Tăng cường năng lực hệ thống thủy lợi ứng phó biến đổi khí hậu

Việt Nam là một trong những quốc gia chịu nhiều ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu. Những năm gần đây, hạn hán, xâm nhập mặn đến sớm và kéo dài hơn ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp ở Đồng bằng sông Cửu Long; bão, lũ lụt ở miền trung gây ra nhiều thảm họa hơn… Để giải quyết những thách thức này, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 847/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch phòng, chống thiên tai và thủy lợi thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, đây là quy hoạch quan trọng, có ý nghĩa rất lớn đối với công tác thủy lợi và phòng chống thiên tai trong thời gian tới.
0:00 / 0:00
0:00
Đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra việc lấy nước gieo cấy lúa đông xuân.
Đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra việc lấy nước gieo cấy lúa đông xuân.

Hiện nay, cả nước có hơn 86.200 công trình thủy lợi, gồm 6.750 hồ chứa thủy lợi và 592 đập dâng, 19.416 trạm bơm, 27.754 cống và 291.013 km kênh mương các loại. Theo Phó Cục trưởng Thủy lợi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Lương Văn Anh: “Với hệ thống công trình thủy lợi đã được xây dựng bảo đảm tưới cho 6,889 triệu héc-ta lúa, trong đó vụ đông xuân là 2,870 triệu héc-ta, hè thu 1,80 triệu héc-ta, mùa 1,455 triệu héc-ta và thu đông 698.000 ha”.

Ngoài ra, các công trình thủy lợi cũng cấp nước cho hơn 686.000 ha nuôi trồng thủy sản và cấp nước cho 951 khu công nghiệp với tổng lưu lượng khoảng 6,2 triệu mét khối/ngày, đêm. Các công trình thủy lợi góp phần quan trọng điều hòa nguồn nước, phòng chống thiên tai liên quan đến nước như: Hạn hán, xâm nhập mặn, lũ lụt…; bảo đảm an ninh nguồn nước, bảo vệ môi trường sinh thái gắn với nước. Qua thống kê, trên địa bàn cả nước có 55.138 km đê, phân bổ ở 50 địa phương, trong đó đê từ cấp 3 đến đặc biệt tập trung chủ yếu ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ…

Mặc dù các hệ thống thủy lợi và phòng chống thiên tai hiện nay phục vụ tốt cho chuyển dịch cơ cấu kinh tế trên các lưu vực sông. Tuy nhiên, vấn đề phát triển tại thượng nguồn các lưu vực sông liên quốc gia như: Xây dựng hồ thủy điện, gia tăng sản xuất nông nghiệp, khai thác tài nguyên nước quá mức… ảnh hưởng lớn đến công tác phòng chống thiên tai và thủy lợi. Bên cạnh đó, một số hệ thống các công trình thủy lợi và phòng chống thiên tai được xây dựng từ lâu hiện nay xuống cấp, không bảo đảm năng lực thiết kế.

Một số nơi nhiều công trình được xây dựng thủ công, kênh mương bồi lắng... không bảo đảm phục vụ theo thiết kế, dẫn tới nhiều diện tích thường xuyên bị ngập úng. Hơn nữa, nhiều khu vực chất lượng đê chưa tốt; việc quản lý sử dụng bãi sông, bảo vệ không gian thoát lũ... nhiều bất cập, dẫn tới suy giảm khả năng thoát lũ. Tình trạng lũ quét, sạt lở đất có nguy cơ cao xảy ra tại khu vực trung du miền núi phía bắc, miền trung…; sạt lở bờ sông, biển ngày càng nghiêm trọng và phức tạp dưới tác động của khai thác nguồn nước, khoáng sản và ảnh hưởng của biến đổi khí hậu...

Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết: “Hiện nay, đáy nhiều dòng sông ngày càng bị bào mòn, riêng sông Hồng mỗi năm giảm 1cm, như vậy trong vòng 10 năm sẽ hạ thấp 1m. Tất cả các công trình gắn với dòng sông này đang trơ đáy dẫn đến việc khó khăn trong lấy nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt, ô nhiễm môi trường. Còn ở Đồng bằng sông Cửu Long, những năm gần đây hạn hán, xâm nhập mặn đến sớm và kéo dài, nguy cơ ngày càng khốc liệt hơn; lũ lụt ở miền trung ngày càng cực đoan”.

Quy hoạch phòng, chống thiên tai và thủy lợi thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 sẽ giúp nâng cao hiệu quả hệ thống công trình thủy lợi, hạn chế những rủi ro thiên tai gây ra. Trưởng phòng Quản lý quy hoạch (Cục Thủy lợi) Hoàng Anh Tuấn cho biết: “Mục tiêu cụ thể đến năm 2030, cấp nước tưới chủ động cho diện tích lúa hai vụ với tần suất bảo đảm 85% (riêng vùng Đồng bằng sông Hồng bảo đảm từ 85 đến 90%).

Đối với các vùng khó khăn về nguồn nước và giải pháp thủy lợi (miền núi, biên giới, ven biển, hải đảo) bảo đảm từ 75 đến 85%, kết hợp các giải pháp tưới tiết kiệm nước. Cấp nước tưới bảo đảm cho 70% diện tích cây trồng cạn, nâng dần tần suất bảo đảm tưới cho rau màu lên 90%, cây ăn quả và cây công nghiệp lâu năm từ 90 đến 95%. Bảo đảm cấp đủ nước cho gia súc, gia cầm với khoảng 10,5 triệu con. Cấp nước và thoát nước chủ động cho 1,35 triệu héc-ta nuôi trồng thủy sản thâm canh tập trung”. Cùng với đó là bổ sung nguồn nước trên sông, kênh, hệ thống thủy lợi bị ô nhiễm, góp phần cải tạo môi trường, bảo đảm chất lượng nước đáp ứng yêu cầu sử dụng nước.

Chủ động nguồn nước tại chỗ cho sinh hoạt ở các khu vực bị ảnh hưởng của hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn; chú trọng một số vùng đặc biệt khó khăn về nguồn nước, vùng thường xuyên chịu ảnh hưởng của hạn hán, xâm nhập mặn, lũ, ngập lụt, úng; chủ động kiểm soát mặn, ngọt tại các vùng cửa sông, vùng ven biển; bảo đảm tiêu, thoát nước qua công trình thủy lợi cho khoảng 3,5 triệu héc-ta diện tích đất sản xuất nông nghiệp, thủy sản và diện tích đất đô thị, công nghiệp...

Trên hệ thống sông Hồng-Thái Bình chống lũ với tần suất 0,33% đối với khu vực chịu ảnh hưởng điều tiết của các hồ chứa lớn ở thượng lưu; hệ thống sông Mã, sông Cả vùng hạ lưu chống lũ với tần suất từ 0,6 đến 1%; sông Hương bảo đảm thoát lũ với tần suất 7%; hạ lưu sông Trà Khúc bảo đảm thoát lũ với tần suất 10%.

Tầm nhìn đến năm 2050, cấp nước tưới chủ động cho toàn bộ diện tích lúa được tưới với tần suất bảo đảm tối thiểu 85%, riêng vùng Đồng bằng sông Hồng bảo đảm 90 đến 95%; chủ động với các kịch bản cực đoan, nâng cao tỷ lệ tưới tiết kiệm nước. Nâng diện tích cây trồng cạn được tưới lên 100% với tần suất bảo đảm tưới từ 90 đến 95%; bảo đảm cấp đủ nước cho 13 triệu con gia súc, gia cầm; cấp, thoát nước chủ động cho hơn 1,4 triệu ha nuôi trồng thủy sản thâm canh tập trung; khắc phục hoàn toàn tình trạng ô nhiễm nguồn nước trên các sông, kênh, hệ thống thủy lợi…

Để thực hiện các mục tiêu nêu trên, các bộ, ngành, địa phương cần rà soát, sửa đổi hoàn thiện một số cơ chế chính sách đặc thù để huy động nguồn lực đầu tư, quản lý, khai thác công trình thủy lợi, cấp nước sinh hoạt nông thôn, công trình phòng, chống thiên tai. Đồng thời củng cố, kiện toàn các tổ chức quản lý, khai thác để vận hành, khai thác hiệu quả và bảo đảm an toàn các công trình thủy lợi; thực hiện các chương trình đào tạo nhân lực trong lĩnh vực chuyển đổi số, ứng dụng và phát triển công nghệ mới; ưu tiên công nghệ số trong quản lý, đầu tư hạ tầng và dịch vụ công trong lĩnh vực thủy lợi, phòng, chống thiên tai.

Mặt khác cần nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng khoa học-công nghệ trong quy hoạch, thiết kế, xây dựng, quản lý, vận hành công trình thủy lợi, phòng chống thiên tai; nâng cao năng lực quan trắc, cảnh báo lũ, lũ quét, lụt, hạn hán, thiếu nước, sạt lở; ứng dụng khoa học-công nghệ, vật liệu mới trong thiết kế, xây dựng công trình thủy lợi, phòng chống thiên tai; nghiên cứu, phát triển, ứng dụng khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo để sử dụng nước tiết kiệm, an toàn, tuần hoàn, tái sử dụng nước; ứng dụng khoa học-công nghệ trong phục hồi nguồn nước tại các hệ thống thủy lợi bị ô nhiễm; bảo vệ môi trường, kiểm soát chất lượng nước cũng như quản lý, xử lý hiệu quả nguồn gây ô nhiễm nguồn nước trong các công trình thủy lợi.

Cùng với đó cần tăng cường hợp tác quốc tế nhằm trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, chuyển giao công nghệ trong đầu tư xây dựng, quản lý, khai thác và vận hành công trình thủy lợi, phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu.