PV: Xin chúc mừng ông được Thủ tướng Chính phủ tín nhiệm, bổ nhiệm giữ chức vụ Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia. Đảm nhận nhiệm vụ mới, xin ông cho biết sẽ có những định hướng, chiến lược gì chủ đạo, tham mưu với Chính phủ và các bộ ngành kéo giảm các tiêu chí tai nạn giao thông?
Ông Lê Kim Thành: Ngày 25/5/2023, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị số 23-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong tình hình mới; Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ ban hành một số nghị quyết, chỉ thị và công điện về bảo đảm trật tự an toàn giao thông, như Nghị quyết 149/NQ-CP ngày 21/9/2023 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Chỉ thị số 23-CT/TW; Nghị quyết 48/NQ-CP ngày 5/4/2022 tăng cường bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và chống ùn tắc giao thông giai đoạn 2022 - 2025; Chỉ thị 10/CT-TTg ngày 19/4/2023 tăng cường bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ trong tình hình mới ; Chỉ thị 31/CT-TTg ngày 21/12/2023 về bảo đảm trật tự an toàn giao thông cho lứa tuổi học sinh trong tình hình mới; Chiến lược Quốc gia bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2045 (ban hành theo Quyết định số 2060/QĐ-TTg ngày 12/12/2020),… nhờ đó tình hình tai nạn giao thông trên cả nước đã được kiềm chế hiệu quả.
Mô hình Cổng trường an toàn giao thông phát huy hiệu quả. |
Trong các văn bản chỉ đạo trên, nhiều giải pháp cụ thể cho từng bộ ngành, địa phương đã được nêu, có thể tóm lược thành các nhóm sau:
Một là, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về bảo đảm trật tự an toàn giao thông, trong đó cần hoàn thiện chính sách pháp luật, tạo nền tảng pháp lý để áp dụng kịp thời thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 vào thực tiễn công tác này; hoàn thiện bộ máy và phân công trách nhiệm cơ quan quản lý nhà nước và thực thi pháp luật về bảo đảm trật tự an toàn giao thông, phát triển nguồn nhân lực an toàn giao thông ở cả trung ương và địa phương đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Hai là, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông và tổ chức giao thông hiện đại, an toàn, thông suốt, thân thiện. Thực hiện xây dựng, nâng cấp, cải tạo hệ thống đường bộ cao tốc, quốc lộ, các tuyến đường địa phương trọng yếu, nhằm đạt điều kiện an toàn cao cho tất cả các đối tượng tham gia giao thông; chú trọng tới tích hợp kết cấu hạ tầng giao thông hỗ trợ cho vận tải công cộng và các phương thức vận tải bền vững khác, bảo đảm an toàn giao thông tốt nhất cho nhóm yếu thế trong xã hội như trẻ em, phụ nữ, người già, người tàn tật,...
Ba là, nâng cao an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của phương tiện cơ giới tham gia giao thông, ưu tiên áp dụng các tiêu chuẩn an toàn tiên tiến trong sản xuất, lắp ráp, kiểm định phương tiện cơ giới; ban hành chính sách ưu tiên đối với sản xuất, kinh doanh và sử dụng các phương tiện giao thông thân thiện môi trường.
Bốn là, nâng cao nhận thức pháp luật, kỹ năng tham gia giao thông, xây dựng văn hoá giao thông an toàn cho người tham gia giao thông; đưa nội dung quy định pháp luật về bảo đảm trật tự an toàn giao thông vào chương trình chính khoá đối với giáo dục phổ thông; nâng cao chất lượng đào tạo sát hạch, cấp giấy phép lái xe; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến quy định pháp luật và kỹ năng tham gia giao thông; ứng dụng các nền tảng truyền thông số trong tuyên truyền và xây dựng văn hoá giao thông.
Năm là, xây dựng hệ thống cứu hộ, cứu nạn và cấp cứu y tế tai nạn giao thông đáp ứng kịp thời, hiệu quả; nâng cao hiệu lực chỉ đạo, phối hợp và năng lực cứu hộ, cứu nạn của Ban An toàn giao thông các cấp và các lực lượng chức năng; đưa kỹ năng sơ cứu tai nạn giao thông vào chương trình đào tạo và tập huấn cho người điều khiển phương tiện giao thông; phát triển hệ thống thông tin liên lạc hiện đại nhằm ứng phó kịp thời tai nạn giao thông.
Có thể thấy, các nhóm giải pháp trên với tính chất chiến lược, lâu dài đã được xây dựng rất đầy đủ và toàn diện, vấn đề còn lại là cần tổ chức thực hiện thật tốt.
Tôi cho rằng, mấu chốt trong quá trình thực hiện là phải xác định thật rõ: Khi thực hiện các giải pháp trên, chúng ta đã có đủ quy định và hành lang pháp lý chưa? Thực tế cho thấy, hành lang pháp lý còn tồn tại một số bất cập nên trong quá trình triển khai vẫn gặp khó khăn. Bởi vậy, vấn đề quan trọng nhất là phải nhanh chóng hoàn thiện các hành lang pháp lý, cụ thể là Luật Đường bộ và Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ. Đây chính là bước đột phá chiến lược về thể chế trong lĩnh vực bảo đảm trật tự an toàn giao thông.
Bảo đảm tính thống nhất giữa Luật Đường bộ và Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ
PV: Trên cương vị mới tại Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, ông đánh giá mình sẽ có những thuận lợi và khó khăn như thế nào?
Ông Lê Kim Thành: Trong những năm qua, tai nạn giao thông liên tục được kéo giảm trên cả ba tiêu chí về số vụ, số người chết và người bị thương. Đạt được kết quả trên là nhờ cả hệ thống chính trị đã kiên trì thực hiện các giải pháp toàn diện, đặc biệt là việc liên tục hoàn thiện thể chế để tạo sự chuyển biến tổng thể và bền vững, với các chỉ thị, nghị quyết quan trọng tôi vừa nêu trên.
Hệ thống các quy định pháp luật và thực thi pháp luật về bảo đảm trật tự an toàn giao thông ngày càng hoàn thiện và nhận được sự ủng hộ của người dân. Những bước đi trên cho thấy Việt Nam đã và đang có quyết tâm chính trị rất cao trong việc nỗ lực kéo giảm tai nạn giao thông. Đây chính là những thuận lợi rất lớn trong hoạt động bảo đảm trật tự an toàn giao thông.
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng thẳng thắn ghi nhận những hạn chế trong hệ thống chính sách, pháp luật cũng như trong công tác quản lý nhà nước về kết cấu hạ tầng, phương tiện, vận tải; trong tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm cũng như trong tuyên truyền, phố biến, giáo dục quy định pháp luật và xây dựng văn hoá giao thông. Đây là những khó khăn, thách thức rất lớn trong bảo đảm trật tự an toàn giao thông thời gian tới.
Ông Lê Kim Thành |
Ông Lê Kim Thành sinh ngày 5/7/1973, là kỹ sư cầu đường, tốt nghiệp Đại học Xây dựng năm 1995. Quá trình công tác, ông Lê Kim Thành từng đảm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng tại các cơ quan, đơn vị trong ngành giao thông vận tải như: Cục trưởng Đường cao tốc Việt Nam; Vụ trưởng Đối tác công-tư (PPP); Cục trưởng Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông; Giám đốc Ban quản lý dự án đường sắt (Bộ Giao thông vận tải), Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC),…
PV: Là một cán bộ dày dạn, trải qua nhiều vị trí khác nhau của ngành giao thông vận tải, những kinh nghiệm mà ông tích lũy được về các lĩnh vực xây dựng hạ tầng đường bộ, quản lý dự án đường sắt hay cơ quan chuyên ngành đầu tư đường cao tốc sẽ giúp gì cho ông ở lĩnh vực mới về an toàn giao thông, thưa ông?
Ông Lê Kim Thành: Tôi cho rằng, bản thân các giải pháp trong bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ không giải quyết được toàn bộ các vấn đề nội tại của đường bộ. Chính vì thế, trong Chỉ thị số 23-CT/TW đã xác định rất rõ tầm quan trọng của quy hoạch và tái cơ cấu vận tải theo hướng giảm phụ thuộc vào đường bộ, nâng cao thị phần các phương thức vận tải có độ an toàn cao hơn như đường sắt, hàng hải, đường thủy nội địa,...
Trên cơ sở đó, Chính phủ đang tiếp tục chỉ đạo tái cơ cấu thị phần vận tải trên các hành lang, trục giao thông trọng điểm chiến lược quốc gia, các vùng, miền theo hướng tăng thị phần vận tải đường thuỷ, vận tải ven biển, hàng không và đường sắt, giảm thị phần vận tải đường bộ, loại hình có nguy cơ tai nạn giao thông cao nhất, qua đó giúp nâng cao an toàn, giảm ùn tắc trên mạng lưới kết cấu hạ tầng giao thông quốc gia.
Trong các đô thị lớn, việc hoàn thiện các tuyến giao thông chính và mạng lưới đường sắt đô thị gắn với hiện đại hoá dịch vụ vận tải xe buýt, taxi, người dân sẽ có lựa chọn an toàn, thuận tiện để đi lại bằng phương tiện công cộng, hạn chế sử dụng phương tiện cá nhân. Đặc biệt, với việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trên nền tảng dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo và internet vạn vật vào quản lý, điều hành hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, phương tiện vận tải cũng như giám sát, phát hiện xử lý vi phạm, giao thông, chắc chắn tình hình trật tự an toàn giao thông thời gian tới sẽ an toàn, thông suốt hơn.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải: Đầu tư giao thông cần đồng bộ, coi trọng yếu tố an toàn
PV: Thời gian qua, có thực tế là mặc dù lực lượng chức năng xử lý vi phạm về nồng độ cồn, chất cấm một cách thường xuyên, liên tục, không có vùng cấm, tuy nhiên các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng liên quan đến nồng độ cồn, chất cấm dường như vẫn chưa thật sự giảm bền vững. Ông đánh giá đâu là nguyên nhân của thực trạng này? Theo suy nghĩ của ông, cần có những biện pháp mạnh nào để hạn chế thấp nhất các vụ tai nạn giao thông liên quan đến nồng độ cồn trong thời gian tới?
Ông Lê Kim Thành: Tôi cho rằng, thời gian vừa qua, công tác tuyên truyền, xử lý vi phạm nồng độ cồn được thực hiện hiệu quả, hỗ trợ rất tốt cho quá trình giáo dục, răn đe và giảm bớt vi phạm về uống rượu bia và lái xe; dần hình thành nét văn hóa giao thông: "Đã uống rượu bia là không điều khiển phương tiện tham gia giao thông".
Đặc biệt, việc xử lý nghiêm vi phạm về trật tự an toàn giao thông không có vùng cấm, không có ngoại lệ là chủ trương hết sức đúng đắn và thực tế phát huy hiệu quả rất tốt về mặt giáo dục, răn đe cũng như góp phần giảm sâu các vi phạm, nâng cao an toàn cho người tham gia giao thông.
Tôi cho rằng, chúng ta phải kiên trì duy trì hoạt động kiểm tra, xử lý vi phạm theo nguyên tắc ngẫu nhiên, thường xuyên liên tục. Đây là bài học đã được kiểm chứng ở nhiều quốc gia tiên tiến trên thế giới, như tại Australia, Nhật Bản,... dù hành vi uống rượu bia khi lái xe giảm rất nhiều do tuyên truyền và xử phạt nghiêm, nhưng nhà chức trách vẫn duy trì, thậm chí tăng nguồn lực cho tuyên truyền và kiểm tra ngẫu nhiên nồng độ cồn vì họ biết rằng nếu giảm cường độ xử lý, các đối tượng sẽ vi phạm trở lại. Ở Việt Nam, hoạt động này đã được lực lượng Cảnh sát giao thông thực hiện thường xuyên trên toàn quốc là điều rất đúng đắn và cần thiết.
Lực lượng Cảnh sát giao thông kiểm tra vi phạm nồng độ cồn thường xuyên, liên tục, không có vùng cấm trên phạm vi toàn quốc là điều rất đúng đắn và cần thiết. |
Bên cạnh đó, tôi cho rằng cần phải tiếp tục có những giải pháp mạnh mẽ trong tuyên truyền và phát triển vận tải công cộng. Phần lớn người dân đều không muốn uống rượu bia rồi lái xe, sở dĩ họ vi phạm như vậy như một sự đã rồi. Do vậy, việc hướng dẫn kỹ năng để người dân (hoặc một tổ chức) lên phương án đi lại an toàn (thời gian, địa điểm sự kiện, cách thức đi lại,...), đồng thời kiên trì phát triển các loại hình vận tải công cộng, cung cấp nhiều lựa chọn đi lại sau khi sử dụng rượu bia là điều hết sức cần thiết để hỗ trợ, dẫn dắt quá trình thay đổi ý thức trên một cách nhanh hơn.
Việc xử lý nghiêm vi phạm về trật tự an toàn giao thông không có vùng cấm, không có ngoại lệ là chủ trương hết sức đúng đắn và thực tế phát huy hiệu quả rất tốt về mặt giáo dục, răn đe cũng như góp phần giảm sâu các vi phạm, nâng cao an toàn cho người tham gia giao thông. Cần kiên trì duy trì hoạt động kiểm tra, xử lý vi phạm theo nguyên tắc ngẫu nhiên, thường xuyên liên tục. Ở Việt Nam, hoạt động này được lực lượng Cảnh sát giao thông thực hiện thường xuyên trên toàn quốc là cần thiết.
PV: Trật tự, an toàn của cộng đồng bắt đầu từ mỗi hành động nhỏ, được thúc đẩy bởi mỗi suy nghĩ của từng cá nhân. Trên cơ sở thừa hưởng những thành quả về trật tự an toàn giao thông có được do nỗ lực của cả hệ thống chính trị thời gian qua, bản thân ông sẽ có cách thức nào sáng tạo, mới mẻ, khác biệt so với trước nhằm thay đổi và nâng cao văn hóa của người tham gia giao thông?
Ông Lê Kim Thành: Tôi rất nhất trí với nhận định này và muốn nhấn mạnh vai trò nêu gương của cha mẹ và người trưởng thành. Vai trò nêu gương của bố mẹ, phụ huynh hết sức quan trọng, trẻ em sẽ nhìn vào bố mẹ như những tấm gương để học tập và làm theo.
Đối với các cơ quan quản lý Nhà nước, trong phạm vi chức trách của mình, cần đặc biệt chú trọng việc xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng và môi trường tham gia giao thông để người dân thực hiện các quy định pháp luật một cách thuận tiện. Chúng ta đều biết, văn hóa giao thông được xây dựng trên 4 yếu tố cốt lõi gồm: Xây dựng và hoàn thiện các quy định pháp luật, trong đó bao gồm cả quy định và hướng dẫn về hành vi và cách ứng xử với các tình huống mà người tham gia giao thông có thể gặp trong cuộc sống; Tuyên truyền, giáo dục các quy định pháp luật, nâng cao nhận thức và ý thức tự giác; Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng và môi trường tham gia giao thông để người dân thực hiện các quy định pháp luật một cách thuận tiện; Kiểm tra giám sát và xử lý vi phạm.
Chính phủ đang tiếp tục chỉ đạo tái cơ cấu thị phần vận tải theo hướng tăng thị phần vận tải đường thuỷ, vận tải ven biển, đường sắt, giảm thị phần vận tải đường bộ, loại hình có nguy cơ tai nạn giao thông cao nhất, qua đó giúp nâng cao an toàn, giảm ùn tắc trên mạng lưới kết cấu hạ tầng giao thông quốc gia. |
Hệ thống quy định pháp luật có tác dụng định hướng hành vi của các cá nhân theo chuẩn mực chung. Nếu không có đủ quy định cụ thể, người tham gia giao thông có thể sẽ ứng xử theo quan điểm, suy nghĩ cá nhân. Có quy định pháp luật nhưng môi trường kết cấu hạ tầng giao thông không phù hợp thì việc thực hiện quy định pháp luật sẽ gặp khó khăn và đây là lý do dẫn tới thực trạng một số người chưa tuân thủ quy định một cách triệt để (ví dụ như yêu cầu người đi bộ trên vỉa hè đúng quy định, nhưng vỉa hè bị chiếm dụng cho mục tiêu kinh doanh thì người dân khó có thể thực hiện được).
Nếu chỉ xử phạt mà không gắn với tuyên truyền thì không thể xử phạt được hết, còn nếu chỉ tuyên truyền, nâng cao ý thức mà không xử phạt nghiêm thì hiệu quả tuyên truyền sẽ thấp,... Có thể thấy, 4 yếu tố trên hòa quyện và quan hệ thống nhất, chặt chẽ với nhau, thiếu 1 trong 4 yếu tố trên thì không hình thành văn hóa giao thông.
Trong 4 nhóm giải pháp trên, chúng ta đều đang thực hiện đồng bộ, tuy nhiên có thể thấy môi trường tham gia giao thông còn có nhiều bất cập, như việc vỉa hè bị chiếm dụng, thiếu chỗ đỗ xe, mật độ dân cư quá cao,... dẫn tới những khó khăn trong tuân thủ quy định. Chính vì vậy, việc tạo ra môi trường dễ tuân thủ quy định rất quan trọng và việc này phải bắt đầu từ quy hoạch. Về lâu dài, giải pháp bài bản là phải rà soát và hợp lý hóa quy hoạch, khi đã có quy hoạch chất lượng tốt, đi liền với đó phải có cơ chế giám sát, quản lý để thực hiện tốt quy hoạch.
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!