Tăng tốc tiến độ thi công các công trình trọng điểm

Tỉnh Đồng Nai hiện đang có hàng loạt dự án trọng điểm quốc gia và của tỉnh được đồng thời triển khai xây dựng. Sau một thời gian bị chậm tiến độ, địa phương đang tập trung cao độ thực hiện các giải pháp tháo gỡ dứt điểm vướng mắc, nhất là công tác giải phóng mặt bằng, để bứt phá tiến độ thực hiện các dự án.
0:00 / 0:00
0:00
Công trường thi công dự án bờ kè sông Đồng Nai.
Công trường thi công dự án bờ kè sông Đồng Nai.

Tỉnh ủy Đồng Nai đã thành lập Tổ công tác chỉ đạo các công trình, dự án trọng điểm và phân công từng đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ theo dõi, đôn đốc và chịu trách nhiệm cá nhân về tiến độ từng dự án cụ thể; cùng với đó, đề cao trách nhiệm của Bí thư, Chủ tịch Ủy ban nhân cấp huyện trong chỉ đạo, điều hành liên quan tiến độ thi công các công trình trọng điểm.

Đẩy nhanh tiến độ

Từ ngày 15/2, Công ty TNHH Vân Nga Phát, đơn vị thi công công trình trọng điểm bờ kè sông Đồng Nai đã khẩn trương huy động máy móc, nhân lực thi công trở lại sau đợt nghỉ Tết Nguyên đán. Dưới cái nắng gay gắt mùa khô, Giám đốc Công ty Nguyễn Đình Long cho biết: Tận dụng thời tiết đang thuận lợi, đơn vị thi công theo hình thức cuốn chiếu những đoạn đã có mặt bằng. Đến nay, toàn bộ dự án hơn 5,2 km bờ kè đã hoàn thành 75% khối lượng công việc. Nếu sớm được bàn giao xong phần mặt bằng còn lại trong quý I này, đơn vị sẽ hoàn thành thi công, bàn giao toàn bộ công trình cho chủ đầu tư đưa vào sử dụng trong quý II/2024. Song song với dự án kè có trị giá 613 tỷ đồng, dự án đường ven sông Đồng Nai với mức đầu tư gần 1.300 tỷ đồng cũng đang được cải thiện tình hình thi công sau một thời gian dài ngổn ngang vì vướng giải phóng mặt bằng.

Tăng tốc tiến độ thi công các công trình trọng điểm ảnh 1

Dự án đường Hương lộ 2, đoạn qua địa bàn phường An Hòa, thành phố Biên Hòa.

Điển hình chậm tiến độ phải kể đến dự án xây dựng Hương lộ 2, giai đoạn 1 có chiều dài gần 2 km, điểm đầu tuyến giao với Quốc lộ 51, điểm cuối tuyến giao với đường nhựa hiện hữu An Hòa-Long Hưng có tổng mức đầu tư 782 tỷ đồng, được khởi công xây dựng vào cuối năm 2020, đến nay gói thầu thi công mới chỉ đạt hơn 60% giá trị hợp đồng. Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Cường Hưng, Phạm Văn Trung, đơn vị thi công công trình cho biết: 30 công nhân và phương tiện máy móc đang hoạt động cầm chừng, dù rất muốn làm gấp rút nhưng do không có mặt bằng cho nên đành chấp nhận thi công từng đoạn chắp nối.

Nút thắt lớn nhất hiện nay là vướng mặt bằng đoạn khoảng 0,3 km còn lại của một doanh nghiệp và hai hộ dân chưa di dời. Trong khi đó, ở dự án trọng điểm đặc biệt quốc gia Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1, các gói thầu vẫn hối hả thi công xuyên thời gian nghỉ Tết. Theo Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), đơn vị chủ đầu tư giai đoạn 1 dự án, hơn 4.000 cán bộ, kỹ sư, công nhân và hơn 200 đầu máy móc, thiết bị đang tất bật vận hành, nhịp độ tăng tốc từng ngày. Về cơ bản, các gói thầu đều đạt tiến độ đề ra.

Toàn tỉnh Đồng Nai hiện có 29 công trình trọng điểm, gồm 22 dự án sử dụng vốn ngân sách và 7 dự án vốn ngoài ngân sách. Trong đó, 3 dự án trọng điểm quốc gia là giải phóng mặt bằng sân bay Long Thành, đường bộ cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu và đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh. Năm 2024, các công trình trọng điểm đầu tư từ nguồn vốn ngân sách trên địa bàn tỉnh Đồng Nai được bổ sung khoảng 4.900 tỷ đồng. Cộng với khoảng 1.000 tỷ đồng đã được bố trí trước đó thì năm nay, các dự án trọng điểm phải làm sao giải ngân được gần 6.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 60% nguồn vốn ngân sách các dự án.

Đề cao trách nhiệm cá nhân

Tăng tốc tiến độ thi công các công trình trọng điểm ảnh 2

Sân bay Long Thành đang được tăng tốc đẩy nhanh tiến độ.

Trước việc hầu hết các dự án trọng điểm đều chậm tiến độ, trong đó có công trình gia hạn nhiều lần nhưng vẫn chưa có giải pháp để hoàn thành, năm 2023, Tỉnh ủy Đồng Nai đã thành lập Tổ chỉ đạo các công trình, dự án trọng điểm do đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy làm Tổ trưởng. Định kỳ Tổ chỉ đạo họp giao ban nghiêm túc rà soát tiến độ, kịp thời giải quyết khó khăn, kiến nghị và trực tiếp kiểm tra, đôn đốc tiến độ trên công trường. Tỉnh ủy cũng phân công trách nhiệm cá nhân tất cả các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ phụ trách theo dõi các công trình trọng điểm theo danh mục.

Ngay trong ngày làm việc chính thức đầu tiên năm 2024 (ngày 2/1), Ủy ban nhân dân tỉnh đã tổ chức hội nghị chuyên đề với sự tham gia của người đứng đầu các sở, ngành và bí thư, chủ tịch ủy ban nhân cấp huyện, hạ quyết tâm dốc sức đẩy nhanh tiến độ các công trình trọng điểm. Chính quyền tỉnh quán triệt sâu sắc Chỉ thị số 22/CT-UBND ngày 29/12/2023 về đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các dự án, công trình trọng điểm trên địa bàn. Đại diện cơ quan được giao làm chủ đầu tư 10 công trình trọng điểm, Giám đốc Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông Đồng Nai Ngô Thế Ân cho biết: Với khối lượng công việc rất lớn, dự án trải dài ở nhiều địa bàn, đơn vị giao trách nhiệm cụ thể từng đồng chí lãnh đạo và các phòng chức năng trong theo dõi, kiểm tra và đốc thúc các nhà thầu thực hiện khối lượng công việc và đánh giá tiến độ hằng tuần. Xác định vấn đề nan giải nhất đối với tất cả dự án là mặt bằng thi công cho nên đơn vị đã bố trí một tổ công tác chuyên hỗ trợ thực hiện lộ trình; cùng với đó, tích cực phối hợp các địa phương thực hiện rốt ráo giải phóng mặt bằng.

Tại thành phố Biên Hòa, nơi tập trung 9 dự án trọng điểm, trong đó có Dự án cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu, ngành chức năng phải thực hiện khối lượng giải phóng mặt bằng, bố trí tái định cư rất lớn. Để thay đổi tình trạng đùn đẩy trách nhiệm, yếu kém trong công tác giải phóng mặt bằng, Bí thư Thành ủy Biên Hòa Hồ Văn Nam khẳng định: Ngay từ đầu năm làm việc với các phòng, ban và Đảng bộ 30 phường, xã, Thường trực Thành ủy đã đôn đốc đối với những phần việc thuộc thẩm quyền địa phương thì cơ sở buộc phải chủ động thực hiện, riêng những nội dung cần kiến nghị, xin ý kiến cấp trên thì phải thường xuyên đeo bám, làm khâu nào dứt điểm khâu đó. Thường trực Thành ủy tổ chức giao ban định kỳ hằng tháng các dự án trọng điểm, đặc biệt liên tục rà soát tiến độ giải phóng mặt bằng đường cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu, mà Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Đồng Nai phải hoàn thành vào cuối tháng 6 tới. “Phải khắc phục cho được tình trạng đầu năm thong thả, cuối năm vội vã, vì một khi thực hiện vội vã thì chất lượng thi công dự án sẽ khó bảo đảm theo yêu cầu”, đồng chí Hồ Văn Nam nói.

Tăng tốc tiến độ thi công các công trình trọng điểm ảnh 3

Lãnh đạo tỉnh Đồng Nai kiểm tra tiến độ một dự án trọng điểm ở huyện Nhơn Trạch.

Quyền Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Võ Tấn Đức đánh giá: Nhìn chung tiến độ thực hiện các công trình trọng điểm trên địa bàn đã có sự chuyển biến tích cực hơn thời điểm 4 tháng trước đây, nhưng vẫn còn rất chậm so với kế hoạch đề ra. Do vậy, các sở, ngành, địa phương, nhất là người đứng đầu phải nâng cao tinh thần trách nhiệm, phối hợp chặt chẽ, tập trung đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng các công trình, dự án trọng điểm. Các chủ đầu tư lập bảng tiến độ triển khai từng dự án để theo dõi, đánh giá qua từng tháng. Đi liền với đó, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong giải ngân vốn đầu tư công các công trình trọng điểm, xác định đây là một trong các nhiệm vụ chính trị trọng tâm, tập trung ưu tiên trong chỉ đạo điều hành, gắn với trách nhiệm của người đứng đầu; có chế tài xử lý nghiêm khắc theo quy định pháp luật các chủ đầu tư, tổ chức, cá nhân cố tình gây khó khăn, cản trở, làm chậm tiến độ giao vốn, thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công; thay thế kịp thời những cán bộ lãnh đạo, công chức, viên chức yếu kém về năng lực, trì trệ, gây nhũng nhiễu, phiền hà, kiên quyết xử lý các hành vi tiêu cực trong quản lý lĩnh vực đầu tư công.

Theo Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Hồ Thanh Sơn, đường găng tiến độ các công trình trọng điểm trên địa bàn Đồng Nai thời gian qua thay đổi liên tục và lệch nhịp xa so với kế hoạch ban đầu, nguyên nhân chủ yếu do khâu giải phóng mặt bằng quá chậm trễ. Thực tế hiện nay đòi hỏi phải có sự vào cuộc quyết liệt của người đứng đầu các địa phương, đơn vị liên quan, xem đây là tiêu chí đánh giá kết quả thi đua cuối năm. Nhất là, cần chuyên nghiệp hóa đội ngũ thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, tập trung toàn lực tháo gỡ ách tắc, đồng thời, đẩy mạnh xây dựng các khu tái định cư, tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân. Các ban quản lý dự án của tỉnh phải cập nhật, điều chỉnh lại đường găng tiến độ của từng dự án, gắn với đường găng tiến độ giải phóng mặt bằng của các địa phương cho phù hợp diễn biến mới. Công tác phân bổ nguồn vốn đầu tư công phải tiến hành khoa học, có tính khả thi cao, theo nguyên tắc tách dự án bồi thường, giải phóng mặt bằng và dự án thi công; bảo đảm dự án nào có ít nhất 75% mặt bằng đất sạch mới được bố trí vốn triển khai thi công và tuyệt đối không bố trí vốn cho các dự án chưa có đất sạch ■