Sức sống mới ở Bản Ké: Câu chuyện thành công của chàng thanh niên người Tày

Như Hà Văn Ngọc tâm sự thì anh khởi nghiệp muộn vì ở tuổi 34, nhiều người như anh đã thành công. Thế nhưng, nhìn vào cơ ngơi của Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp thanh niên, chúng tôi lại có suy nghĩ khác bởi thành công không chỉ ở sự giàu có mà còn ở chỗ họ có thể làm được gì cho xã hội, cho những người yếu thế. Và ở thôn Bản Ké, thị trấn Yên Minh, huyện Yên Minh, tỉnh Hà Giang, Hà Văn Ngọc và 17 thành viên đang nỗ lực phát triển kinh tế trong 5 năm qua để vươn lên thoát nghèo, làm giàu cho quê hương, cũng như giúp đỡ người dân địa phương từng bước cải thiện cuộc sống.
0:00 / 0:00
0:00
Thị trấn Yên Minh, huyện Yên Minh, tỉnh Hà Giang có lợi thế về trồng cây ăn quả, nuôi gà đen và ong lấy mật. (Ảnh MỸ HÀ)
Thị trấn Yên Minh, huyện Yên Minh, tỉnh Hà Giang có lợi thế về trồng cây ăn quả, nuôi gà đen và ong lấy mật. (Ảnh MỸ HÀ)

Với một người từng trải qua thất bại như chàng thanh niên người Tày sinh năm 1989, thành công mà anh có được từ ngày hôm qua là một quá trình nhiều chông gai, đòi hỏi bản lĩnh và nghị lực rất lớn để vượt qua.

Ngã ở đâu, đứng dậy ở đó

Chẳng biết Hà Văn Ngọc và người bạn đứng chờ ở đầu con đường dẫn vào trang trại của Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp thanh niên từ lúc nào, giữa lúc tiết trời oi bức và nắng nóng như thế, lúc chúng tôi ghé qua đã thấy hai người có mặt ở đó. Họ hướng dẫn ô-tô chạy vào một con đường đất hẹp, lổn nhổn và khá khó đi, trước khi chúng tôi xuống xe và theo hai người xuống ba con dốc của vùng núi thấp. Vừa đi vừa chỉ tay, chàng thanh niên người Tày hướng tầm mắt của chúng tôi vào khoảng không gian rộng lớn của 5ha đất mà các anh dành trồng ớt gió, xoài, nuôi gà và ong lấy mật.

Nhìn dáng vẻ năng động, sự nhanh nhẹn và nụ cười luôn thường trực trên môi ở Hà Văn Ngọc, chúng tôi nghĩ một người như vậy có lẽ sẽ luôn thành công trong cuộc sống. Vậy nhưng, như anh tâm sự, sự ra đời và những gì Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp thanh niên có được ngày hôm nay đều không dễ dàng cho anh và các thành viên sau 5 năm nỗ lực.

Năm 2017, ý tưởng thành lập Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp thanh niên được nhen nhóm từ những thanh niên yêu nông nghiệp, muốn khởi nghiệp và làm giàu trên quê hương Yên Minh. Sau khi Tỉnh đoàn và Trung ương Đoàn phát động chương trình khởi nghiệp, Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp thanh niên chính thức ra đời.

Có điều, những tưởng kinh nghiệm trong công tác Đoàn và kiến thức thu được từ Trường đại học Nông Lâm Thái Nguyên của Hà Văn Ngọc sẽ giúp mô hình chăn nuôi, trồng trọt của hợp tác xã dễ dàng thành công, song anh lại thất bại bởi chính những điểm mạnh của mình. Nói như chàng trai sinh năm 1989 thì anh thất bại vì sự kỳ vọng quá cao và sự bồng bột của bản thân. Việc làm nông nghiệp quy mô lớn không giống như trồng cây, trồng rau ở vườn nhà, nuôi một đàn gà phục vụ cho cuộc sống hằng ngày.

Chính vì chưa có kinh nghiệm, va chạm với nhiều vấn đề và quản lý không tốt, Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp thanh niên hoạt động không hiệu quả. Cộng thêm đầu ra khó khăn, nguồn vốn ít ỏi, quy trình chế biến và bảo quản sản phẩm chậm đổi mới, hai năm 2018 và 2019 thất bại khiến Hà Văn Ngọc gần như gục ngã và buông xuôi.

Cuối năm 2019 và năm 2020, dịch Covid-19 ập đến như giáng thêm một đòn mạnh vào những hy vọng và nỗ lực gượng dậy của anh và các thành viên hợp tác xã. Thế nhưng, với suy nghĩ đơn giản rằng, ai còn trẻ cũng trải qua thất bại và không thất bại sẽ không trưởng thành, Hà Văn Ngọc vẫn quyết định gắn bó với mảnh đất Yên Minh, với quê hương Hà Giang.

Anh không muốn rời bỏ thị trấn để tìm kiếm một công việc khác và quên đi giai đoạn khó khăn đã qua. Anh cho rằng, thay vì thất bại ở chỗ khác thì thất bại trên chính quê hương giúp anh có thể rút ra những bài học, đúc rút nhiều kinh nghiệm. Sau này, khi trưởng thành hơn, chín chắn hơn, may mắn hơn, anh sẽ có cơ hội trao đổi, chia sẻ và hỗ trợ các đoàn viên, thanh niên địa phương muốn khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp.

Nhờ đó mà mọi chuyện dần thay đổi theo chiều hướng tốt lên ở Hà Văn Ngọc và Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp thanh niên, để rồi khi chúng tôi được gặp anh ngày hôm nay, anh và hợp tác xã được xem là một trong những mô hình kinh tế thành công nhất không chỉ ở Yên Minh mà ở cả Hà Giang.

Bằng chứng là không lâu trước lúc chúng tôi gặp Hà Văn Ngọc, Huyện đoàn Đồng Văn với 60 người vừa rời Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp thanh niên sau khi tham quan mô hình trồng ớt gió, xoài, nuôi gà, nuôi ong, vừa trao đổi, vừa học hỏi kinh nghiệm tại đây.

Vì thế, vẫn biết việc chúng tôi lên Hà Giang vào những ngày cuối tháng 6 không phải là mùa đẹp nhất để khám phá miền đất địa đầu Tổ quốc, trải nghiệm những cung đường với nhiều khúc cua gấp trong sương mù, ngắm nhìn những biển mây hay rừng hoa trên sườn núi, mầu vàng rực của những ruộng bậc thang cuối mùa, chính Hà Văn Ngọc là bằng chứng để chúng tôi hiểu rõ hơn cuộc sống khắc nghiệt ở vùng cao nguyên đá, tình cảm và sự chân thành của người dân nơi đây.

Tất cả những điều đó đã xua đi sự thất thường của thời tiết thời gian này. Hết mưa rồi nắng, lại mưa, nhiệt độ không quá cao nhưng nhiều lúc cũng oi bức, khiến ai cũng cảm thấy thật khó chịu và bức bối. Thế nhưng, nếu không trải qua những cảm giác như thế, thay vì chỉ biết đến cái lạnh thấu xương vào mùa đông, trời mịt mờ sương, làm sao chúng tôi cảm nhận được sức sống của người và cây cỏ mảnh đất Hà Giang.

Và ở Bản Ké, làm sao chúng tôi thấy được nỗ lực, quyết tâm của Hà Văn Ngọc trong chặng đường khởi nghiệp đầy gian nan của anh, như thể những điều đó giờ hiện hữu tất cả ở sự vươn lên trưởng thành của mỗi cây ớt gió, mỗi cây xoài, từng đàn gà đen chạy khắp vùng đồi hay những lít mật ong đượm mùi bạc hà và hoa rừng.

Làm giàu cho mình và những người chung quanh

Khi nói đến ớt gió, gà đen hay mật ong, Hà Văn Ngọc mở lòng đầy hào hứng. Anh cho biết, Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp thanh niên mới chuyển về thôn Bản Ké được một năm, tận dụng 5ha trong 18ha đất mà ông bà anh bỏ không để triển khai trồng 2.500 cây xoài, trồng ớt gió dưới tán, nuôi gà và nuôi ong.

Lại nói về ớt gió. Chúng tôi không thể không tò mò về loại ớt được nhắc đến nhiều nhưng mới nhìn thấy lần đầu. Cây thấp chỉ ngang đầu gối, trái ớt rất nhỏ nhưng có hương vị riêng, cay thơm và giòn. Chính vì quả nhỏ nên chỉ một lần cắn, người ta lại muốn cắn đến quả thứ hai, thứ ba.

Điều đáng nói là cây ớt gió giống như biểu tượng cho sự vươn lên trong khó khăn, chống chọi với thiên nhiên khắc nghiệt của người Hà Giang, trong đó có bản thân Hà Văn Ngọc và những thành viên Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp thanh niên. Như Hà Văn Ngọc chia sẻ, cây ớt gió mọc lên từ những hạt do chim phát tán, trải qua các cơn nắng cháy da trên những đồi đất đỏ pha đá vôi, đâm chồi sau những cơn mưa chiều. Cộng thêm điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu vùng cao nguyên đá đã mang lại cho ớt gió Hà Giang một mùi thơm đặc trưng, độ cay vừa phải.

Do là cây ngắn ngày, chỉ ba tháng là có thể thu hoạch quả khi còn xanh, sản phẩm ớt gió của Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp thanh niên làm ra đến đâu tiêu thụ đến đó. Ngoài ra, trồng ớt gió còn hỗ trợ đáng kể cho việc thả gà chạy đồi của Hà Văn Ngọc.

Khi lứa gà khoảng 2,5 tháng tuổi, nặng hơn 1kg, anh sẽ thả đồi. Chúng ăn lá ớt và ăn cỏ, nên không bị ho hen hay nhiễm bệnh. Nhờ vậy mà đàn gà 3.000 con của Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp thanh niên đều khỏe mạnh, con nào con nấy thịt săn chắc. Chỉ từ 5,5 đến 6 tháng khi gà đạt trọng lượng khoảng 2,2kg là có thể xuất chuồng.

Sức sống mới ở Bản Ké: Câu chuyện thành công của chàng thanh niên người Tày ảnh 1

Hà Văn Ngọc chăm sóc gà đen tại Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp thanh niên, thôn Bản Ké, thị trấn Yên Minh, huyện Yên Minh, tỉnh Hà Giang. (Ảnh THỦY NGUYÊN)

Do giá bán tại trại rẻ hơn bên ngoài nên cũng giống như ớt gió, hợp tác xã không đủ gà, trứng gà để cung cấp cho thị trường. Kế hoạch của Hà Văn Ngọc là sẽ mở rộng quy mô đàn gà lên nữa, thậm chí như chia sẻ của Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Yên Minh Nguyễn Đình Duẩn khi cùng chúng tôi ghé thăm trại gà của Hà Văn Ngọc thì ông mong muốn có thể biến Yên Minh trở thành bếp ăn của vùng cao nguyên đá.

Và những mô hình kinh tế thành công như Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp thanh niên là lý do để ông có suy nghĩ nghiêm túc và đầy lạc quan này. Cũng phải, bởi đến Hà Giang mà chưa thưởng thức gà đen và ớt gió Yên Minh xem như chưa hiểu hết về ẩm thực Hà Giang.

Và ngoài ớt gió hay gà đen, Yên Minh cũng nổi tiếng về mật ong bạc hà. Riêng ở Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp thanh niên hiện phát triển 680 đàn ong, mỗi vụ khai thác 2.300-2.500 lít mật ong bạc hà và 3.000 lít mật ong hoa rừng.

Với quy mô như vậy, Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp thanh niên đang dần đi vào ổn định sau giai đoạn đầu thất bại và từng bước nâng cao thu nhập cho xã viên đều là con em hộ nghèo, trong đó có 16 đoàn viên hộ dân tộc thiểu số.

Ngoài ra, điều mà Hà Văn Ngọc xác định ngay từ đầu cùng với tên gọi Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp thanh niên là sự ra đời của hợp tác xã nhằm hỗ trợ đoàn viên, thanh niên cải thiện cuộc sống và tạo việc làm cho người yếu thế. Anh cho rằng, dù hợp tác xã còn nhiều khó khăn, trong đó khó khăn lớn nhất là nguồn vốn, nhưng họ vẫn có những công việc mà học sinh trong lúc nghỉ hè, người lớn tuổi trong lúc nông nhàn đều có thể làm được để có thêm thu nhập như hái ớt, dọn cỏ, dọn đất hay những việc lặt vặt về phục vụ du lịch trong tương lai.

Ở đây, kế hoạch của Hà Văn Ngọc là hợp tác xã có thể mở rộng phạm vi hoạt động sang lĩnh vực du lịch mà cụ thể là du lịch dưới tán rừng. Hà Giang đang có rất nhiều nơi làm du lịch cộng đồng gắn với phát triển nông nghiệp, nông thôn và ý định của anh là bên cạnh việc hình thành vùng trồng trọt, chăn nuôi để cung cấp thực phẩm cho các hộ làm du lịch, đón khách, bản thân Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp thanh niên cũng có thể thu hút khách du lịch thông qua hoạt động trải nghiệm dưới tán rừng như hái ớt, thu hoạch xoài, tìm hiểu quy trình chế biến mật ong… và nghỉ dưỡng.

Đó sẽ là một dự án lớn, lâu dài nhưng sau khi từng trải qua thất bại, Hà Văn Ngọc đang bước từng bước đầy chắc chắn và tự tin. Lợi thế là anh đã có nhiều kinh nghiệm hơn, được học hỏi nhiều hơn (đầu tháng 7 này, Hà Văn Ngọc có vinh dự cùng đoàn công tác của huyện Yên Minh thăm, làm việc tại huyện Phú Ninh, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc) nhưng quan trọng không kém là anh luôn có sự ủng hộ, hỗ trợ của các cấp lãnh đạo huyện Yên Minh trong phát triển những mô hình trồng trọt, chăn nuôi và giúp đỡ đoàn viên, thanh niên, người yếu thế tại địa phương.