Tăng cường liên kết, quảng bá du lịch đồng bằng sông Cửu Long

NDO - Ngày 29/3, tại thành phố Cần Thơ, Hiệp hội Du lịch đồng bằng sông Cửu Long phối hợp Báo Kinh tế & Đô thị tổ chức hội thảo: “Xây dựng, phát triển tour, tuyến và các sản phẩm đặc thù của du lịch đồng bằng sông Cửu Long”.
0:00 / 0:00
0:00
Du khách vui chơi ở khu du lịch sinh thái huyện Phong Điền, Cần Thơ.
Du khách vui chơi ở khu du lịch sinh thái huyện Phong Điền, Cần Thơ.

Đồng bằng sông Cửu Long là vùng đất có nhiều tiềm năng để phát triển nhiều loại hình du lịch đặc trưng như du lịch sinh thái miệt vườn, sông nước, biển đảo và du lịch tâm linh...

Trong những năm qua, du lịch vùng đã có nhiều chuyển biến tích cực, nhất là trong công tác truyền thông, quảng bá, hình thành các tour, tuyến du lịch kết nối các khu di tích lịch sử nổi tiếng, điểm văn hóa đặc sắc để thu hút đông đảo du khách trong nước và quốc tế.

Năm 2023, tổng số khách đến “vùng đất Chín rồng” đạt gần 45 triệu lượt, tăng 20,4% so cùng kỳ năm 2022; trong đó, khách quốc tế hơn 1,8 triệu lượt, tăng hơn 3 lần so với năm 2022. Doanh thu đạt gần 46 nghìn tỷ đồng, tăng 42,6% so cùng kỳ 2022.

Tuy nhiên, du lịch vùng chưa phát huy thế mạnh, tiềm năng để thu hút đông du khách do sự liên kết giữa các địa phương trong vùng và giữa vùng với các vùng khác trong cả nước chưa chặt chẽ.

Cùng với đó, sản phẩm du lịch và cách làm du lịch khá giống nhau, thiếu sản phẩm đặc thù của từng địa phương; công tác xúc tiến, quảng bá còn hạn chế; khó khăn về hạ tầng trong xây dựng, phát triển tour, tuyến và sản phẩm du lịch đặc thù…

Tăng cường liên kết, quảng bá du lịch đồng bằng sông Cửu Long ảnh 1

Hiệp hội Du lịch đồng bằng sông Cửu Long trao chứng nhận điểm du lịch tiêu biểu cho các đơn vị trong khu vực.

Tại hội thảo, các nhà quản lý, doanh nghiệp du lịch trình bày hơn 20 tham luận chuyên sâu, có tính nghiên cứu, phân tích những khó khăn, hạn chế để đưa ra những kiến giải nhằm góp phần phục hồi và phát triển ngành công nghiệp không khói của các tỉnh, thành phố khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

Các đại biểu cho rằng, để du lịch vùng thu hút đông du khách, Hiệp hội Du lịch đồng bằng sông Cửu Long cần tăng cường liên kết, xúc tiến, quảng bá trong chuỗi du lịch giữa các địa phương trong vùng với vùng Thành phố Hồ Chí Minh, các vùng miền của cả nước cũng như các nước tiểu vùng sông Mekong để thu hút du khách.

Các địa phương có cơ chế, chính sách ưu đãi về thuế, đất đai để thu hút các doanh nghiệp, công ty lữ hành đầu tư xây dựng các tour, tuyến, sản phẩm du lịch đặc thù gắn với nét đặc trưng của vùng; tháo gỡ những khó khăn, bất cập về giao thông hàng không, giao thông thủy góp phần thúc đẩy phát triển du lịch…

Dịp này, Hiệp hội Du lịch đồng bằng sông Cửu Long trao chứng nhận điểm du lịch tiêu biểu cho các đơn vị, doanh nghiệp trong khu vực.