Tăng tốc truy vết các trường hợp tiếp xúc gần với các ca bệnh

NDO -

Sau 99 ngày không phát hiện ca lây nhiễm trong cộng đồng, từ 25-7 đến nay, Việt Nam đã ghi nhận tới 93 ca mắc mới. Các cơ quan chức năng đang vào cuộc khẩn trương, đẩy nhanh năng lực xét nghiệm, truy vết các trường hợp nghi ngờ và dồn lực chi viện cho Đà Nẵng. 

Tăng tốc truy vết các trường hợp tiếp xúc gần với các ca bệnh

Đẩy nhanh năng lực xét nghiệm, chi viện cho Đà Nẵng

Trao đổi với báo chí chiều tối 30-7, quyền Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long nhận định tình hình dịch Covid-19 tại TP Đà Nẵng tương đối phức tạp. Ổ dịch lớn nhất phần lớn ở khu vực của ba bệnh viện: Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh viện C Đà Nẵng, Bệnh viện Phục hồi chức năng Đà Nẵng (hiện đã được phong tỏa).

Để hỗ trợ cho Đà Nẵng chống dịch, ngay trong đêm 31-7, Bộ Y tế đã quyết định thành lập “Bộ phận thường trực đặc biệt chống dịch Covid-19 tại Thành phố Đà Nẵng” bao gồm bốn đội hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật để tăng cường công tác chỉ đạo và thực hiện các hoạt động phòng, chống dịch Covid-19 và điều trị bệnh nhân tại khu vực này.

Theo quyền Bộ trưởng, hiện nay, năng lực xét nghiệm của Đà Nẵng đã được nâng lên rất nhiều với hơn 7.000 mẫu xét nghiệm/một ngày. Viện Pauster TP. Hồ Chí Minh cũng đã đưa lực lượng đến Đà Nẵng thiết lập phòng xét nghiệm. Bệnh viện của Bộ Công an cũng lập labo xét nghiệm và Bộ Quốc phòng cũng hỗ trợ Đà Nẵng bằng việc đưa labo xét nghiệm di động đến. 

Bộ Y tế cũng điều tới Đà Nẵng 10 máy thở và hỗ trợ thêm khẩu trang N95 cho các bệnh viện trên địa bàn TP Đà Nẵng và Bệnh viện Trung ương Huế. Trước đó, các máy thở, máy ECMO cũng đã được Bệnh viện Bạch Mai, Chợ Rẫy mang đến Đà Nẵng “chi viện” cho địa phương này thêm nguồn lực, vật tư thiết bị chống dịch.

Cùng với hỗ trợ về nhân lực, vật lực, xét nghiệm, Bộ Y tế đã triển khai việc phân luồng chuyển bệnh nhân, đặc biệt là bệnh nhân nặng, có bệnh lý nền từ BV Đà Nẵng ra điều trị ở BV Trung ương Huế nhằm “chia lửa” cho Đà Nẵng,

Theo đó, Bộ Y tế đã yêu cầu BV Trung ương Huế sắp xếp phân luồng bệnh nhân tại cơ sở 2 về cơ sở 1, dành cơ sở 2 để tập trung hỗ trợ điều trị bệnh nhân cho Đà Nẵng. Hiện đã có một số bệnh nhân Covid-19 nặng, kèm bệnh lý nền như ung thư, tim mạch, suy thận mạn... đã được chuyển ra BV Trung ương Huế điều trị.

Tăng tốc truy vết các trường hợp tiếp xúc gần với các ca bệnh -0
 Đoàn công tác của Bộ Y tế làm việc tại Đà Nẵng. 

Tăng tốc truy vết các trường hợp tiếp xúc gần với các ca bệnh

Mới đây nhất, GS, TS Nguyễn Thanh Long, quyền Bộ trưởng Y tế đã ký công điện số 1176/CĐ-BYT gửi Ủy ban nhân dân TP Đà Nẵng đề nghị chỉ đạo quyết liệt các đơn vị liên quan triển khai quyết liệt, kịp thời các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn Thành phố.
 
Công điện đề nghị Ủy ban nhân dân TP Đà Nẵng chỉ đạo quyết liệt các đơn vị liên quan thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo Quốc gia, đề cao trách nhiệm của lãnh đạo chính quyền địa phương, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc để triển khai quyết liệt, kịp thời các biện pháp phòng chống dịch trên địa bàn Thành phố.

Các đơn vị khẩn trương, tăng tốc thực hiện việc truy vết các trường hợp tiếp xúc gần với các trường hợp mắc bệnh, nghi ngờ mắc bệnh, tiến hành ngay việc cách ly y tế tập trung, lấy mẫu thực hiện xét nghiệm và giám sát tình hình sức khỏe.

Đồng thời phối hợp chặt chẽ với Quân khu 5 để tổ chức thực hiện nghiêm việc cách ly y tế, lấy mẫu xét nghiệm và giám sát y tế.

Ủy ban nhân dân Thành phố chỉ đạo các đơn vị liên quan đẩy mạnh việc tăng cường năng lực, thực hiện xét nghiệm trên diện rộng; bảo đảm cung ứng đầy đủ công cụ, phương tiện, vật tư để thực hiện xét nghiệm trên diện rộng đồng thời tiếp tục triển khai giám sát, lấy mẫu xét nghiệm tất cả các trường hợp có các biểu hiện mắc bệnh đường hô hấp để phát hiện sớm và kịp thời.

Ngày 30-7, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã làm việc với Nhóm các nhà khoa học, chuyên gia, tình nguyện viên phân tích dữ liệu và truy vết theo dấu dịch tễ phục vụ chống dịch Covid-19. 

Theo phân tích của nhóm, tới nay dù chưa thể kết luận chắc chắn nhưng có thể nhận định: Khả năng cao là nguồn bệnh xuất hiện ban đầu từ Đà Nẵng. Trong những ngày tới, nhóm tiếp tục theo dõi, cập nhật và phân tích dữ liệu để có thể khẳng định.

Nhận định này rất quan trọng vì một khi xác định là dịch từ Đà Nẵng thì chỉ cần thực hiện khoanh vùng dập dịch tại Đà Nẵng còn các địa phương khác thì tập trung quản lý thật chặt chẽ, theo dõi sức khỏe những người đã đến, đi qua Đà Nẵng. Ngược lại nếu các dữ liệu cho thấy khả năng dịch có thể xuất hiện đồng thời ở nhiều địa phương thì cần có các giải pháp mạnh trên quy mô rộng hơn, thậm chí là toàn quốc.

Cũng theo phân tích của nhóm thì trên địa bàn Đà Nẵng, dù có một số ca ngoài cộng đồng nhưng “ổ dịch” lớn nhất cần tập trung là cụm ba bệnh viện. Trong các bệnh viện này cũng tập trung ở một số khoa. Tình trạng khá tương đồng với ổ dịch tại Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) trước đây.

Nhóm dự báo trong vài ngày tới đây có thể sẽ liên tục phát hiện thêm hàng chục ca nhiễm mỗi ngày, chủ yếu liên quan tới “ổ dịch” này.  Điểm khác là dự báo số người nhiễm bệnh sẽ cao hơn ở Bạch Mai, số ca nặng cũng nhiều hơn, nhất là liên quan tới các bệnh nhân đang chạy thận nhân tạo. 

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá cao đóng góp của các tình nguyện viên trong việc giúp truy vết và đưa ra các nhận định, khuyến nghị quan trọng. Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh lại yêu cầu không chủ quan, luôn sẵn sàng, tính đến tình huống xấu hơn, thậm chí tình huống xấu nhất để tình huống đó không xảy ra. 
 

Tăng tốc truy vết các trường hợp tiếp xúc gần với các ca bệnh ảnh 2

Siết chặt phòng chống dịch sau ca nhiễm mới tại Đà Nẵng