Dư luận chung quanh chuyến thăm Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình:

Tạo đột phá cho quan hệ Việt-Trung, đóng góp cho khu vực và thế giới

NDO - Nhiều chuyên gia, học giả Trung Quốc và quốc tế đều nhận định, chuyến thăm cấp Nhà nước đến Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ góp phần tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác song phương, thúc đẩy hòa bình và ổn định của ASEAN và châu Á-Thái Bình Dương, đóng góp cho ổn định, phát triển và thịnh vượng của khu vực và trên thế giới.
0:00 / 0:00
0:00
Các ấn phẩm của Nhân dân Nhật báo đưa đậm đặc các thông tin về chuyến thăm.
Các ấn phẩm của Nhân dân Nhật báo đưa đậm đặc các thông tin về chuyến thăm.

Quyết định phù hợp xu thế lịch sử

Trang mạng “Người quan sát” (guancha.cn) mới đây đăng bài phỏng vấn chuyên gia Trung Quốc đánh giá chuyến thăm tới Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Bà Pan Jin'e, nghiên cứu viên cao cấp của Viện Nghiên cứu chủ nghĩa Mác thuộc Viện Khoa học xã hội Trung Quốc cho rằng, việc nâng cấp quan hệ Trung Quốc-Việt Nam phù hợp quy luật lịch sử của quan hệ hai nước. Kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao đến nay, cứ mỗi thời điểm quan trọng, hai bên lại xác lập định vị mới cho quan hệ song phương. Định vị mới này đóng vai trò định hướng cho quan hệ hai Đảng, hai nước sau này.

Bà Pan Jin’e nhấn mạnh, năm nay kỷ niệm 15 năm hai nước thiết lập quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, việc nâng cấp quan hệ song phương trong thời điểm này là thuận theo yêu cầu phát triển của thời đại. Sau Đại hội XVIII của Đảng Cộng sản Trung Quốc, chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc bước vào thời đại mới với những đặc trưng mới, vì vậy, quan hệ hai nước cũng cần có khuôn khổ mới.

Ngày 16/12, Nhân dân Nhật báo, cơ quan ngôn luận của Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc đăng bài “Thúc đẩy quan hệ Trung-Việt phát triển ổn định”, ghi nhận nhiều đánh giá, bình luận của giới học giả Trung Quốc và quốc tế về kết quả chuyến thăm tới Việt Nam lần này của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Ông Zhai Kun, giáo sư Viện Quan hệ quốc tế thuộc Đại học Bắc Kinh cho biết, hai nước Trung Quốc-Việt Nam cùng xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai có ý nghĩa chiến lược sẽ góp phần tăng cường hợp tác hiệu quả và cùng phát triển thịnh vượng.

Ông Yang Ruofei, Giám đốc Ngân hàng Công thương Trung Quốc (ICBC) chi nhánh tại Hà Nội nhận định, Trung Quốc luôn là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam; còn Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN và là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Trung Quốc trên thế giới. Chuyến thăm lần này sẽ đem đến nhiều cơ hội hợp tác song phương, đồng thời tạo động lực mới để hai nước cùng phát triển, cùng thắng.

Ông Su Xiaohui, Viện nghiên cứu các vấn đề quốc tế Trung Quốc cho rằng, đây là chuyến thăm lẫn nhau lần thứ ba giữa Tổng Bí thư hai Đảng, thể hiện tình hữu nghị đặc biệt và sự coi trọng cao độ của hai bên đối với quan hệ hai Đảng, hai nước. Việc hai nước cùng xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Trung Quốc-Việt Nam có ý nghĩa chiến lược là tín hiệu tích cực thể hiện việc hai Đảng, hai nước đoàn kết hữu nghị, cùng nhau kiên định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, cùng hướng tới hiện đại hóa.

Đột phá trên tất cả các lĩnh vực

Bà Pan Jin'e nhận định, chính trị, hợp tác thiết thực và nền tảng xã hội là 3 lĩnh vực có nhiều khả năng đột phá nhất sau chuyến thăm của nhà lãnh đạo Trung Quốc. Theo đó, hai nước có thể đẩy mạnh hơn nữa hợp tác chính trị, tăng cường trao đổi kinh nghiệm quản trị đất nước, bởi hai bên đều đứng trước cơ hội và thách thức phát triển trong tình hình mới, cần có những đối sách mới, vì vậy tăng cường trao đổi kinh nghiệm quản trị đất nước là vô cùng quan trọng, góp phần tăng thêm sự tin cậy chính trị giữa hai nước.

Về hợp tác thiết thực, theo học giả này, chủ yếu thể hiện ở việc nâng tầm quan hệ kinh tế-thương mại, đặc biệt là lĩnh vực đầu tư, bởi Việt Nam có nhu cầu phát triển kinh tế số, hướng đến nền công nghiệp 4.0; Trung Quốc có ưu thế nhất định về lĩnh vực khoa học-công nghệ, có thể giúp Việt Nam bước vào giai đoạn phát triển nhảy vọt, trực tiếp từ nền công nghiệp 2.0 lên 4.0. Tính bổ sung trong hợp tác song phương ở lĩnh vực này là rất lớn.

Về hợp tác nền tảng xã hội, bà Pan Jin'e chỉ ra rằng, nhận thức của thanh niên hai nước về quan hệ hợp tác hữu nghị truyền thống song phương chưa đủ sâu sắc, do đó hai bên cần đẩy mạnh giáo dục và giao lưu thanh niên hai nước về lĩnh vực này.

Ông Zhao Weihua, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu quan hệ láng giềng thuộc Đại học Phục Đán cho biết, hiện nay Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam, 33% sản phẩm nhập khẩu của Việt Nam đến từ Trung Quốc. Ngoài ra, thị trường Trung Quốc tiêu thụ gần 1/3 hàng nông sản của Việt Nam.

Nhà nghiên cứu này cũng cho biết, hai nước Trung Quốc-Việt Nam đồng ý đẩy nhanh hợp tác trong khuôn khổ sáng kiến xây dựng “Vành đai và Con đường” chất lượng cao. Việt Nam hoan nghênh các doanh nghiệp Trung Quốc, đặc biệt là các doanh nghiệp khoa học-công nghệ, có kinh nghiệm quản lý hiện đại đầu tư sang Việt Nam, do đó, doanh nghiệp Trung Quốc sẽ có thêm nhiều cơ hội.

Đóng góp cho cả khu vực và thế giới

Theo Nhân dân Nhật báo, cộng đồng quốc tế có nhận định chung rằng, chuyến thăm của nhà lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước Trung Quốc đến Việt Nam không chỉ đem lại lợi ích cho người dân hai nước, mà còn gửi đi thông điệp sinh động về chính sách ngoại giao láng giềng của nước này. Trung Quốc và Việt Nam cùng phát triển sẽ đóng góp cho ổn định, phát triển và thịnh vượng của khu vực và trên thế giới.

Ông Sithixay Xayavong, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Trung Quốc thuộc Đại học quốc gia Lào nhận định, chuyến thăm lần này đã truyền tải thông điệp Trung Quốc sẽ tiếp tục thực hiện chính sách ngoại giao láng giềng, cùng với các nước trong khu vực xây dựng ngôi nhà chung châu Á hòa bình, an toàn, thịnh vượng, giàu đẹp, hữu nghị, đồng thời cùng nhau đẩy mạnh quyết tâm và niềm tin về xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai châu Á.

Ông Chea Munyrith, thành viên Ban Chấp hành Hội hữu nghị Campuchia-Trung Quốc cho biết, quan hệ Trung Quốc-Việt Nam bước lên tầm cao mới là tín hiệu tích cực đối với ASEAN, có lợi cho việc thúc đẩy hòa bình và thịnh vượng ở khu vực.

Ông Chen Gang, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Đông Á thuộc Đại học quốc gia Singapore cho rằng, chuyến thăm lần này đưa quan hệ Trung Quốc-Việt Nam lên tầm cao mới, góp phần thúc đẩy hòa bình và ổn định ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, đặc biệt là khu vực ASEAN.

Ông Wichai Kinchong Choi, Phó Tổng giám đốc cấp cao Ngân hàng Kasikorn Thái Lan cho biết, hai nước Trung Quốc-Việt Nam tăng cường hợp tác hiệu quả có lợi cho duy trì sự ổn định chuỗi ngành nghề, chuỗi cung ứng toàn cầu, thúc đẩy khu vực phát triển thịnh vượng.

Còn ông Phinij Jarusombat, cựu Phó Thủ tướng Thái Lan cho biết, chuyến thăm lần này thể hiện tính liên tục và ổn định trong chính sách ngoại giao láng giềng của Trung Quốc. Mô hình hiện đại hóa kiểu Trung Quốc sẽ đem lại cơ hội phát triển mới cho các nước châu Á, trong đó có Việt Nam.

Ông Wirun Phichaiwongphakdee, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu hợp tác “Vành đai và Con đường” Thái Lan-Trung Quốc cho rằng, hai nước Trung Quốc-Việt Nam tăng cường hợp tác sẽ đóng góp vào việc xây dựng hệ thống chuỗi ngành nghề, chuỗi cung ứng toàn cầu an toàn, ổn định, thông suốt, hiệu quả, mở rộng, bao trùm, cùng có lợi, cùng thắng, tạo ra nhiều cơ hội hơn cho sự phát triển của khu vực.

Ông Eduardo Regalado, chuyên gia nghiên cứu Trung Quốc thuộc Trung tâm nghiên cứu chính sách quốc tế Cuba cho rằng, hợp tác song phương giữa Trung Quốc và Việt Nam có ý nghĩa quan trọng với hai nước, khu vực và thế giới, không chỉ góp phần thúc đẩy sự nghiệp xã hội chủ nghĩa trên thế giới, mà còn làm cho lực lượng hòa bình và phát triển trên thế giới ngày càng lớn mạnh.