Nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng đất rừng

Tăng cường quản lý đất rừng

Cùng với chính sách đất đai áp dụng trong nông nghiệp, đất rừng hiện đang gặp nhiều khó khăn trong quản lý và sử dụng do còn có những hạn chế, sự thiếu đồng bộ. Đây cũng là bài toán cần sớm được tháo gỡ nhằm khơi thông những rào cản, từ đó thúc đẩy kinh tế lâm nghiệp phát triển ổn định, bền vững…
0:00 / 0:00
0:00
Lực lượng kiểm lâm phối hợp với ban quản lý rừng và công ty lâm nghiệp trên địa bàn huyện Vĩnh Thạnh, tỉnh Bình Định, triển khai công tác tuần tra bảo vệ rừng nguyên sinh trên địa bàn huyện quản lý. (Ảnh: TTXVN)
Lực lượng kiểm lâm phối hợp với ban quản lý rừng và công ty lâm nghiệp trên địa bàn huyện Vĩnh Thạnh, tỉnh Bình Định, triển khai công tác tuần tra bảo vệ rừng nguyên sinh trên địa bàn huyện quản lý. (Ảnh: TTXVN)

Việc thực hiện chính sách giao đất, giao rừng hiện nay còn nhiều khó khăn, phức tạp, tiến độ giao đất rừng tại các địa phương chậm và chưa hiệu quả, nhiều nơi chưa giao đất rừng do thiếu kinh phí.

Vẫn còn nhiều “nút thắt”

Trao đổi với phóng viên Báo Nhân Dân, Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Quốc Trị cho rằng, cùng với những kết quả đạt được trong thời gian qua, ngành lâm nghiệp vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong công tác quản lý, sử dụng đất rừng.

Đó là, diện tích đất được quy hoạch cho lâm nghiệp chủ yếu phân bố ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn nên ảnh hưởng rất lớn công tác quản lý, giao đất, cho thuê đất rừng. Nhiều diện tích đất rừng nằm xen kẹp với đất sản xuất nông nghiệp, đất quy hoạch cho các mục đích khác... nên dẫn đến có nhiều hoạt động tự phát trong quá trình sử dụng đất không đúng mục đích xảy ra, gây khó khăn cho công tác quản lý.

Nhiều diện tích đất rừng nằm xen kẹp với đất sản xuất nông nghiệp, đất quy hoạch cho các mục đích khác... nên dẫn đến có nhiều hoạt động tự phát trong quá trình sử dụng đất không đúng mục đích xảy ra, gây khó khăn cho công tác quản lý.

Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Quốc Trị

Hiện trạng rừng và đất rừng thường có nhiều biến động qua các năm, sự biến động này không những do tác động của các yếu tố sản xuất lâm nghiệp như trồng rừng, khai thác rừng, khoanh nuôi rừng... mà còn do tác động của quá trình phát triển kinh tế-xã hội với các hoạt động chuyển mục đích sử dụng rừng để thực hiện các dự án phát triển kinh tế-xã hội.

Hiện vẫn còn những bất cập trong quá trình tổ chức thực hiện giao đất lâm nghiệp chưa thống nhất giữa hồ sơ, bản đồ và thực địa; vẫn còn xảy ra tình trạng chồng lấn, tranh chấp giữa hộ gia đình, cá nhân với các công ty lâm nghiệp, ban quản lý rừng.

Cũng đề cập đến những khó khăn trong quản lý, sử dụng đất rừng phục vụ cho công tác phát triển kinh tế lâm nghiệp, ông Đinh Đức Thuận (Hội Chủ rừng Việt Nam) chia sẻ, việc tuân thủ các yêu cầu bảo đảm gỗ hợp pháp liên quan đến quyền sử dụng đất hiện nay được xem là vấn đề tồn tại nhiều nhất.

Nguyên nhân dẫn đến việc chậm triển khai thống kê, rà soát để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo đúng quy định là do nguồn kinh phí để triển khai thực hiện còn hạn chế, chưa thể triển khai đồng bộ trên diện rộng, công tác thống kê, rà soát để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo đúng quy định để bảo đảm rừng có chủ thật sự còn nhiều bất cập.

Mức độ đáp ứng tất cả các tiêu chí gỗ hợp pháp của các chủ rừng là hộ gia đình hiện còn thấp. Nguyên nhân chính là do các hộ gia đình chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên hạn chế quyền, nghĩa vụ của người sử dụng đất, một số quy định của pháp luật đôi khi còn chưa thống nhất, thiếu đồng bộ.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong lĩnh vực đất lâm nghiệp, việc triển khai thực hiện quy hoạch, tính đồng bộ, thống nhất giữa các ngành chưa cao, còn chồng lấn giữa lâm nghiệp với các ngành khác; thiếu sự ổn định và thường bị điều chỉnh do nhu cầu sử dụng đất để phát triển kinh tế-xã hội.

Bên cạnh đó, việc quản lý đất lâm nghiệp có nơi chưa chặt chẽ, vẫn còn xảy ra tình trạng chồng lấn, tranh chấp giữa hộ gia đình, cá nhân; chính sách giao đất giao rừng, khoán bảo vệ rừng để thực hiện xã hội hóa lâm nghiệp còn nhiều hạn chế.

Việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất còn chậm. Thực tế cho thấy, công tác trồng rừng phòng hộ, đặc dụng gặp nhiều khó khăn do thiếu quỹ đất trồng rừng, đòi hỏi chi phí cao, trong khi vốn đầu tư từ ngân sách được bố trí không tương xứng, việc tổ chức thực hiện chính sách ở một số địa phương còn hạn chế.

Cần chính sách quản lý phù hợp

Để ngành lâm nghiệp khắc phục những khó khăn về cơ chế, chính sách hiện nay, cần tập trung làm tốt công tác quy hoạch, bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất giữa các quy hoạch ngành, tuân thủ quy hoạch quốc gia; tiếp tục rà soát giao đất gắn với giao rừng, bảo đảm thống nhất ranh giới trên bản đồ và trên thực địa; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp; kiên quyết thu hồi đất và xử lý nghiêm đối với những tổ chức, cá nhân được giao đất, giao rừng nhưng không thực hiện bảo vệ và phát triển rừng.

Bên cạnh đó, cần quan tâm đầu tư kinh phí cho việc giao đất, giao rừng để bảo đảm đất rừng có chủ thật sự quản lý, sau khi giao cần xác định và cắm mốc giới trên thực địa; đầu tư kinh phí cho công tác quản lý bảo vệ rừng, bảo đảm đời sống người trực tiếp bảo vệ rừng để họ yên tâm giữ rừng; tiếp tục chỉ đạo thực hiện đa dạng các hình thức tuyên truyền để nhân dân nắm được, hiểu rõ chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về bảo vệ, phát triển rừng, chi trả dịch vụ môi trường rừng từ đó tự nguyện, tự giác chấp hành, thực hiện có hiệu quả.

Nói về những hạn chế trong chính sách quản lý đất rừng hiện nay, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách tỉnh Kon Tum, Phạm Đình Thanh khẳng định, trong thời gian qua, công tác quản lý, trồng, bảo vệ, khai thác, kinh doanh từ rừng vẫn còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, hiệu quả đạt được còn thấp.

Tình trạng đất bị lấn chiếm, đất giao cho nông, lâm trường quản lý chồng lấn lên đất sản xuất nông nghiệp của người dân còn khá phổ biến. Việc bàn giao đất từ các công ty nông, lâm nghiệp về cho địa phương quản lý thực hiện còn chậm, diện tích đất đã có quyết định thu hồi nhưng chưa có phương án sử dụng đất tương đối lớn.

Về nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế nêu trên, trước hết là thuộc về trách nhiệm của các nông, lâm trường, các công ty lâm nghiệp, ban quản lý rừng, chính quyền các địa phương cùng với trách nhiệm kiểm tra, giám sát của các cấp, các ngành.

Bên cạnh đó, cũng có nguyên nhân do Trung ương chưa có cơ chế, chính sách đầy đủ hoặc một số chính sách quy định không còn phù hợp nhưng chậm được sửa đổi, bổ sung, thí dụ về dự án trồng rừng.

Dự án trồng rừng là dự án đặc thù bởi chu kỳ thời gian thực hiện dự án dài, phải chuẩn bị cây giống, xử lý thực bì từ năm trước, việc trồng rừng phải thực hiện theo mùa vụ.

Từ thực trạng nêu trên, các địa phương kiến nghị Trung ương cần tăng cường giám sát việc quản lý, sử dụng đất tại các nông, lâm trường, các công ty, ban quản lý rừng, đặc biệt là giám sát việc thực hiện Nghị quyết số 112/2015/QH13 của Quốc hội khóa XIII về tăng cường quản lý đất đai có nguồn gốc từ nông trường, lâm trường quốc doanh do các công ty nông nghiệp, lâm nghiệp, ban quản lý rừng và các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân khác sử dụng.

Quốc hội, Chính phủ cũng cần xem xét có cơ chế đặc thù riêng, quy định về trình tự, thủ tục thực hiện các dự án trồng rừng và chăm sóc, bảo vệ rừng.

Một trong những vướng mắc còn tồn tại hiện nay là đất rừng do các công ty lâm nghiệp quản lý sau sắp xếp. Sau 8 năm triển khai thực hiện chính sách sắp xếp, đổi mới công ty nông, lâm nghiệp theo Nghị định 118/2014/NĐ-CP của Chính phủ, đến nay loại hình doanh nghiệp này tại nhiều địa phương vẫn còn nhiều bất cập trong công tác xử lý tài chính, cắm mốc, phân ranh giới đất rừng.

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến nay, tiền thuê và thuế tài nguyên đất rừng phòng hộ, đặc dụng, rừng sản xuất là rừng tự nhiên còn tồn tại, chưa xử lý dứt điểm do thay đổi chính sách về đất đai.

Một số địa phương như Quảng Ninh, Đắk Nông, Đắk Lắk... còn bị truy thu tiền thuê đất sau thanh tra, kiểm toán dẫn đến bị nợ lớn, âm vốn chủ sở hữu.

Một số công ty nông, lâm nghiệp khi thực hiện sắp xếp doanh nghiệp chưa xử lý được các khoản nợ không có nguồn trả, một số công ty hồ sơ giải thể không đủ chứng từ để đối chiếu công nợ, chưa có hướng xử lý và khắc phục phù hợp quy định của pháp luật hiện hành.

Vấn đề nổi cộm là việc đo đạc, rà soát, cắm mốc ranh giới, lập bản đồ địa chính, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất diễn ra chậm. Tình trạng tranh chấp, lấn chiếm đất đai tại một số công ty còn phải tiếp tục xử lý, nhất là đối với diện tích khoán cho các hộ gia đình, cộng đồng dân cư; hiệu quả sử dụng đất, tài nguyên rừng còn chưa cao.

Do đó, cần tiếp tục hoàn thiện quy định pháp luật về mô hình chuyển công ty nông, lâm nghiệp, cần có sự hỗ trợ từ ngân sách Trung ương cho công tác đo đạc, cắm mốc ranh giới, lập bản đồ địa chính, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với các địa phương thật sự khó khăn do không cân đối được ngân sách...