Vị ngọt khóm Cầu Đúc

Những chiếc xuồng chở khóm xếp thành hàng dài len lỏi trong cánh đồng khóm mênh mông, chở cả những giọt mồ hôi đã thấm đẫm vào từng trái khóm, chở cả niềm hy vọng về kinh tế gia đình, tương lai học hành của con em người dân Cầu Đúc.
0:00 / 0:00
0:00
Thu hoạch khóm Cầu Đúc. (Ảnh Lý Anh Lam)
Thu hoạch khóm Cầu Đúc. (Ảnh Lý Anh Lam)

Trải qua hơn 100 năm, hương vị ngọt thanh rất đặc trưng, không lẫn vào đâu được đã làm nên thương hiệu khóm Cầu Đúc (thành phố Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang) vang xa khắp cả nước.

Từ vùng chuyên canh khóm

Đến với xã Hỏa Tiến vào những ngày cao điểm thu hoạch khóm, không khó bắt gặp cảnh bà con hối hả vận chuyển, tiếng cười rộn rã, hương thơm ngào ngạt cả cánh đồng. Những chiếc xuồng đầy ắp khóm len lỏi trong những mương nước trong veo. Khóm không đơn thuần là sản vật mà còn chứa đựng hy vọng về kinh tế gia đình, tương lai học hành của con em người dân Cầu Đúc.

Thành phố Vị Thanh có vùng chuyên canh khóm với diện tích 2.800 ha theo tiêu chuẩn VietGAP được trồng chủ yếu ở xã Hỏa Tiến và Tân Tiến, là một trong những vùng chuyên canh khóm lớn nhất vùng đồng bằng sông Cửu Long, với tên gọi khóm Cầu Đúc. Nhờ đặc tính trái khóm to, xơ thưa, cùi nhỏ, có hương vị ngọt thanh rất đặc trưng không giống bất kỳ loại khóm nào, nên được người tiêu dùng ưa chuộng.

Khóm Cầu Đúc thuộc giống Queen từ lâu đã nổi tiếng nhờ chất lượng, hương vị thơm ngon. Không chỉ quan tâm giúp nông dân đầu tư cải thiện kỹ thuật trồng, phục tráng giống để phát triển vùng chuyên canh cây khóm Queen sạch bệnh, mà ngành chức năng tỉnh Hậu Giang còn hỗ trợ nông dân xây dựng và quảng bá thương hiệu khóm Cầu Đúc.

Thời gian qua, cây khóm Cầu Đúc được xem là cứu tinh của người nông dân vùng đất phèn này, vì giá trị kinh tế mà cây khóm mang lại đã giúp cho người dân thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Theo bà con ở đây, khóm loại 1 (từ 1 kg trở lên) có giá bán từ 10.000 - 13.000 đồng/trái. Với 1 ha khóm, mỗi năm sau khi trừ chi phí người trồng có thu nhập trên 100 triệu đồng.

Đến làng du lịch cộng đồng

Từ cảm nhận tốt đẹp của nhiều người sau khi đến vùng trồng khóm Cầu Đúc, được bơi xuồng len lỏi trong vườn khóm xanh mát, đẹp bình dị mà cũng rất nên thơ, chính quyền địa phương đã quyết định chọn nơi đây để xây dựng làng du lịch cộng đồng Cánh đồng khóm Cầu Đúc. Đây là điểm đến mới lạ thích hợp với những ai muốn khám phá thiên nhiên, về với đồng ruộng.

Du khách không chỉ được thưởng thức tại chỗ những trái khóm tươi ngọt cùng những món ăn mang hương vị đặc trưng của địa phương được chế biến từ khóm, mà còn có thể đi tham quan, trải nghiệm thực tế cùng nông dân trồng, chăm sóc và thu hoạch khóm, bắt cá dưới mương khóm…

Ông Huỳnh Văn Tửng có hơn 1 ha khóm ở ấp Thạnh Thắng, xã Hỏa Tiến cho hay, bên cạnh sản xuất thì ông cũng đang thực hiện mô hình du lịch homestay. Ông Tửng tin tưởng rằng, việc kết hợp sản xuất gắn với du lịch sinh thái, cộng đồng sẽ là hướng đi đầy triển vọng cho người dân nơi đây, góp phần gia tăng giá trị từ cây khóm, phát triển kinh tế gia đình. Còn chị Trang Kiều Diễm cũng ở ấp Thạnh Thắng, xã Hỏa Tiến cho biết, gia đình đang dự tính mở rộng quy mô, cất thêm nhiều chòi ăn và phòng nghỉ để phục vụ du khách lưu trú.

Theo ông Lưu Văn Dủ, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Vị Thanh, để phát triển du lịch, thành phố đã và đang tập trung đầu tư cho làng du lịch cộng đồng khóm Cầu Đúc. Địa phương đang xây dựng con đường đẹp về vùng khóm; xây dựng mô hình trồng khóm kết hợp với sản xuất thủy sản và làm du lịch nông nghiệp; sửa chữa, dặm vá đường vào vùng khóm Cầu Đúc với kinh phí khoảng 2 tỷ đồng.

Thành phố cũng đang xin vốn (khoảng 100 tỷ đồng) nâng cấp đường Phạm Hùng đi vào vùng khóm Cầu Đúc ở xã Hỏa Tiến. "Đặc biệt là đã có một nhà đầu tư lĩnh vực du lịch ở Thành phố Hồ Chí Minh đang đầu tư vào vùng khóm này để xây dựng nhà hàng, khách sạn... với diện tích 3 ha.

Tương lai không xa, vùng khóm Cầu Đúc sẽ là một trong những điểm du lịch đặc trưng, hấp dẫn của tỉnh Hậu Giang, nơi sẽ mang lại cho du khách nhiều kỷ niệm đẹp khi đến với vùng đất Vị Thanh bên dòng Xà No hiền hòa nhưng giàu lòng mến khách", ông Lưu Văn Dủ nói.