Nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng đất rừng

Chính sách quản lý và sử dụng đất rừng hiệu quả không chỉ huy động được nguồn lực xã hội mà còn bổ sung thêm nguồn tài chính cho phát triển rừng, thực hiện chủ trương xã hội hóa nghề rừng, góp phần cải thiện sinh kế, ổn định đời sống. Thông qua đó, nâng cao năng lực quản lý, sử dụng và bảo vệ rừng cho các chủ rừng, góp phần thực hiện thành công chiến lược phát triển lâm nghiệp theo hướng bền vững.
0:00 / 0:00
0:00
Lực lượng Kiểm lâm tỉnh Bắc Kạn phối hợp với chủ rừng bảo vệ rừng trồng tại xã Quảng Chu, huyện Chợ Mới. (Ảnh VŨ SINH)
Lực lượng Kiểm lâm tỉnh Bắc Kạn phối hợp với chủ rừng bảo vệ rừng trồng tại xã Quảng Chu, huyện Chợ Mới. (Ảnh VŨ SINH)

BÀI 1: Sử dụng hiệu quả đất rừng

Với giá trị xuất khẩu đạt bình quân từ 13 tỷ đến 15 tỷ USD mỗi năm, lâm sản đang trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần phát triển kinh tế-xã hội, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho hàng triệu hộ gia đình. Tuy nhiên, chính sách đất đai, trong đó có đất rừng hiện còn nhiều hạn chế đã và đang trở thành "lực cản", cần sớm được tháo gỡ nhằm tạo ra những đột phá mới cho sự phát triển hiệu quả, bền vững của kinh tế rừng…

Theo thống kê, sản lượng khai thác gỗ rừng trồng cả nước đến nay đã đáp ứng hơn 70% nhu cầu sử dụng của ngành công nghiệp chế biến gỗ. Riêng các tỉnh miền núi phía bắc, hiện sản lượng khai thác vào khoảng 8 triệu mét khối gỗ, ước đạt gần 10.000 tỷ đồng/năm, chiếm 38,5% sản lượng gỗ khai thác từ rừng trồng tập trung của toàn quốc. Diện tích rừng trồng được cấp chứng chỉ FSC đã đạt 127.327ha, chiếm 41% diện tích rừng toàn quốc.

Sống tốt với nghề rừng

Ðến Ấp 5, xã Thanh Sơn, huyện Ðịnh Quán (Ðồng Nai) đúng dịp bà con nông dân thu hoạch cây rừng trồng, gặp già làng Ðiểu Thị Út Lan, bà cho biết, nhờ chính sách giao đất, giao rừng phù hợp điều kiện thực tế của các hộ dân, nên vài năm trở lại đây, đời sống của người dân nơi đây đã được cải thiện đáng kể, đồng bào Chơ Ro đã sống tốt với nghề rừng. Là người gắn bó với nghề rừng hơn 30 năm, già làng đã có rất nhiều kinh nghiệm về sản xuất rừng. Bà giãi bày, toàn ấp hiện có 120 hộ nhận khoán của Công ty TNHH một thành viên lâm nghiệp La Ngà với hơn 70ha đất rừng sản xuất. Mỗi héc-ta, hằng năm, các hộ gia đình nhận khoán được doanh nghiệp chi trả 5 triệu đồng và khoảng 2 triệu đồng công chăm sóc cây rừng. Trước đây, nhiều nơi ở khu vực đồi núi này còn hoang sơ lắm do người dân chưa ý thức được vai trò của kinh tế rừng, giờ đây tiền thu nhập từ nghề rừng đã trở thành thu nhập chính nên các hộ gia đình tập trung khai hoang, cải tạo đất, trồng mới nhiều diện tích rừng. Tấc đất bỗng trở thành "tấc vàng". Cả một khu vực hoang hóa rộng lớn trước đây, giờ bỗng như sống lại với mầu xanh bạt ngàn của cây gỗ rừng tràm, rừng keo, rừng bạch đàn.

Từ kinh tế rừng, người dân Chơ Ro đã có nhà mới khang trang, con em được đi học, điện, đường, trường, trạm đang được chính quyền địa phương và các doanh nghiệp tập trung đầu tư, mở mang. Cuộc sống của bà con nơi vùng sâu, vùng xa ngày càng được cải thiện rõ rệt.

Phó Giám đốc Công ty TNHH một thành viên lâm nghiệp La Ngà, Nguyễn Mạnh Cường cho biết thêm, tại huyện Ðịnh Quán, doanh nghiệp đang trồng và khai thác hơn 6.000ha rừng, trong đó chủ yếu là rừng tràm-một loại cây lâm nghiệp quý, có giá trị kinh tế cao. Hầu hết diện tích rừng do công ty quản lý đã được cơ quan có thẩm quyền cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững (FSC). Nhận biết được giá trị kinh tế từ rừng mang lại, doanh nghiệp, chính quyền địa phương và bà con nông dân đã tích cực trồng rừng sản xuất. Bây giờ, Ðịnh Quán đã trở thành một trong những huyện có kinh tế phát triển của tỉnh Ðồng Nai, người nông dân đã có cuộc sống ổn định bằng nghề rừng, nhiều gia đình đã làm giàu từ nghề chăm sóc, bảo vệ rừng.

Ở các tỉnh miền núi phía bắc, những năm gần đây, nhờ phát triển đúng hướng, kinh tế rừng tại nhiều địa phương đã phát triển mạnh mẽ, mang lại thu nhập cao cho người dân sống bằng nghề rừng.

Tại tỉnh Tuyên Quang, một số mô hình trồng rừng của hộ gia đình đã đem lại hiệu quả kinh tế cao như: Xã Tiến Bộ (huyện Yên Sơn) có 668 hộ dân tham gia trồng rừng theo tiêu chuẩn chứng chỉ rừng của FSC với tổng diện tích hơn 1.500ha, lợi nhuận tăng lên 15-20% so với gỗ không có chứng chỉ. Hộ ông Bùi Quang Chung, thôn Khuân Bén, xã Công Ða, huyện Yên Sơn có 7ha rừng trồng keo được cấp chứng chỉ FSC, sau khai thác lãi hơn 120 triệu đồng/ha.

Tại tỉnh Ðiện Biên, trong những năm gần đây, nhiều mô hình phát triển kinh tế rừng đã mang lại hiệu quả về kinh tế, tăng thu nhập và đặc biệt là nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân trong quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có khoảng hơn 900ha cây lâm sản ngoài gỗ được trồng theo các chương trình, dự án và trồng tự phát trong dân. Trong đó, các loài cây lâm sản ngoài gỗ, cây dược liệu dưới tán rừng có khoảng 500ha; sản lượng sản phẩm thu hoạch đạt khoảng 400 tấn/năm, tương đương 16,2 tỷ đồng. Phần lớn diện tích cây lâm sản ngoài gỗ dưới tán rừng trên địa bàn tỉnh tập trung tại các vùng núi cao của các huyện Tuần Giáo, Mường Nhé, Nậm Pồ.

Sơn La là tỉnh miền núi có các mô hình phát triển kinh tế dưới tán rừng cho thu nhập cao, ổn định. Thống kê sơ bộ, trên địa bàn tỉnh hiện có hơn 25 mô hình kinh tế trang trại lâm nghiệp với thu nhập từ 100 triệu đến 200 triệu đồng/năm. Nhận thấy hiệu quả từ các mô hình này, tỉnh đã tổ chức cho các hộ dân đi tham quan học tập kinh nghiệm thực tế; cùng với đó, tổ chức các lớp tập huấn, đào tạo nghề nông nghiệp cho nông dân các dân tộc. Với chủ trương khuyến khích phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững, gắn với chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thu hút doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư các mô hình trồng cây dược liệu dưới tán rừng, dự án trồng rừng kết hợp trồng cây dược liệu dưới tán rừng. Nhiều mô hình đang mang lại hiệu quả kinh tế cao như mô hình trồng sa nhân tại xã Púng Bánh (huyện Sốp Cộp), xã Mường Giàng, xã Mường Giôn (huyện Quỳnh Nhai), mỗi năm thu nhập từ 15 triệu đến 30 triệu đồng/ha; dự án trồng sả chiết xuất tinh dầu sả của Hợp tác xã tinh dầu, dược liệu Mường La tại xã Pi Toong (huyện Mường La); dự án xây dựng vùng trồng cây dược liệu và chè Hibiscus, tại xã Chiềng Ðen, Chiềng Cọ (thành phố Sơn La); dự án phát triển nông nghiệp và chế biến dược liệu triển khai tại các xã Co Mạ, Long Hẹ, Mường Bám (huyện Thuận Châu); dự án trồng cây thảo dược và xây dựng nhà máy chế biến sản phẩm TDP tại Mộc Châu; dự án trồng rừng nguyên liệu vầu và cây dược liệu; dự án đầu tư khu sản xuất, chế biến kết hợp dịch vụ và du lịch dược liệu tại huyện Vân Hồ…

Gắn bảo vệ với phát triển rừng bền vững

Phát triển kinh tế rừng đi đôi với bảo vệ rừng bền vững đang trở thành nhiệm vụ quan trọng của các doanh nghiệp, tổ chức và hộ gia đình. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, diện tích đất rừng theo quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 39/2021/QH15 ngày 13/11/2021 là 15,849 triệu héc-ta; trong đó, đất rừng phòng hộ 5,229 triệu héc-ta; đất rừng đặc dụng 2,455 triệu héc-ta và đất rừng sản xuất 8,164 triệu héc-ta. Tổng diện tích đất có rừng đến nay là 14,745 triệu héc-ta; trong đó: rừng tự nhiên 10,171 triệu héc-ta; rừng trồng 4,573 triệu héc-ta. Tỷ lệ che phủ rừng đạt 42,02%. Hiện cả nước có 1,12 triệu chủ rừng, trong đó, có 1,1 triệu chủ rừng là tổ chức và 2.100 chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân. Về cơ bản, diện tích đất rừng đã giao cho các chủ rừng là các Ban quản lý rừng đặc dụng, Ban quản lý rừng phòng hộ, các hộ gia đình, cá nhân và các tổ chức kinh tế... được quản lý chặt chẽ, phát huy đúng mục đích sử dụng của từng loại rừng và diện tích rừng cũng được bảo vệ, phát triển ổn định, góp phần tích cực vào việc bảo vệ môi trường sinh thái.

Theo Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Lào Cai, toàn tỉnh hiện có tổng diện tích rừng là 353.043ha. Với việc xã hội hóa nghề rừng, thời gian qua công tác quản lý, bảo vệ rừng, nhất là rừng khoán cho các hộ gia đình, cộng đồng chăm sóc bảo vệ phát huy tốt, hiệu quả. Từ thực tiễn triển khai chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, địa phương đã huy động tốt các nguồn thu, từ đó đã giúp người dân có rừng nhận thức được vai trò, trách nhiệm và nghĩa vụ của mình trong thực hiện chính sách của Nhà nước, phương châm sống bằng nghề rừng ngày càng được nâng cao, độ che phủ rừng của toàn tỉnh qua các năm đều tăng, góp phần tạo công ăn, việc làm, xóa đói, giảm nghèo, cải thiện sinh kế của người dân, giúp người dân gắn bó với rừng. Nậm Nhùn (Lai Châu) là huyện miền núi còn gặp nhiều khó khăn, do cơ sở hạ tầng kinh tế-xã hội, giao thông chưa được đầu tư nhiều, cản trở lớn trong việc thu hút nguồn nhân lực, tiếp cận thị trường có sức tiêu thụ lớn. Mật độ dân cư phân bố không đồng đều, tỷ lệ hộ nghèo cao, phong tục, tập quán canh tác của người dân còn manh mún, nhỏ lẻ, mang tính tự cung, tự cấp; tổ chức sản xuất chưa hiệu quả, người dân và các doanh nghiệp chưa mạnh dạn đầu tư thâm canh để phát triển kinh tế rừng.

Phó Bí thư Huyện ủy Nậm Nhùn, Lù Văn Quân chia sẻ, từ năm 2012 đến nay thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng với hình thức là giao khoán rừng cho cộng đồng các bản quản lý, bảo vệ đã mang lại hiệu quả cao. Trong giai đoạn vừa qua tỉnh đã chỉ đạo hoàn thành công tác rà soát quy hoạch lại ba loại rừng. Theo đó, tổng diện tích đất quy hoạch cho lâm nghiệp sau rà soát, điều chỉnh quy hoạch ba loại rừng trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 là 817.890,4 ha, chiếm 58% tổng diện tích tự nhiên toàn tỉnh sau rà soát diện tích đất lâm nghiệp toàn tỉnh giảm 116.148,6ha đất lâm nghiệp để chuyển sang phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp kết hợp trên địa bàn theo chủ trương, định hướng của tỉnh. Cũng như các tỉnh miền núi phía bắc, Lai Châu đang gặp khó khăn trong công tác quy hoạch, giao đất, giao rừng do tính chất phức tạp của địa bàn miền núi, tập quán canh tác của người dân và lịch sử đất rừng trước đây để lại. Do đó, việc điều chỉnh chính sách phù hợp, kết hợp quản lý, bảo vệ rừng hiệu quả luôn đặt ra cho các cơ quan có trách nhiệm và người dân sống bằng nghề rừng của địa phương.

Sơn La là địa phương có tiềm năng, lợi thế về nguồn thu từ dịch vụ môi trường rừng. Thực tiễn trong những năm qua, chính sách đã tạo nguồn thu ổn định cho người dân sống bằng nghề rừng trên địa bàn tỉnh và có nhiều đóng góp cho công tác bảo vệ và phát triển rừng, tạo nguồn thu nhập bền vững cho các chủ rừng.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La Nguyễn Thành Công chia sẻ, chỉ tính riêng trong năm 2021, tỉnh đã thực hiện chi trả dịch vụ môi trường rừng hơn 178 tỷ đồng cho 40.000 chủ rừng với tổng diện tích rừng cung ứng dịch vụ môi trường rừng là 566.000ha. Ðây là nguồn lực động viên lớn để các chủ rừng yên tâm chăm sóc, bảo vệ diện tích rừng hiện còn và tiếp tục đầu tư phát triển thêm rừng cũng như cải thiện kinh tế, ổn định cuộc sống dưới tán rừng nhận giao khoán. Nhờ vào nguồn quỹ này cùng với việc khai thác hiệu quả thế mạnh của các loại cây trồng dược liệu dưới tán rừng, phát triển du lịch sinh thái, thu nhập của người dân ngày càng được cải thiện. Do đó, nhiều năm trở lại đây, ý thức bảo vệ rừng của người dân được nâng cao, số vụ việc vi phạm về rừng ngày càng giảm, các hộ gia đình, doanh nghiệp, cộng đồng dân cư coi việc bảo vệ rừng bền vững chính là lợi ích thiết thực mang lại hiệu quả kinh tế và môi trường sống cho họ…

(Còn nữa)