Các trường học tích cực, chủ động ứng phó với dịch sởi

NDO - Ngay khi nắm bắt thông tin dịch sởi bùng phát tại một số tỉnh, thành phố trên khắp cả nước, nhiều trường học trên địa bàn Thủ đô Hà Nội đã chủ động triển khai những biện pháp tăng cường vệ sinh lớp học và khuyến khích phụ huynh đưa con tiêm vaccine sớm để tăng miễn dịch cho trẻ.
0:00 / 0:00
0:00
Học sinh Trường trung học cơ sở Thái Thịnh cùng nhau vệ sinh trường, lớp.
Học sinh Trường trung học cơ sở Thái Thịnh cùng nhau vệ sinh trường, lớp.

Hạn chế tối đa nguy cơ lây nhiễm chéo tại lớp

Hiểu được giai đoạn chuyển mùa là thời điểm các dịch bệnh truyền nhiễm lây lan, Ban Giám hiệu Trường trung học cơ sở Thái Thịnh chủ động yêu cầu bộ phận phụ trách y tế đưa ra các khuyến cáo phòng dịch cho từng lớp.

Cô Nguyễn Thị Phương Dung, Phó Hiệu trưởng Trường trung học cơ sở Thái Thịnh (quận Đống Đa, Hà Nội) cho biết, nhà trường luôn trong tâm thế sẵn sàng ứng phó với dịch bệnh, đặt công tác chủ động phòng chống dịch lên hàng đầu. Để kiểm soát tình hình dịch bệnh chặt chẽ hơn, đội ngũ y tế của trường đã lập một đường link trực tuyến để các lớp có thể cập nhật tình hình sức khỏe của học sinh hằng ngày.

“Trước hết, chúng tôi triển khai việc tuyên truyền cho học sinh, phụ huynh về thông tin của bệnh sởi, cách phòng chống dịch bệnh và chia sẻ về những triệu chứng ban đầu của căn bệnh này để mọi người cùng biết. Đồng thời, triển khai xịt khuẩn kỹ cho từng lớp để bảo đảm vệ sinh trong trường học”, cô Phương Dung chia sẻ.

Khi nhận được thông báo một số em có biểu hiện sốt, giáo viên chủ nhiệm các lớp đã lập tức trao đổi với gia đình học sinh để theo dõi tình hình. Nếu có biểu hiện phát ban, nhà trường khuyên phụ huynh nên cho con cách ly ở nhà để tránh lây lan dịch bệnh và giữ gìn sức khỏe. Nhờ đó, không chỉ riêng sởi, mà với các dịch bệnh khác, nhà trường có thể nhanh chóng đưa ra những phương án xử lý phù hợp, tránh việc dịch bệnh bùng phát.

“Bên cạnh đó, trường cũng tuyên truyền cho các phụ huynh sớm đưa con em mình tiêm vaccine phòng sởi. Đặc biệt, thông báo đến học sinh rằng giai đoạn này, bệnh sởi lây lan nhiều để các con có ý thức hơn trong việc vệ sinh cá nhân, ăn uống đủ chất để tăng sức đề kháng. Ngay khi có dấu của bệnh, các con nên ở nhà để kiểm tra sức khỏe”, cô Lộc Thị Liên, Tổng phụ trách Đội Trường trung học cơ sở Thái Thịnh thông tin thêm.

Được biết, khi tình hình dịch sởi diễn biến phức tạp tại Hà Nội, Trường trung học cơ sở Thái Thịnh đã tiến hành vệ sinh, xịt khuẩn 2 lần mỗi ngày, lần lượt vào giờ nghỉ trưa và buổi tối. Điều này nhằm làm giảm khả năng lây nhiễm chéo đối với các lớp có 2 khối luân phiên nhau học.

Mỗi tháng, nhà trường cùng các liên đội xây dựng một chương trình y tế cung cấp các kiến thức phòng chống dịch bệnh theo mùa. Việc tuyên truyền cũng được triển khai đều đặn trong các buổi sinh hoạt dưới cờ, sinh hoạt trong lớp. Qua đó, giúp học sinh nâng cao ý thức và hiểu được rằng phòng bệnh hơn chữa bệnh.

Tổng phụ trách Đội Trường tiểu học Tràng An Vương Viết Hải

Theo thầy Vương Viết Hải, Tổng phụ trách Đội Trường tiểu học Tràng An (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), các hoạt động tuyên truyền giữ vai trò quan trọng trong công tác ứng phó, phòng ngừa dịch sởi.

“Mỗi tháng, nhà trường cùng các liên đội xây dựng một chương trình y tế cung cấp các kiến thức phòng chống dịch bệnh theo mùa. Việc tuyên truyền cũng được triển khai đều đặn trong các buổi sinh hoạt dưới cờ, sinh hoạt trong lớp. Qua đó, giúp học sinh nâng cao ý thức và hiểu được rằng phòng bệnh hơn chữa bệnh”, thầy Hải cho hay.

Kết thúc các buổi tuyên truyền, nhà trường cũng vận động và tổ chức cho học sinh tham gia vệ sinh lớp học. Ngoài ra, đồng hành cùng các con trong quá trình hình thành các thói quen bảo vệ sức khỏe như: đeo khẩu trang mỗi khi ra ngoài, ăn xong thì dọn dẹp khu vực ngăn nắp, luyện tập thể dục, thể thao thường xuyên… Tính đến thời điểm hiện tại, Trường tiểu học Tràng An chưa ca bệnh sởi nào.

Chủ động tiêm phòng và bổ sung dinh dưỡng cho học sinh

PGS,TS BS Đỗ Duy Cường, Viện trưởng Viện Y học Nhiệt đới Bạch Mai, bệnh viện Bạch Mai cho biết, sởi là bệnh rất dễ lây, tỷ lệ lây nhiễm của bệnh thậm chí còn cao hơn Covid-19. Ở các đối tượng trẻ em, các cháu học sinh tiểu học và trung học cơ sở thường dễ bị tổn thương vì tiếp xúc gần trong môi trường lớp học, trong đó có thể có nhiều trường hợp chưa được tiêm phòng.

Chính vì vậy, trong bối cảnh hiện nay, người dân và đặc biệt là các em học sinh cần kiểm tra xem mình đã được tiêm phòng hay chưa, có được tiêm nhắc lại không vì sởi là bệnh rất dễ lây lan và có trường hợp gây tử vong nên không được chủ quan.

"Tiêm phòng cũng chính là biện pháp chủ động hữu hiệu mà nhà trường và các phụ huynh có thể thực hiện cho các cháu", Viện trưởng Viện Y học Nhiệt đới Bạch Mai Đỗ Duy Cường nhấn mạnh.

Các trường học tích cực, chủ động ứng phó với dịch sởi ảnh 1
Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn kiểm tra tình hình dịch sởi tại Bệnh viện Nhi Trung ương, cho biết có rất nhiều trường hợp trẻ em chưa được tiêm phòng.

Nhà trường cũng cần được tập huấn để chủ động trong việc phát hiện khi các em xuất hiện triệu chứng bệnh như: sốt, phát ban, những biểu hiện viêm long đường hô hấp, đặc biệt là trong mùa đông-xuân, thời điểm các dịch bệnh lây nhiễm nói chung phát triển mạnh.

Học sinh khi có các dấu hiệu nghi vấn thì cần được khám sớm, xét nghiệm máu để phát hiện sởi kịp thời. Nếu nghi ngờ thì cần nhanh chóng cách ly, tránh để các em tiếp xúc gần trong thời gian dài để bệnh lây lan rộng.

Ngoài ra, tăng cường thực hiện vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân, trong đó, cần chú ý việc vệ sinh và khử khuẩn tay, đeo khẩu trang, cũng như hạn chế tụ tập đông người khi có dịch.

Một lưu ý đó là bệnh sởi làm cho cơ thể bệnh nhân bị tiêu chảy, rối loạn hấp thu và giảm miễn dịch, dẫn đến suy dinh dưỡng. Vì lý do này mà bệnh nhân dễ bị viêm phổi, nhiễm trùng… Do đó, phụ huynh nên cho con sử dụng đa dạng các loại thực phẩm để bổ sung dinh dưỡng, tăng cường đề kháng, đặc biệt là bổ sung các thực phẩm có vitamin A.

Các bệnh nhân có biểu hiện chủ yếu là sốt, phát ban, ho nhiều, chảy nước mắt, nước mũi; một số trường hợp có biểu hiện biến chứng như viêm phổi hoặc có biểu hiện tăng men gan, bị tiêu chảy, nặng hơn nữa là bị viêm phổi, viêm não-màng não.

Điều trị sởi không như cúm, chỉ trong vài ngày với cách thức đơn giản mà bệnh này có thể gây tổn thương nội tạng, gây viêm não, gan, ruột, phổi.