Ðại hội XIII của Ðảng khẳng định, kinh tế nhà nước là công cụ, lực lượng vật chất quan trọng để Nhà nước giữ ổn định kinh tế vĩ mô, định hướng, điều tiết, dẫn dắt thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, khắc phục các khuyết tật của cơ chế thị trường.
Là một thành phần trong đó, doanh nghiệp nhà nước có nhiệm vụ quan trọng là tập trung vào lĩnh vực then chốt, địa bàn quan trọng, quốc phòng, an ninh; hoạt động theo cơ chế thị trường, quản trị hiện đại theo chuẩn mực quốc tế; lấy hiệu quả kinh tế làm tiêu chí đánh giá chủ yếu, cạnh tranh bình đẳng với doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế. Ðây là những "địa bàn" rất dễ xảy ra tham nhũng, tiêu cực. Vì vậy, việc phòng, chống đấu tranh tham nhũng, tiêu cực trong khu vực doanh nghiệp Nhà nước càng phải kiên quyết, kiên trì.
Ðảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương đã ban hành các chỉ thị, kết luận về tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong Ðảng bộ Khối; Quy định về biện pháp ngăn chặn và xử lý cán bộ, đảng viên trong Ðảng bộ Khối có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và thực hiện chức trách nhiệm vụ được giao; Quy định về kiểm tra, giám sát việc kê khai tài sản của cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Ðảng ủy Khối quản lý...
Là một thành phần trong đó, doanh nghiệp nhà nước có nhiệm vụ quan trọng là tập trung vào lĩnh vực then chốt, địa bàn quan trọng, quốc phòng, an ninh; hoạt động theo cơ chế thị trường, quản trị hiện đại theo chuẩn mực quốc tế; lấy hiệu quả kinh tế làm tiêu chí đánh giá chủ yếu, cạnh tranh bình đẳng với doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế. Ðây là những "địa bàn" rất dễ xảy ra tham nhũng, tiêu cực.
Các cấp ủy trong Ðảng bộ Khối đã lãnh đạo xây dựng, ban hành đầy đủ, đồng bộ các quy chế, quy định nội bộ về quản lý tài chính, định mức chi tiêu, mua sắm, xây dựng cơ bản, công tác cán bộ, chuyển đổi vị trí công tác, minh bạch quy trình, thủ tục giải quyết nghiệp vụ; ban hành Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Trong năm 2022, Ðảng ủy Khối và các đảng ủy trực thuộc đã tiến hành kiểm tra, giám sát chuyên đề đối với 6.928 tổ chức đảng, 10.757 đảng viên; đã thi hành kỷ luật 274 tổ chức đảng và 219 đảng viên vi phạm.
Thời gian tới, các ban, đơn vị, các đảng ủy trực thuộc Ðảng ủy Khối tập trung tuyên truyền, nghiên cứu, học tập sâu rộng nội dung cuốn sách của đồng chí Tổng Bí thư gắn với việc quán triệt các chỉ thị, nghị quyết, quy chế, quy định của Trung ương, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; đưa việc học tập nội dung cuốn sách vào nội dung sinh hoạt chi bộ thường kỳ, sinh hoạt chuyên đề; thông qua đó, làm chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, thúc đẩy sự tự giác, thống nhất trong hành động của cán bộ, đảng viên và phát huy tinh thần gương mẫu của người đứng đầu cấp ủy, doanh nghiệp, đơn vị trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Trong năm 2022, Ðảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương và các đảng ủy trực thuộc đã tiến hành kiểm tra, giám sát chuyên đề đối với 6.928 tổ chức đảng, 10.757 đảng viên; đã thi hành kỷ luật 274 tổ chức đảng và 219 đảng viên vi phạm.
Cấp ủy, tổ chức đảng, ủy ban kiểm tra đảng ủy các cấp trong Ðảng bộ Khối tập trung kiểm tra, giám sát đối với cấp ủy viên các cấp, cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt diện cấp ủy quản lý về trách nhiệm nêu gương trong thực hiện các quy định của Ðảng và Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; thanh tra, kiểm tra, giám sát những lĩnh vực chuyên môn sâu, hoạt động có tính chất khép kín, bí mật dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực như: công tác cán bộ, quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên, khoáng sản, mua bán, chuyển nhượng tài sản, các dự án đầu tư lớn, mua sắm lớn, cổ phần hóa, thoái vốn trong tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, quản lý vốn, tài sản nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp, hoạt động huy động vốn, phát hành trái phiếu.
Các đảng ủy tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng lãnh đạo, chỉ đạo hội đồng thành viên/hội đồng quản trị, ban điều hành triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp phòng, chống tham nhũng, lãng phí; thực hiện nghiêm quy định về kiểm tra, kiểm soát kê khai tài sản, thu nhập, nhất là đối với người có chức vụ, quyền hạn, về công khai, minh bạch trong hoạt động của các doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị; đôn đốc, kiểm tra việc xây dựng và thực hiện quy tắc ứng xử, đạo đức nghề nghiệp, việc luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý và định kỳ chuyển đổi vị trí công tác đối với cán bộ theo quy định để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ■
LÊ VĂN CHÂU
Phó Bí thư Ðảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương
Luôn coi trọng xây dựng Đảng về đạo đức
Cuốn sách "Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, góp phần xây dựng Ðảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh" của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, là tác phẩm có giá trị về lý luận và thực tiễn của Ðảng ta.
Cuốn sách tập hợp các bài viết tổng quan về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được đúc rút từ kinh nghiệm thực tiễn phong phú, thể hiện sự chỉ đạo sâu sát, quyết liệt, toàn diện và đầy sức thuyết phục của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, góp phần làm sáng rõ bước phát triển nhận thức, tư duy lý luận của Ðảng ta về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Tình hình cho thấy tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên chậm bị đẩy lùi, có mặt, có bộ phận còn diễn biến tinh vi, phức tạp hơn; tham nhũng, lãng phí, tiêu cực vẫn còn nghiêm trọng, tập trung vào một số đảng viên có chức vụ trong bộ máy nhà nước…
Thực tế đang đòi hỏi các tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị, địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, pháp luật; nâng cao chất lượng công tác kiểm tra, giám sát, khen thưởng, kỷ luật; thực hiện chức năng giám sát, phản biện xã hội của MTTQ đối với các cấp ủy đảng và chính quyền địa phương thường xuyên, toàn diện và hiệu quả hơn. Gắn liền thực hiện tốt việc nêu gương, nhất là của tập thể lãnh đạo, người đứng đầu các cấp; đa dạng các kênh thông tin và tiếp nhận phản ánh của quần chúng về các hành vi tham nhũng, tiêu cực, tổng hợp, báo cáo đến các đơn vị chức năng để có biện pháp xử lý.
Mặt khác, cần nhận thức rõ phòng, chống tham nhũng là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, nhưng trách nhiệm chính thuộc về các cơ quan Ðảng, Nhà nước. Cơ quan Ðảng, Nhà nước là những thiết chế nắm giữ quyền lực công, là cơ quan công quyền, được Ðảng, Nhà nước giao trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo triển khai, tổ chức thực hiện và kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, quy định của Ðảng, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng. Ðẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong các cơ quan Ðảng, Nhà nước là bước hiện thực hóa các chủ trương, quan điểm nêu trên và là giải pháp quan trọng để xây dựng Ðảng về đạo đức.
Có thể thấy tại Quy định số 08-QÐi/TW (khóa XII) về trách nhiệm nêu gương của các đồng chí cán bộ, đảng viên, trước hết là các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Ðảng khẳng định: Cán bộ, đảng viên giữ chức vụ càng cao càng phải gương mẫu nêu gương. Quy định số 41-QÐ/TW (khóa XIII) về việc từ chức, miễn nhiệm đối với cán bộ, đảng viên cũng xác định cụ thể những căn cứ từ chức, miễn nhiệm đối với cán bộ, đặc biệt là liên quan đến trách nhiệm người đứng đầu. Kết luận số 20-TB/TW của Bộ Chính trị (tháng 9/2022) về chủ trương bố trí công tác đối với cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý sau khi bị kỷ luật. Thiết nghĩ, theo đó Ðảng ta cần thực hiện nghiêm chủ trương khuyến khích cán bộ bị kỷ luật, cảnh cáo hoặc khiển trách mà năng lực hạn chế, uy tín giảm sút tự nguyện xin từ chức. Nếu không tự nguyện xin từ chức thì cấp có thẩm quyền xem xét miễn nhiệm theo quy định.
Ðảng ta là Ðảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Cùng với xây dựng Ðảng về chính trị, tư tưởng và tổ chức, xây dựng Ðảng về đạo đức tạo thành các trụ cột vững chắc, gắn bó chặt chẽ với nhau, tác động tích cực lên nhau, góp phần bảo đảm cho Ðảng có thêm sức mạnh để lãnh đạo Nhà nước và xã hội…■
TRẦN ÐÌNH LONG
(Cán bộ hưu trí phường Ðồng Tâm, thành phố Yên Bái)