7 giờ sáng ngày 30/10/2023, chúng tôi có mặt ở điểm hẹn để thực hiện chuyến đi bằng thuyền từ Hà Nội ngược sông Hồng qua Vĩnh Phúc và dừng ở Phú Thọ. Quãng đường sông dài chừng 60 km.
Những con “tàu ma”
Đi cùng chúng tôi lần này là hai thanh niên ngoài 30 tuổi, da đen sạm, người nhăng nhẳng nhưng rắn chắc. Đó chính là anh T.N đã đưa chúng tôi đi ở chuyến đi trước. Người còn lại là T.Đ, cũng là người thông thạo sông nước. Hai người sẽ thay nhau lái tàu và hỗ trợ an toàn cho cả đoàn.
Thuyền lướt nhẹ rời điểm đỗ từ cầu Vĩnh Tuy, ngược dòng sông Hồng. Ngay khi thấy một tàu hàng chạy đến, T.Đ nhảy lên phía mũi thuyền, nhanh chóng quăng dây buộc chằng vào đuôi tàu hàng (đúng như kinh nghiệm chia sẻ của anh T.Long). Khi tàu và thuyền được chằng buộc kỹ càng, T.Đ nhảy lên tàu hàng để hỏi lộ trình và xin bám nhờ.
Quay về thuyền, anh T.Đ nói với mọi người: “Tàu này đang chuyển hàng lên Phú Thọ, hình như chở muối. Như vậy chỉ cần ghép theo tàu này thôi”. Cách người trên sông nước nhờ cậy nhau thật đơn giản, không nề hà…
Khoảng 8 giờ sáng, ngoài những con tàu hàng ngược xuôi, chúng tôi bắt gặp nhiều tàu chở cát trên sông. Nhưng điều cần chú ý hơn cả là những con tàu có vòi đen to, dài, dựng đứng trên boong. Chúng cũ kỹ, không có số hiệu, nằm im lìm hai bên bờ sông. Lúc này đã gần đến cầu Thăng Long. Số lượng tàu hàng và tàu có vòi lớn xuất hiện hai bên bờ mỗi lúc một nhiều. Khúc sông này có đến 13 tàu hút. Đặc biệt, đến địa phận xã Hải Bối, đoạn gần Đảo Dừa, cũng có hàng chục tàu lớn nhỏ như thế xếp hàng dọc ngang, nhìn như một... hải đội. Còn trên bờ là những cảng cạn của các điểm tập kết, trung chuyển vật liệu cát, sỏi. Chỗ này cách trạm kiểm soát của Đội Cảnh sát giao thông thủy số 1 (CSGTT) chưa đến 1 km.
Nhớ lại, trước chuyến đi, T.Khánh - một dân anh chị từng làm cát đã chia sẻ cho chúng tôi về những loại tàu này. Tất cả các tàu có vòi như vậy đều dùng để hút cát. Cái nào ít thì 1 - 2 vòi, nhiều thì 3 - 4 vòi. Ngoài phân biệt bởi số vòi hút trên boong, các tàu còn phân biệt với nhau bởi chức năng. Có những chiếc chỉ hút được cát lên tàu khác. Có tàu lại hút được trực tiếp lên boong của mình. Rất ít tàu như vậy được đăng kiểm ở Hà Nội. Thời gian gần đây, các cơ quan chức năng đã không còn đăng kiểm hay đăng ký mới cho loại tàu như vậy nữa.
Đến địa phận gần cảng Tiên Tân (xã Hồng Hà, huyện Đan Phượng), chúng tôi bắt gặp những “tín hiệu” đầu tiên. Đã xuất hiện tàu cát tặc bình thản thả vòi hút cát giữa sông bơm lên một chiếc tàu bên mạn. Cậu phóng viên phụ trách kỹ thuật vồ lấy chiếc máy quay, cố gắng thu mọi thứ vào khung hình… Địa điểm này không nằm trong danh sách điểm mỏ được cấp phép (?!).
Tàu của chúng tôi tiếp tục hướng đến cầu Vĩnh Thịnh, đi qua rất nhiều khúc sông có nhiều tàu hút cát cập bờ, như bến phà Chu Phan, khu vực gần trạm bơm Xuân Phú, khu vực gần cảng Bà Chắt, địa phận xã Cẩm Đình (huyện Phúc Thọ)... Ngoài ra còn nhiều điểm tàu hút cát cập bờ nhưng không có vị trí tương đối để chúng tôi có thể thông tin cụ thể đến bạn đọc.
Thuyền đến chân cầu Vĩnh Thịnh lúc gần 12 giờ trưa. Chúng tôi ăn trưa luôn trên thuyền với bánh mì và xôi đã chuẩn bị từ trước, vừa ăn, vừa quan sát những con “tàu ma” nằm san sát hai bên bờ sông.
Qua điểm cầu Vĩnh Thịnh, con số chúng tôi đếm được lên đến 82 tàu hút! Theo quy định của pháp luật, hoạt động khai thác mỏ cát chỉ được diễn ra vào ban ngày. Nếu là tàu khai thác hợp pháp thì ban ngày chúng sẽ không nằm im lìm như vậy. Nó cũng giống như chia sẻ của tay anh chị từng “làm cát”: “Tàu hút thường neo đậu cách nơi khai thác chỉ 1-2km để tiết kiệm dầu máy”.
Suốt hành trình buổi sáng hôm ấy, chúng tôi chỉ duy nhất một lần gặp ca-nô tuần tra của Đội CSGTT số 1 khi qua trạm kiểm soát một đoạn. Trên ca-nô có hai cảnh sát, lượn vòng qua thuyền của chúng tôi (đang được chằng dây kéo vào thuyền hàng phía trước)... rồi đi tiếp.
Gần 3 giờ chiều, chúng tôi đến chân cầu Việt Trì. Phú Thọ được mệnh danh “kinh đô cát vàng”. Trước mắt chúng tôi là cả một khúc sông ken đặc tàu hút, tàu cát, tàu hàng… Chiếc thuyền nhỏ của chúng tôi phải luồn lách để tìm lối đi. Đây mới là hình ảnh của một mỏ cát hợp pháp đang hoạt động.
Khoảng 15 giờ 30 phút chiều, cả nhóm lên bờ tìm chỗ nghỉ ngơi.
“Tàu ma” cập bờ gần chân cầu Vĩnh Thịnh ngày 30/11/2023. |
Tung hoành cát lậu
19 giờ tối, nhóm phóng viên trở lại thuyền. Đầu mùa đông, trời tối mịt, mọi chi tiết trên sông hay hai bên bờ đều khó quan sát, ngay cả khuôn mặt của các thành viên trong nhóm nhìn cũng không rõ… Các tàu hút cát ở chân cầu Việt Trì vẫn hoạt động. Lúc này bên tai chúng tôi chỉ có tiếng ù ù của thuyền máy.
Di chuyển được chừng 30 phút, gần đến cầu Vĩnh Thịnh, bỗng một ánh đèn pin rọi thẳng vào thuyền. Lúc này một thành viên trong nhóm vừa lấy ra thiết bị chuyên dụng để ghi hình trong đêm. Nhịp tim của tôi đang tăng, có lẽ mọi người trong đoàn cũng vậy. Họ sẽ làm gì khi biết chúng tôi đang ghi hình. Đèn pin rọi thẳng khi máy quay vừa ghi được vài phút. Đường về chỉ mới bắt đầu. Những nguy hiểm đã mường tượng trước khi đi lại ập đến.
Một chiếc xuồng máy nhanh chóng tiến đến rồi bám theo thuyền chúng tôi. Nó giữ khoảng cách nhất định. Cứ vậy chừng 15 phút, cả hai cùng nhau qua một khúc sông! Mọi thành viên trong nhóm đều cảnh giác, các thiết bị chuyên dụng đã được giấu đi. Chỉ một người trong nhóm bí mật sử dụng điện thoại quay lại sự “giám sát” của chiếc xuồng máy!
Rồi chiếc xuồng máy cũng rời đi. Thuyền chúng tôi đã ghép được vào đuôi một sà-lan chở cát. Thủ tục vẫn như cũ, nhanh gọn và diễn ra gần như trong im lặng. Lúc này, tôi có cảm giác yên tâm hơn vì đã giống với lời khuyên mà anh T.Long dặn.
Đang dõi theo cát lậu, lại nối vào một sà-lan chở cát, hoàn cảnh có vẻ trớ trêu. Mọi tác nghiệp của chúng tôi vì thế mà phải cẩn thận hơn. Các loại máy móc đều được cất kỹ hoặc che dưới áo khoác trên sàn thuyền.
Anh T.Đ lái thuyền thủng thẳng: “Trên sông giờ này chỉ có tàu hàng, tàu hút cát và… thuyền đánh cá nhỏ. Chiếc xuồng vừa nãy là xuồng cảnh giới của cát tặc. Thuyền máy nhỏ như mình di chuyển trên sông giờ này là “thuyền lạ”, rất gây “chú ý”.
Đúng như lời T.Đ nói, khi thuyền chúng tôi ngang qua những khu vực có tàu cát tặc hoạt động, những ánh đèn pin lại xuất hiện. Nó soi kỹ từng xăng-ti-mét con thuyền “lạ mặt” dò xét. Cách “kiểm soát” đó khiến chúng tôi gặp khá nhiều khó khăn trong tác nghiệp.
Chúng tôi đã quay được hình ảnh cát tặc hoạt động trong đêm. Những vị trí buổi sáng thấy tàu hút cát đậu hai bên bờ sông thì đến tối chúng đã rời “bến”. Thuyền câu, đánh cá “cảnh giới”… cả ngày lẫn đêm.
Hơn 21 giờ, thuyền vừa qua cầu Vĩnh Thịnh. Đây là khu vực được cát tặc cảnh giới cao độ vì là khu vực chúng hoạt động mạnh. Không giống như những lần trước, chỉ dừng ở việc soi đèn pin và bám theo. Lần này, một xuồng máy tự chế nhanh chóng lao thẳng tới. Một người trong nhóm vỗ vỗ cậu kỹ thuật: “Kìa, kìa, nó đến!”.
Xuồng máy áp sát. Hai người trên thuyền. Một thanh niên bặm trợn, giọng hùng hổ: “Chúng mày đi đâu? Làm gì ở đây giờ này?”. Chúng cứ hỏi vậy bốn, năm lần gì đó, anh T.N đang lái tàu lúc này mới đáp lại: Đi chơi về!
Chúng hỏi tiếp: Chơi á? Chơi ở đâu? Có gì mà chơi? Vừa hỏi với vẻ uy hiếp, chúng vừa rọi đèn pin soi xét khoang thuyền và bấm điện thoại gọi cho ai đó.
Anh T.N đáp lại với vẻ lạnh lùng: Chơi từ sáng, từ Việt Trì!
Thanh niên bặm trợn: Giờ về đâu?
Anh T.N: Về Hà Nội…
Chỉ hai - ba phút sau, có lẽ là từ cuộc điện thoại của thanh niên kia. Một xuồng máy khác áp sát, đâm uỳnh vào thuyền của chúng tôi. Chúng tôi đang bị “bao vây”. Câu hỏi bật ra, liệu chúng có xộc thẳng lên thuyền này không? Chúng có muốn đâm chìm chiếc “thuyền lạ” này?
Mất hơn 15 phút, chúng tôi ngồi yên trên thuyền, chỉ im lặng… 15 phút này trôi qua như hàng giờ. Hai xuồng máy kia đã giãn ra, không còn áp sát sạt nữa mà giữ khoảng cách nhưng vẫn bám theo.
Được khoảng 5 phút thì chỉ còn lại một xuồng máy bám theo. Ánh đèn màn hình điện thoại hắt lên màn đêm cho chúng tôi biết, chúng vẫn đang tiếp tục gọi người! Có vẻ là một sự “bàn giao”, “chăm sóc” chúng tôi từ đội này sang đội khác.
Chủ tàu đang kéo thuyền chúng tôi có lẽ cũng lo và… sợ. Họ thông báo chuẩn bị cập bến, không cho bám nhờ nữa. Có cảm giác như chúng tôi bị bỏ rơi, khi còn cách “nhà” chừng 3 giờ đồng hồ nữa. Bắt buộc phải kiếm tàu khác quá giang. Qua những trải nghiệm từ tối, chúng tôi hiểu tự nổ máy đi tiếp quá nguy hiểm.
Khoảng gần 23 giờ đêm, chúng tôi về gần đến cầu Thăng Long. Lúc này thuyền đã bám nhờ được vào một tàu hàng khác. Thấy cầu Thăng Long, cảm giác sắp về tới nhà rồi! Chiếc xuồng máy bám theo cũng đã “tạm biệt” chúng tôi được chừng 15 phút.
Chưa kịp thở sâu thì lại một chiếc ca-nô nữa lao ra. Nhưng lần này là Đội CSGTT số 1. Trên ca-nô chỉ có một chiến sĩ mặc áo cảnh phục trong chiếc áo phao, nhưng cùng với… quần đùi. Quan sát thuyền của chúng tôi, chiến sĩ CSGTT quay vào bờ, xong lại quay lại. Trên ca-nô khi đó xuất hiện thêm một chiến sĩ nữa.
Lần này là cơ quan chức năng, nhưng họ cũng hỏi chúng tôi những câu hỏi đại loại: “Đi đâu đấy? Làm gì ở đây giờ này? Từ đâu đến?”… Chúng tôi giải thích đoàn vừa có chuyến khảo sát du lịch từ Việt Trì về.
Cô phóng viên trẻ trong đoàn cũng lên tiếng: Trăng sáng, bọn em đi chơi về anh ơi!
CSGTT: Chơi á? Ở đây có gì mà chơi?
Rồi chiến sĩ CSGTT ra lệnh với lái tàu: “Tháo dây buộc ra, không được kéo”.
Nói dứt, ca-nô tuần tra cũng tiến lên yêu cầu tàu hàng kéo chúng tôi phải tháo dây buộc ra. Tưởng chừng đã xong, nhưng chiến sĩ CSGTT vẫn nhìn lên thuyền hỏi: “Thuyền này từ đâu tới, bây giờ về đâu?”. Những câu hỏi này có vẻ quen thuộc trên sông. Cả đoàn lúc này đều im lặng.
Câu hỏi kia lặp lại khoảng hai - ba lần thì anh T.N đáp: Thuyền đi từ sáng lên Việt Trì, nên giờ quay về Long Biên.
Chiến sĩ CSGTT: Long Biên á? Thuyền này của ai?...
Anh T.N: Thuyền của anh Sơn.
Chiến sĩ CSGTT: Sơn á? Sơn nào ở Long Biên? Thích thì gọi Hưng nhé. Bắt cả tàu này (?!)…
Mọi người trên thuyền không ai đáp lại câu hỏi đó nữa. Được một lúc thì hai chiến sĩ cảnh sát cũng để chúng tôi đi. Từ lúc đó quãng đường về đã yên ả. Mọi người đều đặt ra câu hỏi tại sao CSGTT lại gây khó dễ cho đoàn? Chúng tôi không vi phạm pháp luật. Nếu thuyền có vi phạm gì thì cũng nên hỏi lái thuyền thôi chứ?
Rất nhiều câu hỏi, phán đoán hiện ra trong đầu của nhóm phóng viên.
(Còn nữa)