triển nhân sự thông qua các cơ chế, chính sách hỗ trợ.
Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, đào tạo thiết kế vi mạch và trí tuệ nhân tạo Đà Nẵng Lê Hoàng Phúc cho biết, trao đổi tại các buổi tiếp xúc và hội thảo, các trường đại học khi đầu tư cho công tác đào tạo nhân lực ngành bán dẫn thường đặt vấn đề giải quyết việc làm cho sinh viên. Còn doanh nghiệp và nhà đầu tư đề nghị Đà Nẵng phải có sẵn nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu.
“Đà Nẵng đã chọn cách tiếp cận dựa trên nguồn nhân lực, đầu tư nguồn lực hỗ trợ các trường đại học trên địa bàn thành phố”, ông Phúc chia sẻ.
Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Đà Nẵng Lê Thị Thục cho biết, sự phát triển về nguồn nhân lực của thành phố là bước đi đầu tiên và quan trọng trong hành trình tham gia hệ sinh thái chip bán dẫn.
“Chọn Đà Nẵng để phát triển nhân lực là điều thuận lợi, vì Đà Nẵng có các trường đại học ngành kỹ thuật tốp đầu, có năng lực đào tạo các ngành gần với lĩnh vực vi mạch, bán dẫn như kỹ thuật máy tính, công nghệ thông tin...”, bà Thục cho biết.
Trên quan điểm đó, Trường đại học Bách khoa và Trường đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông Việt Hàn đã mở các mã ngành đào tạo chuyên sâu về thiết kế vi mạch, công nghệ bán dẫn, bắt đầu tuyển sinh trong năm 2024; đưa vào nội dung đào tạo, nghiên cứu vi mạch, bán dẫn cho sinh viên các ngành gần.
Ông Trịnh Thanh Lâm, Giám đốc kinh doanh Synopsys Nam Á chia sẻ: “Chúng tôi mong muốn Việt Nam, đặc biệt là Đà Nẵng, tham gia chuỗi cung ứng ngành công nghiệp bán dẫn trên toàn cầu. Nguồn nhân lực là thứ chúng ta mạnh, các nước khác thì đang thiếu cho nên chúng ta sẽ hợp tác với nhau trong đào tạo”.
Đà Nẵng xác định phát triển nguồn nhân lực không chỉ là những bước đi tuần tự trong nỗ lực trở thành mắt xích quan trọng của chuỗi giá trị bán dẫn toàn cầu, mà còn là bước nhảy vọt, rút ngắn khoảng cách về công nghệ thiết kế vi mạch với các hãng bán dẫn lớn trên thế giới nhờ dựa vào tri thức.
Để thúc đẩy đào tạo, sự hợp tác giữa Nhà nước-đại học-doanh nghiệp là cần thiết và đang phát huy hiệu quả.
Thời gian qua, Đà Nẵng tăng cường hợp tác quốc tế với các công ty, tổ chức uy tín lĩnh vực vi mạch, bán dẫn để sớm tiếp cận nguồn lực và thông tin nhu cầu về nhân lực ngành bán dẫn; thúc đẩy triển khai đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao thông qua những buổi làm việc, tiếp xúc sâu rộng với các đối tác, tập đoàn lớn của Hoa Kỳ.
Trong đó, chuyến thăm và làm việc với một số công ty bán dẫn hàng đầu Hoa Kỳ như Synopsys và Marvell của đoàn công tác thành phố ngay tại Hoa Kỳ, do Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng làm trưởng đoàn, đã đem về bản ghi nhớ, cam kết của Synopsys trong hỗ trợ thành phố phát triển nguồn nhân lực ngành bán dẫn.
Thành phố đã thành lập Trung tâm nghiên cứu, đào tạo thiết kế vi mạch và trí tuệ nhân tạo Đà Nẵng (DSAC) nhằm thúc đẩy và hình thành các liên kết về vốn, con người và công nghệ giữa các trường đại học với doanh nghiệp trong lĩnh vực này.
Theo PGS, TS Nguyễn Lê Hùng, Phó Hiệu trưởng Trường đại học Sư phạm Kỹ thuật - Đại học Đà Nẵng, thông qua DSAC, Đà Nẵng đã kết nối các doanh nghiệp lớn với các trường đại học, hỗ trợ sinh viên và giảng viên tiếp cận phần mềm thiết kế vi mạch, khắc phục tình trạng “mạnh lý thuyết nhưng yếu thực hành” do thiếu cơ sở vật chất.
Bên cạnh đầu tư cơ sở vật chất, Đà Nẵng nhanh chóng phát triển đội ngũ giảng dạy đúng với tầm chiến lược, liên kết nhà trường với doanh nghiệp mở các lớp đào tạo ngắn hạn cho giảng viên ngành bán dẫn.
Đồng chí Hồ Kỳ Minh cho biết, thành phố Đà Nẵng đang hợp tác với các đối tác trong và ngoài nước để triển khai các khóa đào tạo tiếp theo cho đội ngũ giảng viên và nhân lực ngành vi mạch, bán dẫn, hoặc cử giảng viên các trường đại học trên địa bàn thành phố sang nghiên cứu, học tập trực tiếp tại các cơ sở đào tạo quốc tế; đồng thời mở rộng hợp tác sang các đối tác uy tín ở các nước khác trong các khóa đào tạo tiếp theo.