Đây là nội dung được đưa ra thảo luận tại diễn đàn “Sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật an toàn, hiệu quả trong chương trình IPHM” do Báo Nông nghiệp Việt Nam phối hợp các đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và thành phố Cần Thơ tổ chức theo hình thức trực tuyến và trực tiếp.
Diễn đàn hướng đến mục tiêu đẩy mạnh truyền thông, ứng dụng quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM), chủ động phòng chống sinh vật gây hại cây trồng, giảm chi phí đầu vào. Bên cạnh đó, giúp giảm hóa chất độc hại, giảm phát thải khí nhà kính, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, hiệu quả sản xuất, bảo đảm an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, hỗ trợ tích cực cho Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp tại đồng bằng sông Cửu Long.
Diễn đàn “Sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật an toàn, hiệu quả trong chương trình IPHM. |
Vẫn còn tình trạng lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật
Chia sẻ tại diễn đàn, ông Đỗ Văn Vấn, Giám đốc Trung tâm Bảo vệ thực vật phía Nam (Cục Bảo vệ thực vật), cho biết: Để triển khai chương trình IPHM, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tiếp nhận dự án hỗ trợ kỹ thuật “Xây dựng chiến lược và kế hoạch hành động IPHM” từ FAO; triển khai tại Việt Nam từ năm 2021 đến 2023.
Mục tiêu chung của Chương trình IPHM: tăng cường sức khỏe cây trồng; nâng cao khả năng phòng chống sinh vật gây hại và chống chịu tốt với điều kiện bất thuận của thời tiết; nâng cao hiệu quả sản xuất, đảm bảo an toàn thực phẩm; bảo vệ môi trường sinh thái, đa dạng sinh học.
Phân tích về thực tế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hóa học hiện nay của người dân ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Sản xuất và kinh doanh thuốc Bảo vệ thực vật Việt Nam cho biết: Điểm mạnh của thuốc bảo vệ thực vật hóa học là có khả năng phòng trừ sinh vật gây hại nhanh nhất, hiệu quả nhất, chặn đứng trận dịch trong thời gian ngắn mà các biện pháp khác không thể thực hiện được. Tuy nhiên, do nhận thấy ưu điểm của thuốc bảo vệ thực vật hóa học nên người nông dân đã lạm dụng, dùng sai kỹ thuật, bỏ qua các biện pháp bảo vệ thực vật khác.
Theo ông Sơn, nhiều quốc gia trên thế giới đang sử dụng kết hợp với thuốc bảo vệ thực vật sinh học thường an toàn và ít độc đối với sức khỏe người, sinh vật có ích và môi trường, nhanh phân hủy trong tự nhiên, thời gian cách ly ngắn, ít để lại dư lượng trong nông sản nên rất thích hợp sử dụng cho các nông sản sạch như rau, chè, cây ăn quả...; rất thân thiện với môi trường.
Ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Sản xuất và kinh doanh thuốc Bảo vệ thực vật Việt Nam chia sẻ tại diễn đàn. |
“Hiện nay, xu hướng của thị trường đang có nhu cầu ngày càng tăng đối với thực phẩm hữu cơ, an toàn, không bị ô nhiễm các chất độc hại, do đó sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học trong sản xuất nông nghiệp là biện pháp phù hợp. Nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn trên thị trường thực phẩm của thế giới đang có hướng kinh doanh các sản phẩm nông sản sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học”, ông Sơn chia sẻ.
Tuy nhiên, theo ông Sơn bên cạnh các ưu điểm an toàn, nhiều loại thuốc bảo vệ thực vật sinh học cũng bộc lộ một số nhược điểm như: giá thành cao, hiệu lực phòng trừ dịch hại chậm hơn các thuốc bảo vệ thực vật hóa học, thời gian bảo quản của nhiều loại thuốc bảo vệ thực vật sinh học ngắn hơn thuốc bảo vệ thực vật hóa học.
Vì vậy, cần cân nhắc và sử dụng hài hòa giữa thuốc bảo vệ thực vật hóa học và sinh học nhằm vừa phòng trừ được sinh vật gây hại vừa đảm bảo an toàn cho sức khỏe con người và bảo vệ môi trường. Đồng thời sử dụng thuốc bảo vệ thực vật dựa vào tình trạng sâu bệnh, điều kiện môi trường và khả năng tài chính của nông dân tại từng vùng.
Cân bằng các giải pháp bảo vệ thực vật hóa học và sinh học
Ông Nguyễn Văn Sơn cũng khuyến khích sử dụng luân chuyển các thuốc bảo vệ thực vật có cơ chế tác động khác nhau nhằm giảm thiểu khả năng hình thành tính kháng của sinh vật gây hại đối với thuốc trừ bảo vệ thực vật. Cũng như, trong thời gian tới, ngành thuốc bảo vệ thực vật Việt Nam cần phát triển việc sản xuất và sử dụng các dạng gia công thuốc bảo vệ thực vật tiên tiến như CS, ME, EW, SC, SE, SW, WG, dạng nano… Chọn phụ gia tốt, thay thế các dung môi hữu cơ độc hại bằng các dung môi có nhiều ưu điểm hơn, sử dụng các phụ gia có ở trong nước, phụ gia thân thiện môi trường.
Trong các biện pháp phun thuốc BVTV, xu hướng sử dụng drone đang phát triển mạnh mẽ tại châu Á và trên thế giới, nhờ vào những lợi ích phun thuốc nhanh hơn tới 30 lần so với phương pháp phun thủ công, giúp nông dân tiết kiệm thời gian và tăng hiệu quả làm việc, tiết kiệm tới 97% lượng nước so với cách phun truyền thống và giảm khoảng 50% chi phí đầu vào.
Tại diễn đàn các chuyên gia cũng tập trung thảo luận đưa ra các giải pháp để doanh nghiệp và nông dân có thể cân bằng trong việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hóa học và sinh học một cách hài hòa để bảo đảm chất lượng rau quả trong nước và thuận lợi xuất khẩu.
Ông Lê Văn Thiệt, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phát biểu tại diễn đàn. |
Kết luận tại diễn đàn ông Lê Văn Thiệt, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn), cho rằng hiện nay, biến đổi khí hậu diễn ra ngày càng khó lường. Các hiện tượng thiên tai, bão lũ, hạn hán, xâm nhập mặn gây ảnh hưởng lớn đến sinh trưởng cây trồng, đời sống người dân. Nguy hiểm hơn, biến đổi khí hậu đã tạo điều kiện cho các loại sinh vật gây hại mới phát sinh, phát triển, gây khó khăn cho sản xuất.
“Hiện nay, chúng ta có 8.000 mã số vùng trồng, hơn 1.500 mã số cơ sở đóng gói. Nếu áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, chất lượng sản phẩm sẽ tăng lên, việc xuất khẩu càng trở nên thuận lợi. Do đó, để có thể phát triển nền nông nghiệp bền vững, hiện đại đến năm 2030, tầm nhìn 2050, các địa phương cần quan tâm, đầu tư mở rộng các mô hình sản xuất áp dụng các tiến bộ kỹ thuật như 3 giảm 3 tăng, 1 phải 5 giảm… phát triển và nhân rộng các mô hình, giải pháp sinh học trong phòng chống sinh vật gây hại; đẩy mạnh sản xuất và sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật sinh học, phối hợp với công ty nước ngoài”, ông Thiệt chia sẻ.
Đào tạo giảng viên quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp
Bên cạnh đó, theo Phó cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật cũng cần quan tâm phát triển và ứng dụng công nghệ 4.0, chuyển đổi số vào canh tác và tra cứu thông tin để chủ động kiểm soát dịch bệnh, giảm thiểu tối đa lượng vật tư hóa học, sử dụng tối ưu vật tư đầu vào, gia tăng lợi nhuận cho nông dân.
“Để phát triển và nhân rộng Chương trình IPHM, cần có sự chung tay vào cuộc của cả hệ thống chính trị mới có thể thành công”, ông Thiệt đánh giá.