Quan trọng hơn, đó là việc thay đổi nếp nghĩ, cách làm ăn của người dân. Ðây cũng là điều mà mỗi cán bộ chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh Khánh Hòa cùng hệ thống chính trị của địa phương đặt quyết tâm lẫn trọng tâm dồn lực thực hiện trong những năm qua.
Công phá "lõi nghèo"
Những ngày cuối năm 2023 đoàn công tác của NHCSXH đã về xã Giang Ly, huyện Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hòa - địa phương có tỷ lệ hộ nghèo cao thứ hai cả nước để kiểm tra việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ, Chỉ thị số 40/CT-TW, Kết luận 06-KL/TW của Ban Bí thư và Chiến lược phát triển NHCSXH.
Chương trình mục tiêu quốc gia đã làm thay đổi cơ sở hạ tầng nông thôn, nhưng việc giảm nghèo còn đối mặt với những khó khăn lớn khi toàn xã Giang Ly có 326 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 77,62% tổng số hộ dân, 57 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 13,57% tổng số hộ dân. Thu nhập bình quân mỗi hộ khoảng 13,4 triệu đồng/năm, thấp hơn mức trung bình của huyện (24 triệu đồng/năm).
Ðáng chú ý, báo cáo của xã Giang Ly còn cho thấy, có tới 213 hộ nghèo, 38 hộ cận nghèo chưa tiếp cận nguồn vốn chính sách, trong đó, ngoài 62 hộ già cả, ốm đau không có sức lao động, nhiều hộ thuộc diện lười lao động hoặc thuộc diện chính sách xã hội nhưng không muốn làm ăn, chỉ trông chờ, ỷ lại vào trợ cấp thường xuyên của Nhà nước.
Bởi vậy câu chuyện "như cơm bữa" của cán bộ NHCSXH và các tổ chức chính trị-xã hội cũng như chính quyền xã là "vào tận ngõ, gõ từng nhà" tuyên truyền vận động các hộ dân thay đổi tư duy nhận thức trong làm ăn, phát triển kinh tế.
Mỗi cán bộ tín dụng, trực tiếp là Giám đốc, Phó Giám đốc NHCSXH huyện Khánh Vĩnh đều nhớ từng con số hộ vay tăng lên mỗi tháng, bởi khích lệ được một hộ dân tham gia vay vốn sản xuất, kinh doanh là đích công phá lõi nghèo thêm gần. Trong giai đoạn khó khăn chồng chất vừa qua, dịch bệnh, suy giảm kinh tế toàn cầu, cán bộ NHCSXH huyện vận dụng mọi phương thức triển khai Nghị quyết số 11/NQ-CP để có thể đem nguồn vốn của Chính phủ nhanh và hiệu quả nhất cho người dân ổn định, phục hồi, phát triển kinh tế.
Ðơn cử, gia đình chị Cao Thị Diễm, sinh năm 1994, dân tộc Raglai ở thôn Gia Lố, ước mong giảm nghèo đang được hiện thực hóa bằng nguồn vốn vay hộ nghèo 50 triệu đồng từ tháng 5 vừa qua để mạnh dạn đầu tư trồng 2 héc-ta rừng keo. Ngoài ra, gia đình còn trồng thêm 8 sào mì (sắn), 10 cây sầu riêng, 20 cây bưởi và nuôi 4 con dê.
Còn với hộ gia đình chị Cà An, sinh năm 1994, dân tộc Cơ Ho ở thôn Gia Rich, nguồn vốn vay 30 triệu đồng từ chương trình hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi vay theo Nghị định số 28/NÐ-CP của Chính phủ mà chị vừa nhận được từ NHCSXH giúp chị hoàn thiện ngôi nhà cấp 4 mới, khoảng 40m2 đã xây dựng được 70%.
Theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Giang Ly Cao Dê Sy, năm 2022 và 11 tháng của năm 2023, đã có 127 lượt hộ trong xã vay vốn chính sách với doanh số 5,2 tỷ đồng. Tính đến ngày 20/11/2023, tổng dư nợ các chương trình tín dụng đạt 5,1 tỷ đồng, tăng hơn 2,1 tỷ đồng so với đầu năm; số hộ đang vay là 141 hộ. Ủy ban nhân dân huyện Khánh Vĩnh đã phê duyệt danh sách 32 hộ nghèo có nhu cầu vay vốn xây nhà ở theo Nghị định số 28/NÐ-CP của Chính phủ, với tổng số tiền 820 triệu đồng, dự kiến giải ngân đến hết năm 2023. Nguồn vốn chính sách đã góp phần giúp địa phương đến tháng 9/2023 giảm 62 hộ nghèo (chỉ tiêu giao là 74 hộ); 1 hộ cận nghèo (chỉ tiêu giao là 3 hộ). Dự kiến, đến hết năm 2023 xã Giang Ly sẽ hoàn thành 100% chỉ tiêu được giao về mức giảm hộ nghèo, hộ cận nghèo.
Không để ai thiếu vốn
Từng "lõi nghèo" được công phá đã và đang góp phần đẩy nhanh tốc độ giảm nghèo, phát triển kinh tế bền vững tại Khánh Hòa - nơi có 136 xã, phường, thị trấn, trong đó có 25 xã thuộc vùng khó khăn, 66 thôn đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số, miền núi.
Giám đốc chi nhánh NHCSXH tỉnh Khánh Hòa Hồ Ðắc Thích cho biết, từ khi thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, nguồn vốn nhận ủy thác từ ngân sách địa phương tăng thêm 402 tỷ đồng và tăng hơn 60 tỷ đồng so với năm 2022, đưa tổng nguồn vốn ủy thác tại địa phương đạt 565 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách tỉnh là hơn 484 tỷ đồng, ngân sách huyện hơn 80 tỷ đồng. Hằng năm, Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa còn có chương trình riêng hỗ trợ lãi suất cho các hộ vay vốn về nhà ở, các đối tượng hoàn lương, hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số.
Tính đến ngày 20/11/2023, tổng dư nợ cho vay các chương trình tín dụng theo Nghị quyết số 11/NQ-CP trên địa bàn tỉnh đạt 317 tỷ đồng. Lũy kế từ ngày 1/1/2022 đến 20/11/2023 chi nhánh NHCSXH tỉnh Khánh Hòa đã giải ngân 1.954 tỷ đồng, hỗ trợ lãi suất 36,5 tỷ đồng theo Nghị định số 36/2022/NÐ-CP của Chính phủ.
Tín dụng chính sách xã hội đã giúp 30.836 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn, tạo việc làm cho 10.205 lao động; giúp 15.473 lượt hộ xây dựng, sửa chữa công trình nước sạch và nhà vệ sinh hợp chuẩn, 457 lượt học sinh, sinh viên, 1.369 lượt hộ vay vốn hộ sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn; hỗ trợ mua mới, xây dựng 63 căn nhà xã hội theo Nghị định số 100/NÐ-CP; góp phần đưa tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống 2,64%, hộ cận nghèo giảm còn 4,3% vào cuối năm 2023. Toàn tỉnh có 63 xã đạt nông thôn mới.
Ghi nhận những khó khăn trong triển khai hoạt động tại chi nhánh NHCSXH tỉnh Khánh Hòa do cả nguyên nhân khách quan và chủ quan dẫn đến tăng trưởng dư nợ của chi nhánh mới chỉ đạt 327 tỷ đồng, hoàn thành 72,82% kế hoạch giao, Tổng Giám đốc NHCSXH Dương Quyết Thắng cũng yêu cầu Ban lãnh đạo và tập thể chi nhánh NHCSXH tỉnh Khánh Hòa cần cố gắng khắc phục khó khăn, tập trung giải ngân vốn theo kế hoạch được giao năm 2023 và dự kiến kế hoạch năm 2024 tới đây.