Tăng tốc chiến dịch tiêm vaccine phòng dịch sởi

Để kịp thời ngăn chặn dịch sởi lây lan và giảm số trường hợp tử vong do bệnh sởi, ngành y tế các địa phương đang nỗ lực triển khai chiến dịch tiêm vaccine phòng dịch sởi cho các nhóm trẻ trong độ tuổi. Đến hết ngày 31/3, các địa phương phải hoàn thành chiến dịch với tỷ lệ hơn 95% số trẻ trong độ tuổi được tiêm chủng vaccine phòng bệnh sởi.
0:00 / 0:00
0:00
Đà Nẵng tăng cường đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc-xin sởi cho các đối tượng trong độ tuổi. Ảnh: Anh Đào
Đà Nẵng tăng cường đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc-xin sởi cho các đối tượng trong độ tuổi. Ảnh: Anh Đào

Từ đầu năm 2025 đến nay, địa bàn tỉnh Cao Bằng ghi nhận 3.034 trường hợp mắc bệnh sởi, trong đó, có 1 ca tử vong.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Cao Bằng cho biết, thực hiện chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng dịch sởi đợt 1 năm 2025, tại địa bàn có 9.197/9.761 trẻ được tiêm. Đợt 2, đến ngày 27/3, có 6.111/10.053 trẻ được tiêm. Ngành y tế địa phương đang nỗ lực, tiếp tục triển khai chiến dịch, và tiêm “bù”, tiêm “vét”, phấn đấu đến hết ngày 31/3, đạt tỷ lệ tiêm chủng theo kế hoạch.

Bác sĩ Bế Thị Bạch, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Cao Bằng chia sẻ, phấn đấu đến hết ngày 31/3, có 100% trẻ thuộc diện cần tiêm chủng được tiêm vaccine sởi, các trạm y tế xã đã khắc phục khó khăn do địa bàn rộng, dân cư phân tán, gửi giấy mời đến các gia đình đưa trẻ đến tiêm chủng.

Những trẻ chưa được tiêm trong chiến dịch lần này do nguyên nhân khách quan (đang uống thuốc kháng sinh, điều trị bệnh), sẽ được các trạm y tế xã tổ chức tiêm “bù” trong “Ngày tiêm chủng” ở tháng kế tiếp.

Tại Nghệ An, lãnh đạo tỉnh đã chỉ đạo triển khai quyết liệt chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng, chống dịch sởi đợt 2. Tiến sĩ, Bác sĩ Chu Trọng Trang, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Nghệ An cho biết: Chỉ trong thời gian ngắn, tỉnh đã rà soát được gần 37.000 trẻ từ 6 tháng đến 10 tuổi thuộc đối tượng tiêm lần này.

Tăng tốc chiến dịch tiêm vaccine phòng dịch sởi ảnh 2

Đoàn cán bộ Bộ Y tế kiểm tra công tác điều trị bệnh sởi tại Bệnh viện Sản-Nhi Nghệ An. Ảnh: Đình Phượng.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Nghệ An đã phân phối kịp thời, đầy đủ vaccine sởi-rubella và vaccine sởi cho các đơn vị. Ngành y tế thành lập nhiều đoàn giám sát trực tiếp tại các điểm tiêm, tổ chức các đội cấp cứu lưu động tại cơ sở điều trị, sẵn sàng hỗ trợ xử trí kịp thời các trường hợp tai biến nặng sau tiêm chủng.

Đến 18 giờ ngày 27/3, Nghệ An đã tiêm được 42.186 mũi vaccine sởi, trên tổng số 48.770 đối tượng.

Tính đến ngày 28/3, tỉnh Gia Lai ghi nhận 2.027 ca sốt phát ban nghi sởi ở 17 huyện, thị xã, thành phố. Hiện chưa ghi nhận ca tử vong do sởi, tuy nhiên Gia Lai là địa phương có số trẻ mắc bệnh sởi có xu hướng tăng cao.

Tăng tốc chiến dịch tiêm vaccine phòng dịch sởi ảnh 3

Bệnh nhân mắc bệnh sởi điều trị tại khoa nhiệt đới bệnh viện Nhi Gia Lai tăng cao. Ảnh: Sỹ Tạo

Bác sĩ Nguyễn Thị Thúy Loan, Phó Trưởng khoa phụ trách Khoa Bệnh nhiệt đới Bệnh viện Nhi tỉnh Gia Lai cho biết: Từ sau Tết Nguyên đán đến nay, trung bình mỗi ngày bệnh viện thu dung thêm từ 10 đến 20 ca bệnh nghi mắc sởi.

Nhiều người thăm khám, điều trị bên ngoài, nhưng bệnh tiến triển nặng, dẫn đến phải nhập viện. Có trường hợp bệnh nhân tự mua thuốc điều trị khi thấy sốt, ho, đau họng và không biết mắc bệnh sởi nên trở thành nguồn lây cho gia đình và cộng đồng.

Tại tỉnh Gia Lai, theo thống kê, trong đợt tiêm chủng vaccine sởi lần này có 7.107 trẻ từ 6 tháng đến dưới 9 tháng tuổi; 23.742 trẻ từ 6 tuổi đến 10 tuổi cần được tiêm.

Tăng tốc chiến dịch tiêm vaccine phòng dịch sởi ảnh 4

Tiêm vaccine sởi cho trẻ 6 đến dưới 9 tháng tuổi tại địa bàn thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai. Ảnh: Sỹ Tạo

Thạc sĩ, bác sĩ Đinh Hà Nam, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết, đến hết ngày 27/3, Gia Lai đã tiêm phòng được cho 1.444/7.107 trẻ từ 6 tháng đến dưới 9 tháng tuổi; 4.871/23.742 trẻ từ 6-10 tuổi.

Hiện nay, tổng số nhu cầu vaccine sởi cho trẻ từ 6 đến dưới 9 tháng tuổi trên địa bàn tỉnh là 8.730 liều, trong đó đã được cấp 8.300 liều.

Ngành y tế tỉnh Gia Lai kiến nghị Cục phòng bệnh, Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên cung ứng vaccine đầy đủ, kịp thời để địa phương hoàn thành chiến dịch đạt đúng tiến độ đề ra.

Từ đầu năm 2025 đến nay, thành phố Đà Nẵng ghi nhận 1 trường hợp tử vong nghi sởi.

Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Đà Nẵng Nguyễn Đại Vĩnh cho biết: “Đến nay, CDC Đà Nẵng đã tiếp nhận, bảo quản và vận chuyển 23.770 liều vaccine sởi-rubella (MR) để tăng tốc tiêm chủng cho trẻ trong độ tuổi trên toàn thành phố. Riêng vaccine cho nhóm trẻ 6-10 tuổi hiện nay thiếu 40% so với nhu cầu, hai nhóm trẻ còn lại đã đủ vắcxin. Dự kiến đến ngày 31/3, Đà Nẵng sẽ tiêm đạt 100% kế hoạch”.

Anh Huỳnh Văn Sinh, trú phường An Hải Bắc cho biết: Ngay sau khi nhận thông báo từ nhà trường và trạm y tế, tôi đã đưa con gái 6 tuổi đến Trạm y tế phường để tiêm mũi hai vaccine sởi. Đợt này dịch sởi bùng phát gây nhiều biến chứng, khi con được tiêm nhắc lại mũi hai, gia đình rất yên tâm.

Bác sĩ Lê Thị Kim Yến, Trưởng trạm Y tế phường An Hải Bắc, cho biết: Trong ngày 27 và 28/3, ngoài tiêm tại trạm y tế, trạm đã thiết lập hai điểm tiêm tại hai trường tiểu học. Tùy tình hình thực tế, sau khi tiêm hết số học sinh đã đăng ký, chúng tôi sẽ tiêm vét đến hết ngày 30/3 theo kế hoạch, bảo đảm trẻ em trong nhóm các đối tượng được tiêm đúng, tiêm đủ.

Qua kiểm tra công tác phòng, chống dịch sởi và chiến dịch tiêm vaccine phòng bệnh sởi tại Hải Phòng và Quảng Ninh, Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan đề nghị các địa phương tiếp tục chỉ đạo sát sao công tác phòng, chống dịch bệnh sởi; giao trách nhiệm cho người đứng đầu ở các xã, phường để rà soát, tránh bỏ sót đối tượng hoặc không nắm chắc trường hợp tiêm chủng và phải hoàn thành vượt mức chỉ tiêu tiêm vaccine phòng dịch trước ngày 31/3; đồng thời truyền thông sâu rộng để người dân nâng cao nhận thức, chủ động phòng, chống dịch, tránh để dịch bệnh lây lan...

Cục trưởng Cục Phòng bệnh (Bộ Y tế) Hoàng Minh Đức cho biết, đến nay đã có địa phương tiêm hơn 90% nhưng cũng có nơi mới chỉ đạt khoảng 70%.

Tuy nhiên, các địa phương đều đã cam kết thực hiện đúng theo lộ trình đã đề ra (hết ngày 31/3).

Bộ Y tế đề nghị các địa phương giao trách nhiệm cho chính quyền các cấp, các ban, ngành liên quan phối hợp, hỗ trợ ngành y tế khẩn trương triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh, tăng cường rà soát, quản lý đối tượng tiêm chủng bám sát với tình hình thực tế tại địa bàn, không bỏ sót đối tượng, nhất là tại các khu vực có nguy cơ bùng phát dịch, tỷ lệ tiêm chủng thấp, tinh thần là phải “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng”.

Trong hai ngày 27 và 28/3, đoàn công tác của Bộ Y tế do Thứ trưởng Trần Văn Thuấn cũng đã kiểm tra công tác sàng lọc, phân luồng, thu dung điều trị bệnh sởi cho trẻ em và người lớn tại các bệnh viện trên địa bàn Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.

Do bệnh sởi có thể mắc ở mọi lứa tuổi, cho nên đoàn công tác yêu cầu các bệnh viện không được chủ quan, lơ là; chuẩn bị các tình huống, sẵn sàng ứng phó cũng như xây dựng kế hoạch cụ thể phù hợp với từng mức độ, quy mô tình hình dịch.

Trong trường hợp bệnh sởi tiếp tục gia tăng, các bệnh viện phải có tính toán quy mô luân chuyển các khoa, phân luồng cách ly điều trị bệnh nhân để phòng ngừa các nguy cơ lây nhiễm; bảo đảm thuốc, vật tư y tế trong mọi tình huống khi các bệnh truyền nhiễm nói chung và bệnh sởi nói riêng gia tăng.