Nghiên cứu và vận dụng các quan điểm trong cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vào thực tiễn Quảng Nam

NDO - Ngày 12/4, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam phối hợp Học viện Chính trị khu vực III tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề Nghiên cứu và vận dụng các quan điểm trong cuốn sách “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vào thực tiễn tỉnh Quảng Nam.
0:00 / 0:00
0:00
Quang cảnh Hội thảo.
Quang cảnh Hội thảo.

Các đồng chí Phan Việt Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh; Lê Văn Dũng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam; Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đoàn Triệu Long, Giám đốc Học viện Chính trị khu vực III và Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Hòa, Phó Giám đốc Học viện Chính trị khu vực III chủ trì hội thảo.

Dự hội thảo có đồng chí Lê Trí Thanh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh cùng các đồng chí lãnh đạo tỉnh; đại diện các sở, ban, ngành, địa phương; các nhà nghiên cứu, các nhà khoa học…

Phát biểu tại hội thảo, Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường cho biết, Hội thảo khoa học “Nghiên cứu và vận dụng các quan điểm trong cuốn sách “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vào thực tiễn tỉnh Quảng Nam” nhằm mục đích khẳng định, nghiên cứu luận giải những giá trị, ý nghĩa trong cuốn sách. Từ đó, vận dụng xây dựng luận cứ khoa học, hoạch định chủ trương, đề ra nhiệm vụ, giải pháp đột phá để phát triển tỉnh Quảng Nam trong thời gian đến.

Trình bày báo cáo đề dẫn tại hội thảo, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đoàn Triệu Long, Giám đốc Học viện Chính trị khu vực III, Ủy viên Hội đồng lý luận Trung ương cho rằng: Cuốn sách “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thể hiện tư tưởng xuyên suốt, nhất quán, kiên định và sự phát triển sáng tạo, hoàn thiện tư duy lý luận, nhận thức về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam mà Đảng và nhân dân ta đã lựa chọn; về mục tiêu, định hướng và giải pháp xây dựng đất nước trong bối cảnh mới; giúp cán bộ, đảng viên và nhân dân hiểu rõ, nắm vững, quán triệt, tổ chức thực hiện thành công chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, tâm nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại và ước vọng của toàn dân tộc.

Do vậy, việc nghiên cứu các quan điểm trong cuốn sách “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”và vận dụng vào thực tiễn đối với các địa phương trong cả nước nói chung, tỉnh Quảng Nam nói riêng là hết sức cần thiết.

Hội thảo đã cung cấp những luận cứ khoa học phục vụ cho công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng và hoạch định đường lối, chính sách phát triển các địa phương nói chung và tỉnh Quảng Nam nói riêng.

Tại hội thảo, các ý kiến tham luận, thảo luận đã làm rõ nội dung cốt lõi; khẳng định giá trị khoa học, tính thời sự sâu sắc của cuốn sách về những vấn đề lớn của đất nước, như: Quan điểm về quá độ bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam; về kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; về phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; về phát triển văn hoá, con người Việt Nam; về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc…

Hội thảo đã cung cấp những luận cứ khoa học phục vụ cho công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng và hoạch định đường lối, chính sách phát triển các địa phương nói chung và tỉnh Quảng Nam nói riêng. Đồng thời, là cơ sở để quán triệt, tuyên truyền nâng cao nhận thức, sự thống nhất về tư tưởng và hành động của cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân; phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; tạo sự đồng thuận trong toàn xã hội về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.

Hội thảo cũng đã phân tích, đánh giá, cụ thể hóa và vận dụng các nội dung cốt lõi trong cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vào thực tiễn tỉnh Quảng Nam một cách toàn diện trên nhiều khía cạnh, lĩnh vực như: Định hướng và khát vọng phát triển Quảng Nam; công nghiệp hoá, hiện đại hoá, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn; xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đổi mới hệ thống chính trị; thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; phát triển văn hoá, con người Quảng Nam; phát triển giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực, phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; xây dựng và phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc; bảo đảm quốc phòng, an ninh…

Đáng nói tại hội thảo này, đã đề xuất các quan điểm, định hướng, nhiệm vụ trọng tâm và các giải pháp đột phá nhằm phát triển tỉnh Quảng Nam trước những yêu cầu khách quan của bối cảnh mới. Nhiều vấn đề lý luận và thực tiễn đã được trao đổi, thảo luận, thống nhất; đồng thời, đã gợi mở nhiều vấn đề thiết thực và cấp bách cần tiếp tục nghiên cứu nghiêm túc, công phu trên nhiều phương diện khác nhau.