Kết nối đồng bộ giao thông Đồng bằng sông Cửu Long

Ðón Xuân Giáp Thìn năm 2024, người dân vùng Ðồng bằng sông Cửu Long rất hân hoan, phấn khởi khi cầu Mỹ Thuận 2 và tuyến đường cao tốc Mỹ Thuận-Cần Thơ được đưa vào khai thác. Mạng lưới giao thông vận tải sẽ kết nối liên vùng khi các dự án giao thông trọng điểm hoàn thành, đưa vào sử dụng.
0:00 / 0:00
0:00
Trên công trường cầu Ðại Ngãi 2, phía huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng.
Trên công trường cầu Ðại Ngãi 2, phía huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng.

Thời gian qua, Ðảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm phát triển hạ tầng giao thông và sáu vùng kinh tế-xã hội. Tuy nhiên, hạ tầng giao thông vẫn là điểm yếu của vùng Ðồng bằng sông Cửu Long, đòi hỏi giải quyết có trọng tâm, trọng điểm.

Đầu tư trọng tâm, trọng điểm

Theo yêu cầu của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương cần thực hiện nghiêm túc, quyết liệt chủ trương, đường lối, chính sách của Ðảng, Nhà nước để phát triển đồng bộ các loại hình vận tải tại Ðồng bằng sông Cửu Long. Trong đó, từ nay đến năm 2025, tập trung thúc đẩy xây dựng các tuyến cao tốc trục dọc, tuyến trục ngang đông-tây, nhiều tuyến đường vành đai, quốc lộ, tỉnh lộ, nhiều cầu mới,...

Tháng 10/2023, tại huyện Tiểu Cần, Bộ Giao thông vận tải phối hợp hai tỉnh Trà Vinh, Sóc Trăng tổ chức khởi công dự án đầu tư xây dựng cầu Ðại Ngãi bắc qua sông Hậu. Ðây là công trình giao thông đường bộ cấp đặc biệt, vốn đầu tư 7.962 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước.

Dự án do Ban Quản lý dự án 85 (Bộ Giao thông vận tải) làm chủ đầu tư, với tổng chiều dài hơn 15,14 km, điểm đầu giao Quốc lộ 54, xã Hùng Hòa, huyện Tiểu Cần, tỉnh Trà Vinh; điểm cuối giao Quốc lộ Nam Sông Hậu, xã Long Ðức, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng. Ðường dẫn hai bên cầu Ðại Ngãi được đầu tư giai đoạn 1 rộng 12 m, hai làn xe, vận tốc thiết kế 80 km/giờ, sau này sẽ hoàn chỉnh lên bốn làn xe.

Ðây là cầu thứ tư bắc qua sông Hậu sau các cầu Cần Thơ, Vàm Cống, Châu Ðốc, dự kiến hoàn thành vào năm 2026. Tại công trường cầu Ðại Ngãi 2, huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng, kỹ sư Nguyễn Tài Mạnh cho biết: Ðể kịp tiến độ, hơn 300 kỹ sư và công nhân được chia ra ba ca, bốn kíp và phải hoạt động liên tục xuyên Tết Nguyên đán.

Ðến nay, tiến độ của cầu Ðại Ngãi 2 đạt hơn 14% khối lượng. Trong đó, phần tuyến và các công trình trên tuyến đã cơ bản hoàn thành công tác phát quang, dọn dẹp; phần cầu gồm cầu Ðại Ngãi 2 và năm cầu trên tuyến đã thi công xong cọc khoan nhồi D2000, 61% cọc D1500, 30% cọc D1200,…

Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án 85 Vương Ðình Ðồng cho biết, với dự án cầu Ðại Ngãi, Bộ Giao thông vận tải cùng với các bộ, ngành liên quan đã chỉ đạo quyết liệt và có những biện pháp hiệu quả đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị để triển khai dự án, thời gian được rút ngắn 11 tháng. Ðến nay, các đơn vị trúng thầu đang khẩn trương thi công ba ca, bốn kíp, vượt nắng, thắng mưa để dự án bảo đảm tiến độ, chất lượng, kỹ thuật, mỹ thuật, an toàn, giữ gìn vệ sinh môi trường.

Lâu nay, do kết cấu hạ tầng giao thông còn yếu kém, tỉnh An Giang chưa có điều kiện phát triển nhanh, bền vững. Tết đến, Xuân về, người dân, doanh nghiệp trên địa bàn thị xã Tân Châu, thành phố Châu Ðốc phấn khởi mong tháng 4/2024 địa phương sẽ khánh thành, đưa vào sử dụng cầu Châu Ðốc bắc qua sông Hậu. Bên cạnh đó, dự án thành phần 1, thuộc dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Châu Ðốc-Cần Thơ-Sóc Trăng, đoạn qua địa bàn tỉnh dài 56,4 km được thiết kế với sáu làn xe, vận tốc 100 km/giờ đã được khởi công.

Giám đốc Trung tâm Xúc tiến và Ðầu tư tỉnh An Giang Lê Trung Hiếu thông tin, nhiều năm qua, bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước, vốn vay ODA, nhiều dự án giao thông có tính kết nối khu vực, liên vùng đã được hoàn thành; cầu Cao Lãnh, cầu Vàm Cống, tuyến Lộ Tẻ-Rạch Sỏi, cao tốc Mỹ Thuận-Cần Thơ kết nối giữa các địa phương trong vùng, giúp cho việc lưu thông giữa các tỉnh Ðồng bằng sông Cửu Long với Thành phố Hồ Chí Minh được thuận tiện hơn. Cầu Châu Ðốc, tuyến đường tránh thành phố Long Xuyên, đoạn cao tốc Châu Ðốc-Cần Thơ-Sóc Trăng đưa vào khai thác sẽ tạo đột phá cho phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh. Tháo gỡ được điểm nghẽn về hạ tầng giao thông, tỉnh sẽ phát huy lợi thế đầu mối giao thương hàng hóa, dịch vụ của vùng với thị trường Campuchia.

Tạo động lực phát triển kinh tế-xã hội

Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Trà Vinh có nhiều dự án giao thông trọng điểm như cải tạo, nâng cấp các tuyến Quốc lộ 53, 54, 60; cầu Cổ Chiên nối Trà Vinh-Bến Tre; luồng cho tàu biển tải trọng lớn vào sông Hậu giai đoạn 1, 2 đưa vào khai thác đã hình thành mạng lưới giao thông đồng bộ, thông suốt. Ðây là những dự án ưu tiên đầu tư và mang tính động lực thúc đẩy kinh tế-xã hội của vùng Ðồng bằng sông Cửu Long nói chung và Trà Vinh nói riêng.

Khu kinh tế Ðịnh An, tỉnh Trà Vinh là một trong tám khu kinh tế ven biển của cả nước được ưu tiên đầu tư. Ðây là khu kinh tế ven biển đa ngành, lĩnh vực, ưu tiên sản xuất điện năng, hóa dầu, đóng tàu cùng với các ngành công nghiệp phụ trợ khác, đồng thời phát triển dịch vụ, du lịch với các sản phẩm độc đáo gắn với kinh tế cảng, khu phi thuế quan, các khu dân cư đô thị và nông thôn mới.

Ðến nay, khu kinh tế đã thu hút được 16 dự án, tổng vốn hơn 228 nghìn tỷ đồng, quy mô diện tích 7.383 ha, chiếm 70%. Trong đó, dự án Trung tâm Ðiện lực Duyên Hải công suất 4.400 MW, vốn đầu tư khoảng 88 nghìn tỷ đồng, diện tích 650 ha. Sau 9 năm hoạt động, Công ty Nhiệt điện Duyên Hải đã phát lũy kế tổng sản lượng điện đạt hơn 98 tỷ kW giờ, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia cũng như phát triển kinh tế-xã hội, nhất là ở các tỉnh, thành phố phía nam.

Tuyến đường bộ ven biển kết nối các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh có chiều dài khoảng 53 km, quy mô đường cấp 3 đồng bằng với tổng mức đầu tư hơn 11 nghìn tỷ đồng, kế hoạch thực hiện từ nay đến năm 2028. Trong đó, dự án cầu Cửa Ðại kết nối Bến Tre-Tiền Giang, dự án cầu Cổ Chiên 2 kết nối Bến Tre-Trà Vinh được các địa phương đề xuất đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách Trung ương.

Công trình cầu Ðại Ngãi hoàn thành, tuyến Quốc lộ 60 được thông suốt rút ngắn khoảng 80 km so với lưu thông ra tuyến Quốc lộ 1A khi di chuyển từ các tỉnh Cà Mau, Sóc Trăng, Bạc Liêu đến Thành phố Hồ Chí Minh. Nhờ vậy, người dân và doanh nghiệp sẽ giảm được thời gian và chi phí vận chuyển.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu cho biết, thực hiện Quyết định số 886/QÐ-TTg ngày 24/7/2023 của Thủ tướng Chính phủ, từ nay đến năm 2030, tỉnh đang kêu gọi đầu tư vào cảng biển Trần Ðề, tổng nhu cầu vốn khoảng 50 nghìn tỷ đồng. Với diện tích quy hoạch 5.400 ha, cảng biển này bao gồm bến cảng ngoài khơi, khu dịch vụ hậu cần, logistics, cảng trung chuyển hàng hóa,...

Theo đó, cảng sẽ kết nối với các tuyến Quốc lộ 1A, 60, 91, 91B, các tuyến cao tốc đường bộ, tuyến đường thủy nội địa từ cửa sông Hậu đến nước bạn Campuchia. Việc kết nối đồng bộ, thông suốt giao thông vận tải sẽ đánh thức tiềm năng, cơ hội, mở đường thông thương ra biển lớn, tạo đột phá phát triển kinh tế-xã hội cho toàn vùng Ðồng bằng sông Cửu Long.