Lực lượng tiên phong tăng trưởng xanh

Kiên quyết không chấp nhận mô hình “tăng trưởng trước, dọn dẹp sau”, Việt Nam mong muốn các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) là lực lượng “tiên phong” trong thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh.
0:00 / 0:00
0:00
Khu công nghiệp DEEP C đang đầu tư vào các dự án năng lượng tái tạo.
Khu công nghiệp DEEP C đang đầu tư vào các dự án năng lượng tái tạo.

Tháng 12 năm ngoái, tại Diễn đàn kinh tế Việt Nam - Nhật Bản ở Tokyo, Tổ hợp Khu công nghiệp (KCN) DEEP C, thành phố Hải Phòng đã ký thỏa thuận hợp tác với các doanh nghiệp Nhật Bản về phát triển năng lượng tái tạo từ sinh khối và hydrogen xanh. Từ đó cung cấp các lựa chọn năng lượng sạch hơn cho các khách hàng tại Khu công nghiệp DEEP C. Đây là một trong những bước đi quan trọng để khu công nghiệp này có thể tự chủ về năng lượng tái tạo.

Doanh nghiệp FDI đang làm gì?

Ông Bruno Jaspaert, Giám đốc điều hành Tổ hợp KCN DEEP C cho biết, đơn vị này đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ tự chủ 50% nhu cầu điện từ năng lượng tái tạo. Đây cũng là một trong những lộ trình nhằm chuyển đổi sang KCN sinh thái. “Trong giai đoạn tới, DEEP C sẽ tiếp tục tập trung vào các dự án năng lượng tái tạo, phát triển các cơ hội cộng sinh công nghiệp trong KCN, các giải pháp tái chế như xây dựng đường từ nhựa tái chế… nhằm đem lại lợi ích về môi trường, kinh tế, xã hội cho cả DEEP C và cộng đồng”, đại diện Deep C cam kết.

Khởi đầu với một nhà máy nhỏ tại huyện Hóc Môn, Thành phố Hồ Chí Minh, đến nay Heineken đã có tới 6 nhà máy tại Việt Nam. Bài toán “xanh hóa” không chỉ còn là sự “đau đáu” của thế giới, của Việt Nam mà của chính doanh nghiệp. Ông Alexander Koch, Tổng Giám đốc Điều hành Heineken Việt Nam cho biết, đến nay, doanh nghiệp đã sử dụng nhiệt năng sinh khối tái tạo đối với tất cả 6 nhà máy bia. Toàn bộ (100%) điện năng sử dụng trong sản xuất của Heineken đều được bảo đảm bởi các chứng chỉ Thuộc tính năng lượng mua từ các nhà cung cấp được chứng nhận tại Việt Nam.

Đáng chú ý, cả 6 nhà máy bia của Heineken đã chấm dứt chôn lấp rác thải. “Hướng đến phát thải ròng bằng 0 và thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, Heineken đang cùng các đối tác triển khai những hoạt động bảo tồn nguồn nước tại các lưu vực sông trọng điểm của Việt Nam, bao gồm lưu vực sông Hồng, sông Đồng Nai và sông Tiền. Đồng thời, tiếp tục tìm hiểu những giải pháp điện năng tái tạo triệt để hơn, như cơ chế mua bán điện trực tiếp (DPPA) và hệ thống năng lượng mặt trời”, ông Alexander Koch nói.

Báo cáo của Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam cho thấy, phản ánh chiến lược đa dạng hóa chuỗi cung ứng và ưu tiên phát triển bền vững, nhiều nhà bán lẻ nước ngoài đã chọn Việt Nam làm trung tâm chiến lược của chuỗi cung ứng toàn cầu. Kể từ EVFTA, các nhà đầu tư EU đã cam kết hơn 26 tỷ USD vào gần 2.250 dự án của Việt Nam.

Thí dụ, Tập đoàn LEGO của Đan Mạch đã nhận được sự chấp thuận đầu tư hơn 1 tỷ USD vào một nhà máy Việt Nam không thải carbon, trong khi Adidas của Đức có 51 nhà cung cấp địa phương với hơn 190.000 nhân viên. Việt Nam nằm trong ba điểm đến đầu tư hàng đầu toàn cầu và hơn một nửa lên kế hoạch thúc đẩy đầu tư của Việt Nam vào năm 2023 - đặc biệt là trong lĩnh vực sản xuất công nghệ cao.

Sự bùng nổ đầu tư này nêu bật tính hiệu quả của FTA trong việc thu hút FDI bền vững, chất lượng cao và đưa Việt Nam trở thành điểm đến chiến lược. Đến nay, EU là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 6 của Việt Nam với hơn 27,8 tỷ USD được đầu tư vào 2.450 dự án trong ba thập kỷ qua, trong đó hơn 60% thuộc lĩnh vực sản xuất.

Khi người tiêu dùng ngày càng ưa chuộng các sản phẩm thân thiện với môi trường trong bối cảnh chuyển đổi xanh toàn cầu, các công ty đang ưu tiên dịch vụ hậu cần xanh một cách chuyên nghiệp. Diễn đàn Kinh tế Xanh (GEF) 2023 tại Hà Nội quy tụ hơn 500 người tham gia, đã chứng minh sức mạnh của đối thoại cởi mở để hợp tác với Việt Nam trên hành trình “xanh hóa” (“go green”).

Trong gần 40 năm đổi mới, khu vực FDI luôn khẳng định vai trò quan trọng đối với nền kinh tế Việt Nam. Mặc dù xu hướng FDI trên toàn cầu suy giảm, nhưng Việt Nam vẫn là một điểm sáng trong thu hút FDI. Năm 2023, thu hút FDI đạt gần 36,6 tỷ USD, tăng 32,1%; vốn FDI thực hiện đạt gần 23,2 tỷ USD, tăng 3,5%. Tính đến cuối tháng 2/2024, hiện còn hơn 39,5 nghìn dự án FDI còn hiệu lực, với tổng vốn đầu tư hơn 473 tỷ USD.

Với tiềm lực về nguồn vốn và công nghệ, kinh nghiệm từ nhiều quốc gia phát triển, những nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp FDI trong việc “xanh hóa” sản xuất có ý nghĩa rất lớn trong tiến trình thực hiện mục tiêu “Net - Zero” vào năm 2050 của Việt Nam.

Cần khẳng định vai trò “đầu tàu”

Tại Hội nghị gặp gỡ cộng đồng doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam thường niên năm 2024 (VBF 2024), với chủ đề: “Doanh nghiệp FDI tiên phong thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh” do Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Thế giới (WB) và Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) đồng tổ chức mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, Việt Nam xác định tăng trưởng xanh là một trong hai yếu tố cốt lõi (cùng với chuyển đổi số) của quá trình cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh và phát triển nhanh, bền vững.

Thủ tướng nêu rõ, Việt Nam kiên quyết không chấp nhận mô hình “tăng trưởng trước, dọn dẹp sau”; không tăng trưởng bằng mọi giá; chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ “nâu” sang “xanh”; huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực bên trong và bên ngoài cho phát triển hệ sinh thái xanh, kinh tế tuần hoàn, carbon thấp, chuyển đổi năng lượng...

Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của cách mạng công nghiệp 4.0, đây là xu thế tất yếu và là mục tiêu của mọi quốc gia, là một động lực tăng trưởng mới; không quốc gia nào có thể đứng ngoài tiến trình này.

Việt Nam đã tham gia tích cực, có trách nhiệm trong thúc đẩy tăng trưởng xanh, phát triển bền vững. Việt Nam đã cam kết tại COP26 về phát thải ròng bằng 0 đến năm 2050; tham gia Sáng kiến Phát thải ròng bằng 0 châu Á (AZEC). Việt Nam đẩy mạnh triển khai Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao, phát thải thấp vùng đồng bằng sông Cửu Long; triển khai Kế hoạch “Phát triển rừng trồng sản xuất gỗ lớn giai đoạn 2024 - 2030”...

Thủ tướng kêu gọi các doanh nghiệp FDI, nhà đầu tư nước ngoài đồng hành cùng Việt Nam thực hiện chuyển đổi xanh, phát triển bền vững với tinh thần “Ba tiên phong”.

Một là, tiên phong trong nhận thức, tư duy và hành động, đổi mới tư duy, cách nghĩ, cách làm về tăng trưởng xanh.

Hai là, tiên phong trong chuyển giao công nghệ, thúc đẩy nghiên cứu phát triển, đổi mới sáng tạo phục vụ tăng trưởng xanh.

Ba là, tiên phong trong triển khai thực hiện các dự án tăng trưởng xanh cụ thể, làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống và bổ sung các động lực tăng trưởng mới.