Kon Tum có diện tích rừng và đất lâm nghiệp là hơn 780 nghìn ha, diện tích có rừng là hơn 610 nghìn ha, diện tích chưa có rừng quy hoạch cho lâm nghiệp gần 170 nghìn ha, độ che phủ rừng là 63,12%.
Năm 2022, tỉnh Kon Tum phát hiện 83 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp, giảm 110 vụ so với cùng kỳ năm ngoái; khối lượng gỗ vi phạm là hơn 419m3 gỗ tròn, quy tròn các loại; diện tích thiệt hại hơn 32ha, giảm gần 42ha so với cùng kỳ.
Trong năm, đã khởi tố vụ án 17 vụ. Tòa án nhân dân các cấp đã đưa ra xét xử 4 vụ, tuyên phạt 20 bị cáo với tổng mức án 347 tháng tù giam, 65 tháng tù cho hưởng án treo, phạt cải tạo không giam giữ 60 tháng. Xử lý hành chính 63 vụ với tổng số tiền xử phạt gần 2 tỷ đồng.
Tính đến 17/11/2022 toàn tỉnh Kon Tum đã thực hiện trồng mới gần 5.300ha rừng (đạt 117,75% kế hoạch); trồng cây phân tán gần 1,6 triệu cây (đạt 263,61%); Sâm Ngọc Linh 95,590ha (đạt 19,12%); dược liệu khác 2.277,440ha (đạt 113,87%).
Thực hiện khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên gần 1.200ha. Khai thác gỗ rừng trồng hơn 64 nghìn m3; khai thác lâm sản ngoài gỗ: nhựa thông 104,4 tấn, cu ly 77,2 tấn, lồ ô 20 nghìn cây.
Năm 2023, tỉnh Kon Tum tiếp tục chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện tốt và có hiệu quả công tác phối hợp trong thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.
Tỉnh cũng tập trung rà soát, xác định và xử lý dứt điểm các điểm nóng vi phạm Luật Lâm nghiệp; điều tra, xác minh xử lý kịp thời, nghiêm minh và dứt điểm vi phạm Luật Lâm nghiệp; triển khai thực hiện tốt công tác phòng cháy, chữa cháy rừng; thường xuyên làm tốt công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật về Lâm nghiệp…
Tại Hội nghị, tỉnh Kon Tum cũng kiến nghị các Bộ, ngành liên quan đề nghị Chính phủ có chính sách để lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng được hưởng các chế độ: phụ cấp độc hại, nguy hiểm; phụ cấp thâm niên nghề và phụ cấp ưu đãi nghề...
Tỉnh đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sớm ban hành Nghị định về chính sách đầu tư bảo vệ và phát triển rừng, chế biến và thương mại lâm sản trong lâm nghiệp.
Đồng thời, tỉnh mong muốn Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiến nghị, báo cáo Chính phủ cho chủ trương thực hiện Tổng điều tra, kiểm kê rừng toàn quốc sớm hơn so với thời hạn quy định, nhằm tạo điều kiện tiến hành rà soát, điều tra, kiểm kê rừng sát với tình hình thực tế tại địa phương.