Tăng cường hợp tác và tình đoàn kết Pháp ngữ vì hòa bình và phát triển kinh tế, xã hội

NDO - Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ và các nước thành viên trong Cộng đồng Pháp ngữ luôn giữ một vị trí quan trọng trong chính sách đối ngoại của Việt Nam. Việt Nam luôn chia sẻ và ủng hộ các giá trị và mục tiêu cao cả của Cộng đồng Pháp ngữ, đó là hòa bình, dân chủ và đa dạng văn hóa-ngôn ngữ, đoàn kết, hợp tác và phát triển.
0:00 / 0:00
0:00
Quang cảnh Hội nghị.
Quang cảnh Hội nghị.

Chiều 28/11, tại Đà Nẵng, Hội nghị lần thứ 10 Vùng châu Á-Thái Bình Dương trong Liên minh Nghị viện Pháp ngữ (APF) chính thức khai mạc. Đồng chí Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội dự và phát biểu tại Hội nghị.

Dự Hội nghị có các vị nghị sĩ các Phân ban thành viên khu vực châu Á-Thái Bình dương trong APF, đại diện Tổ chức quốc tế Pháp ngữ, Tổ chức Đại học Pháp ngữ, Tổ chức Y tế thế giới, Quỹ dân số phát triển Liên hợp quốc... đại diện lãnh đạo thành phố Đà Nẵng.

Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội khẳng định: Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng sau hơn 35 năm đổi mới, năm 2022, mặc dù vẫn chịu tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, Việt Nam vẫn đạt được những kết quả nổi bật, kinh tế phục hồi tích cực và cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát. Việt Nam là một trong sáu nước có tỷ lệ bao phủ vaccine cao nhất trên thế giới, nhờ đó, đã kiểm soát tốt dịch bệnh, mở cửa nền kinh tế từ 1/3/2022.

Trong 9 tháng 2022, tăng trưởng GDP đạt 8,83%, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát tăng 2,72%. Vốn FDI thực hiện đạt 15,5 tỷ USD, tăng hơn 16%. Kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 560 tỷ USD, tăng hơn 15%, xuất siêu gần 7 tỷ USD.

Về đối ngoại, thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, rộng mở vì hòa bình, hợp tác và phát triển, thực thi chính sách đối ngoại đa phương hóa, đa dạng hóa, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, Việt Nam đã phát huy vai trò thành viên tích cực và có trách nhiệm của hơn 70 tổ chức, diễn đàn quốc tế quan trọng, như: Liên hợp quốc, ASEAN, APEC, ASEM, WTO...

Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ và các nước thành viên trong Cộng đồng Pháp ngữ luôn giữ một vị trí quan trọng trong chính sách đối ngoại của Việt Nam. Việt Nam luôn chia sẻ và ủng hộ các giá trị và mục tiêu cao cả của Cộng đồng Pháp ngữ, đó là hòa bình, dân chủ và đa dạng văn hóa-ngôn ngữ, đoàn kết, hợp tác và phát triển. Đây cũng là những mục tiêu mà Nhà nước và nhân dân Việt Nam đang nỗ lực thực hiện trong công cuộc đổi mới toàn diện hiện nay và đã đạt được những thành tựu quan trọng trên nhiều lĩnh vực.

Việt Nam luôn chia sẻ và ủng hộ các giá trị và mục tiêu cao cả của Cộng đồng Pháp ngữ, đó là hòa bình, dân chủ và đa dạng văn hóa-ngôn ngữ, đoàn kết, hợp tác và phát triển.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn

Quốc hội Việt Nam đã và đang tích cực đổi mới các hoạt động theo hướng hiệu quả, thiết thực trên tinh thần dân chủ và pháp quyền. Trong những năm qua, với sự nỗ lực, đoàn kết và gắn bó mật thiết với nhân dân, Quốc hội Việt Nam đã xây dựng được một hệ thống pháp luật đủ về số lượng, ngày càng nâng cao về chất lượng trên tất cả các lĩnh vực quan trọng của đời sống xã hội.

Trên kênh ngoại giao liên nghị viện, Quốc hội Việt Nam là thành viên tích cực và có trách nhiệm của các tổ chức liên nghị viện khu vực và thế giới như: Liên minh Nghị viện thế giới (IPU), Liên minh nghị viện Pháp ngữ (APF), Diễn đàn nghị viện châu Á-Thái Bình Dương (APPF), Hội đồng liên nghị viện các nước Đông Nam Á (AIPA) và nhiều tổ chức liên nghị viện khác.

Quốc hội Việt Nam đánh giá cao vai trò của APF với các mục tiêu thúc đẩy và bảo vệ dân chủ, nhà nước pháp quyền, tôn trọng quyền con người, duy trì và phát triển sự đa dạng ngôn ngữ và văn hóa, APF đã tham gia ngày càng tích cực vào các hoạt động quốc tế, khởi xướng và triển khai các hoạt động thúc đẩy hợp tác liên nghị viện, tăng cường mối quan hệ hữu nghị, đoàn kết giữa các thể chế nghị viện, đặc biệt là trong Cộng đồng Pháp ngữ.

Trong những năm gần đây, thế giới đã trải qua những biến động khó lường, biến đổi khí hậu, khủng hoảng y tế, các cuộc xung đột kéo theo những hệ lụy chưa từng có về kinh tế, xã hội... đã ảnh hưởng trực tiếp đến từng quốc gia, chính vì vậy, sự đoàn kết, hợp tác chặt chẽ của cộng đồng quốc tế là vô cùng cần thiết để vượt qua những khó khăn, trở ngại.

Diễn ra ngay sau Hội nghị Thượng đỉnh Pháp ngữ Djerba, Tunisie, Hội nghị lần thứ 10 vùng châu Á-Thái Bình Dương trong APF với những định hướng chiến lược mới, mở ra triển vọng kết nối đa dạng, ứng dụng công nghệ số, tăng cường sử dụng ngôn ngữ tiếng Pháp, nâng cao vai trò của phụ nữ và thanh niên, hướng tới phát triển và đoàn kết trong không gian Pháp ngữ vì một tương lai tốt đẹp hơn.

Cùng với đó, Hội nghị lần thứ 27 các Bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về Biến đổi khí hậu (COP27) vừa bế mạc đã thông qua thỏa thuận khí hậu tổng quát cuối cùng, theo đó nhất trí thành lập Quỹ "Tổn thất và Thiệt hại" sẽ bao gồm các khoản chi trả cho những tổn thất và thiệt hại do tác động của biến đổi khí hậu gây ra.

Tăng cường hợp tác và tình đoàn kết Pháp ngữ vì hòa bình và phát triển kinh tế, xã hội ảnh 1
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn: Hội nghị là cơ hội trao đổi kinh nghiệm thực tiễn, thúc đẩy hợp tác.

Đồng chí Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh: Hội nghị lần thứ 10 vùng châu Á-Thái Bình Dương trong APF là cơ hội trao đổi kinh nghiệm thực tiễn, thúc đẩy hợp tác, có những đóng góp tích cực đối với APF và Tổ chức quốc tế Pháp ngữ, nhằm tăng cường vai trò của khối Pháp ngữ tại khu vực; đồng thời, thảo luận nhiều nội dung quan trọng.

Đó là Tính cấp thiết của hợp tác quốc tế có trách nhiệm và bền vững trong lĩnh vực biến đổi khí hậu; Vai trò của nghị viện trong kiểm soát khủng hoảng y tế, tái thiết và phát triển kinh tế-xã hội. Đây là những chủ đề rất thời sự và vô cùng cần thiết đối với khu vực châu Á-Thái Bình Dương, trong bối cảnh khu vực chịu tác động nặng nề đại dịch Covid-19, tình hình biến đổi khí hậu hết sức phức tạp tại Campuchia, Lào, Việt Nam cũng như các quần đảo Nam Thái Bình Dương. Việc tăng cường hợp tác nhằm tìm ra các giải pháp sáng tạo cho những thách thức đa chiều mà các nước Pháp ngữ đang phải đối mặt.

Trong nỗ lực đổi mới, thúc đẩy hợp tác kinh tế trong Cộng đồng Pháp ngữ, tiếp nối thành công của chuyến thăm của bà Tổng Thư ký Pháp ngữ cùng Đoàn xúc tiến thương mại đầu tiên của Pháp ngữ với hơn 100 doanh nghiệp Pháp ngữ tháng 3/2022 tại Việt Nam và Campuchia, đại biểu dự Hội nghị lần thứ 10 Vùng châu Á-Thái Bình Dương trong APF đã có chuyến tham quan thực tế tại Tập đoàn Viễn thông-Quân đội Viettel. Đây là Tập đoàn đã có các dự án hợp tác rất thiết thực tại nhiều quốc gia như Campuchia, Lào, Burundi, Cameroun, Haiti, Tanzanie...

Thông qua Hội nghị lần này, các nghị sĩ Pháp ngữ sẽ tăng cường vai trò cầu nối đóng góp vào việc thiết lập và củng cố các mối quan hệ đối tác thương mại hiệu quả giữa các thành phần kinh tế trong không gian Pháp ngữ, góp phần hiện thức hóa ý tưởng về một Pháp ngữ kinh tế sâu rộng - ý tưởng khởi nguồn từ chủ đề của Hội nghị cấp cao Pháp ngữ lần thứ 7 tại Việt Nam năm 1997 về “Tăng cường hợp tác và tình đoàn kết Pháp ngữ vì hòa bình và phát triển kinh tế, xã hội”.

Phát biểu chào mừng tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Quảng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng cho biết: Trong thời gian qua, hoạt động đối ngoại của Đà Nẵng đã và đang có những bước khởi sắc với nhiều sự kiện, hội nghị, hội thảo quốc tế quy mô lớn được tổ chức thành công, tiêu biểu là tổ chức thành công Tuần lễ cấp cao APEC 2017.

Tăng cường hợp tác và tình đoàn kết Pháp ngữ vì hòa bình và phát triển kinh tế, xã hội ảnh 2

Khai mạc Hội nghị lần thứ 10 Vùng châu Á-Thái Bình Dương trong Liên minh Nghị viện Pháp ngữ (APF).

Đến nay, thành phố Đà Nẵng đã thiết lập quan hệ hữu nghị, hợp tác với 47 địa phương của 22 quốc gia và vùng lãnh thổ với 103 thỏa thuận đã được ký kết. Trong đó, quan hệ hợp tác giữa Đà Nẵng và các quốc gia trong cộng đồng Pháp ngữ tiếp tục được củng cố và phát triển trên nhiều lĩnh vực.

Những sự kiện âm nhạc, điện ảnh Pháp, ngày hội Pháp ngữ, các hoạt động hữu nghị hợp tác diễn ra thường xuyên tại thành phố Đà Nẵng chính là minh chứng cho những nỗ lực hợp tác giữa các tổ chức Pháp ngữ và thành phố Đà Nẵng. Thông qua những sự kiện này, người dân thành phố Đà Nẵng và du khách quốc tế đã phần nào hiểu hơn, gần gũi hơn với văn hóa, con người Pháp.

Trong khuôn khổ Hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã có các cuộc làm việc song phương với ngài Rốc Oa-mi-tan, Chủ tịch Nghị viện lãnh thổ Nouvelle-Calédonie và các vị đại biểu Quốc hội Nouvelle-Calédonie; Ngài Gát-xờ-tông Toong Sang, Chủ tịch Quốc hội lãnh thổ Polynesia và các vị đại biểu Quốc hội Polynesia.

Hội nghị diễn ra trong 4 ngày, từ 28/11 đến 1/12/2022.