Tạo đòn bẩy phát triển logistics

Thành phố Hồ Chí Minh có vị trí là cửa ngõ giao thương, gắn kết chặt chẽ với vùng Đông Nam Bộ, Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long, do đó, có nhiều điều kiện thuận lợi để xây dựng các trung tâm trung chuyển hàng hóa và kết nối hoạt động logistics không chỉ cho Vùng kinh tế trọng điểm phía nam mà còn cho cả nước.
0:00 / 0:00
0:00
Hệ thống hạ tầng giao thông thành phố Thủ Đức được đầu tư đồng bộ và hiện đại. (Ảnh CTV)
Hệ thống hạ tầng giao thông thành phố Thủ Đức được đầu tư đồng bộ và hiện đại. (Ảnh CTV)

Các chuyên gia cho rằng, thành phố có nhiều cơ hội để phát triển mạnh hoạt động logistics, tiến tới như một ngành công nghiệp dịch vụ chủ lực. Hiện, Thành phố Hồ Chí Minh đang dẫn đầu về chỉ số phát triển logistics, và hơn 70% doanh nghiệp logistics của cả nước tập trung ở thành phố và các tỉnh lân cận.

Rào cản của ngành logistics

Dựa trên cơ sở hạ tầng kho bãi, hệ thống giao thông, cảng biển, cảng hàng không… nhất là vị trí địa lý, Thành phố Hồ Chí Minh được đánh giá có tiềm năng của thị trường ngành logistics rất lớn, mỗi năm đạt mức tăng trưởng từ 14%-16%. Hiện, ngành này đang đóng góp khoảng 9% GRDP của thành phố và đang trên đà phát triển. Tuy nhiên, khó khăn nhất hiện nay của các doanh nghiệp logistics là cơ sở hạ tầng thiếu đồng bộ, chất lượng dịch vụ chưa cao, chưa đáp ứng nhu cầu của thị trường, chưa tương xứng với tiềm năng vốn có.

Theo nghiên cứu của Tiến sĩ Đinh Kiệm, nguyên Trưởng khoa Quản lý nguồn nhân lực, Trường đại học Lao động Xã hội (CSII) cùng các cộng sự, thực tiễn tại Việt Nam nói chung và khu vực Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng, bên cạnh những cơ hội phát triển cung ứng dịch vụ logistics, còn có một số khó khăn bất cập. Ngoài thiếu đồng bộ về cơ sở hạ tầng, từ cảng, tuyến đường kết nối đến hệ thống kho bãi, khó khăn lớn nhất là thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao.

Trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, hiện có khoảng 1.500 nhà kho. Trong số này, đa số đều có diện tích nhỏ, hệ thống kho lạnh tại chỗ cũng rất thiếu. Ngoài ra, một trong những khó khăn lớn của ngành logistics là thiếu hệ thống kho lưu trữ, kho lạnh quy mô lớn để đáp ứng tương xứng với nhu cầu sản xuất, kinh doanh và thương mại điện tử. Ngành thương mại điện tử năm 2023 của thành phố đạt tăng trưởng 22%, trong khi các kho hàng của Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất đã quá tải.

Nguồn nhân lực logistics thiếu về số lượng, yếu về chất lượng, hiện chủ yếu được lấy từ các đại lý hãng tàu, các công ty giao nhận vận tải biển và sử dụng theo khả năng hiện có. Kết quả điều tra gần đây cho thấy, hơn 80% nhân viên trong các doanh nghiệp logistics được đào tạo thông qua các công việc hằng ngày, chỉ có 3,9% nhân viên được tham gia các khóa đào tạo ở nước ngoài.

Điều này đồng nghĩa, chất lượng thực tế của nguồn nhân lực logistics so với yêu cầu doanh nghiệp còn khoảng cách khá xa, điển hình là kỹ năng như: Sử dụng ngoại ngữ; ứng dụng công nghệ thông tin; kỹ năng hiểu biết các quy định pháp luật liên quan; kỹ năng về năng lực quản lý, lãnh đạo; kỹ năng lập kế hoạch chiến lược, thiết kế và phát triển hệ thống…

Nguồn nhân lực là giải pháp then chốt

Thành phố Hồ Chí Minh có nhiều cơ hội để đẩy mạnh hoạt động logistics, tiến tới phát triển như một ngành công nghiệp dịch vụ chủ lực. Doanh nghiệp logistics muốn nắm bắt cơ hội để phát triển cần nhanh chóng tiếp cận chuyển đổi số, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cao chất lượng dịch vụ, chất lượng nguồn nhân lực.

Thành phố cần tăng tốc hơn nữa trong phát triển, hoàn thiện đồng bộ cơ sở hạ tầng giao thông, cảng biển, hệ thống kho bãi và ban hành các chính sách quản lý phù hợp hỗ trợ doanh nghiệp. Làm tốt các vấn đề nêu trên, hứa hẹn sẽ mang đến cho Thành phố Hồ Chí Minh một ngành logistics phát triển vững chắc, tạo sức lan tỏa, thúc đẩy các ngành, các khu vực kinh tế liên quan cùng phát triển.

Các chuyên gia cho rằng, sự phát triển của ngành logistics sẽ giúp thành phố nhanh chóng trở thành một trung tâm sản xuất hàng hóa và dịch vụ trọng yếu trong vùng và khu vực, có tiềm lực để đẩy mạnh xuất khẩu và phát triển nền kinh tế thương mại trên quy mô lớn.

Thành phố và các cơ quan liên quan cần hoàn thiện hành lang pháp lý nhằm bảo đảm cơ sở pháp lý đầy đủ, đồng bộ, thông suốt, trực tiếp điều chỉnh tổng thể các hoạt động logistics. Trong chiến lược phát triển, phải gắn với nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực, chú trọng xây dựng chính sách, pháp luật mang tính hệ thống, có sự phối hợp hiệu quả giữa nhiều bộ, ban, ngành, giữa Trung ương và địa phương, các cơ sở đào tạo nguồn nhân lực logistics.

Nhà nước cần hỗ trợ các trường đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị thuộc lĩnh vực này. Đổi mới về cơ chế, chính sách đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông, hạ tầng thương mại, hạ tầng công nghệ thông tin tương xứng và phù hợp với thực tiễn yêu cầu của hoạt động logistics hiện nay.

Tiến sĩ Nguyễn Anh Duy, Trường đại học Kinh tế-Tài chính Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng: Các trường đại học cần ký kết hợp đồng chiến lược với các doanh nghiệp logistics để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Trong bối cảnh hiện nay, các cơ sở giáo dục cần đổi mới công tác đào tạo, nâng cao chất lượng đầu ra, đáp ứng yêu cầu của các doanh nghiệp. Đẩy mạnh liên kết, hợp tác đào tạo với các tổ chức giáo dục quốc tế để tranh thủ nguồn lực hỗ trợ từ các quốc gia phát triển, có thế mạnh trong đào tạo nhân lực ngành logistics.