Công bố dịch sởi là cơ sở pháp lý triển khai kế hoạch chống dịch
Báo cáo về tình hình dịch sởi tại Bệnh viện Nhi đồng 1, BSCK2 Cao Minh Hiệp, Trưởng phòng điều hành Phòng Kế hoạch tổng hợp, cho biết, dưới sự chỉ đạo sát sao của Bộ Y tế, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh và Sở Y tế, Bệnh viện Nhi đồng 1 đã chủ động xây dựng kế hoạch chi tiết ứng phó với các tình huống dịch bệnh từ đầu năm.
Bệnh viện đã triển khai đồng bộ các biện pháp như thiết lập khu cách ly, phân luồng tiếp nhận bệnh nhân, chuẩn bị sẵn sàng nhân lực, vật tư, trang thiết bị, thuốc men và dịch truyền.
Các đội cơ động chống dịch 24/24 giờ được thành lập, cùng với việc sàng lọc và phân luồng ngay tại cổng khoa khám bệnh.
Về công tác hậu cần và điều phối, bệnh viện đã có kế hoạch đấu thầu dự trữ thuốc (IVIG, thuốc cấp cứu...), vật tư, trang thiết bị chống dịch từ đầu năm.
Bệnh viện chủ động tổ chức cung ứng bằng nhiều hình thức, bao gồm cả nhập khẩu trực tiếp (IVIG...). Công tác điều phối liên tục bệnh nhân giữa các khoa được thực hiện hiệu quả.
Bệnh viện cũng đã xây dựng hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh sởi, thiết lập khu cách ly tạm thời tại khoa lâm sàng và tăng cường công tác tiêm chủng. Nhờ đó, dịch bệnh đã được kiểm soát và chấm dứt sớm.
Bác sĩ Lê Hồng Nga, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố cho rằng, đến nay, Thành phố Hồ Chí Minh đã tiêm chủng đạt tỷ lệ hơn 99%, ngoài trẻ em còn tiêm ngừa cho hơn 3.000 nhân viên y tế. Với đối tượng trẻ thuộc nhóm nguy cơ được tiêm chủng đến 16 tuổi.
Nhờ sự hiệu quả trong điều trị và phòng, chống lây nhiễm, đến ngày 27/3, địa phương đã có 22 phường, xã thuộc Quận 1, Quận 4 và huyện Củ Chi đủ điều kiện để Ủy ban nhân dân thành phố ban hành quyết định công bố hết dịch sởi.
Chính việc công bố dịch tại Thành phố Hồ Chí Minh là cơ sở pháp lý quan trọng để triển khai đầy đủ kế hoạch chống dịch, trong đó bao gồm việc chủ động nguồn vaccine. Nhờ chiến dịch tiêm chủng chọn lọc cho trẻ từ 1 đến 10 tuổi, sự gia tăng số ca bệnh sởi trong nhóm tuổi này đã được kìm hãm.
Mặc dù vậy, chiến lược tiêm chủng chọn lọc trong bối cảnh quản lý trẻ chưa đầy đủ có thể làm chậm tiến độ của chiến dịch, do đó kéo dài thời gian kiểm soát dịch và gây ảnh hưởng đến các nhóm tuổi khác.
Vì vậy, cần có sự đồng bộ trong việc triển khai chiến dịch tiêm chủng giữa các tỉnh, thành phố để kiểm soát dịch một cách hiệu quả.
Do đó, Bộ Y tế cần nâng cấp, phát triển NIIS, đưa mã định danh cá nhân vào hệ thống để quản lý; kiện toàn các công cụ phân tích thống kê tiêm chủng phù hợp với thực tiễn nguồn vaccine ngày càng đa dạng; việc thực hiện cập nhật rà soát, quản lý đối tượng tiêm chủng phải được thực hiện thường xuyên và bảo đảm chất lượng tại tất cả tỉnh, thành phố trên toàn quốc.
Chủ động và hiệu quả trong công tác phòng, chống dịch bệnh
![]() |
Toàn cảnh buổi làm việc. (Ảnh: CHI MAI) |
Thạc sĩ, bác sĩ Võ Hải Sơn, Phó Cục trưởng Cục Phòng bệnh, Bộ Y tế nhấn mạnh, mặc dù khu vực phía nam đã trải qua giai đoạn có số lượng ca mắc sởi lớn, nhưng tín hiệu tích cực là số ca mắc mới đang có xu hướng giảm mạnh. Với đà này, khu vực miền nam sẽ sớm kiểm soát và đẩy lùi hoàn toàn dịch bệnh.
Tuy nhiên, Phó Cục trưởng cũng chỉ ra một vấn đề đáng lưu tâm, đó là số lượng lớn ca mắc sởi trước đó đã tạo ra một khoảng trống miễn dịch đáng kể trong cộng đồng.
Điều này, đồng nghĩa với việc vẫn còn một bộ phận dân số lớn chưa có miễn dịch với virus sởi, bao gồm cả những trẻ sơ sinh - đối tượng có hệ miễn dịch còn non yếu và dễ bị tổn thương.
Trong bối cảnh đó, bác sĩ Võ Hải Sơn đặc biệt nhấn mạnh vai trò hỗ trợ quan trọng của Bệnh viện Nhi đồng.
Bệnh viện đã kịp thời cung cấp hỗ trợ kỹ thuật và đưa ra những đề xuất chuyên môn giá trị cho các tỉnh khu vực Tây Nguyên, nơi tình hình dịch bệnh có thể diễn biến phức tạp.
Một trong những đề xuất quan trọng là việc tổ chức tiêm bù và tiêm vét vaccine sởi sớm hơn cho các đối tượng nguy cơ, đặc biệt là trẻ em, nhằm nhanh chóng lấp đầy khoảng trống miễn dịch tự nhiên đã hình thành trong cộng đồng.
Bác sĩ Võ Hải Sơn cũng nhấn mạnh, tầm quan trọng của việc tiếp tục tăng cường hỗ trợ kỹ thuật và cập nhật kiến thức mới về tiêm chủng cho cán bộ y tế ở các tuyến, bảo đảm việc triển khai công tác phòng bệnh sởi được thực hiện một cách hiệu quả và khoa học nhất.
Việc này không chỉ giúp nâng cao năng lực ứng phó với dịch bệnh hiện tại mà còn góp phần xây dựng một hệ thống y tế dự phòng vững mạnh trong tương lai.
Giáo sư, Tiến sĩ Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Y tế bày tỏ ấn tượng sâu sắc trước công tác tổ chức khám, chữa bệnh truyền nhiễm, đặc biệt là bệnh sởi ở trẻ em, được triển khai một cách căn cơ, bài bản và đạt chuẩn mực cao tại Bệnh viện Nhi đồng 1.
Đây là hình mẫu lý tưởng để các địa phương khác học hỏi trong việc ứng phó với các dịch bệnh.
Thứ trưởng cũng hoan nghênh Sở Y tế đã nhanh chóng, sát sao theo dõi tình hình bệnh sởi, kịp thời công bố dịch và triển khai tiêm 300 nghìn liều vaccine, thể hiện sự chủ động và hiệu quả trong công tác phòng, chống dịch bệnh.
Thứ trưởng Y tế cho rằng, tình hình dịch sởi đang có dấu hiệu gia tăng ở các tỉnh phía bắc và Bắc Trung Bộ, ảnh hưởng đến mọi lứa tuổi do sự gián đoạn trong tiêm chủng thời kỳ Covid-19.
Để chủ động ứng phó, cần tiếp tục thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo từ Chính phủ và Bộ Y tế, đồng thời xây dựng kế hoạch ứng phó toàn diện cho mọi tình huống dịch bệnh.
“Việc tăng cường kiểm soát lây nhiễm tại các cơ sở y tế, bảo đảm đầy đủ nguồn lực về thuốc và thiết bị, đẩy mạnh truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng về tiêm chủng và dấu hiệu bệnh là vô cùng quan trọng.
Bên cạnh đó, cần chú trọng công tác đào tạo cho cán bộ y tế tuyến dưới và các tỉnh thành phía nam, đồng thời đề nghị tuyến Trung ương ban hành hướng dẫn chuyên môn cập nhật và tổ chức tập huấn", Thứ trưởng Y tế chia sẻ.
Theo Thứ trưởng Y tế, Thành phố Hồ Chí Minh với vai trò là đơn vị đi đầu cần tiếp tục phát huy trách nhiệm, bám sát chỉ đạo và hỗ trợ các địa phương khác trong công tác phòng, chống dịch bệnh; đồng thời, hoàn thiện hệ thống thống kê báo cáo để có dữ liệu chính xác và kịp thời.