Dấu mốc mới trong quan hệ Việt Nam-Trung Quốc

NDO - Nhân chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, phóng viên Báo Nhân Dân thường trú tại Trung Quốc đã có cuộc phỏng vấn chuyên gia Hứa Ninh Ninh, Giám đốc điều hành Hội đồng Kinh doanh Trung Quốc-ASEAN, Chủ tịch Ủy ban Hợp tác công nghiệp trong khuôn khổ Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) về ý nghĩa chuyến thăm, tình hình và triển vọng quan hệ Việt Nam-Trung Quốc.
0:00 / 0:00
0:00
Ông Hứa Ninh Ninh, Giám đốc điều hành Hội đồng Kinh doanh Trung Quốc-ASEAN, Chủ tịch Ủy ban Hợp tác công nghiệp RCEP.
Ông Hứa Ninh Ninh, Giám đốc điều hành Hội đồng Kinh doanh Trung Quốc-ASEAN, Chủ tịch Ủy ban Hợp tác công nghiệp RCEP.

Chuyên gia Hứa Ninh Ninh, người có nhiều năm nghiên cứu quan hệ Việt Nam-Trung Quốc, nhất là các lĩnh vực hợp tác thiết thực như kinh tế-thương mại-đầu tư, cho rằng chuyến thăm là một dấu mốc mới quan trọng, thể hiện sự gần gũi và gắn kết giữa hai nước, sẽ góp phần làm sâu sắc và thúc đẩy quan hệ song phương đạt những bước tiến mới, thu hút sự quan tâm của cả thế giới.

Dấu mốc mới trong quan hệ hai nước

Nói về ý nghĩa, mục đích chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, chuyên gia Hứa Ninh Ninh nhấn mạnh, gần một năm qua, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã lần lượt có các chuyến thăm tới Trung Quốc. Với chuyến thăm lần này của nhà lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước Trung Quốc, quan hệ hai Đảng, hai nước sẽ có bước phát triển mới, mối quan hệ “láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt” sẽ được làm sâu sắc hơn, với những thành quả mới, nhận được sự quan tâm của cả thế giới.

Đây không chỉ là sự kiện trọng đại trong quan hệ hai nước, mà còn thu hút sự quan tâm, chú ý của cả khu vực và cộng đồng quốc tế. Thông qua chuyến thăm, những định hướng lớn trong hợp tác song phương trong các lĩnh vực quản trị đất nước và xã hội, hợp tác chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, nhân văn, đặc biệt là hợp tác kinh tế-thương mại sẽ được thể hiện rõ nét.

Với vai trò dẫn dắt của các nhà lãnh đạo hai nước, hợp tác kinh tế-thương mại sẽ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế và nâng cao đời sống người dân mỗi nước một cách thiết thực hơn.

Dấu mốc mới trong quan hệ Việt Nam-Trung Quốc ảnh 1

Khu gian hàng Việt Nam tại Hội chợ Trung Quốc-ASEAN năm 2023. (Ảnh: HỮU HƯNG)

Hợp tác toàn diện, thiết thực và hiệu quả

Nhìn lại kết quả và tiến triển quan hệ Việt-Trung trong một năm qua, ông Hứa Ninh Ninh cho rằng, hai Đảng, Chính phủ hai nước đã tích cực thực hiện nhận thức chung quan trọng mà lãnh đạo cấp cao đã đạt được, thúc đẩy hơn nữa hợp tác toàn diện đi vào chiều sâu, quan hệ láng giềng hữu nghị, hợp tác kinh tế-thương mại bước vào giai đoạn phát triển mới.

Kết quả hợp tác được thể hiện trên các phương diện xây dựng thể chế xã hội chủ nghĩa phù hợp với tình hình của mỗi nước; quản trị đất nước, kiên trì phát triển dưới sự lãnh đạo của Đảng, lấy người dân làm trung tâm. Hai nước Trung Quốc và Việt Nam có thể học hỏi, tham khảo lẫn nhau, do có nhiều quan điểm chung quan trọng.

Nói về hợp tác kinh tế-thương mại, điểm sáng trong quan hệ hai nước, ông Hứa Ninh Ninh đánh giá, 10 tháng đầu năm 2023, thương mại song phương tăng 3,3% so cùng kỳ năm ngoái. Đây là tốc độ tăng trưởng tốt trong bối cảnh kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại, đặc biệt là sự đứt gãy, trầm lắng của thương mại toàn cầu. Mức tăng này cao hơn tốc độ tăng trưởng thương mại giữa Trung Quốc và ASEAN (chỉ đạt 0,9%).

Dấu mốc mới trong quan hệ Việt Nam-Trung Quốc ảnh 2

Sầu riêng Việt Nam tại một sự kiện quảng bá tại thành phố Thiên Tân, Trung Quốc. (Ảnh: HỮU HƯNG)

Tính bổ sung về kinh tế-thương mại giữa hai nước Trung Quốc và Việt Nam là rất lớn. Những năm gần đây, đặc biệt là hơn 1 năm qua, ngày càng nhiều doanh nghiệp Trung Quốc nhận thấy cơ hội kinh doanh tại Việt Nam và sang đầu tư ở Việt Nam. Trong 10 tháng đầu năm 2023, doanh nghiệp Trung Quốc đứng đầu về tổng số dự án đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.

Ngoài ra, hai bên không ngừng đẩy mạnh giao lưu nhân dân, tăng cường hợp tác trên một số lĩnh vực như giao lưu thanh niên, giáo dục, truyền thông. Thông qua các hoạt động giao lưu nhân dân, hợp tác giữa hai nước ngày càng hiệu quả với nền tảng chính trị và kinh tế vững chắc. Hai bên cùng thúc đẩy hợp tác đa phương, thúc đẩy tự do thương mại, đưa hợp tác kinh tế khu vực có bước phát triển mới. Hợp tác song phương cũng được hưởng lợi nhờ hiệp định RCEP có hiệu lực và trong bối cảnh nâng cấp Khu vực thương mại tự do Trung Quốc-ASEAN.

Mở ra triển vọng tốt đẹp

Đánh giá Trung Quốc và Việt Nam vừa là láng giềng hữu nghị, vừa là đối tác thương mại quan trọng của nhau, có nhiều những lợi thế như: hai bên đều coi phát triển kinh tế là trụ cột quan trọng hàng đầu; đạt được nhiều nhận thức chung, thiết lập nhiều cơ chế hợp tác và tích cực triển khai thực hiện; doanh nghiệp hai nước rất năng động, sáng tạo; giao thông thuận lợi, kết nối thông suốt…; ông Hứa Ninh Ninh cho rằng, chuyến thăm lần này của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ mở ra triển vọng tốt đẹp cho hợp tác kinh tế-thương mại song phương, nhằm phát huy tốt tính bổ sung, khai thác các tiềm năng, lợi thế riêng biệt.

Vị chuyên gia Trung Quốc cũng khuyến nghị các bộ, ngành, địa phương, nhất là doanh nghiệp hai bên cần tích cực thực hiện những nhận thức chung mà hai bên đạt được trong chuyến thăm, chủ động triển khai hợp tác ngành nghề, nhằm điều chỉnh cơ cấu ngành nghề một cách hiệu quả, ứng phó vấn đề đứt gãy chuỗi ngành nghề trong kinh tế quốc tế hiện nay, từ đó tối ưu hóa cơ cấu thương mại và đầu tư giữa hai nước.

Dấu mốc mới trong quan hệ Việt Nam-Trung Quốc ảnh 3

Ông Hứa Ninh Ninh trả lời phỏng vấn của phóng viên Báo Nhân Dân. (Ảnh: HỒ QUÂN)

Ông Hứa Ninh Ninh đề nghị doanh nghiệp hai nước tích cực kết nối với nhau, hợp tác phát triển cùng có lợi; phát huy vai trò của các tổ chức hiệp hội ngành nghề trong thúc đẩy hợp tác giữa các doanh nghiệp; tăng cường giao lưu nhân dân, tạo môi trường, nền tảng xã hội cho hợp tác kinh tế-thương mại.

“Hội đồng Kinh doanh Trung Quốc-ASEAN, Ủy ban Hợp tác công nghiệp RCEP đang tích cực thúc đẩy hợp tác kinh tế khu vực, trong đó có Việt Nam, hỗ trợ các bên nắm bắt cơ hội mà RCEP mang lại. Nhân dịp kỷ niệm 2 năm Hiệp định RCEP có hiệu lực, chúng tôi hy vọng hai nước Trung Quốc và Việt Nam sẽ thể hiện động lực và tính bền vững trong việc khai thác hiệu quả hiệp định RCEP và tiềm năng tăng trưởng kinh tế khu vực” - ông Hứa Ninh Ninh nhấn mạnh.