Thực hiện cao điểm tấn công trấn áp tội phạm trong dịp Tết Giáp Thìn 2024, lực lượng Cảnh sát giao thông đường thủy trên cả nước đã tăng cường tuần tra kiểm soát và xử lý nhiều trường hợp hút cát trộm trên địa bàn.
Phát hiện, bắt giữ nhiều đối tượng vi phạm
Mới đây nhất, rạng sáng 16/1, tổ công tác Phòng Hướng dẫn tuần tra, kiểm soát và đấu tranh phòng, chống tội phạm trên đường thủy nội địa, Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) phối hợp Phòng Cảnh sát giao thông, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Tiền Giang phát hiện, kiểm tra 8 phương tiện.
Xử lý, bắt giữ gần 2,7 nghìn m3 cát trên sông Tiền (tỉnh Tiền Giang). |
Trong đó, có 6 phương tiện đang vận chuyển khoảng 2.678m3 cát biển san lấp không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp.
Bước đầu, các đối tượng khai số cát trên được thu mua từ các phương tiện khác (không rõ thông tin) trên tuyến sông Tiền thuộc địa bàn xã Phước Trung, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang, gần khu vực cửa Tiểu để đưa đi san lấp tại một số dự án, công trình khu vực phía nam.
Tổ công tác Cục Cảnh sát giao thông đã bàn giao toàn bộ hồ sơ vụ việc và phương tiện cho Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Tiền Giang tiếp tục điều tra, xử lý theo quy định.
Tiền Giang xử lý triệt để tình trạng khai thác cát trái phép
Thực hiện cao điểm tấn công trấn áp tội phạm trong dịp Tết Giáp Thìn 2024, khoảng 13 giờ 38 phút ngày 24/12/2023, Tổ công tác Đội Cảnh sát đường thủy số 1 (Phòng Cảnh sát giao thông, Công an thành phố Hà Nội) chủ trì, trinh sát, mật phục, phối hợp Phòng Cảnh sát kinh tế và môi trường, Công an huyện Mê Linh trên tuyến sông Hồng địa phận xã Văn Khê, huyện Mê Linh (Hà Nội) phát hiện 1 phương tiện thủy, số kiểm soát VR16040106, trên phương tiện có gắn công cụ, thiết bị khai thác cát đang khai thác cát từ lòng sông Hồng bơm lên khoang chứa hàng của phương tiện.
Triệt phá vụ khai thác cát trái phép “khủng” trên sông Hồng
Tổ công tác đã tiến hành kiểm tra trên phương tiện có 3 người đều có hộ khẩu thường trú tại huyện Mê Linh, Hà Nội. Tại thời điểm kiểm tra, những người có mặt trên tàu không xuất trình được giấy tờ liên quan đến phương tiện, không xuất trình được giấy chứng nhận khả năng chuyên môn, giấy phép khai thác khoáng sản do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp.
Số lượng cát trong khoang chứa hàng trên phương tiện tại thời điểm kiểm tra khoảng 50m³ cát lẫn nước. Tổ công tác đã hoàn thiện các thủ tục ban đầu và đưa phương tiện về tạm giữ tại Cảng Sơn Tây, tiếp tục xác minh, làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật.
Tổ công tác thuộc Đội Cảnh sát đường thủy số 2 ( Phòng Cảnh sát giao thông thành phố Hà Nội) phối hợp cơ quan chức năng bắt giữ phương tiện khai thác cát trái phép trên lòng sông Hồng. |
Ngày 28/12/2023, tổ công tác thuộc Đội Cảnh sát đường thủy số 2 chủ trì phối hợp Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu ; Đội Điều tra tội phạm về kinh tế, ma túy, môi trường, Công an huyện Gia Lâm; Công an xã Vạn Phúc-Công an huyện Thanh Trì làm nhiệm vụ trên tuyến sông Hồng thuộc địa phận giáp ranh giữa xã Văn Đức, huyện Gia Lâm; xã Vạn Phúc, huyện Thanh Trì và huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên phát hiện 1 phương tiện thủy vỏ xi-măng lõi thép không kẻ, sơn, gắn số đăng ký.
Trên phương tiện có gắn công cụ khai thác cát đang thực hiện hành vi khai thác cát dưới lòng sông Hồng thuộc địa phận giáp ranh giữa xã Văn Đức, huyện Gia Lâm; xã Vạn Phúc, huyện Thanh Trì và huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên bơm lên khoang chứa hàng của phương tiện thủy chở hàng kẻ số đăng ký TH-1444.
Tổ công tác đã yêu cầu những người có mặt trên phương tiện dừng hoạt động khai thác cát trái phép. Tại thời điểm kiểm tra, trên 3 phương tiện có 5 người. Tổ công tác đã yêu cầu những người trên 2 phương tiện trên xuất trình các loại giấy tờ liên quan. Tuy nhiên, những người có mặt trên phương tiện có gắn thiết bị khai thác cát không xuất trình được các loại giấy tờ theo yêu cầu.
Đối với phương tiện chở hàng kẻ số đăng ký TH-1444, ông Trịnh Quang Thế xuất trình được Chứng chỉ chuyên môn phương tiện thủy nội địa; Sổ danh bạ thuyền viên; Sổ nhật ký máy; Sổ nhật ký hành trình...
Quá trình làm việc, tổ công tác đã mời Công ty TNHH TĐ&KS Đại Việt phối hợp, tiến hành đo đạc xác định vị trí phương tiện thủy vỏ xi-măng không kẻ, gắn số đăng ký, số đăng kiểm và đo đạc xác định vị trí, khối lượng, lấy mẫu giám định khoáng sản trong khoang chứa hàng của phương tiện tầu chở hàng kẻ số đăng ký TH-1444. Kết quả trên tàu chứa 283.5m3 cát đen.
Lập biên bản vi phạm tại chỗ. |
Tổ công tác đã tiến hành lập biên bản làm việc, vẽ sơ đồ hiện trường, ghi lời khai của những người có liên quan và đưa phương tiện về neo đậu tại cảng Hồng Vân theo quy định của pháp luật. Hiện, vụ việc đang được Cảnh sát đường thủy số 2 tiếp tục xác minh, làm rõ, xử lý theo quy định của pháp luật.
"Cánh tay nối dài" của lực lượng cảnh sát giao thông đường thủy
Thống kê từ Phòng Cảnh sát giao thông (Công an thành phố Hà Nội), từ đầu tháng 10/2023 đến nay, các đơn vị nghiệp vụ Công an thành phố phối hợp Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) phát hiện gần 10 vụ "cát tặc" trên sông Hồng và sông Đà đoạn chảy qua địa phận Hà Nội và các tỉnh giáp ranh Phú Thọ, Vĩnh Phúc…
Đại diện cơ quan chức năng cũng cho biết, dù mức xử lý phương tiện vi phạm có thể lên tới hàng trăm triệu thậm chí cả tỷ đồng tuy nhiên vì lợi nhuận từ việc khai thác cát trái phép đem lại quá lớn nên các đối tượng tìm đủ mọi chiêu trò để đối phó, gây khó khăn cho công tác phát hiện, xử lý vi phạm.
Các nhóm đầu tư tàu hút và phân công nhau liên hệ với các tàu có nhu cầu mua cát, sau đó lợi dụng đêm tối, khai thác cát trái phép trên các khúc sông vắng. Sau đó đó bán cho các tàu chở hàng ở các tỉnh Hải Dương và Nam Định.
Trao đổi với phóng viên, cán bộ, chiến sĩ lực lượng cảnh sát giao thông đường thủy cho biết, để bắt "cát tặc" không đơn giản, các đối tượng thường tổ chức hút cát về đêm nhằm gây khó khăn trong công tác tuần tra, kiểm soát. Khi bị lực lượng chức năng phát hiện, các đối tượng sẽ nhổ neo chạy sang các địa phận giáp ranh.
Đáng chú ý, các phương tiện hút cát ngày càng được trang bị hệ thống vòi hút khá hiện đại, điều khiển từ xa. Do đó, dễ dàng trong thực hiện việc thao tác việc hút trộm cát cũng như gây khó khăn cho lực lượng trong công tác kiểm tra, bắt giữ.
Hậu quả của việc khai thác cát bừa bãi gây ra là các điểm sạt lở bờ bãi làm mất đất canh tác của người dân. Nguy hiểm hơn nữa sẽ dẫn đến hệ lụy nguy hiểm về an toàn giao thông đường thủy, gây sạt lở đất ven sông ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân.
Đại úy Trần Khánh Thiện, Đội Cảnh sát đường thủy số 2, Phòng Cảnh sát giao thông, Công an thành phố Hà Nội. |
Lý giải cho việc thời gian qua, lực lượng chức năng liên tục bắt giữ các phương tiện khai thác cát trái phép, Đại úy Trần Khánh Thiện, Đội Cảnh sát đường thủy số 2, Phòng Cảnh sát giao thông Công an thành phố Hà Nội cho biết, do thời điểm cuối năm nhu cầu xây dựng các công trình tăng cao, thời tiết chuyển sang mùa hanh khô, lòng sông Hồng, sông Đà cạn nước, cũng là thời điểm thuận lợi để các đối tượng khai thác cát trái phép gia tăng hoạt động.
Bên cạnh đó, nhiều ngày qua do ảnh hưởng không khí lạnh tăng cường trên sông nền nhiệt độ xuống dưới 10 độ C kèm theo sương lạnh che khuất tầm nhìn; lợi dụng điều này, "cát tặc" ngang nhiên hoạt động.
Đại úy Trần Khánh Thiện thông tin thêm: "Thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Công an thành phố Hà Nội, Phòng Cảnh sát giao thông, Công an thành phố Hà Nội, chúng tôi tiến hành tăng cường việc tuần tra kiểm soát trên tuyến đường thủy nhằm bảo đảm để người dân Thủ đô an tâm đón tết. Đến nay, trên 2 tuyến sông, tình trạng hút cát trái phép cơ bản đã được kiểm soát".
Từ nay đến Tết Nguyên đán, lực lượng Cảnh sát đường thủy sẽ tiếp tục tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, thay đổi linh hoạt biện pháp nghiệp vụ để kịp thời đấu tranh, chặn bắt triệt để các vi phạm liên quan đến hoạt động khai thác tài nguyên khoáng sản trên sông, bảo đảm an toàn giao thông đường thủy nội địa trên những tuyến sông.
Bên cạnh đó, để đấu tranh hiệu quả với các đối tượng khai thác cát trái phép trên địa bàn, rất cần sự vào cuộc của các cấp chính quyền, nhất là tinh thần cảnh giác, dũng cảm tố cáo các hoạt động khai thác cát trái phép của cát tặc từ người dân sinh sống ven sông, chung tay phối hợp, trở thành "tai mắt", "cánh tay nối dài" của lực lượng Cảnh sát giao thông đường thủy, góp phần bảo vệ nguồn tài nguyên khoáng sản, giảm nỗi lo sạt lở đất ven sông.