Tăng trưởng xanh trong doanh nghiệp

Thúc đẩy tăng trưởng xanh trong doanh nghiệp đang được xem là giải pháp hữu hiệu nhằm bảo đảm thực hiện thành công các mục tiêu trong Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm giai đoạn 2021-2030 của Việt Nam.
0:00 / 0:00
0:00
Kiểm tra và bảo dưỡng thiết bị hoạt động của Nhà máy xử lý nước thải tập trung, Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng. (Ảnh KHÁNH AN)
Kiểm tra và bảo dưỡng thiết bị hoạt động của Nhà máy xử lý nước thải tập trung, Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng. (Ảnh KHÁNH AN)

Ðây cũng là xu thế tất yếu trên toàn cầu và là mục tiêu được các nước đang phát triển ưu tiên hướng tới. Tuy nhiên, vẫn còn những hạn chế về nhân lực, tiếp cận nguồn vốn, chính sách hỗ trợ khiến nhiều doanh nghiệp chưa thật sự chú trọng đến tăng trưởng xanh.

Hơn lúc nào hết, Chính phủ cùng các bộ, ngành địa phương, nhất là chính các doanh nghiệp cần nhanh chóng đổi mới tư duy, nhận thức, đầu tư công nghệ mới, hướng tới sản xuất xanh, giảm phát thải khí nhà kính và có những hành động thực hiện tốt mục tiêu phát triển xanh, bền vững trong tương lai.

Xu hướng tất yếu

Mục tiêu chung của phát triển kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh, bền vững là nhằm đạt sự thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội. Với Việt Nam, tăng trưởng xanh không chỉ là lựa chọn tất yếu mà còn là cơ hội để trở thành quốc gia tiên phong trong khu vực, bắt kịp xu thế phát triển của thế giới.

Việt Nam đã tham gia vào các thỏa thuận quốc tế về kiểm soát ô nhiễm toàn cầu, biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường. Chính phủ Việt Nam đang hoàn thiện hệ thống pháp luật và chính sách để hỗ trợ việc chuyển đổi sang nền kinh tế xanh bền vững, hướng tới mục tiêu Net Zero vào năm 2050.

Nhận thức được tầm quan trọng của tăng trưởng xanh đối với tương lai đất nước, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 nhằm thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh, đóng góp trực tiếp vào giảm phát thải khí nhà kính để hướng tới nền kinh tế trung hòa carbon trong dài hạn.

Hơn lúc nào hết, Chính phủ cùng các bộ, ngành địa phương, nhất là chính các doanh nghiệp cần nhanh chóng đổi mới tư duy, nhận thức, đầu tư công nghệ mới, hướng tới sản xuất xanh, giảm phát thải khí nhà kính và có những hành động thực hiện tốt mục tiêu phát triển xanh, bền vững trong tương lai.

Trong quá trình đó, cộng đồng doanh nghiệp được xác định là nhân tố trọng tâm, đóng vai trò quan trọng và cũng đã có nhiều hành động thiết thực đóng góp vào mục tiêu tăng trưởng xanh như: Sử dụng năng lượng sạch, nguyên vật liệu thân thiện môi trường; đầu tư những dây chuyền sản xuất hiện đại, công nghệ cao, sử dụng ít tài nguyên, năng lượng; giảm thiểu khí thải; áp dụng tiêu chuẩn môi trường, xã hội và quản trị (ESG),…

Song bên cạnh đó, vẫn còn những "lực cản" cơ bản đối với các doanh nghiệp trong quá trình thực hiện tăng trưởng xanh tại Việt Nam. Theo một khảo sát của VCCI, mức độ hiểu biết, quy định môi trường của doanh nghiệp Việt Nam mới ở giai đoạn ban đầu. Chỉ có 31,8% doanh nghiệp tư nhân hiểu rõ các quy định môi trường, 44% doanh nghiệp trong nước và 38% doanh nghiệp FDI thừa nhận chưa tuân thủ đầy đủ các quy định môi trường.

Các vấn đề nhận thức về kinh tế xanh hiện nay ở Việt Nam vẫn khá mới mẻ. Nhiều doanh nghiệp chưa nhận thức được trách nhiệm với môi trường hoặc không có nhân lực am hiểu về pháp luật môi trường trong khi các quy định môi trường còn phức tạp, chưa dễ tiếp cận, chi phí tuân thủ các quy định môi trường còn cao. Dù cũng đã có mong muốn thay đổi theo hướng phát triển bền vững, song nhiều doanh nghiệp vẫn bị hạn chế về công nghệ do thiết bị, máy móc sản xuất đã cũ; các doanh nghiệp chỉ dừng lại ở mức độ cân nhắc, chưa có động thái hướng đến phát triển bền vững, tăng trưởng xanh.

Tuy còn khó khăn, nhưng các doanh nghiệp cần xác định tăng trưởng xanh và bền vững là quá trình tất yếu của xã hội, buộc phải thực hiện, nhất là trước những cam kết mạnh mẽ của Chính phủ Việt Nam tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu Liên hợp quốc năm 2021 (COP26) khi quyết tâm đưa phát thải carbon về bằng 0 vào năm 2050.

Theo Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Thép Việt Nam (VNSTEEL) Phạm Công Thảo, việc chuyển đổi từ hệ thống sản xuất truyền thống sang mô hình bền vững rất cần thiết để bảo vệ môi trường tương lai cho thế hệ tiếp theo. Nhận thức rõ ngành thép chiếm một lượng đáng kể trong việc phát thải khí CO2 ra môi trường, VNSTEEL đã xây dựng một chiến lược lâu dài để thích nghi, ứng phó nhằm giảm đến mức thấp nhất việc phát thải CO2. Hiện 82% sản lượng thép thô của hệ thống VNSTEEL được nung từ lò điện và 18% từ lò cao, được sản xuất tập trung vào hạ nguồn nên lượng phát thải ra môi trường của VNSTEEL không cao hơn so với bình quân của các doanh nghiệp ngành thép.

VNSTEEL cũng đặt ra mục tiêu đến năm 2025 giảm 5-10% phát thải carbon ra môi trường, tập trung vào tối ưu hóa vận hành nhằm giảm phát thải. Còn để giảm nhiều lượng phát thải, tiến tới không phát thải, VNSTEEL sẽ cần có sự đột phá lớn về công nghệ, trong khi vấn đề tiêu hao, phát thải của doanh nghiệp hiện vẫn còn hạn chế bởi một số thiết bị đã cũ và lạc hậu, nếu nâng cấp, thay thế ngay sẽ cần chi phí rất lớn.

Tăng trưởng xanh trong doanh nghiệp ảnh 1

Sản xuất sợi xuất khẩu tại Công ty TNHH Một thành viên Dệt 8-3. (Ảnh ÐỨC ANH)

Động lực cho phát triển bền vững

Việc thúc đẩy doanh nghiệp chủ động, tích cực tham gia ứng phó biến đổi khí hậu đang là một trong những mối quan tâm hàng đầu của Chính phủ. Tuy nhiên hiện nay, so với thế giới, phần lớn công nghệ sản xuất của doanh nghiệp Việt Nam là công nghệ cũ, tiêu hao năng lượng lớn. Việc thay đổi công nghệ mới phù hợp với kinh tế xanh cũng đang là thách thức bởi chi phí đầu tư rất cao.

Vì vậy, phần lớn doanh nghiệp buộc phải chấp nhận sử dụng công nghệ cũ và vật liệu giá rẻ để phục vụ các mục tiêu ngắn hạn trước mắt hoặc chỉ có thể "đủ lực" phân kỳ đầu tư. Nhưng cách làm này sẽ không đạt hiệu quả, thiếu tính đồng bộ. Do đó, theo các chuyên gia, trước mắt các doanh nghiệp có thể chủ động tham gia bảo vệ môi trường, đồng thời tối ưu hóa khả năng sản xuất, kinh doanh thông qua tiết kiệm nguyên nhiên vật liệu, sử dụng nguyên vật liệu tái tạo, giảm khí nhà kính,…

Trong quá trình thực hiện, chủ các doanh nghiệp phải xem đây là "cuộc cách mạng", là cơ hội tốt nhất để doanh nghiệp nhận thức lại mô hình kinh doanh truyền thống, tiếp cận cơ hội kinh doanh mới, mạnh dạn liên kết hợp tác và huy động nguồn lực để từng bước chuyển đổi mô hình kinh doanh và hướng đến hiệu quả về lâu dài. Chậm chuyển đổi sẽ chỉ khiến doanh nghiệp tụt hậu xa hơn với mục tiêu tăng trưởng xanh đã và đang ngày càng phổ biến trên thế giới.

Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD) Nguyễn Quang Vinh cho rằng, Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp phải đồng hành, cùng chia sẻ tầm nhìn và chiến lược phát triển nhanh, xanh, bền vững. Chính phủ cần có những định hướng phát triển phù hợp với bối cảnh cũng như điều kiện của Việt Nam để tận dụng được những cơ hội quốc tế mà thị trường mang lại; đồng thời, tăng cường khả năng tiếp cận nguồn vốn cho tăng trưởng xanh cho doanh nghiệp, tiếp tục xây dựng, đa dạng hóa hơn nữa các chính sách ưu đãi doanh nghiệp đầu tư theo hướng sử dụng công nghệ cao, công nghệ sạch, ít tiêu hao năng lượng, tài nguyên, phát thải thấp và thân thiện với môi trường. Tăng trưởng xanh, phát triển bền vững chắc chắn không phải là con đường dễ đi, nhưng sẽ mang lại nhiều "trái ngọt" xứng đáng với nỗ lực của doanh nghiệp.

Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam (VBF) 2024 vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, phát triển xanh và bền vững, gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, công bằng xã hội, bảo vệ môi trường là ưu tiên hàng đầu của Chính phủ Việt Nam. Trên tinh thần đó, Việt Nam đã tham gia tích cực, có trách nhiệm trong thúc đẩy tăng trưởng xanh, phát triển bền vững thông qua các cam kết, sáng kiến tại các hội nghị, diễn đàn quốc tế.

Chính phủ Việt Nam tiếp tục cam kết mạnh mẽ, tạo mọi điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp phát triển, trong đó sẽ cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp; tăng tính minh bạch, bình đẳng trong tiếp cận các nguồn lực; tiên phong trong đổi mới trong nhận thức, tư duy, hành động trong tăng trưởng xanh; tiên phong trong triển khai các dự án, kế hoạch, chương trình hành động cụ thể để phục vụ tăng trưởng xanh hướng vào làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống,…

Song các doanh nghiệp cần phải tích cực, chủ động hơn nữa tham gia vào chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ "nâu" sang "xanh"; luôn tiên phong, hội nhập trên hành trình xanh toàn cầu; tiếp tục đóng vai trò hạt nhân thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.