Tạo “cú huých” thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp đô thị Hà Tĩnh

NDO -

Sau thời gian nỗ lực kiến tạo tư duy mới vào sản xuất nông nghiệp đô thị, thành phố Hà Tĩnh (tỉnh Hà Tĩnh) đã và đang tập trung nguồn lực, khơi sức dân để xây dựng hạ tầng đồng bộ, từng bước hình thành các vùng sản xuất ứng dụng công nghệ cao, liên kết chuỗi giá trị, hình thành vùng sản xuất hàng hóa gắn với phát triển đô thị sinh thái. 

Với 500 ha diện tích nuôi trồng thủy sản, thành phố Hà Tĩnh xác định đây là nguồn lực chính để phát triển nông nghiệp đô thị.
Với 500 ha diện tích nuôi trồng thủy sản, thành phố Hà Tĩnh xác định đây là nguồn lực chính để phát triển nông nghiệp đô thị.

Từ hiệu quả của kế hoạch đầu tư, xây dựng 3.000 m2 nhà lưới trồng dưa lưới theo hướng khép kín, sử dụng hệ thống tưới nước nhỏ giọt công nghệ Israel, anh Nguyễn Đăng Mạnh cùng các thành viên Hợp tác xã sản xuất rau, củ quả và dịch vụ tổng hợp Thạch Hạ (thành phố Hà Tĩnh) đã vận động người dân tích tụ ruộng đất, mở rộng diện tích nhà lưới lên 20.000 m2 để trồng các loại rau, củ, quả. Theo ước tính của Giám đốc Hợp tác xã Nguyễn Đăng Mạnh: Vụ sản xuất đầu tiên, hợp tác xã xuống giống 6.000 gốc dưa lưới, sau hơn 2 tháng chăm sóc mỗi cây cho thu hoạch 2 kg dưa, với giá bán bình quân 30.000đ/kg, ngay trong vụ sản xuất này, 18 tấn dưa lưới đã mang về cho hợp tác xã hơn 500 triệu đồng. 

Nhờ sản xuất đều tay, năm sản xuất đầu hợp tác xã xuống giống và thu hoạch 3 vụ, mang lại nguồn thu hơn 1,5 tỷ đồng. Thấy được hiệu quả của phương thức sản xuất mới, các thành viên hợp tác xã thống nhất giành tất cả phần lợi nhuận năm sản xuất đầu tiên để mở rộng diện tích nhà màng. Đến thời điểm hiện nay, tất cả cây trồng được xuống giống trên diện tích 20.000 m2 nhà màng đang phát triển tốt, báo hiệu 1 năm sản xuất bội thu.  

Anh Mạnh cho rằng: Quy trình sản xuất khép kín, không bị tác động của thời tiết, môi trường và sâu bệnh giúp người dân ứng dụng tốt các công nghệ phát triển theo hướng VietGAP, sản xuất hữu cơ để gia tăng hiệu quả kinh tế và xu thế của thị trường đô thị về sản phẩm sạch, an toàn là cơ sở, động lực để hợp tác xã lựa chọn phương thức sản xuất mới này. 

Chủ tịch UBND xã Thạch Hạ Nguyễn Song Hàn cho biết, thực hiện chủ trương tích tụ ruộng đất để tập trung nguồn lực xây dựng các mô hình sản xuất mới, ứng dụng công nghệ cao, trong đó khuyến khích các hợp tác xã, doanh nghiệp đóng vai trò dẫn dắt, đầu kéo cho sản xuất nông nghiệp đô thị, địa phương đã quy hoạch 3 vùng sản xuất, lựa chọn sản phẩm có lợi thế, đầu tư nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, liên kết chuỗi giá trị, thu hút doanh nghiệp, tích tụ ruộng đất trên diện tích 170 ha nhằm tạo ra sản phẩm chất lượng, thân thiện với môi trường sinh thái. Trong điều kiện quỹ đất ngày càng hạn hẹp như hiện nay, đây chính là xu thế phát triển tất yếu của sản xuất nông nghiệp đô thị trên địa bàn. 

Nhờ thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp đô thị bằng việc du nhập các phương thức sản xuất mới gắn nông nghiệp với thương mại và dịch vụ sinh thái, các mô hình như: nuôi trai lấy ngọc, nuôi ong lấy mật, hàu sữa, rươi, cá rô đầu vuông, trồng sen, sản xuất rau, củ quả… bước đầu đã khẳng định được hiệu quả kinh tế và tạo ra hình hài mới cho nền sản xuất nông nghiệp đô thị.     

Theo chia sẻ của người dân và lãnh đạo các địa phương, cùng với việc ban hành và thực hiện kịp thời một số cơ chế chính sách hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất, kinh doanh trên địa bàn, thời gian qua, lãnh đạo thành phố đã giành sự quan tâm, ưu tiên thỏa đáng cho sự hình thành, ứng dụng các phương thức sản xuất mới. Những kiến nghị, băn khoăn của người dân được lãnh đạo thành phố tiếp thu và xử lý kịp thời, góp phần giải tỏa, tháo gỡ nhiều vướng mắc, trở ngại trong quá trình xây dựng chuỗi sản xuất, tìm kiếm “đầu ra” cho sản phẩm. 

Chuỗi cửa hàng Thành Sen Mart; chuyển giao công nghệ số trong sản xuất nông nghiệp; nâng cao năng lực phát triển thị trường… là những phần việc cụ thể được tạo ra thông qua những lần tiếp xúc, đối thoại của người dân với lãnh đạo thành phố về cơ hội, thách thức trong phát triển nông nghiệp đô thị.

Bên cạnh những kết quả đáng ghi nhận, Trưởng phòng Kinh tế thành phố Hà Tĩnh Trần Quang Hưng thẳng thắn chia sẻ: Mặc dù hội tụ điều kiện để phát triển sản xuất nông nghiệp tiên tiến và định hình khá rõ sản phẩm chủ lực, có tiềm năng thị trường, tuy nhiên nền sản xuất nông nghiệp trên địa bàn vẫn chưa thoát khỏi “cái bóng” của nền sản xuất tiểu nông. Một số mô hình được phát triển từ tập quán cũ của nông dân truyền thống, sản phẩm truyền thống và thị trường truyền thống, do đó việc tiếp nhận, duy trì chuỗi sản xuất giá trị gặp không ít khó khăn.

Bí thư thành ủy Hà Tĩnh Dương Tất Thắng cho rằng: Thay đổi tư duy sản xuất để gia tăng giá trị trên mỗi diện tích canh tác vừa là nhiệm vụ vừa là phương pháp để phát triển nông nghiệp đô thị. Thời gian tới, thành phố sẽ tiếp tục kiến tạo, hỗ trợ nhằm thay đổi tư duy sản xuất và khơi thông nguồn lực trong dân chứ không can thiệp quá sâu vào công việc của người dân. 

Phát triển nông nghiệp đô thị ở thành phố Hà Tĩnh không phải chỉ là kế hoạch của 1 năm mà là mở đầu cho cả chiến lược lớn, tạo ra kết nối những trục phát triển đô thị mới, gắn với quy hoạch tổng thể của thành phố Hà Tĩnh về phía đông và phía tây. Để hiện thực hóa mục tiêu này, Hà Tĩnh sẽ lựa chọn đúng trọng điểm cho từng giai đoạn để dồn nguồn lực, phát triển một cách quy mô, bền vững. Điều này không chỉ có ý nghĩa kinh tế mà còn phát triển vành đai xanh, tạo thế cân bằng sinh thái cho đô thị.