Đồng bằng sông Cửu Long được mùa mía

Người trồng mía ở Đồng bằng sông Cửu Long đón Xuân mới Giáp Thìn 2024 với niềm vui trúng mùa, được giá. Mía nguyên liệu được các công ty mía đường thu mua 1.320 đồng/kg, mức giá cao nhất từ trước đến nay.
0:00 / 0:00
0:00
Nông dân huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng thu hoạch mía.
Nông dân huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng thu hoạch mía.

Với điều kiện đất đai, khí hậu, lao động thích hợp, diện tích trồng mía tại các huyện Trà Cú, Tiểu Cần của tỉnh Trà Vinh; huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng có thời điểm từng vượt hơn 19.000 ha…

Theo nhiều nông dân ở huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh, niên vụ mía 2023-2024, chi phí dịch vụ máy móc; nhiên liệu; thuê nhân công tăng nhưng giá phân bón có giảm so với năm trước. Hầu hết người trồng mía phấn khởi bởi năng suất tăng, mía bán với giá cao.

Ông Lý Văn Toàn ở ấp Lưu Cừ 1, xã Lưu Nghiệp Anh, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh cho biết, niên vụ 2023-2024, gia đình ông trồng 0,9 ha mía, Công ty Mía đường Trà Vinh thu mua mía cây với giá 1.300 đồng/kg cộng với các khoản hỗ trợ khác, gia đình ông có lợi nhuận hơn 45 triệu đồng.

Ông Toàn chia sẻ thêm, thời điểm mía rớt giá, hộ trồng bị lỗ, nhiều người đã chuyển sang cây trồng, vật nuôi khác, hoặc bỏ đất hoang đi lao động thuê tại Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương,… Ba niên vụ mía gần đây, Công ty Mía đường Trà Vinh thực hiện chính sách hỗ trợ, ký kết tiêu thụ mía nguyên liệu giúp người trồng mía có lợi nhuận khá cao, nên nhiều nông dân đã mạnh dạn đầu tư trồng mía trở lại. Nếu Công ty Mía đường Trà Vinh tiếp tục duy trì sự hỗ trợ như hiện nay, thu mua mía nguyên liệu giá từ 1.100 đồng/kg trở lên, đời sống người trồng mía sẽ ổn định…

Trước đây, diện tích mía của xã Lưu Nghiệp Anh có thời điểm lên đến 1.800 ha, năng suất bình quân đạt 110 tấn mía cây/ha. Lúc mía trúng mùa, được giá, nhiều hộ dân ở đây đã xây nhà ở khang trang và sắm sửa đủ tiện nghi sinh hoạt gia đình. Niên vụ mía 2023-2024 này, xã Lưu Nghiệp Anh có khoảng 600 hộ trồng 524 ha mía. Đến nay, hộ trồng mía đã thu hoạch xong mía cây, năng suất bình quân ước hơn 110 tấn/ha. Sau khi trừ chi phí đầu tư, hộ trồng mía trên địa bàn xã có lợi nhuận khoảng 50 triệu-60 triệu đồng/ha.

Ông Huỳnh Văn Thảo, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Trà Cú, thông tin, vùng mía nguyên liệu huyện Trà Cú chiếm hơn 80% diện tích đất trồng mía toàn tỉnh Trà Vinh. Trước đây, người trồng mía bị thua lỗ liên tục nên diện tích mía của huyện giảm dần từng năm. Niên vụ năm 2023-2024, toàn huyện có hơn 1.200 ha mía, đạt 102% so với kế hoạch đề ra. Nhiều khả năng vùng nguyên liệu mía của tỉnh sẽ tăng dần trở lại diện tích do giá mía ổn định ở mức khá cao và chính sách hỗ trợ mở rộng vùng nguyên liệu từ phía công ty mía đường.

Tại huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng, nông dân rất phấn khởi khi mía trúng mùa, được giá. Ông Trương Văn Bảnh ở xã Đại Ân 1, huyện Cù Lao Dung cho hay, liên tục ba niên vụ mía gần đây, gia đình ông được Công ty Mía đường Sóc Trăng ký hợp đồng tiêu thụ mía nguyên liệu. Được công ty hỗ trợ giống, phân bón, máy móc, gia đình ông Bảnh đã mạnh dạn đầu tư 1,3 ha ruộng trồng mía. Niên vụ mía 2023-2024 này, gia đình ông Bảnh đạt lợi nhuận hơn 70 triệu đồng.

Theo tính toán của các hộ trồng mía ở huyện Cù Lao Dung, chi phí đầu tư một héc-ta mía từ đầu đến thu hoạch khoảng 25 triệu đồng, nếu đó là ruộng mía sau thu hoạch chừa lại gốc để phát triển vụ mía mới. Đối với ruộng mía trồng mới, chi phí đầu tư 1 ha hơn 80 triệu đồng…

Từ năm 2019 đến nay, Công ty Mía đường Sóc Trăng thực hiện ký kết hợp đồng bao tiêu mía nguyên liệu cho người trồng mía tại huyện Cù Lao Dung. Theo ông Mai Văn Lâm, thành viên Hợp tác xã mía xã Đại Ân 1, các thành viên của gia đình ông canh tác 6 ha mía.

Hằng năm, gia đình ông đều ký kết hợp đồng tiêu thụ mía nguyên liệu với Công ty Mía đường Sóc Trăng. Công ty còn hỗ trợ tiền vốn không tính lãi để nông dân đầu tư giống mía, vật tư nông nghiệp, kể cả thuê mướn nhân công lao động. Chi phí đầu tư được công ty hỗ trợ đến thu hoạch mía mới trả lại. Nhờ vậy, người trồng mía không còn phải lo lắng thiếu vốn khi tái mùa vụ trồng mía.

“Vụ mía này, sản lượng thu về hơn 660 tấn, giá bán mía tại ruộng là 1.150 đồng/kg, trừ chi phí, lợi nhuận hơn 350 triệu đồng. Tới đây, các thành viên gia đình tôi sẽ duy trì diện tích trồng mía 6 ha, vì đầu ra cây mía rất tốt”, ông Lâm cho biết thêm.

Ông Lê Anh Dương, Phó Tổng Giám đốc Công ty Mía đường Trà Vinh cho biết, công ty đã ký kết với nông dân trong tỉnh để phát triển vùng mía nguyên liệu với diện tích khoảng 1.000 ha. Công ty thực hiện hỗ trợ nông dân bình quân 10 tấn giống và 1,4 tấn phân bón cho mỗi héc-ta mía, kèm theo tám triệu đồng tiền làm đất mà không tính lãi.

Đối với đất kém hiệu quả chuyển đổi sang trồng mía, công ty hỗ trợ ba triệu đồng/ha không hoàn lại. Công ty còn ký bảo hiểm giá mía cam kết thu mua với mức giá tối thiểu là 1.100 đồng/kg với điều kiện nông dân phải ký hợp đồng nhận đầu tư và cam kết cung cấp đủ sản lượng mía nguyên liệu. Công ty mong muốn địa phương tiếp tục vận động nhân dân chuyển đổi đất kém hiệu quả sang trồng mía nhằm tăng diện tích vùng mía nguyên liệu lên khoảng 3.000 ha…

Theo quy hoạch vùng nguyên liệu mía tỉnh Trà Vinh, diện tích toàn tỉnh khoảng 5.800 ha, năng suất bình quân khoảng 129 tấn/ha, chữ đường bình quân 10,5 CCS, công suất nhà máy chế biến đường 5.000 tấn mía cây/ngày, giá trị sản xuất bình quân 149 triệu đồng/ha. Phấn đấu đến năm 2030, đầu tư thâm canh diện tích mía hiện có, áp dụng công nghệ tiên tiến, đưa năng suất bình quân đạt từ 130-140 tấn/ha, chữ đường bình quân 11 CCS, giá trị sản xuất bình quân 162 triệu đồng/ha.

Theo các chuyên gia ngành mía đường, để giữ ổn định vùng mía nguyên liệu đáp ứng nhu cầu sản xuất của nhà máy, các địa phương, doanh nghiệp, nông dân sớm khắc phục các hạn chế về năng suất, công nghệ, giá thành sản xuất. Cùng với đó, đổi mới khâu tổ chức sản xuất; khai thác tối đa đất đai để tăng diện tích, cơ giới hóa sản xuất, tăng cường quản lý giống; đổi mới công nghệ chế biến để giảm chi phí sản xuất, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường.