Tạo đà hình thành nền nông nghiệp sinh thái, minh bạch, trách nhiệm

Cùng với lợi thế về thuế quan khi tham gia các hiệp định thương mại tự do trong khu vực và trên thế giới, các ngành hàng xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều biện pháp phi thuế quan là các rào cản kỹ thuật với thương mại (TBT) và các biện pháp kiểm dịch động thực vật (SPS) từ các nước nhập khẩu. Đây là thách thức lớn và toàn diện với mục tiêu tạo dựng nền nông nghiệp minh bạch, trách nhiệm và bền vững của Việt Nam.
0:00 / 0:00
0:00
Chế biến thủy sản xuất khẩu ở Công ty cổ phần Thủy sản Cafatex (Hậu Giang). (Ảnh TRẦN QUỐC)
Chế biến thủy sản xuất khẩu ở Công ty cổ phần Thủy sản Cafatex (Hậu Giang). (Ảnh TRẦN QUỐC)

Bài 2: Thách thức toàn diện

Thực tế, ngoài các quy định lớn bao trùm trên toàn lĩnh vực nông nghiệp, thì các thông báo, quy định mới từ các thị trường riêng lẻ cũng liên tục được cập nhật. Chỉ tính từ ngày 21/6 đến 20/7/2023, Văn phòng SPS Việt Nam đã tổng hợp được 98 thông báo của các nước thành viên WTO, trong đó bao gồm 81 dự thảo và 17 văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực quy định về an toàn thực phẩm và kiểm dịch động, thực vật (SPS) có thể ảnh hưởng tới các mặt hàng nông, lâm, thủy sản xuất khẩu của Việt Nam.

Vướng từ trên rừng, dưới biển đến ruộng đồng

Từ năm 2017, Ủy ban châu Âu (EC) đã cảnh báo "thẻ vàng" đối với hoạt động khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) của Việt Nam. Sau gần 7 năm nỗ lực, Việt Nam vẫn chưa thể gỡ được "thẻ vàng". Một trong những nguyên nhân là sự lơ là, chủ quan của một số địa phương dẫn đến thực hiện chưa nghiêm túc những nhiệm vụ, giải pháp chống khai thác IUU. Dự kiến, EC sẽ sang Việt Nam thanh tra thực tế lần thứ 4 vào tháng 10/2023.

Bên cạnh thủy sản, nhiều ngành hàng nông nghiệp khác của Việt Nam cũng đang phải đối mặt với thách thức từ quy định mới của EU liên quan đến phá rừng và suy thoái rừng. Cụ thể, ngày 16/5/2023, Nghị viện châu Âu đã thông qua quy định chống phá rừng châu Âu (EUDR).

Theo EUDR, những mặt hàng nông sản có quy trình sản xuất trên đất có nguồn gốc từ phá rừng và gây suy thoái rừng kể từ sau ngày 31/12/2020 sẽ bị cấm nhập khẩu. EC cũng đưa ra thời hạn hiệu lực để thực thi EUDR là vào tháng 12/2024 (tháng 6/2025 đối với doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ). Cà-phê, cao-su, gỗ và sản phẩm gỗ là những ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam bị ảnh hưởng bởi quy định này.

Theo EUDR, những mặt hàng nông sản có quy trình sản xuất trên đất có nguồn gốc từ phá rừng và gây suy thoái rừng kể từ sau ngày 31/12/2020 sẽ bị cấm nhập khẩu. EC cũng đưa ra thời hạn hiệu lực để thực thi EUDR là vào tháng 12/2024 (tháng 6/2025 đối với doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ). Cà-phê, cao-su, gỗ và sản phẩm gỗ là những ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam bị ảnh hưởng bởi quy định này.

Theo bà Trần Quỳnh Chi, Giám đốc châu Á, Chương trình cảnh quan của Tổ chức Sáng kiến Thương mại bền vững (IDH), đối với ngành cà-phê, yêu cầu của EU về sản phẩm không gây mất rừng bao gồm: Tất cả sản phẩm phải có định vị GPS/polygon đến từng mảnh vườn; yêu cầu truy xuất vật lý đến vườn trồng; theo dõi diễn biến mất rừng bằng công cụ viễn thám; chứng minh không gây mất rừng bằng báo cáo giải trình và giải pháp giảm thiểu nguy cơ mất rừng; đánh giá và giảm nguy cơ về các vấn đề xã hội (quyền sử dụng đất, lao động, thu nhập...). Đây là những yêu cầu rất cao và không dễ thực hiện trong lĩnh vực sản xuất và xuất khẩu cà-phê của Việt Nam hiện nay.

Trong khi đó, đối với ngành hàng lúa gạo, Ngân hàng Thế giới thông tin, nông nghiệp là lĩnh vực phát thải cao thứ hai ở Việt Nam, chiếm khoảng 19% tổng lượng phát thải quốc gia vào năm 2020. Trong đó, khoảng 48% lượng khí thải của ngành nông nghiệp và hơn 75% lượng khí mê-tan phát ra từ lúa gạo.

Trong bối cảnh tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) năm 2021 tổ chức tại Glasgow, Scotland (Vương quốc Anh), Việt Nam đã đưa ra cam kết phấn đấu đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 thì việc chuyển đổi sang trồng lúa carbon thấp đang trở thành yêu cầu cấp bách đối với ngành hàng lúa gạo.

Nguyên nhân từ nhiều phía

Theo nhận định của Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương, xuất khẩu thủy sản sang EU thời gian tới tiếp tục bị kìm hãm một phần do lạm phát chưa có dấu hiệu hạ nhiệt; phần khác do Việt Nam vẫn chưa được EC tháo gỡ "thẻ vàng" đối với hải sản khai thác.

Về vấn đề này, trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Phiên họp thứ 25 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho rằng: Qua thực tế tổng kết, nếu chúng ta làm tốt Luật Thủy sản số 18/2017/QH14 của Quốc hội và Nghị định số 26/2019/NĐ-CP của Chính phủ: Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản thì EC không áp đặt thẻ vàng.

Vấn đề là luật có nhưng khâu tổ chức thực hiện ở từng cảng cá, từng đội tàu, từng không gian biển tại địa phương từ cấp xã tới cấp huyện chưa hiệu quả. Như vấn đề cảng cá, hiện không có đủ người tại cảng quản lý đội tàu mấy nghìn chiếc. Do đó, phải cấu trúc lại quản trị của một cảng cá, cho sự tham gia của các thành phần kinh tế vào, trước tiên là các nhà vựa, đầu nậu, các doanh nghiệp thu mua nhằm tăng quản trị chung để tăng tính minh bạch.

Còn hiện tại, rõ ràng chưa có sự minh bạch, thí dụ một trong những yêu cầu của EU là phải có nhật ký hành trình, nhưng chắc chắn là bây giờ các cảng cá viết hồi ký chứ không phải nhật ký, tức là về rồi mới bắt đầu ngồi nghiền ngẫm. Đó là một trong những điều vi phạm.

Trong khi đó, đối với yêu cầu về chống phá rừng, theo bà Trần Quỳnh Chi, với yêu cầu định vị vùng trồng của EU, hiện nay mới chỉ có 20-30% diện tích cà-phê của Việt Nam có chứng nhận định vị, để mở rộng cũng không dễ vì chi phí thực hiện định vị rất cao.

Ngoài ra, do quy mô trồng nhỏ lẻ, manh mún, thương mại cà-phê thì rất phức tạp do qua nhiều khâu trung gian nên nếu làm truy xuất vật lý đến từng vùng trồng thì phát sinh thời gian và chi phí lớn. Bên cạnh đó, nền bản đồ rừng tham chiếu hiện có (FRMS) lấy mốc ngày 31/12/2020 chưa phản ánh chính xác thực trạng, chưa trùng khớp với bản đồ sử dụng đất nông nghiệp; chưa kể định nghĩa các loại rừng và cơ chế bảo vệ/khai thác giữa hệ thống của Việt Nam và châu Âu cũng chưa đồng nhất.

Liên quan những vấn đề về mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói để bảo đảm tính minh bạch, có truy xuất nguồn gốc theo yêu cầu của nước nhập khẩu, ông Trần Minh Hải, Phó Hiệu trưởng Trường Chính sách công (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho rằng, việc quản lý mã số vùng trồng bị buông lỏng đã khiến một số doanh nghiệp lợi dụng làm ảnh hưởng đến mã vùng trồng và mã cơ sở đóng gói.

Việc quản lý mã số vùng trồng bị buông lỏng đã khiến một số doanh nghiệp lợi dụng làm ảnh hưởng đến mã vùng trồng và mã cơ sở đóng gói.

Ông Trần Minh Hải, Phó Hiệu trưởng Trường Chính sách công (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)

Thí dụ, một mã số vùng trồng sầu riêng ở Tây Nguyên, sau khi đã hết mùa vụ thì doanh nghiệp vẫn lấy sản phẩm ở đồng bằng sông Cửu Long gắn vào mã ở Tây Nguyên và tương tự với mã số ở đồng bằng sông Cửu Long gắn cho sản phẩm ở Đông Nam Bộ hay Nam Trung Bộ. Điều đó gây ra nhiều thiệt thòi cho chủ sở hữu mã số vùng trồng, thường là những nông dân đã giao toàn quyền cho doanh nghiệp.

Trước thực tế này, Cục trưởng Bảo vệ thực vật Huỳnh Tấn Đạt cho biết: Hiện nay, một số doanh nghiệp, người sản xuất mới chỉ quan tâm đến công tác cấp mới mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói, chưa thật sự quan tâm đến việc duy trì các điều kiện đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu.

Mặt khác, tỷ lệ giám sát mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói trên toàn quốc còn thấp so với yêu cầu; một số tỉnh có tỷ lệ giám sát dưới 10% mã số đã cấp. Nguyên nhân là do nhiều địa phương chưa bố trí đủ nguồn lực thực hiện nhiệm vụ giám sát; chưa có chế tài xử lý các vi phạm về mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói. Bên cạnh đó, một số địa phương chưa nhận thức đúng về tầm quan trọng của công tác quản lý mã số nên không bố trí kinh phí cho công tác này.

(Còn nữa)

Theo Văn phòng SPS Việt Nam, các tiêu chí mà nông dân, hợp tác xã và doanh nghiệp cần lưu ý khi thực hành nông nghiệp tốt theo các chứng chỉ quốc tế, gồm: Tiêu chuẩn về kỹ thuật sản xuất: mục đích là càng sử dụng ít hóa chất bảo vệ thực vật càng tốt, nhằm làm giảm ảnh hưởng của dư lượng hóa chất lên con người và môi trường; tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm: gồm các biện pháp bảo đảm không có nguy cơ ô nhiễm hóa chất, nhiễm khuẩn hoặc ô nhiễm vật lý trong quá trình sản xuất cũng như khi thu hoạch; tiêu chuẩn về phúc lợi xã hội: bảo đảm môi trường làm việc nhằm ngăn chặn việc lạm dụng sức lao động của nông dân, công nhân; truy nguyên nguồn gốc sản phẩm: khi có sự cố xảy ra, các sản phẩm bị lỗi phải truy xuất được nguyên nhân, thu hồi sản phẩm lỗi và có biện pháp khắc phục, phòng ngừa sự tái diễn trong tương lai.