Tăng tiện ích kết nối cho đường sắt đô thị

Sau gần hai năm hoạt động, tuyến đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông (Hà Nội) đã trở thành phương tiện giao thông hiệu quả xuyên tâm thành phố, với hơn 30 nghìn lượt hành khách đi lại hằng ngày. Từ kết quả này, các cơ quan chức năng đang tiếp tục đẩy mạnh các tiện ích kết nối nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng vận tải hành khách công cộng.
0:00 / 0:00
0:00
Tàu đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông đón khách tại ga Văn Khê. (Ảnh: MINH HÀ)
Tàu đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông đón khách tại ga Văn Khê. (Ảnh: MINH HÀ)

Ngày 11/8, những chiếc xe đạp cơ đầu tiên được Tập đoàn Trí Nam đưa ra các trạm để chuẩn bị khai trương dự án xe đạp đô thị phục vụ cho nhân dân trên địa bàn Hà Nội trước ngày 2/9. Trong đó, tại ba nhà ga của tuyến đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông là Cát Linh, Thái Hà và Láng, chủ đầu tư bố trí các điểm cho thuê xe đạp để phục vụ người dân.

Khi biết tin, chị Lê Thị Hằng ở Ngã Tư Sở phấn khởi: “Có thêm dịch vụ cho thuê xe đạp giúp tôi đi lại thuận lợi hơn, vì nhiều khi từ ga tàu điện xuống, tôi phải đợi xe buýt hơi lâu, đôi lúc vội quá lại phải đi xe máy grap”. Đại diện Tập đoàn Trí Nam cho biết, sắp tới sẽ xin ý kiến cơ quan chức năng tiếp tục bố trí các điểm thuê xe ở tất cả các nhà ga tàu điện Cát Linh-Hà Đông và tới đây là đường sắt Nhổn-Ga Hà Nội khi dự án này đưa vào khai thác đoạn trên cao. “Bên cạnh xe đạp cơ, chúng tôi sẽ sớm bố trí cả xe đạp điện để người dân sử dụng tiện lợi hơn”.

Trước đó, để khai thác hiệu quả hơn đường sắt đô thị, các đơn vị chức năng của Hà Nội đã bố trí 65 vị trí điểm dừng xe buýt dọc lộ trình tuyến, trong đó có bổ sung 17 điểm, di chuyển chín điểm với cự ly các điểm khoảng 400m; có 63 tuyến xe buýt kết nối dọc và kết nối ngang làm nhiệm vụ gom và giải tỏa hành khách cho tuyến đường sắt đô thị. Riêng tại ga Cát Linh (điểm đầu tuyến) đã bố trí 16 tuyến xe buýt kết nối. Ga Yên Nghĩa (điểm cuối tuyến) có 18 tuyến xe buýt kết nối. Ga có ít tuyến xe buýt kết nối nhất là ga Hà Đông cũng có sáu tuyến. Dù hiện tại đã có hơn 50 tuyến xe buýt kết nối với nhà ga tàu điện, nhưng do thiếu mặt bằng, thiếu cơ sở hạ tầng cho nên các ga của tuyến đường sắt trên cao vẫn chưa có địa điểm để các phương tiện dừng đón khách, trung chuyển khách.

Những giải pháp này không chỉ giúp cho hành khách tiếp cận đường sắt đô thị thuận lợi hơn, mà còn góp phần gia tăng số lượt khách sử dụng xe buýt. Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV đường sắt Hà Nội (Hanoi Metro) Vũ Hồng Trường cho biết, tính từ ngày đầu vận hành (ngày 6/11/2021) đến nay, tàu điện Cát Linh-Hà Đông đã vận hành an toàn hơn 15 triệu lượt hành khách. Đến nay, mỗi ngày có hơn 30 nghìn lượt hành khách đi lại trên tuyến đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông, trong đó 47% là những người đi làm, 45% là những người đi học và 8% là đi lại với mục đích khác. Đáng mừng là hành khách đi lại thường xuyên bằng vé tháng với tỷ lệ bình quân trong ngày chiếm 70%, trong giờ cao điểm, số khách đi lại bằng vé tháng chiếm hơn 85%, góp phần giảm mật độ phương tiện trên hành lang tuyến, hạn chế tình trạng ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường.

Lãnh đạo Hanoi Metro cho biết thêm, tuyến đường sắt đi vào hoạt động một thời gian và người dân nhận thấy sự tiện lợi, ổn định, không bị ảnh hưởng tắc đường... nên dần hình thành thói quen tham gia giao thông công cộng bằng đường sắt đô thị. Hành khách sử dụng đường sắt đô thị làm phương tiện đi lại đã chấp nhận đi bộ xa hơn trước đây và sau đó có thể chuyển loại hình xe buýt được kết nối ở các nhà ga trên tuyến đường sắt đô thị. “Theo kết quả khảo sát, hơn 60% hành khách có xe máy và 18% có ô-tô con nhưng vẫn sử dụng đường sắt đô thị để đi lại với những chuyến đi trong vùng phục vụ của tuyến”, ông Vũ Hồng Trường nói. Cùng với đó là những hành vi chưa đẹp như: vứt rác bừa bãi, nói chuyện ồn ào, không nhường ghế cho người già, phụ nữ, trẻ em... khi đi tàu điện nay đã không còn. Nét đẹp văn hóa này đang từng bước lan tỏa sang các phương tiện công cộng khác ở Hà Nội.

Từ hiệu quả và kinh nghiệm khai thác tàu điện Cát Linh-Hà Đông, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng Hà Nội cho biết, đơn vị đang tính toán các phương án kết nối với tuyến đường sắt đô thị Nhổn-Ga Hà Nội, ngay khi đoạn trên cao từ Nhổn đến Kim Mã đi vào vận hành. “Về tổng thể có thể sẽ phải bố trí, điều chỉnh, bổ sung luồng tuyến một số tuyến buýt cho phù hợp, tránh trồng chéo và không bị lãng phí nguồn lực xã hội”, lãnh đạo Trung tâm chia sẻ.

Hiện tại có 31 tuyến buýt kết nối với đoạn tuyến đường sắt trên cao Nhổn-Cầu Giấy. Trong số này, có 28 tuyến trợ giá và ba tuyến không trợ giá với nhu cầu đi lại bằng xe buýt trung bình một ngày khoảng hơn 118 nghìn lượt hành khách. Theo phương án đang được xây dựng, sẽ có thêm 12 tuyến buýt kết nối với đường sắt đô thị, trong đó có 3 tuyến được điều chỉnh (gồm tuyến 39, 96, CNG07) và chín tuyến mở mới. Sau khi hoàn thiện phương án kết nối xe buýt, năng lực trung chuyển, giải tỏa của xe buýt tại các điểm đầu cuối, ga dọc tuyến tăng lên, mạng lưới vận tải hành khách công cộng dọc hành lang sẽ được cải thiện.