Tăng cường kiểm soát an toàn thực phẩm sau vụ ngộ độc chè làm 1 người tử vong

NDO - Tối 8/1, Ban Chỉ đạo liên ngành an toàn thực phẩm tỉnh An Giang cho biết, đã ký công văn chỉ đạo tăng cường kiểm soát công tác phòng, chống ngộ độc thực phẩm sau khi xảy ra vụ ngộ độc chè làm 1 người tử vong.
0:00 / 0:00
0:00
Vụ ngộ độc chè ở huyện Chợ Mới làm nhiều người nhập viện.
Vụ ngộ độc chè ở huyện Chợ Mới làm nhiều người nhập viện.

Theo công văn, trong những ngày qua, trên địa bàn huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang đã xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm do một hộ dân tổ chức nấu và cung cấp miễn phí sản phẩm chè đậu trắng cho người dân vào dịp ngày rằm tháng Giêng Xuân Quý Mão. Qua điều tra ban đầu đã có 88 người bị ngộ độc, trong đó có 53 người tự điều trị tại nhà, 35 người nhập viện, có 1 người tử vong.

Khi nhận được thông tin sự việc nêu trên, Sở Y tế đã khẩn trương chỉ đạo Bệnh viện đa khoa trung tâm An Giang, Trung tâm Y tế huyện Chợ Mới tích cực điều trị cho các bệnh nhân nặng đang được chăm sóc tại bệnh viện. Trung tâm Y tế huyện Chợ Mới tiếp tục phối hợp Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tiến hành điều tra vụ ngộ độc và đã gửi mẫu chè của vụ ngộ độc đến Viện Y tế công cộng Thành phố Hồ Chí Minh để kiểm nghiệm.

Theo Ban Chỉ đạo liên ngành an toàn thực phẩm tỉnh, với thực trạng hiện nay trên địa bàn tỉnh có rất nhiều hộ dân, tổ chức xã hội, hội thiện nguyện… tập trung chế biến thức ăn để cho, phát miễn phí đến người dân chung quanh, người viếng thăm tại các nơi tâm linh, tín ngưỡng. Để bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ sức khoẻ nhân dân, phòng ngộ độc thực phẩm xảy ra, Ban Chỉ đạo liên ngành an toàn thực phẩm tỉnh đề nghị các ban, ngành chức năng triển khai một số nội dung sau:

Ngành y tế cần phối hợp các sở, ngành, đơn vị có liên quan kiểm soát chặt chẽ các sản phẩm thực phẩm được cấp, tặng miễn phí, hoặc trong chương trình giới thiệu, quảng cáo, bán hoặc hình thức nhân đạo. Các đơn vị y tế có bếp ăn từ thiện phục vụ thân nhân người bệnh, người bệnh cần rà soát, cập nhật kiến thức an toàn thực phẩm cho các đối tượng thực hiện hoạt động bếp ăn từ thiện; định kỳ giám sát, kiểm tra, chấn chỉnh kịp thời việc tuân thủ các quy định bảo đảm an toàn thực phẩm của bếp ăn tập thể.

Các Trung tâm Y tế huyện, thị xã, thành phố tham mưu Ban Chỉ đạo liên ngành an toàn thực phẩm cấp huyện, phối hợp phòng y tế thực hiện một số nội dung sau: Tăng cường hoạt động truyền thông về an toàn thực phẩm cho người dân và giám sát các bếp ăn tập thể trên địa bàn; tập huấn kiến thức bảo đảm an toàn thực phẩm cho các nhóm đối tượng người chế biến, bảo quản, vận chuyển, phân phát thức ăn tại các nơi tâm linh, tín ngưỡng, nhóm thiện nguyện trên địa bàn dân cư…; tuyên truyền cho người đứng đầu các tổ chức như: chùa, đình, ban trị sự, bếp ăn từ thiện,… biết được những quy định về an toàn thực phẩm và trách nhiệm pháp lý để thực hiện đúng, đề phòng những vụ ngộ độc thực phẩm đáng tiếc xảy ra như trên; phối hợp các đơn vị có liên quan kiểm soát chặt chẽ các sản phẩm thực phẩm được tặng miễn phí, hoặc trong chương trình giới thiệu, quảng cáo, bán hoặc hình thức nhân đạo diễn ra trên địa bàn.