Đào tạo giảng viên quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp

NDO -

Ngày 8/12, tại Trung tâm Bảo vệ thực vật phía bắc (Hưng Yên), Cục Bảo vệ thực vật phối hợp Văn phòng Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hiệp quốc (FAO) tại Việt Nam tổ chức khai giảng khóa đào tạo giảng viên quốc gia về quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp.

Phó Cục trưởng Bảo vệ thực vật Nguyễn Quý Dương phát biểu tại lễ khai giảng.
Phó Cục trưởng Bảo vệ thực vật Nguyễn Quý Dương phát biểu tại lễ khai giảng.

Theo FAO, quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) là giải pháp trụ cột trong sản xuất cây trồng bền vững và giảm thiểu nguy cơ do thuốc bảo vệ thực vật. FAO thiết lập mạng lưới IPM toàn cầu thông qua ba chương trình IPM khu vực (châu Á, cận Đông và Tây Phi) để hỗ trợ và thúc đẩy các chương trình IPM quốc gia các nước nghèo trong khu vực. IPM được đánh giá là một chương trình góp phần nâng cao dân trí, kỹ năng sản xuất và xóa đói, giảm nghèo ở nông thôn, góp phần đắc lực vào chương trình sản xuất nông nghiệp bền vững.

Tổng kết hiệu quả của chương trình quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) sau 20 năm thực hiện (từ năm 1992-2012) tại nước ta cho thấy, ở những diện tích áp dụng IPM, số lần sử dụng thuốc trừ dịch hại giảm so ruộng sản xuất theo tập quán cũ của nông dân từ 50-70%, nhiều địa phương giảm 70 đến 80%; lượng phân đạm sử dụng giảm từ 15-20%, giảm 1/3 lượng nước tưới; năng suất lúa tăng từ 8-10%, lợi nhuận tăng 15-20% so với ruộng nông dân truyền thống. Đồng thời, duy trì an toàn đối với dịch rầy nâu hại lúa trên phạm vi cả nước trong khoảng thời gian dài (1994-2005); kỹ thuật IPM được lồng ghép trong các quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, thực hành nông nghiệp tốt (GAP), góp phần thúc đẩy phát triển chương trình này ở các địa phương. 

Phát biểu tại buổi lễ khai giảng, Phó Cục trưởng Bảo vệ thực vật Nguyễn Quý Dương cho biết, mặc dù IPM có vai trò rất quan trọng đối với sản xuất, tuy nhiên, do chưa được quan tâm đúng mức cho nên việc duy trì ứng dụng IPM ở các địa phương còn rất hạn chế, thiếu liên tục, thiếu gắn kết trong quy trình chỉ đạo sản xuất ở nhiều địa phương, nhất là từ 2006 đến nay. Theo thống kê mới nhất, số lượng giảng viên IPM do Cục Bảo vệ thực vật phối hợp FAO đào tạo ở các tỉnh còn thiếu nghiêm trọng. Nhiều tỉnh chỉ còn một đến hai cán bộ, giảng viên, thậm chí có những tỉnh Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật không còn giảng viên, thí dụ như các tỉnh: Sơn La, Lạng Sơn, Lai Châu, Hà Giang, Gia Lai, Thừa Thiên Huế… 

Trước tình hình cấp thiết đó, ngày 29/4, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Quyết định số 1872/BNN-HTQT Phê duyệt văn kiện dự án hỗ trợ kỹ thuật “Xây dựng chiến lược và kế hoạch hành động quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp”. Mục tiêu của Dự án nhằm tăng cường an ninh lương thực, an toàn thực phẩm và bền vững môi trường thông qua tăng cường năng lực của hệ thống bảo vệ thực vật. 

Trong đó, các hoạt động của Dự án sẽ tập trung nghiên cứu, xây dựng chương trình và tài liệu huấn luyện giảng viên Quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM) để nâng cao năng lực cho giảng viên và các cán bộ liên quan nhằm hỗ trợ thực hiện chiến lược và kế hoạch hành động quốc gia về quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp; tổ chức thí điểm 2 lớp TOT-IPHM đào tạo 60 giảng viên quốc gia để đánh giá chương trình và tài liệu, từ đó củng cố, hoàn thiện chương trình, tài liệu IPHM; xây dựng được Chương trình và bộ tài liệu tập huấn IPHM cho cán bộ giảng viên nòng cốt và cán bộ bảo vệ thực vật và bổ sung kiến thức cho lực lượng giảng viên TOT-IPM hiện có; đồng thời các trường đại học, cao đẳng cũng bổ sung vào chương trình đào tạo sinh viên khối kỹ thuật nông nghiệp để xây dựng lực lượng cán bộ IPHM trong tương lai. 

Được biết, nền tảng của IPHM là IPM. Điểm khác biệt giữa hai chương trình chủ yếu nằm ở cách tiếp cận. Cụ thể, IPM muốn kiểm soát dịch hại, lấy đó làm cơ sở để bảo vệ cây trồng. Những biện pháp của IPM nhấn mạnh đến trừ dịch hại, và chỉ tập trung vào nông nghiệp. Trong khi đó, IPHM muốn nâng cao sức khỏe cây trồng. Những biện pháp của IPHM chủ yếu hướng vào việc phòng dịch hại. Bên cạnh nông nghiệp, IPHM còn hướng tới những tác nhân khác ảnh hưởng đến ngành. 

Phó Cục trưởng Bảo vệ thực vật Nguyễn Quý Dương nhấn mạnh, đây là lớp đào tạo giảng viên quốc gia IPHM khóa đầu tiên của cả nước do Cục Bảo vệ thực vật phối hợp Tổ chức FAO tổ chức. Cùng với sự hỗ trợ hiệu quả của FAO, Cục Bảo vệ thực vật sẽ thúc đẩy chương trình quản lý sức khỏe cây trồng phổ biến rộng rãi trên phạm vi toàn quốc góp phần vào việc xây dựng nền nông nghiệp sinh thái, bảo đảm hiệu quả, an toàn thực phẩm, bền vững và có trách nhiệm.