Tổng cục Hải quan:

Tăng cường xuất khẩu hàng nông sản chính ngạch trên các tuyến đường sắt

NDO - Trước tình hình chuỗi cung toàn cầu, hàng hóa vận chuyển bằng đường biển, đường bộ bị ách tắc, giá cước tăng cao do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, cũng như Chính phủ Trung Quốc thực hiện chính sách "Zero covid" với các biện pháp phòng, chống dịch chặt chẽ..., Tổng cục Hải quan cho rằng, cần tăng cường xuất khẩu hàng nông sản chính ngạch trên các tuyến đường sắt, và các bộ ngành cần tăng cường phối hợp đồng bộ.
0:00 / 0:00
0:00
(Ảnh minh họa: Báo Nhân Dân)
(Ảnh minh họa: Báo Nhân Dân)

Trước tình hình nêu trên, Chính phủ và các bộ, ngành đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp tạo thuận lợi thương mại, thúc đẩy thông quan hàng hóa, đặc biệt là hàng hóa nông sản. Tuy nhiên, các giải pháp đã triển khai chưa thực sự tháo gỡ được khó khăn.

Tổng cục Hải quan nhận định, đường sắt có lợi thế vận chuyển luôn thông suốt, ít bị ảnh hưởng của dịch bệnh, cước phí vận chuyển thấp hơn so với các loại hình vận chuyển khác, vì vậy, các doanh nghiệp có xu hướng chuyển sang lựa chọn hình thức vận tải hàng hóa xuất nhập khẩu bằng đường sắt liên vận quốc tế.

Với các lý do nêu trên và căn cứ nhu cầu, kiến nghị của một số doanh nghiệp, có thể thấy xu hướng phát triển của vận tải hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu bằng đường sắt liên vận quốc tế là tất yếu. Do đó, Tổng cục Hải quan cho rằng, cần tăng cường xuất khẩu hàng nông sản chính ngạch trên các tuyến đường sắt.

Trên cơ sở kiến nghị của các doanh nghiệp có sử dụng hình thức vận tải đường sắt, Tổng cục Hải quan đã chủ trì buổi làm việc có sự tham gia của đại diện các cơ quan quản lý ngành đường sắt (Cục Đường sắt Việt Nam, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam...) và đại diện các doanh nghiệp để lắng nghe ý kiến đề xuất của các doanh nghiệp, đồng thời triển khai việc khảo sát tại ga Kép, ga Sen Hồ (tỉnh Bắc Giang), nghiên cứu khả năng bố trí, sắp xếp lực lượng hải quan tại các ga này nếu được nâng cấp thành ga liên vận quốc tế.

Về một số giải pháp đẩy mạnh xuất nhập khẩu qua đường sắt, lãnh đạo Tổng cục Hải quan cho hay, ngành hải quan đã thực hiện thủ tục hải quan điện tử (VNACCS/VCIS) và trang bị điều kiện, cơ sở vật chất, trang thiết bị, bố trí nhân lực đầy đủ để bảo đảm thực hiện thủ tục hải quan thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu qua cửa khẩu đường sắt được nhanh chóng, thuận tiện, bảo đảm việc kiểm tra giám sát hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu. Tuy nhiên, năng lực vận chuyển, bốc xếp hàng hóa và cơ sở hạ tầng tại ga chưa đáp ứng được xu hướng tăng lên của vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu bằng đường sắt.

Lãnh đạo Bộ Tài chính cũng đã nhận thấy cần đầu tư cơ sở hạ tầng ngành đường sắt để đủ năng lực đáp ứng được nhu cầu vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu đang tăng lên của thị trường; tận dụng được lợi thế luôn thông suốt, ít bị tác động của dịch bệnh, góp phần giảm chi phí logistics, tăng lưu thông hàng hóa của hình thức vận tải bằng đường sắt liên vận quốc tế. Do đó, Bộ Tài chính đã đề nghị Bộ Giao thông vận tải phối hợp thực hiện một số giải pháp nhằm nâng cao năng lực, hiệu quả vận chuyển hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu bằng đường sắt.

Cụ thể là, cần nhanh chóng đầu tư đồng bộ trong việc nâng cấp, đầu tư cơ sở hạ tầng tại nhà ga, bến bãi tại ga liên vận quốc tế Đồng Đăng, ga liên vận quốc tế Lào Cai và ga liên vận quốc tế Yên Viên, như mở rộng khu vực bãi lưu giữ, xây dựng tường rào chắc chắn, trang bị hệ thống camera, barie, cân điện tử, nhà kho phục vụ kiểm hóa, lưu giữ hàng hóa vi phạm, trang bị máy phát điện cho các chuyến tàu chở hàng.

Cho phép các đơn vị ngoài Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam thực hiện việc khai thác vận tải đường sắt để tăng tính cạnh tranh và tăng năng suất, hiệu quả trong khai thác, vận tải đường sắt.

Xây dựng, trình cấp có thẩm quyền quy hoạch bổ sung ga Kép và các ga đủ điều kiện cơ sở hạ tầng để nâng lên thành ga liên vận quốc tế, đáp ứng nhu cầu tăng lên trong vận chuyển liên vận quốc tế bằng đường sắt, khai thác hiệu quả tối đa thế mạnh của ngành đường sắt.

Đẩy mạnh việc xã hội hóa hoạt động kinh doanh vận tải đường sắt theo quy định tại Điều 5 Luật Đường sắt: Cho phép các đơn vị ngoài Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam thực hiện việc khai thác vận tải đường sắt để tăng tính cạnh tranh và tăng năng suất, hiệu quả trong khai thác, vận tải đường sắt.

Bên cạnh đó, cần thúc đẩy, ứng dụng hệ thống công nghệ thông tin trong việc tiếp nhận, trao đổi dữ liệu về hàng hóa, phương tiện vận tải giữa các ga đường sắt liên vận quốc tế Việt Nam và Trung Quốc theo đề xuất được ghi nhận tại Nghị định thư Hội nghị đường sắt biên giới Việt Nam-Trung Quốc lần thứ 43 ngày 28/11/2019; tiến tới đáp ứng cung cấp thông tin trước về hàng hóa, phương tiện và người xuất cảnh, nhập cảnh của hồ sơ chứng từ khai báo cho cơ quan hải quan, biên phòng, y tế và kiểm dịch bằng phương thức điện tử theo quy định nhằm nâng cao hiệu quả khai thác, thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu và phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh.

Bộ Tài chính căn cứ quy hoạch, công bố ga đường sắt liên vận quốc tế và trên cơ sở năng lực, điều kiện cơ sở hạ tầng sẽ phối hợp Bộ Giao thông vận tải và các bộ, ngành có liên quan để tổ chức bộ máy, bố trí lực lượng làm thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát, kiểm soát hàng hóa xuất nhập khẩu và nâng cao hiệu quả khai thác, thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu và phương tiện vận tải xuất nhập cảnh tại các ga liên vận quốc tế theo quy định của pháp luật nhằm hạn chế rủi ro, bảo đảm xuất khẩu hàng nông sản chính ngạch trên các tuyến đường sắt hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, giải quyết ùn tắc tại các cửa khẩu đường bộ trong bối cảnh dịch bệnh và phía Trung Quốc vẫn đóng cửa biên giới.

Bộ Giao thông vận tải cũng đang tích cực phối hợp nghiên cứu, hoàn thiện căn cứ pháp lý liên quan đến việc xây dựng quy hoạch, công bố ga liên vận quốc tế theo chức năng, nhiệm vụ của Bộ.

Bộ Tài chính khẳng định nhất trí với nội dung đề xuất của Bộ Giao thông vận tải về việc kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép thực hiện hoạt động liên vận quốc tế tại ga Kép.