Khép lại phiên giao dịch ngày hôm qua, sắc đỏ áp đảo trên bảng giá nhóm nguyên liệu công nghiệp. Đi ngược với xu hướng chung của nhóm, tâm điểm chú ý hướng về ca-cao khi giá mặt hàng này tăng mạnh gần 7%, thiết lập mức đỉnh lịch sử mới.
Nguyên nhân chính đẩy giá ca-cao tiếp tục neo cao là do khu vực sản xuất, cung cấp khoảng ¾ sản lượng cho thế giới là Tây Phi đã và đang phải đối mặt với điều kiện thời tiết bất lợi và nguồn cung trở nên khan hiếm. Bên cạnh đó, giới đầu cơ tăng mua trong giai đoạn cuối năm lại càng khiến cho tình hình thêm căng thẳng.
Tại Bờ Biển Ngà, nông dân tại hầu hết các vùng trồng ca-cao đang lo ngại thiếu mưa và nắng nóng đã cản trở sự phát triển của mùa vụ chính (từ tháng 10 đến tháng 3). Năm nay, gió mùa khô hoạt động sớm hơn bình thường, bắt đầu từ tháng 11, khiến lo ngại về khô hạn làm giảm sản lượng trở nên gay gắt hơn.
Trước đó, cả các hợp tác xã, người mua và đại lý thu mua đều cho biết phần lớn vụ thu hoạch chính đã được hoàn thành vào tháng 11 và tình trạng thiếu hụt dự kiến sẽ kéo dài đến tháng 2 hoặc tháng 3. Trong khi đó, các nhà xuất khẩu đa quốc gia lo ngại về nguy cơ bị bể hợp đồng khi ước tính nguồn cung từ nông dân không đáp ứng đủ nhu cầu, thậm chí giảm trong những tháng tới do mất mùa.
Về lượng xuất khẩu, hãng tư vấn StoneX nhận định lượng ca-cao cập cảng trong niên vụ 2024-2025 tại Bờ Biển Ngà đã tăng hơn 30% so cùng kỳ vụ trước, nhưng lại giảm từ 10% đến 28% so cùng thời điểm của 4 vụ trước đó. Điều này, cùng với sản lượng kém tại Ghana, nước trồng ca-cao lớn thứ hai thế giới trong những mùa gần đây, đã kéo tồn kho trên Sở ICE-US xuống còn hơn 1,4 triệu bao, mức thấp nhất từ trước đến nay.
Giá hai mặt hàng cà-phê phân hóa khi phản ứng với những thông tin cơ bản trái chiều. Cụ thể, giá cà-phê Arabica tăng 2,37% trong khi giá cà-phê Robusta giảm 0,56% so với tham chiếu.
Lo ngại về tình trạng thiếu mưa tại Brazil đang đẩy giá tăng. Cơ quan Khí tượng Somar cho biết, lượng mưa tại Minas Gerais, bang trồng cà-phê Arabica lớn nhất của Brazil, chỉ đạt 35,2mm vào tuần trước, bằng 65% so lượng mưa trung bình trong lịch sử.
Như vậy, vùng trồng cà-phê chính của Brazil đã liên tục ghi nhận lượng mưa thấp kể từ tháng 4 đến nay. Điều này gây ảnh hưởng xấu đến quá trình phát triển của cây cà-phê niên vụ 2025-2026, từ đó dẫn đến triển vọng nguồn cung kém khả quan.
Theo MXV, đóng cửa phiên giao dịch hôm qua (18/12), lực mua chiếm ưu thế kéo chỉ số MXV-Index tăng nhẹ 0,06% lên 2.202 điểm.